Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Từ ngày 13/10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường 3/2. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Đại hội sẽ tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo 5 năm qua và đề ra chủ trương, nhiệm vụ lãnh đạo địa phương trong 5 năm tới; đồng thời góp phần vào tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh của toàn Đảng cũng như đề ra các chủ trương lãnh đạo đất nước trong 5 năm, 10 năm tới, hướng đến 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm đất nước giành độc lập.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội đề ra với nhiều chỉ số, lĩnh vực dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, một số mặt nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu nhiệm vụ 5 năm tới, với phương châm chỉ đạo của Đảng bộ trong tình hình mới là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo, nhằm đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước vào năm 2025.

Trong không khí các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang tưng bừng các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, BBT website Sở GD&ĐT trân trọng giới thiệu tài liệu tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn để các đồng chí cán bộ, đảng viên được biết.

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025

 

A. Ý nghĩa, tầm quan trọng và phương châm chỉ đạo, chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX:

1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến sẽ tổ chức từ 13h00 phút ngày 13/10/2020 đến hết buổi sáng ngày 16/10/2020, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, quảng trưởng 3/2, đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Đại hội được tiến hành trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều thay đổi tích cực, hội nhập cùng phát triển, song cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm cho nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, đời sống của người dân ở các nước gặp khó khăn; cùng với đó kinh tế trong nước bên cạnh những thành tựu quan trọng thì những năm cuối nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid- 19; song được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực cho đầu tư và phát triển, kết quả thực hiện đã đạt toàn diện trên các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện và năng động với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, đây là những yếu tố cơ bản, đồng bộ để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc trong những năm tới.

Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo 5 năm vừa qua và đề ra chủ trương, nhiệm vụ lãnh đạo địa phương 5 năm tới, đồng thời góp phần vào tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh của toàn Đảng cũng như đề ra các chủ trương lãnh đạo đất nước trong 5 năm và 10 năm tới, hướng đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm đất nước giành độc lập. Đại hội XIX của Đảng bộ có nhiệm vụ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tham gia ý kiến góp ý các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

2. Phương châm chỉ đạo, chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Sau khi được thảo luận qua nhiều cấp độ, tiếp thu, chỉnh sửa. Đại hội XIX của Đảng bộ xác định.

- Phương châm chỉ đạo của Đảng bộ trong tình hình mới là: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo";

- Chủ đề Đại hội lần thứ XIX: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy truyền thống văn hóa, sức mạnh toàn dân; đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025".

B. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2020 – 2025:

I. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020

1. Những kết quả đạt được

Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn biến trên toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, kinh tế trong nước những năm cuối nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn; song được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thực hiện đạt kết quả toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và năng động với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, tạo lập được các yếu tố cơ bản, đồng bộ để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc trong những năm tới:

Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu Đại hội đề ra với nhiều chỉ số, lĩnh vực dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, một số mặt nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn đạt 14%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (10-11%/năm). Tốc độ tăng thu ngân sách cao, bình quân đạt 18,9%/năm; thu ngân sách năm 2020 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần mục tiêu Đại hội (5.200 tỷ đồng). Quy mô GRDP năm 2020 ước đạt gần 123 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015 (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước, tăng 1.470 USD so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7% (tăng 15,1% so với năm 2015); dịch vụ chiếm 24,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 230 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho gần 30 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 là 70%, tăng 19,5%, đạt mục tiêu đại hội. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,5%, giảm 10,43% so với năm 2015, bình quân giảm trên 2%/năm; tỷ lệ tái nghèo hằng năm không quá 0,6%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (1,5%). Xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (35-40%), có 03 huyện (Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên) đạt huyện nông thôn mới trước kế hoạch. Hiệu quả mang lại từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến đời sống người dân và diện mạo của vùng nông thôn.

1.1. Tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; quy mô, chất lượng nền kinh tế của tỉnh được tăng lên; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; công nghiệp phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 23,7%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội (14-15%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 28,8%/năm, vượt mục tiêu. Quy mô giá trị sản xuất (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt trên 271 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực FDI chiếm 85%, tăng 14,4% so với năm 2015; khu vực ngoài quốc doanh 12,3% và khu vực nhà nước 2,7% chiếm tỷ trọng ngày càng giảm.

Kết quả thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ cao nhất từ trước đến nay, tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực đã tăng 1.756 dự án, gấp 2,1 lần so với năm 2015; trong đó, có 1.292 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 91.180 tỷ đồng; 464 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 6,157 tỷ USD.

Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đạt kết quả tích cực và là điểm sáng của cả nước; trong nhiệm kỳ có trên 6.000 doanh nghiệp thành lập mới (bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp), với tổng vốn đăng ký 61 nghìn tỷ đồng; lũy kế đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 10.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký 82,5 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 17,6%/năm (vượt mục tiêu đề ra - 10.000 doanh nghiệp). Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy đạt 81,7%), 40 cụm công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy đạt 66%), với trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, các hàng hóa chủ lực có chất lượng. Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành bình quân đạt 1,9%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 2,84%, năm 2020 (giá hiện hành) ước đạt 32.385 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 110 triệu đồng, hoàn thành mục tiêu Đại hội. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

Dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành bình quân đạt 6,6%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 7,5%/năm, năm 2020 (giá hiện hành) ước đạt 43.340 tỷ đồng. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp đến các thôn, bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt 31.800 tỷ đồng. Xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 2020 giá trị xuất khẩu đạt 11,12 tỷ USD, vượt 71% mục tiêu Đại hội.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực. Đã đầu tư và phối hợp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số dự án giao thông trọng điểm, như: Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai IV Hà Nội, Quốc lộ 17, 37, ĐT293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, ĐT295, cầu Đồng Sơn và đường lên cầu. Tăng cường đầu tư hệ thống giao thông nông thôn; tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển chưa từng có từ trước đến nay, chỉ trong hơn 02 năm (cuối năm 2017 và năm 2018, 2019) toàn tỉnh đã bê tông hóa theo tiêu chuẩn và quy chuẩn 4.231 km. Tính đến hết năm 2020: Tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 95%, tăng 15%; đường xã đạt 97%, tăng 27%; đường thôn, bản 87%, tăng 32% so với năm 2015.

Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tiến bộ; tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2; cung cấp 672 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 256 dịch vụ công mức độ 4. Tiếp tục duy trì và ứng dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 100% sở, ngành, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

Công tác phòng, chống tham nhũng được tập trung lãnh đạo và đạt một số kết quả tích cực. Đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Trong nhiệm kỳ, đã tiến hành 573 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực; qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 190 tỷ đồng, 4.255 ha đất, đã chỉ đạo thu hồi về ngân sách nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc sai phạm, với 47 đối tượng; khởi tố, điều tra 52 vụ án tham nhũng, kinh tế, với 96 bị can.

1.2. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều lĩnh vực duy trì thứ hạng tốp đầu khu vực và cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia luôn duy trì trong nhóm 12 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; hằng năm có trên 12 nghìn học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt cao (99,5% trẻ mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 99,29% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 các hệ đạt 87,3%). Chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được chăm lo ngày càng tốt hơn; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu đại hội đề ra; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho gần 30 nghìn lao động, đạt mục tiêu Đại hội. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 2020, tỷ lệ lao động ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 37,6%, tăng 14,4%; ngành dịch vụ chiếm 24%, tăng 3,3%; ngành nông nghiệp chiếm 38,4%, giảm 17,7% so với năm 2015. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 99%, tăng 25% so với năm 2015, vượt mục tiêu Đại hội; số giường bệnh/01 vạn dân đạt 27 giường, tăng 6,8 giường so với năm 2015, vượt mục tiêu Đại hội. Quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây mới nhiều công trình, cơ sở y tế hiện đại, gắn với phát triển nhân lực, nâng cao y đức của đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế các cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế ở các tuyến. Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 14,8% năm 2015 xuống dưới 12% năm 2020.

1.3. Công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Ðảng tiếp tục được nâng lên, đoàn kết thống nhất trong Ðảng được tăng cường. Năm 2019, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,3%, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 88,4%, vượt mục tiêu Đại hội. Kết nạp đảng viên mới được quan tâm nâng cao chất lượng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được trên 1,1 vạn đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh lên gần 8,7 vạn đảng viên.

Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được quan tâm. Đã chỉ đạo, tổ chức tổng kết, đánh giá nhiều mô hình để kịp thời đúc rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian tiếp theo. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường góp phần giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra 5.100 lượt tổ chức đảng, 39.863 lượt đảng viên, giám sát chuyên đề 2.955 tổ chức đảng, 24.321 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 672 tổ chức đảng và 1.570 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 4.773 lượt tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm tra 3.983 lượt tổ chức đảng về thi hành kỷ luật trong Đảng; giám sát chuyên đề đối với 1.923 tổ chức đảng và 2.557 đảng viên. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền và đoàn thể; trong nhiệm kỳ, đã thi hành kỷ luật 34 tổ chức đảng, 2.124 đảng viên, tăng 157 đảng viên. Giải quyết kịp thời các tố cáo, khiếu nại kỷ luật trong Đảng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các cấp ủy chú trọng lãnh đạo và có chuyển biến tích cực. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với các hành vi tham nhũng. Trong nhiệm kỳ, đã tiến hành 573 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực; qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 190 tỷ đồng, 4.255 ha đất, đã chỉ đạo thu hồi về ngân sách nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc sai phạm, với 47 đối tượng; khởi tố, điều tra 52 vụ án tham nhũng, kinh tế, với 96 bị can.

Hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền được tăng cường, đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, rõ nhiệm vụ từng tổ chức và cá nhân, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Mối quan hệ công tác giữa hội đồng nhân dân với ủy ban nhân dân ngày càng chặt chẽ, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hoạt động. Một số chủ trương, cơ chế, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã được ban hành phù hợp, tạo động lực phát triển. Tổ chức bộ máy các cấp từng bước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả; đã tiến hành sắp xếp 40 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 19 đơn vị; sáp nhập 679 thôn, bản, tổ dân phố để thành lập 362 thôn, bản, tổ dân phố mới; giảm 11 phòng và 02 chi cục thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; sắp xếp lại 1.155 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm được 142 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản biên chế được 1.452 người (công chức 71 người; viên chức sự nghiệp 1.503 người; cán bộ, công chức cấp xã 327 người; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 01 người); giảm khoảng 1.206 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố. Tăng cường thực hiện giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần giảm hơn 1.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại 07 công ty cổ phần; giải thể một số ban chỉ đạo hoạt động kém hiệu quả...

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, hội quần chúng có bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, tăng cường các biện pháp tập hợp đoàn viên, hội viên; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy; các nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được quan tâm giải quyết. Nhiều hoạt động đã được triển khai, nổi bật là: Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tết vì người nghèo”, vận động xây dựng nhà đại đoàn kết để xây mới và sửa 2.760 nhà dột, nát; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc tôn giáo trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Các cấp Công đoàn thường xuyên quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” trong công nhân, lao động. Hội nông dân tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các cấp hội phụ nữ thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ và hội viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hội cựu chiến binh làm tốt công tác vận động cựu chiến binh gìn giữ, phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”; gương mẫu, hăng hái thi đua phát triển kinh tế, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ... Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu niên gắn với các phong trào thi đua, tình nguyện của tuổi trẻ và thực hiện các công trình, phần việc thanh niên...

1.4. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh- đối ngoại được quán triệt, triển khai toàn diện và đạt hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thực hiện bố trí lực lượng công an chính quy ở 100% xã, thị trấn. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nền nếp, đạt kết quả tích cực. Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được xem xét, giải quyết kịp thời; chất lượng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Các vụ việc phức tạp, kéo dài, đặc biệt là vụ việc liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng đã được kiểm tra, rà soát, tổ chức đối thoại, công khai kết quả giải quyết, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm. Công tác thi hành án dân sự được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực; tăng cao so với nhiệm kỳ trước. An ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh trong công nhân được giữ vững ổn định.

II. Những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân

1. Những hạn chế, khuyết điểm

- Kinh tế tăng trưởng cao, song chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất lao động còn thấp. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Chất lượng các dự án thu hút đầu tư chưa cao, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Sản xuất nông nghiệp đa phần quy mô nhỏ. Dịch vụ phát triển chậm, tốc độ chưa theo kịp phát triển công nghiệp... Chất lượng phát triển đô thị chưa cao; công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều bất cập.

- Chất lượng một số hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cải thiện còn chậm. Quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa ở một số địa phương chưa nghiêm...

- Công tác quốc phòng, quân sự địa phương còn có mặt hạn chế. Tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông trên địa bàn còn ở mức cao; điều tra, truy tố, xét xử trên một số mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu.

- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa thực sự đi vào chiều sâu; việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng chưa phản ánh hết thực trạng tình hình tham nhũng, tiêu cực xảy ra.

- Quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp có mặt còn hạn chế. Quản lý nhà nước trên một số mặt còn lỏng lẻo, sơ hở.

- Công tác giám sát, phản biện chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế đòi hỏi.

- Công tác giáo dục tư tưởng chính trị có mặt hạn chế; nắm tư tưởng, định hướng dư luận xã hội ở một số nơi chưa kịp thời, chưa tạo sự đồng thuận xã hội. Một số hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa hiệu quả

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng yếu. Tự phê bình và phê bình ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn hình thức, tính chiến đấu thấp.

Chất lượng một số cuộc kiểm tra, giám sát còn hạn chế, xử lý vi phạm sau kiểm tra chưa kiên quyết. Công tác dân vận ở một số việc, một số nơi chưa hiệu quả, nhất là công tác dân vận chính quyền.

2. Nguyên nhân những hạn chế, khuyết điểm

* Nguyên nhân khách quan: Kinh tế thế giới có nhiều biến động và tăng trưởng chậm; kinh tế trong nước còn khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Quy mô, tiềm lực nền kinh tế của tỉnh chưa lớn mạnh.

* Nguyên nhân chủ quan

- Tư duy, tầm nhìn trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa theo kịp với xu thế phát triển và hội nhập của nền kinh tế.

- Việc cụ thể hóa triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị và cơ chế, chính sách của Trung ương vào thực tế còn thiếu sáng tạo, cụ thể, thiếu tính toàn diện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

III. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025

1. Định hướng phát triển

(1). Phát triển toàn diện các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy... Phát triển vì mục tiêu con người, lấy chỉ số phát triển con người là thước đo đối với các chỉ số phát triển địa phương.

(2). Tổ chức cơ cấu lại các ngành kinh tế theo thứ tự quy mô: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, rừng và khoáng sản,...

(3). Phát triển địa phương dựa trên nền tảng, động lực cơ bản: Tri thức và văn hóa tinh thần.

(4). Tăng cường đề cao sự tuân thủ pháp luật, củng cố và tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý và điều hành theo pháp luật của cơ quan nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức. Phát huy cao độ quyền dân chủ nhân dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.

(5). Thường xuyên củng cố và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Xây dựng và củng cố khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Xây dựng địa phương có môi trường an ninh an toàn.

(6). Xây dựng Đảng bộ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đảng viên. Bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng trên các mặt của đời sống xã hội. Lãnh đạo xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không trùng chéo, xây dựng Đảng bộ vì một mục tiêu phát triển toàn diện của địa phương...

2. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Các tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao độ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định để phát triển. Phấn đấu Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước. Vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khẳng định ở tầm cao mới.

3. Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm 14-15%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 68,4%; Dịch vụ 20,6%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 11%. (2) GRDP bình quân đầu người: 5.500-6.000 USD. (3) Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 14-16%/năm. (4) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 470 nghìn tỷ đồng. (5) Số giường bệnh/vạn dân (không tính trạm y tế cấp xã) đạt 31,7 giường. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 99% dân số. Tuổi thọ của người dân trung bình đạt 75 tuổi. (6) Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,0%; trong đó các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. (7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo 25,1%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị khoảng 2,6%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48,6%; lĩnh vực dịch vụ khoảng 25,7%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 25,7%. (8) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 96,4%, mức độ 2 đạt 21,4%. (9) Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 85% (thành thị 96%, nông thôn 75%); tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ dân số được dùng nước sạch (đạt tiêu chuẩn QCVN02 trở lên) đạt 82,7% (trong đó tỷ lệ dân số thành thị đạt 94,8%; tỷ lệ dân số nông thôn đạt tiêu chuẩn QCVN02 trên 80%). (10) Tỷ lệ dân số đô thị đạt 32,4%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 84,8%, có 06/09 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 85%; 90% xã có đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, cấp xã. (11) Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90% trở lên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 84% trở lên.

4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

4.1. Về kinh tế: Phát triển nhanh công nghiệp - xây dựng với tốc độ cao, lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 19,2%/năm, trong đó công nghiệp đạt 20,1%/năm, xây dựng đạt 13%/năm. Xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Triển khai ít nhất 4-5 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư công nghệ hiện đại. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện nông thôn. Quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả thu ngân sách nhà nước, từng bước tiến tới tự cân đối thu chi thường xuyên của tỉnh. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 470 nghìn tỷ đồng, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Xây dựng các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên trên địa bàn, nhất là tài nguyên đất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường tự nhiên với môi trường xã hội ở các khu công nghiệp, đô thị, dân cư. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, trọng tâm là kinh tế rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong tỉnh.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm của địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cầu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện, nước... Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác, phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ...

4.2. Về giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội:

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh và chữa bệnh; củng cố hệ thống y tế dự phòng, bảo đảm phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Nâng cao chất lượng điều trị thật sự ở các cơ sở, các tuyến y tế, trọng tâm là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trên các lĩnh vực. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế, mở rộng quy mô, nâng cấp, nâng hạng bệnh viện tuyến tỉnh, thành lập chuyên khoa sâu, triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại... Nâng cao khả năng phòng dịch và xử lý chống dịch của các trung tâm y tế... Tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan tâm giáo dục tư tưởng, lối sống cao đẹp cho mọi người dân...

4.3. Về quốc phòng - an ninh, đối ngoại:

Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, có sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đổi mới cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công an xã chính quy. Tập trung giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.

4.4. Về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị:

Tập trung xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; bộ máy hành chính nhà nước trong tỉnh thật sự tinh gọn, năng động, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp cao trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thực chất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết và chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đẩy mạnh giáo dục lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Xác định và lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả trong từng giai đoạn cụ thể.

Nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền đối với hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, thi đua sản xuất kinh doanh, thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân lập công xuất sắc.

5. Một số nhiệm vụ trọng tâm mang tính giải pháp đột phá trong 5 năm tới

(1). Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, hạt nhân của hạt nhân là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

(2). Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.

(3). Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.

(4). Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Phát huy truyền thống văn hiến của quê hương cách mạng - anh hùng, kế thừa những kinh nghiệm quý báu cùng thành quả to lớn của gần 35 năm đổi mới đất nước, với quyết tâm chính trị cao và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nguyện tiếp tục đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Nguồn: Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, trình tại Đại hội lần thứ XIX .

TTH, VP Sở

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,875
Tổng số trong ngày: 25,424
Tổng số trong tuần: 52,392
Tổng số trong tháng: 607,329
Tổng số trong năm: 3,558,104
Tổng số truy cập: 16,703,236