Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
        Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg, ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Kế hoạch số 366/KH-BGDĐT, ngày 28/6/2010 và Công văn số 3707/BGDĐT-PC, ngày 28/6/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc hướng dẫn triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Quyết định số 1467/QĐ-BGDĐT, ngày 15/4/2010 của Bộ GDĐT Ban hành danh mục thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường mầm non, phổ thông; Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Sở GDĐT Bắc Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” như sau:

        I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
        1. Mục đích
        Thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ và 10 giải pháp trong Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Làm tốt việc phối hợp với các lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đảm bảo các điều kiện (về đội ngũ nhà giáo, cán bộ, báo cáo viên, chương trình, tài liệu, thiết bị…) cho việc triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục.

        Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.

        2. Yêu cầu
        - Các hoạt động phải bám sát với nội dung của Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, đảm bảo tiến độ thực hiện mà Chính phủ đã phê duyệt.

        - Nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, thực tế của địa phương theo hướng học đi đôi với hành, kết hợp giáo dục chính khoá với ngoại khoá, lồng ghép một cách hợp lý các kiến thức pháp luật vào môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật và các môn học khác trong chương trình.

        - Chủ động phối hợp với các lực lượng làm công tác PBGDPL trong và ngoài ngành giáo dục.

        II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
       1. Tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp.

        2. Tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, phát hành tài liệu, xây dựng tủ sách pháp luật, thi tìm hiểu, tư vấn pháp luật, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đợt sinh hoạt chính trị, ngoại khóa.

        3. Tuyên truyền, phổ biến thông qua hệ thống thông tin đại chúng của địa phương, nhà trường. Xây dựng trang thông tin PBGDPL trên website của đơn vị, sử dụng các phương tiện để truyền tải kịp thời các quy định pháp luật cũng như tình hình giáo dục pháp luật đến từng đối tượng.

        4. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ làm công tác PBGDPL trong nhà trường.
        - Bố trí đủ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc được bồi dưỡng cơ bản về pháp luật để giảng dạy pháp luật.
        - Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo.

        5. Bổ sung kịp thời tài liệu, thiết bị phục vụ công tác dạy và học pháp luật trong nhà trường. Biên soạn nội dung các tờ rơi, sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi, xây dựng phần mềm hỗ trợ dạy và học, tổ chức các cuộc đố vui pháp luật.

        6. Hỗ trợ vùng khó khăn: hỗ trợ tài liệu, thiết bị, tủ sách pháp luật và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ, báo cáo viên pháp luật cho một số cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

        III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
        1.Nâng cao chất lượng dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật trong chương trình chính khóa
        1.1 Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân và Pháp luật
        - Giáo viên dạy học thực hiện chuẩn kiến thức do Bộ GDĐT quy định, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên. Lựa chọn phương pháp phù hợp với lứa tuổi, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên.

        - Khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của học sinh, sinh viên; coi trọng việc thực hành vận dụng, tổ chức hình thức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp bằng hình thức: kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, xem phim tư liệu; tích cực tham gia thảo luận, trình bày nhận thức hoặc trao đổi các vấn đề trong thực tế đời sống hàng ngày liên quan đến nhận thức, thực hiện pháp luật.

        - Tích cực, chủ động sử dụng có hiệu quả bộ công cụ hỗ trợ dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật theo quy định của Bộ GDĐT;

        - Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật trong nhà trường.

        1.2 Nâng cao ý thức, nhận thức giáo dục pháp luật trong nhà trường
        - Xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành.

        - Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên phải nâng cao nhận thức, có ý thức tốt trong việc học tập, nghiên cứu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy quy định của đơn vị.  

        - Năm học 2011-2012 tổ chức thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân ở bậc THCS và THPT.

        1.3 Triển khai thực hiện đối với từng bậc học, cấp học
        Lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một các hợp lý, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả thiết thực đối với từng đối tượng:

        - Đối với Giáo dục mầm non: Việc hình thành những thói quen về hành vi đạo đức là chủ yếu, có lồng ghép một số nội dung giáo dục pháp luật như: an toàn giao thông, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm… thông qua các trò chơi phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số thói quen thực hiện những hành vi đúng, làm theo các chuẩn mực đạo đức xã hội, tuân theo pháp luật của nhà nước.

        - Đối với Giáo dục phổ thông, Giáo dục chuyên nghiệp: Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, môn Pháp luật theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền cơ bản của công dân. Chú trọng các nội dung gắn với cuộc sống hàng ngày của học sinh, sinh viên như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chế thi cử, kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của trẻ em, học sinh… Đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen ứng xử có văn hóa theo pháp luật của học sinh, sinh viên.

        2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên PBGDPL trong các nhà trường, đơn vị
        Rà soát đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác PBGDPL; đào tạo và đào tạo lại, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật:
        - Đào tạo giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cho các trường trung học cơ sở đủ đáp ứng yêu cầu.

        - Bồi dưỡng chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật chưa qua đào tạo.

        - Tiếp tục tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn Đạo đức, Giáo dục công dân.

        - Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy định kỳ cho cán bộ phụ trách công tác PBGDPL, giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Pháp luật vào dịp hè hàng năm.

        3. Tăng cường việc PBGDPL trong trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng
        - Đa dạng hóa các hoạt động PBGDPL và lồng ghép hoạt động PBGDPL với việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các ngày kỷ niệm trong năm.

        - Tổ chức đưa thông tin pháp luật trên bản tin phát thanh, bảng tin, website của trường, hệ thống phát thanh học đường.

        - Giới thiệu giáo viên và học sinh, sinh viên địa chỉ các website về pháp luật.

        4. Các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL
        4.1 Đối với giáo viên
        Bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, môn Pháp luật phù hợp ngành học, bậc học, cấp học.

        4.2 Đối với cán bộ làm công PBGDPL trong nhà trường
        Các nhà trường, đơn vị phân công lãnh đạo phụ trách công tác PBGDPL, đồng thời cử cán bộ chuyên trách thực hiện công tác PBGDPL. Xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

        4.3 Tài liệu, thiết bị, kinh phí
        - Trang bị đủ theo danh mục thiết bị, tài liệu cơ bản của Bộ GDĐT phục vụ công tác soạn giảng, PBGDPL. Cung cấp đủ tài liệu PBGDPL phổ thông do Bộ GDĐT biên soạn: bổ sung tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật theo hướng cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là chú trọng đến các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

        - Xây dựng tủ sách pháp luật trong nhà trường, bổ sung tài liệu vào thư viện trường, thiết bị phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật: sách pháp luật, báo pháp luật; cung cấp tài liệu, tờ rơi phù hợp lứa tuổi.

        - Trang bị pa nô, áp phích phục vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với lứa tuổi. Xây dựng phần mềm hỗ trợ cho việc giảng dạy, tìm hiểu, tổ chức cuộc thi đố vui tìm hiểu pháp luật.

        - Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn huy động hợp pháp khác.

        - Hàng năm các đơn vị căn cứ vào kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường của Sở để xây dựng dự toán chi tiết cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đã giao cho đơn vị.

        IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
        1. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cùng với Kế hoạch thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 2008 - 2012 ban hành theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

        2. Định kỳ kết thúc học kỳ, kết thúc năm học các đơn vị trực thuộc Sở, phòng GDĐT các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Đề án. Thời hạn báo cáo: Sơ kết học kỳ (trước ngày 15/12); báo cáo tổng kết năm học (trước ngày 15/6) gửi về Sở GDĐT (Thanh tra Sở) để tổng hợp báo cáo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh, UBND tỉnh, Bộ GDĐT.

        3. Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị tổng hợp gửi về Sở GDĐT để chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.

Nguồn: Kế hoạch số 560/KH-SGD&ĐT, ngày 24/5/2011;
Chi tiết Kế hoạch trong tệp đính kèm.
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 17,795
Total visited in day: 11,342
Total visited in Week: 38,310
Total visited in month: 593,247
Total visited in year: 3,544,022
Total visited: 16,689,154