“Ta cùng nhau một nhà” - món quà quê cho tuổi thơ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Một lần tình ngờ, cầm trên tay tuyển tập thơ “Ta cùng nhau một nhà” của tác giả Dương Ngà in tại Nhà xuất bản Trẻ năm 2010, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những vần thơ dành cho thiếu nhi thật chân thực, xúc động của một tác giả đã qua tuổi “xưa nay hiếm”.
Trong văn học đương đại, thơ viết cho thiếu nhi chưa nhiều bởi nhiều lí do, thiết nghĩ những bài thơ của tác giả trong tập thơ giống như những bông hoa nhỏ nhắn nhưng không kém hương sắc dành tặng cho lứa tuổi thiếu nhi, góp phần không nhỏ bồi dưỡng tâm hồn và những tình cảm hồn nhiên ở lứa tuổi các em.

Thơ viết cho thiếu nhi không khó viết bởi lẽ không đòi hỏi sử dụng công hay những hình thức nghệ thuật cầu kì, phức tạp nhưng chính từ điều này cũng là một trở ngại đối với người nghệ sĩ. Bởi lẽ, những bài thơ cho con trẻ chỉ thực sự tồn tại khi được viết ra bởi tình yêu, sự hóa thân hết mình của tác giả với lối suy nghĩ, cách lí giải nhiều khi chỉ trẻ con mới có mà người lớn với lí trí tỉnh táo sẽ không thể ngờ tới. Tôi đã từng đọc những vần thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh viết cho con:

“Mẹ ơi mẹ có con dế

Ngay trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế”

Và một lần nữa khi đọc những bài thơ của tác giả Dương Ngà tôi lại bắt gặp những xúc cảm lạ lùng với những vần thơ viết thật mộc mạc:

“Đố biết ai khỏe nhất

Chỉ có mẹ em thôi

Trên vai, thùng sóng sánh

Lại đầy trăng một đôi”

(Nhất Mẹ)

Thơ viết về mẹ từ trước tới nay không thể kể hết. Thơ viết cho thiếu nhi cũng muôn vàn nhưng sự khác biệt sẽ làm nên giá trị để bài thơ tồn tại trong lòng độc giả. Bài thơ này là một minh chứng. Ba câu đầu giống như lời nói hồn nhiên của con trẻ. Cách nói vừa dí dỏm vừa mang giọng khẳng định rất trẻ con, rất phù hợp với tâm tư các em. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì bài thơ xem ra chưa vững bởi tứ thơ chưa rõ ràng và chưa thấy chất thơ. Câu thơ thứ tư đã đưa ra một sự ngạc nhiên: “Lại đầy trăng một đôi”. Câu thơ đẹp bởi hình ảnh. Trăng là vậy! Trăng muôn đời vẫn đẹp vẻ lung linh huyền ảo. Trong bài thơ, vẻ đẹp ấy còn được nhân lên gấp bội với hình ảnh người mẹ: gánh nước đêm. Đó không gì khác chính là vẻ đẹp của sự tần tảo, khuya sớm kết hợp với vẻ đẹp của trăng qua con mắt của trẻ thơ. Có một điều lạ với tác giả của tập thơ ở chỗ, trăng thường xuất hiện trong thơ nhất là thơ thiếu nhi trong khung cảnh vui đùa, rộn ràng hay ít nhất trong những lúc thảnh thơi nhưng khi đọc thơ của ông tôi lại luôn thấy vẻ đẹp của trăng trong những công việc lao động về đêm. Bài thơ sau là một ví dụ:

“Mồng ba ông trăng khuyết

Cong như cái sừng trâu

Trăng rằm: vành nón mẹ

Cuối tháng tựa hạt cau

Sáng bà đi chợ Kế

Mua về chiếc bánh đa

Tròn như trăng rằm vậy

Quà quê vui cả nhà

Góc sân mẹ sàng gạo

Lấp loáng ánh trăng đưa

Mẹ đang sàng trăng đấy

Trăng lọt xuống như mưa”

(Trăng)

Bài thơ chia làm ba đoạn. Mỗi đoạn trăng được miêu tả trong những trạng thái khác nhau tùy biến theo thời gian của vũ trụ: Có lúc em nhìn trăng như sừng trâu, có khi trăng tròn vành vạnh như vành nón trắng tinh của mẹ hay chiếc bánh đa Kế giòn tan thơm phức mùi than quạt. Trong mắt em, trăng không chỉ đẹp mà còn hữu ích bởi chính những đêm trăng tròn mẹ sẽ tận dụng ánh sáng dịu mát ấy để sàng gạo bên góc sân. Những tiếng sàng gạo đều đều cùng với giọt mồ hôi trên áo mẹ đã được cảm nhận thật đẹp trong hình ành thơ ở khổ cuối:

“ Góc sân mẹ sàng gạo

Lấp loáng ánh trăng đưa

Mẹ đang sàng trăng đấy

Trăng lọt xuống như mưa”

Mẹ “sàng gạo” hay “sàng trăng”? Một hình ảnh thực trong việc làm của mẹ và một hình ảnh siêu thực được tác giả phóng đại cũng xuất phát từ hình ảnh trước. Hình ảnh của mẹ trong mắt trẻ thơ được nâng lên một tầm vóc mới sánh với thiên nhiên đẹp, vĩnh cửu trong cảm nhận của trẻ thơ.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ viết cho thiếu nhi chỉ hay khi người viết có thể dung hòa những trải nghiệm của bản thân với những cảm xúc của trẻ thơ vốn đã bị cuộc sống, thời gian xóa nhòa rất nhiều hay nói cách khác, tác giả cần thực sự hóa thân để thâm nhập vào tâm hồn trẻ thơ. Nói được nhưng suy nghĩ của các em. Đọc nhiều bài thơ của tác giả, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những tình cảm mà tác giả dành cho thiếu nhi. Trong bài thơ “Bắt đền ông”

“Nhào xuống sông, ông tắm

Vỡ mất trăng cháu rồi

Ông đền sông phẳng lặng

Long lanh trăng kia thôi”

Đọc bài thơ, người đọc không khó hình dung những sự nũng nịu, “lí sự” rất ngây ngô của cháu trên bờ “bắt đền” ông đã làm vỡ mất vầng trăng trên sông nước. Thế đấy, chỉ vậy thôi đã làm nên thơ và gieo vào lòng người đọc những xúc cảm chân thành; đó là tình yêu thiên nhiên, là tình cảm gia đình qua các thế hệ.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, những nhà thơ viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi. Điều gì khiến tác giả Dương Ngà dành trọn cảm xúc và thời gian của mình để hoàn thành hai tập thơ Ta cùng nhau một nhà và một tập thơ khác cũng không kém phần hấp dẫn Ông trạng diều? Chỉ có thể giải thích là tấm lòng yêu trẻ trong veo như dòng suối, tươi mới như giọt sương mùa xuân long lanh trên đầu ngọn cỏ buổi sớm mai. Bài thơ chủ đề trùng tên với tập thơ vẽ lên một bức tranh đa sắc màu với những tấm áo đặc trưng của các bạn học sinh vùng cao cùng sum họp trên một ngôi trường mới:

“Tớ ở trên Xa Lí

Mình ở mãi Phong Minh

Hộ Đáp à? Xa thế

Đèo Gia là quê mình

...

Bạn Sán Dìu? Sán Chí?

Là Tày? Phén? Hay Hoa?

Cùng một dòng suy nghĩ

Như anh em một nhà”.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tập thơ có nhiều bài thơ kết hợp môtíp của những câu chuyện ngụ ngôn, những câu chuyện kể dân gian lồng trong những cuộc đối thoại giữa ông và cháu hay được kể lại với giọng kể ở ngôi thứ ba: Đặt tên cho mèo, Bút và thước kẻ, Đôi tay và cái miệng, Voi và kiến…Những câu chuyện dân gian tái hiện trong những vần thơ súc tích, dễ hiểu và giàu triết lí giống như những lời thủ thỉ, tâm tình về những đẹp-xấu, lẽ đúng-sai trong cuộc sống, về sức mạnh không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh... Cái hay ở chỗ những điều đó lại nằm im giữa những câu chuyện thú vị, hồn nhiên của trẻ thơ.

Ai cũng có một thời thơ dại. Những năm tháng tuổi thơ trôi qua sẽ ý nghĩa hơn khi các em được học tập và vui chơi đúng như những gì trong sáng và đẹp đẽ nhất ở chính lứa tuổi của mình. Những vần thơ trong tập Ta cùng nhau một nhà - giống như món quà tinh thần ý nghĩa và bổ ích, dành tặng các em. Chúc nhà thơ luôn khỏe mạnh, tinh thần luôn tươi trẻ để trong thời gian không xa độc giả lại tiếp nhận thêm những sáng tạo của ông dành cho lứa tuổi thiếu nhi...

Dương Trung Thành
Trung bình (0 Bình chọn)