“Trường là nhà, đồng nghiệp là anh em”

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là câu khẩu hiệu ở Trường Tiểu học xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; là trường vùng cao của huyện Lục Ngạn, cách trung tâm huyện lỵ gần 60km về phía Bắc. Bước vào sân trường, cũng như bất kỳ ở ngôi trường nào trên đất nước này, những khẩu hiệu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” hoặc “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Tất cả vì học sinh thân yêu”...
Ở trường Tiểu học Sa Lý cũng có đầy đủ những câu khẩu hiệu ấy, nhưng câu khẩu hiệu “Trường là nhà, đồng nghiệp là anh em” thì chỉ thấy có ở đây. Câu khẩu hiệu trên đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi tin, nhiều người cũng sẽ nghĩ như vậy khi tới nơi đây...

Đối với các đồn biên phòng, hoặc biên giới, hải đảo cũng có những câu khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” hoặc “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”... Vế thứ nhất của khẩu hiệu, nơi ta đứng chân, nơi công tác được xác định “là nhà” để tăng trách nhiệm, tinh thần làm chủ, để gắn bó, bảo vệ, gìn giữ như ngôi nhà của mình, vế thứ hai, nơi nào trên đất nước Việt Nam thân yêu này, với những người Việt Nam yêu nước thì đâu cũng là quê hương, từ đó cùng nhau chung tay dựng xây, bảo vệ non sông nước Việt.


Câu khẩu hiệu tại trường Tiểu học Sa Lý.

Với trường Tiểu học Sa Lý, câu khẩu hiệu trên được viết tại ngôi nhà tập thể khu nội trú của giáo viên, nhà nhỏ hơn, chữ nhỏ hơn, khiêm tốn hơn, khác hơn, nhưng tôi thấy ấn tượng nhiều hơn. Trường Tiểu học Sa Lý, nơi xuất xứ câu khẩu hiệu trên xuất phát cũng từ thực tiễn. Đem nỗi suy tư của mình, tôi trao đổi với hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Đặng Xuân Thu, quê Hiệp Hoà, người có thâm niên 20 năm công tác tại Sa Lý, cao nhất hiện nay của các hiệu trưởng ở vùng cao Lục Ngạn, thầy cho biết “Bản chất, ý tưởng, xuất sứ của khẩu hiệu là mong muốn cộng đồng trách nhiệm của cả tập thể đối với sự tồn tại, phát triển đi lên của nhà trường. Tháng 8 năm 2002 nhà trường được tách ra từ trường THCS Sa Lý, khi tách riêng, tài sản duy nhất của trường Tiểu học lúc bấy giờ là 14 gian nhà lớp học, tường chình bằng đất ở các khu lẻ và hai gian nhà cấp 4 duy nhất tại khu trung tâm tại làng Mòng. Việc xây dựng được một, hai phòng học hoặc nhà ở cho giáo viên nội trú thì quý lắm, mong đợi và hạnh phúc lắm... Một sự việc đáng nhớ nhất là vào khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng ngày ấy, thấy cánh cửa sổ nhà mình đập dồn dập, tỉnh giấc, trời đổ mưa to, gió lớn đùng đùng, sau khi đóng cửa sổ lại tiếp tục đi nằm, nhưng một lát sau thì sốt ruột, tôi vùng dậy mặc áo mưa đi kiểm tra tình hình nhà cửa, lớp học của 3 khu (Mòng, Rãng, Đảng), quả nhiên, phần lớn các lớp quên không đóng cửa sổ, cửa đi, gió đập rình rình, em đã gọi giáo viên ở nội trú dậy và yêu cầu cùng đi đóng lại cửa lớp... sau đó tiến hành họp hội đồng, kiểm điểm trách nhiệm. Từ đó mọi người nêu cao vai trò, tự giác hơn, trách nhiệm hơn. Hơnnữa, có nhiều giáo viên ở vùng thấp chuyển lên, không nhiệt tình, họ nghĩ rằng mình cứ lên lớp xong hết giờ thì về, cuối tháng hưởng lương, còn việc quản lý là của hiệu trưởng. Em đã nhắc nhở, chấn chỉnh tư tưởng và ví nhà trường này là nơi chúng ta được công tác, được học tập, được hưởng chế độ, được nuôi sống như nồi cơm nóng của mỗi gia đình. Vì vậy, phải coi nơi đây như ngôi nhà riêng của mình, để chăm chút, quét dọn, cùng nhà trường vun đắp, bảo vệ, xây dựng”.

Vế thứ hai của câu khẩu hiệu trên được cụ thể hơn “đồng nghiệp là anh em”. Là đồng nghiệp (cũng như đồng đội). Ngưng một lát, thầy Thu lại tiếp: “Mọi người trong tập thể phải là anh em như trong một nhà. Vì đời sống giáo viên nội trú ở tập thể, 100% giáo viên đều xa nhà, xa quê lên đây lập nghiệp; nhiều thầy cô giáo trẻ khi ra trường được bố mẹ, người thân đưa lên, tâm sự gửi gắm nhà trường, công đoàn giúp đỡ, nên chúng em xác định, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn phải như người anh, người chị làm tốt vai trò trung tâm, bảo ban giúp đỡ các em. Vì xa nhà, tuổi non dại, chưa trải nghiệm, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vắng vẻ... nhất là các em nữ. Từ đónhà trường, công đoàn luôn tư vấn, động viên khích lệ trong công tác nhất là trong cuộc sống hằng ngày, nam nữ có mối quan hệ trong sáng, lành mạnh, nghiêm túc để bao nhiêu cô giáo trẻ lên đây là bấy nhiêu cô có gia đình êm ấm, có chồng, có con khi chuyển về. Đến nay chủ yếu là giáo viên đã có gia đình, họ cứ từng đôi bám trường, bám lớp ở các điểm trường”.

Và, biết bao câu chuyện về tình anh em được chia sẻ, tâm tình khi xa nhà, xa người thân. Tình anh em được thể hiện chăm sóc nhau lúc ốm đau, dạy giúp nhau những buổi nhà có bận việc riêng, cùng khiêng nhau đi viện giữa đêm tối, có lần, tới bệnh viện trung tâm huyện thì trời sáng. Rồi gần đây, thầy giáo Lê Xuân Hoan bị ốm, ở khu lẻ, nước lũ to, anh em khu chính vào cáng võng khiêng ra để gia đình thuê xe lên đón về...

Từ năm 2002, cho đến nay khẩu hiệu vẫn còn đó, có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân thành công để góp vào sự nghiệp giáo dục vùng cao của Lục Ngạn... năm 2012 vừa qua, trường Tiểu học Sa Lý được công nhận danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia”, trường đầu tiên của xã đạt danh hiệu này.Đó là những hiện thực sinh động, những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp về tình người, tình đồng nghiệp, tình anh em, về tinh thần trách nhiệm để mọi người cùng yên tâm, sát cánh, chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng nhà trường. Vậy nên, “chỉ duy nhất trường Tiểu học Sa Lý có khẩu hiệu hành động chẳng giống ai phải không anh?”- Thầy Thu nói.

Bá Đạt
平均 (0 投票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

アクセス中: 22,796
1日当たりのページのアクセス回数: 7,631
1週間当たりののページのアクセス回数: 7,630
1か月当たりのページのアクセス回数: 562,567
1年間当たりのページのアクセス回数: 3,513,342
ページのアクセス回数 : 16,658,474