45 năm xây dựng và phát triển trường THPT Yên Dũng số 2

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
45 năm, nhìn lại chặng đường đầy gian nan và thử thách mà thầy và trò Trường THPT Yên Dũng số 2 đã vượt qua, chúng ta thật tự hào vì những cố gắng không mệt mỏi của bao thế hệ thầy cô giáo đã nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp chung, cũng thật tự hào vì những thành tích học tập của bao thế hệ học trò đã dệt nên truyền thống cho ngôi trường, để giờ đây, trường THPT Yên Dũng số 2 đã thực sự là một ngôi trường có bề dày truyền thống, có uy tín với nhân dân trong huyện, trong tỉnh.
NHỮNG THÁNG NĂM GIAN KHÓ Ở BUỔI ĐẦU THÀNH LẬP
 
Yên Dũng là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Nơi đây tự hào là một miền quê hiếu học, từ xưa đã sinh ra và đào tạo cho đất nước nhiều hiền tài mà điển hình là hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê), nơi có chốn tổ Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
 
Trước năm 1972 trên địa bàn huyện Yên Dũng chỉ có một trường cấp ba được xây dựng ở bờ Nam sông Thương. Con em của 8 xã khu Đông Bắc của huyện hàng ngày đi học phải đi đò qua sông, rất khó khăn, vất vả. Trước thực tế đó, ngày 18 tháng 9 năm 1972, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Bắc đã ký quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 3 Tân An (tiền thân của Trường THPT Yên Dũng số 2 ngày nay).
 
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã ra đời từ đó, vào giữa những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, giặc điên cuồng ném bom miền Bắc, nên vừa mới chào đời, trường đã phải sơ tán về khu rừng Chuông thuộc thôn Trung xã Tân An (nay là thị trấn Tân Dân). Ngôi trường thủa sơ khai ấy tuy chẳng hề có một bức hình lưu lại, nhưng vẫn rõ mồn một trong kí ức của những người thầy đầu tiên. Thầy Hiệu trưởng Vũ Đức Dục bồi hồi nhớ lại và kể rất chính xác tỉ mỉ: “Ngày mới thành lập trường có 4 lớp tổng số 197 học sinh trong đó có 2 lớp 8 với 115 học sinh; 01 lớp 9 với 48 học sinh tách từ trường Yên Dũng số 1; 01 lớp 8 của trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên chuyển về. Lúc đó, cơ sở vật chất của nhà trường hầu như chưa có gì. Nhiệm vụ trước mắt của thầy và trò nhà trường là trong hai tháng phải xây xong lớp học. Thầy và trò khẩn trương bắt tay vào công việc xây dựng trường. Những ngày đó giặc Mĩ điên
cuồng ném bom miền Bắc, để đảm bảo an toàn, mỗi lớp học được xây như một chiếc hầm tránh bom. Mỗi hầm có 2 lối thoát hiểm ra hệ thống giao thông hào, hầm tránh bom được đào xung quanh lớp học. Được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân và phụ huynh học sinh, sau 2 tháng lao động vất vả thầy trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã xây dựng được 4 phòng học, 1 phòng ở cho thầy cô. Ngày 15 tháng 9 năm 1972, toàn thể 16 thầy cô, nhân viên nhà trường cùng 197 học sinh hân hoan đón chào ngày khai giảng đầu tiên trên ngôi trường mới - trường cấp 3 Tân An” .
 
Giữa rừng Chuông, ngôi trường đơn sơ vẫn đều đặn tiếng trống vang lên mỗi buổi, học trò vẫn đội mũ rơm ngồi trong lớp và dù vừa học vừa tránh bom, nhiệm vụ của thầy trò vẫn hoàn thành trên tinh thần: giặc ném bom cứ ném, ta ngồi học cứ học.
 
Khi giặc Mĩ thôi bắn phá miền Bắc, trường chính thức trở về nơi được đặt cơ sở theo quyết định thành lập, là địa điểm bây giờ. Đầu 1973, nhà trường đã xây dựng được 7 phòng học, một nhà văn phòng. Phòng học được quây kín bằng tường đất, lợp mái rơm. Cơ sở vật chất, số phòng học tạm đáp ứng được nhu cầu học tập của 7 lớp học: 4 lớp 8; 2 lớp 9 và 1 lớp 10. Trường dần ổn định, chất lượng dạy và học từng bước được đảm bảo. Trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh đầu tiên mà trường tham gia, trường đã đoạt một giải nhì môn Văn.
 
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, trường vẫn nghèo trong các nghèo chung của đất nước. Hậu quả chiến tranh còn nặng nề chưa khắc phục xong, lại phải lo thêm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Người cầm bút phải sống cả tinh thần người cầm súng. Nhiệm vụ xây dựng đất nước đặt nặng lên đôi vai của những người thầy phải đào tạo nên con người mới, và những người trò phải kiến thiết tương lai. Ý thức rõ sứ mệnh đó, thầy kiên trì khoai sắn thay cơm vẫn đủ năng lượng nhiệt huyết trong từng bài dạy; trò vượt khó, áo vá chân đất đến trường vẫn hớn hở tươi cười trong những tiết học vui. Đó là thầy hiệu trưởng đầu tiên, thầy Vũ Đức Dục - lấy tâm đức mà giáo dục học trò, thầy Nguyễn Văn Bích, thầy Ngô Quang Ấm, những hiệu trưởng thời kỳ này đã không quản ngại khó khăn, dành nhiều công sức, trí tuệ đưa nhà trường từng bước vượt qua những gian khó buổi đầu. Đó là các thầy cô giảng dạy: thầy Lê Quốc Khánh, cô Phạm Phương Nga, cô Nguyệt yêu nghề thương trò… Và những quả đầu mùa của những người gieo trồng ấy là: Đại tá, Giáo sư tiến sĩ, Học viện Kỹ thuật quân sự - Hướng Xuân Thạch; Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ y khoa, Phó Trưởng khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - Nguyễn Văn Chi khóa 1976 - 1979; Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu I - Ngô Minh Tiến; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang - Bùi Văn Hạnh khóa 1975 - 1978; Nghệ sĩ ưu tú, Giám đốc trung tâm biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hà Quốc Minh; Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang - Nguyễn Đức Hiền khóa 1972 - 1975; Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang - Trần Văn Dũng khóa 1977 - 1980; Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang - Lê Văn Thắng khóa 1979 - 1982... Và còn biết bao những học trò thủa ban đầu ấy không nhớ hết tên tuổi đã trưởng thành từ ngôi trường này và đang cống hiến cho quê hương, đất nước.
 
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã ra đời và lớn lên trong gian khó, gắn số phận mình cùng số phận của dân tộc, thực hiện yêu cầu của giáo dục nước nhà: vì lợi ích trăm năm, phải trồng người. Hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn khởi đầu chủ yếu dựa trên tình yêu nghề yêu người và ý chí vượt khó kiên cường của thế hệ thầy trò tiên phong, mở đường. Đó là nền móng vững chắc cho sự vươn cao của ngôi trường trong những giai đoạn sau.
 
SỰ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XX
 
Vượt qua thử thách của thời kì đổi mới và những khủng hoảng kinh tế của thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, nhà trường vẫn giữ vững truyền thống dạy và học, đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh ưu tú, có mặt trong các kì thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và đạt giải cao. Hàng nghìn học sinh đã trưởng thành từ mái trường và trở thành những công dân ưu tú, giữ những chức vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quân sự, tiêu biểu như: anh Phan Thế Vinh, học sinh khóa 1987 - 1990, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Bắc Giang; anh Phan Thế Tuấn, học sinh khóa 1985 - 1988, hiện là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Dũng; anh Nguyễn Khắc Hải, học sinh khóa 1986 - 1989, hiện là Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp Hà Nội; anh Ngụy Văn Tuyên, học sinh khóa 1997 - 2000, hiện là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang; anh Ngô Chí Vinh, học sinh khóa 1983 - 1986, hiện là Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang; anh Nguyễn Văn Thiện, học sinh khóa 1990 - 1993, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Bắc Giang; chị Lê Thị Bích, học sinh khóa 1992 - 1995, hiện là Nghệ sĩ ưu tú, Nhà hát Chèo Việt Nam,... cùng rất nhiều những học sinh ưu tú khác đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và làm rạng danh cho ngôi trường THPT Yên Dũng số 2.
 
Sự thành công đó có được là nhờ tâm huyết của các thế hệ nhà giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ,
Hội đồng giáo dục nhà trường tháng 4/1985.
Hội đồng giáo dục nhà trường tháng 4/1985.
thiếu thốn để dìu dắt, dạy dỗ, truyền cảm hứng cho học sinh qua từng bài giảng, nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường qua từng thời kì, tiêu biểu như thầy Ngô Quang Ấm, thầy Vũ Tuấn Ổn, thầy Hà Văn Thân, thầy Phạm Văn Mão, thầy Nguyễn Văn Tâm, thầy Tống Văn Bột, thầy Chu Đình Đức,... cùng rất nhiều các thầy cô khác.
 
Trường THPT Yên Dũng số 2 đã vượt qua nhiều khó khăn với sự nỗ lực của thầy và trò, nhà trường đã từng bước ổn định và phát triển, được nhân dân trong huyện tin cậy, được ghi nhận với rất nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Hà Bắc trong nhiều năm
 
SỰ VƯƠN MÌNH ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGÔI TRƯỜNG UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG
 
Sau bao nhiêu thử thách, thăng trầm của thời kì đổi mới, đất nước ta bước vào giai đoạn ổn định, hội nhập và phát triển. Nhiều cơ hội về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội được mở ra, tạo nên một diện mạo và tư thế mới mẻ cho tỉnh, Bắc Giang từng bước nâng cao vị thế. Những những thành công trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có đóng góp của thầy và trò Trường THPT Yên Dũng số 2. Tính đến nay, nhà trường đã trải qua một chặng đường phát triển 45 năm, đã thực sự vươn mình lớn mạnh để vừa khẳng định vị thế của một ngôi trường giàu truyền thống trên quê hương hiếu học; chất lượng giáo dục ngày một nâng lên.
 
Từ 4 lớp học với 197 học sinh ngày đầu thành lập, hiện nay nhà trường đã phát triển lên thành 36 lớp học với hơn 1.500 học sinh. Từ 16 thầy cô của buổi đầu, hiện nay đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí là 92 người, nhiều thầy cô đạt trình độ thạc sĩ. Từ con số nhỏ nhoi, khiêm tốn là 7 phòng học tạm tranh, tre, nứa, lá, hiện nay nhà trường đã có 24 phòng học kiên cố, các phòng điều hành, phòng chức năng được trang bị khá tiện nghi. Cảnh quan, môi trường sư phạm nhà trường ngày một đáp ứng yêu cầu xanh - sạch - đẹp. Từ chỗ chỉ có 3 đảng viên, hiện nay Chi bộ nhà trường đã phát triển lớn mạnh, với 48 đảng viên và liên tục trong nhiều năm đạt danh hiệu Chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh. Từ chỗ Công đoàn nhà trường còn mỏng về lực lượng, hiện nay đã thu hút đông đảo cán bộ giáo viên tham gia. Công đoàn nhà trường đã có nhiều hoạt động tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giáo viên, được cấp trên ghi nhận và tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Từ chỗ Đoàn thanh niên chủ yếu là giáo viên, hiện nay tổ chức Đoàn trong Trường THPT Yên Dũng số 2 đã thực sự là một tổ chức đông đảo và mạnh mẽ với số lượng trên 1000 đoàn viên và hàng trăm thanh niên. Đoàn thanh niên đã tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các thế hệ học sinh, từ việc học tập cho đến các hoạt động xã hội, từ thiện.
 
Nhà trường luôn lấy việc phát triển toàn diện cho học sinh làm phương châm giáo dục hàng đầu, vừa chú trọng đến
Trường THPT Yên Dũng số 2 hôm nay.
Trường THPT Yên Dũng số 2 hôm nay.
việc nâng cao chất lượng văn hóa, vừa quan tâm giáo dục, phát triển kĩ năng sống cho học sinh. Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn trực tiếp cùng các thầy cô bồi dưỡng học sinh giỏi. Thầy hiệu trưởng Hoàng Hồng Thái tham gia dạy học sinh giỏi môn Hóa học cùng cô Phạm Thị Chung; Phó Hiệu trưởng Nguyễn Huy Hoàng tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Toán cùng thầy Lê Đình Khương và thầy Nguyễn Văn Thảo; tổ trưởng tổ Lý - KTCN Nguyễn Văn Tâm trực tiếp dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý; tổ trưởng tổ Xã hội Nguyễn Đình Đức trực tiếp dạy đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử. Và phải kể đến rất nhiều thầy cô khác như thầy Chu Xuân Thông, giáo viên môn Sinh học, cô Đỗ Thị Nga, giáo viên môn Văn, cô Lưu Thị Loanh, giáo viên môn Tiếng Anh ... liên tục có học sinh đoạt giải cao. Chính vì thế, chất lượng văn hóa của nhà trường ngày càng được nâng cao, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường những năm gần đây luôn đạt trên 95%; tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày một tăng; chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ ổn định, đứng trong tốp các trường THPT số 1 của tỉnh. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh được duy trì khá tốt: Năm học 2001 - 2002, xếp thứ bảy toàn tỉnh; năm học 2002 - 2003: xếp thứ nhì; năm học 2003 - 2004: xếp thứ nhất; năm học 2004 - 2005: xếp thứ nhì. Nổi lên trong phong trào thi đua học tốt là các em Phạm Tuấn Anh, Đàm Thị Duyên khóa 2001 - 2004; Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Linh khóa 2002 - 2005; Bùi Thị Hường, Chu Xuân Huấn, Trần Thị Hoài, Đào Thị Thương, Nguyễn Thế Sáng khóa 2003 - 2006; Đào Thị Biên khóa 2004 - 2007, Nguyễn Thị Vân khóa 2005 - 2008; Chu Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chức khóa 2007 - 2010; Hà Thị Hương, Ngụy Thị Thùy Dương khóa 2011 - 2014; Đặng Ngọc Thanh khóa 2012 - 2015; Hà Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Hòa Bình, Vũ Văn Minh khóa 2014 - 2017 …vv. Đặc biệt, các em Đàm Thị Duyên khóa 2001 - 2004, Hà Hải Ngân khóa 2010 - 2013 đã được Chi bộ đảng nhà trường tổ chức Lễ kết nạp Đảng trước khi nhập trường đại học. Các phong trào văn nghệ, thể thao của trường luôn được chú trọng và đạt thành tích cao. Nhiều năm liền Trường THPT Yên Dũng số 2 đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
 
Với những cống hiến cho ngành giáo dục trong suốt 45 năm, Trường THPT Yên Dũng số 2 đã được tặng nhiều giấy khen của Sở GD&ĐT và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, được tặng những phần thưởng cao quý. Năm học 2001 - 2002 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; năm học 2003 - 2004 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm học 2006 - 2007 nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; và năm học 2016 - 2017 được nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT; năm 2017 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
 
45 năm, nhìn lại chặng đường đầy gian nan và thử thách mà thầy và trò Trường THPT Yên Dũng số 2 đã vượt qua, chúng ta thật tự hào vì những cố gắng không mệt mỏi của bao thế hệ thầy cô giáo đã nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp chung, cũng thật tự hào vì những thành tích học tập của bao thế hệ học trò đã dệt nên truyền thống cho ngôi trường, để giờ đây, trường THPT Yên Dũng số 2 đã thực sự là một ngôi trường có bề dày truyền thống, có uy tín với nhân dân trong huyện, trong tỉnh. Từ mái trường này, biết bao học trò đã trưởng thành và giữ những chức vụ trọng yếu của huyện, của tỉnh, của quốc gia; bao học trò đã thành những doanh nhân, những trí thức, những công dân tốt góp phần cống hiến cho xã hội ngày một tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Đó là phần thưởng lớn nhất, vinh dự nhất cho các thầy cô và cho ngôi trường THPT Yên Dũng số 2.
 
Nguyễn Tiến Quang - Hiệu trưởng THPT Yên Dũng số 2
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
10/11/2017
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17,423
Tổng số trong ngày: 15,513
Tổng số trong tuần: 15,512
Tổng số trong tháng: 224,492
Tổng số trong năm: 3,175,267
Tổng số truy cập: 16,320,399