Ấn tượng với “ Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Lục Ngạn” trong trường mầm non

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 26/4/2017 xe ô tô đưa đoàn công tác của chúng tôi đến với huyện Lục Ngạn, một huyện miền núi nằm ở phía Đông, cách thành phố Bắc Giang hơn 40km. Điểm dừng chân của chúng tôi là trường mầm non thị trấn Chũ của huyện. Cảm xúc ban đầu của tôi là không khí tưng bừng, náo nhiệt của người ra người vào, trên nét mặt ai nấy đều hớn hở... Điều đặc biệt là có rất nhiều phụ huynh trong trang phục áo dân tộc đủ màu sắc, kiểu dáng cũng có mặt từ sớm, tấp nập đi lại trên sân trường.
Không khí lễ hội tràn ngập khắp từ ngoài cổng, sân trường và len lỏi trong các lớp học của các bé mầm non. Trò chuyện với cô Trần Thị Hạnh - phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn, tôi được biết hôm nay là buổi sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh của bậc học mầm non tại huyện. Cô nói: “ Để thực hiện tốt được chương trình giáo dục mầm non và đáp ứng theo điều kiện vùng miền, bên cạnh đó nhằm phát huy những giá trị truyền thống văn hoá của địa phương, phòng GD&ĐT Lục Ngạn đã mạnh dạn đưa “Ngày hội văn hoá các dân tộc” của huyện vào trường mầm non cho các bé được trải nghiệm với lễ hội này”.
Rất đông các bậc phụ huynh có mặt từ rất sớm để tham gia ngày hội...
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn có các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên phòng GDMN Sở GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên và 50 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của 10 phòng GD&ĐT huyện, thành phố trong tỉnh.

Đầu tiên đoàn chúng tôi được nhà trường đưa đi thăm quan môi trường các lớp học. Cảm nhận ban đầu của đoàn
Không gian dành cho bé hoạt động trong trường.
là một môi trường xanh, sạch sẽ, thoáng mát, các lớp học được trang trí với những màu sắc, kiểu dáng khác nhau. Góc chơi của trẻ đa phần đều theo hướng mở, không mang tính chất trưng bày. Những con vật ngộ nghĩnh, những giỏ hoa uốn lượn... đâu đâu chúng tôi đều thấy có bàn tay của cô giáo và các bé.

Sau một vòng thăm quan, chúng tôi được vào thăm lớp 5 tuổi A2. Tại đây chúng tôi được dự một hoạt động khám phá xã hội của cô trò về “Một số hoạt động trong ngày hội văn hoá huyện Lục Ngạn”. Trong hoạt động này các bé mầm non được làm quen với những trang phục của người dân tộc như Cao Lan, Sán Chí, Tày, Nùng... những món ăn truyền thống như: khâu nhục, bánh vắt vai, xôi ba mầu, bánh cốc mò... được nghe những làn điệu hát then, hát soong hao... và rồi thích thú khi được cô giáo cho lựa chọn mặc bộ trang phục mà bé thích. Khuôn mặt bé nào cũng rạng rỡ và thi nhau ngắm nghía bộ quần áo mình mặc trên người. Giờ học trôi qua nhanh chóng với sự hào hứng của trẻ và khéo léo của cô.

Các bé không chỉ nhận biết các hoạt động của ngày hội quê mình qua tiết học mà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm trên sân trường, được hòa mình vào chính không khí của lễ hội ấy. Với hình thức này, chúng tôi nhận thấy đưa kiến thức cho trẻ học được một cách tự nhiên và dễ nhớ nhất.

Đến các hoạt động ngoài sân, các bé được cô giáo tổ chức cho tham gia nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa trong lễ hội theo đúng phong tục, tập quán và mang đậm bản sắc dân tộc trong ngày hội của địa phương.

Bé ghép các trang phục dân tộc...
Hay biểu diễn hát then...
Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn, được cô trò trường mầm non thị trấn Chũ cùng với các cụm trường mầm non trên địa bàn huyện tái hiện lại trong khuôn viên của nhà trường. Tại đây các bé được trải nghiệm với các hoạt động của lễ hội như: được nghe các bạn vùng cao, các bác phụ huynh thể hiện các loại hình ca múa nhạc dân gian truyền thống, thi hát đối đáp dân ca các dân tộc; cùng tham gia các trò chơi dân gian: kéo co, nhảy bao bố, chơi ô ăn quan, cắp cua bỏ giỏ, được tạo hình các sản phẩm bằng hột hạt, lá cây... Đặc biệt thu hút đông đảo người xem là cuộc thi Bé mặc trang phục dân tộc đẹp, hát đối đáp và thăm quan các gian hàng trưng bày những sản vật quê hương: mì Chũ, bưởi, cam, ổi... các món ăn của dân tộc: bánh vắt vai, bánh cóc mò, bánh Cao của dân tộc Hoa, bánh chưng Tày, bánh dày khô, xôi ngũ sắc.
Nghe các bác phụ huynh thể hiện những bài dân ca truyền thống.
Nghe các bạn thể hiện tài năng hát đối đáp bằng những làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc...
Và hòa chung vào các trò chơi dân gian sôi động...
Tiếp xúc với một phụ huynh người dân tộc Cao Lan tôi được bác chia sẻ những tình cảm rất chân thật. Anh nói: “Tôi đến đây từ rất sớm, cả hai bố con chuẩn bị quần áo từ tối qua, sáng nay dậy sớm đi để kịp giờ cho cháu tham gia... Tôi rất thích các cô giáo tổ chức những hoạt động như này, cũng là dịp để chúng tôi được gần nhà trường hơn, thấy con mình được chăm sóc tốt, tôi mừng, chúng tôi ủng hộ các cô giáo...”. Như vậy, không chỉ có anh, còn có rất nhiều các phụ huynh khác cũng đến từ rất sớm, có phụ huynh từ Đèo Gia, Phong Vân cách thị trấn đến vài chục cây số cũng nô nức về trường như chính mình đi tham gia lễ hội vậy. Họ mang những đồ dùng từ rất xưa của gia đình đến trưng bày tại các gian hàng để cho các con được xem, được chơi như: thau đồng, mâm đồng, nồi đồng... mà các con hay ngay cả bản thân tôi mới chỉ được nghe trong các câu chuyện thì giờ mới được nhìn thấy. Họ không ngần ngại bận những trang phục dân tộc truyền thống đến tham gia và cùng chơi với trẻ trong những trò chơi tập thể. Tiếng cười của cha mẹ, cô giáo và trẻ giòn tan trong nắng khi những hiệp thi đấu kết thúc.

Tôi thiết nghĩ, những kiến thức, kĩ năng sống đâu nhất thiết chỉ dạy trẻ trên giờ học. Và chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Lý - trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tại buổi họp sau khi kết thúc các hoạt động: “Mỗi địa phương vận dụng đưa chương trình GDMN vào dạy trẻ một cách linh hoạt, sao cho phù hợp với khả năng của trẻ, với điều kiện thực tế của địa phương. Các cô giáo mầm non tại Lục Ngạn đã biết vận dụng ngày hội của quê hương vào trường mầm non một cách phù hợp, sáng tạo mà hiệu quả. Tuy chưa đầy đủ được hết nhưng phần nào các hoạt động đã giúp các bé có sự trải nghiệm về những nét đẹp truyền thống của quê hương và cũng là dịp tạo cơ hội để các cô giáo cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản và giáo dục các bé có những hành vi ứng xử về ngày hội truyền thống của dân tộc”.
Đồng chí Nguyễn Thị Lý - Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT.
Buổi sinh hoạt chuyên môn đã kết thúc sau một ngày, nhưng những dư âm của nó vẫn còn lắng đọng trong mỗi người tham gia. “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lục Ngạn” được thu nhỏ trong trường mầm non đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, làm cho các bậc phụ huynh thêm tin tưởng vào nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trường mầm non, còn với các bé sẽ là một kỉ niệm không bao giờ quên đối với tuổi thơ của mình”.

Hải Thanh- Phòng GDMN
平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,736
Total visited in day: 4,576
Total visited in Week: 31,544
Total visited in month: 586,481
Total visited in year: 3,537,256
Total visited: 16,682,388