Bắc Giang - Giải quyết những khó khăn trước thềm năm học mới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2022-2023 là năm học tiếp tục triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2020-2025. Đây là năm học ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trước thềm năm học mới, rất nhiều khó khăn, bài toán cần lời giải đặt ra đòi hỏi toàn ngành phải tập trung, nỗ lực giải quyết để triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học.

Khắc phục tình trạng quá tải

Trong những năm gần đây học sinh MN, TH, THCS trên địa bàn tỉnh đều tăng. Năm 2022-2023, số học sinh tăng 11.274 cháu (4.241; 3.111; 3.922) so với năm học 2021-2022. Do thực hiện tốt công tác sắp xếp, dồn dịch các điểm trường, bố trí học sinh/lớp hợp lý toàn tỉnh chỉ tăng 169 lớp (MN không tăng, TH tăng 130 lớp, THCS tăng 39 lớp).

Điều này đã được Sở GD&ĐT và các huyện, thành phố chủ động và xác định từ trước. Ngày 04/7/2019, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về đảm bảo CSVC thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025. Trong đó đã xác định rõ kế hoạch PTGD của từng CSGD từ năm học 2019-2020 đến hết năm học 2025-2026. Đồng thời đã xác định rõ kế hoạch đảm bảo CSVC thiết bị dạy học của từng năm học; các địa phương, CSGD đã chủ động hoàn toàn trong việc đảm bảo CSVC thiết bị dạy học hàng năm.

Trước khi vào năm học mới 2022-2023, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 285 phòng học (Mầm non 78 phòng,  học 164 phòng, THCS 36 phòng, THPT 7 phòng) và nhiều hạng mục khác sẵn sàng phục vụ cho năm học mới.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Trước hết, vấn đề thiếu giáo viên không phải là vấn đề chỉ xảy ra với tỉnh Bắc Giang, đây là khó khăn mà các tỉnh đang đều gặp phải nhất là trong giai đoạn đang thực hiện Luật giáo dục 2019 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Đặc biệt là đối với mầm non và tiểu học).

Theo quy định hiện hành, đối với bậc học mầm non, nhóm trẻ được bố trí 2,5 giáo viên/lớp; lớp mẫu giáo là 2,2 giáo viên/lớp. Cấp tiểu học đối với lớp học 01 buổi/ngày là 1,2 giáo viên/lớp; đối với lớp học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp. Hiện nay, tại tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ giáo viên/lớp của bậc học mầm non mới đạt 1,95 giáo viên/lớp; cấp tiểu học là 1,36 giáo viên/lớp. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính của những khó khăn trên là do chỉ tiêu biên chế được giao có hạn, việc tinh giảm biên chế hằng năm, quy mô học sinh tăng nhanh,… Để giải quyết khó khăn này, ngành giáo dục đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ như:

Một là, tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với Bộ Nội vụ bổ sung biên chế đối với sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2022-2026 để tăng tỷ lệ giáo viên/lớp. Trung ương đã giao bổ sung biên chế GV năm học 2022-2023 cho tỉnh Bắc Giang là 746 biên chế (Mầm non 494, Tiểu học 252).

Hai là, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên hằng năm ưu tiên tuyển giáo viên văn hóa cấp tiểu học; tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới; bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 3.

Ba là, chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tham mưu với UBND các huyện, thành phố bố trí giáo viên đảo bảo cân đối, đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục; khắc phục tối đa tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa mất cân đối giữa các CSGD.

Bấn là, tiếp tục đề xuất để thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Cho phép hợp đồng giáo viên văn hóa năm học 2022-2023; chi trả thừa giờ đối với những trường có tỷ lệ giáo viên chưa đảm bảo số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao.

Năm là, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê việc bố trí đội ngũ, số lượng, cơ cấu các môn học trên địa bàn, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất phương án đào tạo, bồi dưỡng để bố trí lại cho phù hợp.

Tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ rất thấp

Để giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh và sẽ triển khai một số giải pháp như:

Tiếp tục phát triển Giáo dục mầm non ngoài công lập. Chỉ đạo, tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mầm non ngoài công lập (thành lập trường, Cơ sở độc lập tư thục) để huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025. Tuyên truyền sâu rộng về các chính sách khuyến khích, ưu việt của tỉnh đó là:

  • Các trường mầm non thành lập mới được thuê đất và miễn tiền thuê đất trong cả thời gian thuê; được hỗ trợ toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng.
  • Trường mầm non xây mới phòng học được hỗ trợ 125 triệu đồng/phòng  (tại TP Bắc Giang) và 250 triệu đồng/phòng đối với các trường tại các huyện.
  • Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học trị giá 20 triệu đồng/nhóm trẻ.

Đối với khu vực đồng bào dân tộc và miền núi (73 xã), tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ biên chế nhà trẻ đối với các trường thuộc các xã đặc biệt khó khăn (KV III); bố trí tăng thêm biên chế để tuyển sinh nhà trẻ đối với các trường công lập thuộc các xã khu vực I, II.

Trẻ cùng cô làm đồ chơi tại Trường MN Lê Lợi, TP Bắc Giang

Đối với các trường mầm non công lập còn lại, đề nghị tỉnh cho phép các trường mầm non công lập mở các nhỏm trẻ tư thục trong trường; hợp đồng giáo viên giảng dạy; được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường mầm non  và cho phép giáo viên công lập hỗ trợ các nhóm trẻ này để giảm chi phí đóng góp của phụ huynh học sinh để thu hút trẻ đến trường.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2022-2023, là năm thức 3 triển khai giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các lớp 1, lớp 2, lớp 3 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7 cấp THCS; lớp 10 cấp THPT. Theo lộ trình thì đến năm học 2024-2025, thì học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được học theo Chương trình mới. Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học này đó là:

Tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 để tiếp tục thực hiện thành công đối với khối lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Tập trung, ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các khối lớp thực hiện chương GDPT trình mới.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trang bị đủ các đầu SGK để giáo viên tham khảo, vận dụng trong quá trình lập kế hoạch giảng dạy; cung ứng đủ SGK cho học sinh trước khi khai giảng năm học mới.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, GV (tập trung đội ngũ dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10); tăng cường kiểm tra, dự giờ giáo viên thực hiện triển khai chương trình mới để từ đó tư vấn, hướng dẫn giáo viên thực hiện hiệu quả hơn.

Chỉ đạo thành lập tổ cốt cán cấp huyện để hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy chương trình GDPT mới; cán bộ quản lý trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình mới để kịp thời nắm bắt khó khăn và cùng tháo gỡ với giáo viên.

Giải quyết tình trạng lạm thu đầu năm học mới

Tháng 7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND Quy định về các khoản thu trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập; tháng 8/2022, UBND tỉnh đã thông qua quy định cơ chế thu, sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh quy định rõ các cơ sở giáo dục chỉ được phép thu 23 (gồm 15 khoản dịch vụ phục vụ; 8 khoản hỗ trợ giáo dục); ngoài ra, CSGD không được thu bất cứ khoản nào khác.

Thứ hai, về nghuyên tắc và trình tự được quy định tại Quyết định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở GD&ĐT: Cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh học sinh dự toán thu chi từng khoản thu; phụ huynh học sinh tự nguyện lựa chọn, đăng ký và thống nhất các dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục; Cơ sở giáo dục chỉ được triển khai thu khi được cơ quan quản lý giáo dục thẩm định.

Thứ ba, Ngành chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; không để tình trạng lạm thu xảy ra. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thu các khoản thu từ học sinh, thu theo tháng, theo kỳ, không tập trung vào đầu năm học để giảm khó khăn cho người dân.

Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,662
Tổng số trong ngày: 24,052
Tổng số trong tuần: 98,903
Tổng số trong tháng: 498,266
Tổng số trong năm: 3,449,041
Tổng số truy cập: 16,594,173