Bắc Giang tiếp tục thực hiện dạy học theo chủ đề

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Xây dựng chủ đề trong dạy học và dạy học theo chủ đề là vấn đề không mới và là xu thế chung của các mô hình giáo dục tiên tiến nhưng chưa được phát huy triệt để lợi thế. Vì thế, các phòng GD&ĐT, các nhà trường cần tích cực và sáng tạo trong triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải kiên trì mục tiêu dạy học theo chủ đề để đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chủ đề để hướng dẫn học sinh cách học và trên hết là để nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5842/BGDĐT-VP, ngày 01 tháng 09 năm 2011 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Đó là căn cứ tạo bước ngoặt quan trọng trong đổi mới quản lí, chỉ đạo chuyên môn của ngành GD&ĐT. Trong năm học này (2017 - 2018), để phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, tiếp tục thực hiện triệt để hơn việc tinh giản chương trình, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03 tháng 10 năm 2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành “căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn”. Như vậy việc xây dựng chương trình và thiết kế bài học theo chủ đề là một trong những nội dung chỉ đạo chuyên môn được đặc biệt quan tâm. Đây là chủ trương được Sở GD&ĐT Bắc Giang thực hiện từ năm 2014 và tiếp tục được đẩy mạnh từ năm học này.

Thế nào là một chủ đề dạy học?

Trong thời điểm hiện nay, chủ đề dạy học là khái niệm chỉ những bài học có mối liên hệ gần gũi về kiến thức hoặc kĩ năng, cùng hướng tới giải quyết trọn vẹn ít nhất một vấn đề. Chẳng hạn, phần Tích phân trong môn Toán có thể xây dựng thành một chủ đề bao gồm các nội dung như hình thành khái niệm tích phân, cách tính tính phân, ứng dụng của tích phân trong thực tiễn. Trong môn Ngữ văn, có thể nhóm các bài học như Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh, Vội vàng của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tràng Giang của Huy Cận, Tương tư của Nguyễn Bính thành một chủ đề Thơ mới...
Ảnh minh họa.
Vì sao phải thiết kế bài học và dạy học theo chủ đề?

Trong sách giáo khoa hiện hành, các bài học được thiết đặt một cách độc lập tương đối, thậm chí một số bài học có liên quan chặt chẽ với nhau theo một mạch kiến thức nhưng còn phân tán, khó cung cấp cho học sinh khả năng bao quát, cái nhìn tổng thể mỗi vấn đề trong dạy học. Học sinh thường gặp khó khăn trong việc hệ thống hóa kiến thức. Để khắc phục sự phân tán này, cần nhóm các bài học có nội dung kiến thức, kĩ năng gần nhau hoặc liên quan chặt chẽ với nhau thành các chủ đề. Thêm nữa, trước đây, chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất trên toàn quốc và được cấu trúc theo hướng đồng tâm. Nhiều đơn vị kiến thức lặp lại ở lớp dưới, lặp lại trong các môn học; một số đơn vị kiến thức không phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù địa phương nhưng giáo viên vẫn phải dạy để đảm bảo quy chế chuyên môn. Ngược lại, có những phần kiến thức, kĩ năng cần thiết và đòi hỏi phải dành nhiều thời lượng nhưng giáo viên lại không có đủ số tiết để dạy. Đó là lí do cần phải tinh giản nội dung dạy học. Việc xây dựng các chủ đề dạy học giúp người dạy có thể dễ dàng nhận ra và tinh giản những nội dung lặp và không cần thiết, dành thời gian để hướng dẫn học sinh cách học và phương pháp tự học. Như vậy, chủ đề dạy học không phải là sự lắp ghép các bài học trong sách giáo khoa một cách ngẫu nhiên mà là sự lắp ghép có chủ đích nhằm tạo nên mạch kiến thức nhất quán giữa các bài cụ thể; xây dựng các chủ đề dạy học là nhằm sắp xếp lại chương trình cho tinh gọn, tinh giản hơn. Tinh giản nội dung dạy học cũng không phải là sự cắt bỏ chương trình một cách cơ học mà là sự lựa chọn những đơn vị kiến thức phù hợp nhất (với đặc trưng môn học, với đối tượng học sinh) để rút ngắn con đường đạt đến Chuẩn Kiến thức - Kĩ năng. Trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng giảm tải. Các nhà trường đã căn cứ vào khung chương trình và Chuẩn Kiến thức - Kĩ năng của Bộ GD&ĐT, tích cực rà soát và xây dựng phân phối chương trình riêng, phù hợp với mỗi địa phương. Việc thực hiện tinh giản nội dung dạy học đã giúp các nhà trường có điều kiện dạy học phân hóa. Trong đó, nhiều đơn vị đã xây dựng được các bộ phân phối chương trình dựa trên khả năng nhận thức của từng lớp (theo phân luồng). Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn bậc trung học luôn ổn định, điểm bình quân thi THPT quốc gia và thi tuyển chọn học sinh giỏi văn hóa quốc gia luôn đạt thứ hạng cao trên toàn quốc.
Chủ đề dạy học không phải là sự lắp ghép các bài học trong sách giáo khoa một cách ngẫu nhiên mà là sự lắp ghép có chủ đích nhằm tạo nên mạch kiến thức nhất quán giữa các bài cụ thể.
Thiết kế bài học và dạy học theo chủ đề để làm gì?

Việc xây dựng bài học và dạy học theo chủ đề là điều kiện quan trọng để góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Bởi lẽ, để hình thành được năng lực và phẩm chất người học, mỗi giờ học không chỉ hướng tới mục tiêu dạy cho học sinh hiểu biết “kiến thức nào?” mà còn phải dạy cho học sinh lí giải được “kiến thức ấy dùng để làm gì?”, “cần phải làm gì và làm như thế nào để có được kiến thức ấy?”…. Nghĩa là ngoài việc hiểu được nội dung bài học, học sinh cần biết phát hiện, tư duy trước một vấn đề, cần hình thành được thao tác tìm kiếm thông tin, huy động tri thức để xử lí những tình huống tương tự. Một bài học độc lập sẽ khó khăn hơn cho việc hình thành và phát triển năng lực học sinh theo hướng ấy. Khi dạy học theo chủ đề, giáo viên dễ tạo cơ hội cho học sinh sử dụng những kiến thức, kĩ năng đã biết ở phần trước để phát hiện và giải quyết những tình huống có vấn đề ở phần sau trong bài học. Việc phát hiện và giải quyết những tình huống mới phát sinh trong chủ đề dạy học là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển được năng lực học sinh. Trong nhiều trường hợp, khi thiết kế tiến trình dạy học, giáo viên có thể biến những con đường đạt mục tiêu dạy học thành một tình huống và để giải quyết tình huống ấy, học sinh phải vận dụng kiến thức, kĩ năng trong nhiều môn học. Khi ấy, người dạy có thể thiết kế chủ đề theo hướng tích hợp để hình thành cho học sinh năng tư duy tổng hợp. Nghĩa là học sinh biết cách vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng ở nhiều môn học để giải quyết một vấn đề. Khi chương trình chưa được tinh giản, lượng kiến thức quá tải, giáo viên khó có thời gian để vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; khó thiết kế các hoạt động để học sinh tự hình thành, củng cố và vận dụng những kiến thức đã học.

Làm thế nào để lựa chọn nội dung, xây dựng tốt các chủ đề dạy học?

Về nhận thức, cần nghiên cứu kĩ các văn bản, tài liệu liên quan đến dạy học theo chủ đề, đặc biệt là những tài liệu trên trang mạng Trường học kết nối; nghiên cứu nắm vững bản chất, mục tiêu của việc dạy học theo chủ đề để tránh việc lựa chọn nội dung, thiết kế bài học theo chủ đề một cách kinh nghiệm, cảm tính. Về thao tác, cần rà soát toàn bộ nội dung chương trình, căn cứ vào đặc điểm của đối tượng học sinh để lựa chọn những đơn vị kiến thức phù hợp. Với những đơn vị kiến thức khó, cần tăng thời lượng và tăng cường hướng dẫn học sinh tự học và học hợp tác. Với các môn khoa học xã hội, cần lược bỏ thay thế những thông tin đã lạc hậu bằng những thông tin mang tính cập nhật để tạo sự nối kết giữa nhà trường và cuộc sống. Sau khi đã rà soát, lựa chọn nội dung, cần sắp xếp các đơn vị kiến thức thành một chỉnh thể khoa học (phù hợp với quy luật tư duy từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, từ khái quát đến cụ thể... phù hợp với đặc trưng bộ môn và phù hợp với đối tượng học sinh); lựa chọn thời lượng hợp lí cho từng chủ đề trên cơ sở đảm bảo Chuẩn Kiến thức - Kĩ năng và tổng số tiết không đổi trong mỗi học kì.

Làm thế nào để phát huy lợi thế của việc dạy học theo chủ đề?

Dựa trên các chủ đề, giáo viên tiến hành xây dựng bài học theo định hướng chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh. Để thiết kế bài học một cách hợp lí, cần dựa trên Chuẩn Kiến thức - Kĩ năng của chương trình hiện hành xác định rõ mục tiêu của bài học (gồm kiến thức, kĩ năng, thái độ). Từ mục tiêu bài học, xác định thời lượng dành cho chủ đề; xác định các đơn vị kiến thức mà học sinh cần đạt rồi từ đó dự kiến các phương pháp dạy học phù hợp với từng đơn vị kiến thức ấy. Trong trường hợp một chủ đề có lượng bài học nhiều, giáo viên có thể chọn dạy sâu một bài trên lớp. Sau đó, hướng dẫn học sinh vận những kĩ năng đã có ở bài học ấy để tiếp cận, xử lí các tình huống trong bài tiếp theo. Cứ như vậy, qua mỗi phần của chủ đề dạy học, vai trò của giáo viên xuất hiện ít hơn để học sinh được thể hiện mình nhiều hơn. Và quan trọng hơn, để học sinh “tự lập” hơn trong việc tìm kiếm và ứng dụng tri thức. Đó cũng là quá trình chuyển trung tâm của giờ học từ giáo viên sang học sinh. Nhiệm vụ của giáo viên là xây dựng những câu hỏi kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh; phát hiện và tháo gỡ những khó khăn khi học sinh xử lí các vấn đề trong bài học tiếp. Để hình thành thao tác, rèn luyện kĩ năng cho học sinh, tránh hiện tượng giảng giải một chiều, giáo viên cần cụ thể hóa thành các công việc để học sinh chiếm lĩnh kiến thức. Nghĩa là để muốn thay thế hình thức giảng giải một chiều từ thầy (bằng cách giao việc cho học sinh), giáo viên phải nghĩ ra việc và cách thức giao việc. Mỗi câu hỏi / câu lệnh giao việc phải tập trung làm rõ dần mục tiêu bài học; khi thiết kế bài học, phải lí giải được “câu hỏi / câu lệnh ấy nhằm giúp học sinh khám phá đơn vị kiến thức nào? Qua đó, hình thành cho học sinh kĩ năng gì? Đơn vị kiến thức, kĩ năng ấy có liên quan gì đến mục tiêu bài học?”. Mỗi câu hỏi / câu lệnh giao việc phải đảm bảo sự tường minh và tính phù hợp. Tường minh ở chỗ, khi được giao việc, học sinh biết mình phải làm gì, làm như thế nào, làm việc với học liệu nào, sản phẩm cuối cùng là gì và báo cáo cáo sản phẩm như thế nào. Cách giao việc, công việc được giao phải phù hợp với đặc trưng bộ môn, phù hợp với mục tiêu của bài học và phù hợp với đối tượng học sinh. Để tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT khuyến khích các đơn vị xây dựng chủ đề dạy học theo tiến trình 5 bước hoạt động gồm: 1. Hoạt động khởi động (tạo tình huống xuất phát); 2. Hoạt động hình thành kiến thức - kĩ năng mới; 3. Hoạt động củng cố, luyện tập; 4. Hoạt động vận dụng; 5. Hoạt động mở rộng, phát triển ý tưởng sáng tạo. Đây là 5 bước hoạt động được áp dụng ở hầu hết các mô hình giáo dục tiên tiến hiện nay và đều có cơ sở khoa học từ quy luật nhận thức của con người.
Một buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên dịp hè 2017.
Để phát huy lợi thế của việc dạy học theo chủ đề, cần vận dụng tốt các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Có nhiều phương pháp dạy học tích cực như: đàm thoại, thảo luận nhóm, dạy học theo dự án, đóng vai... Tùy theo đặc thù mỗi môn học, giáo viên có thể lựa chọn các phương pháp thích hợp nhất để phát huy được năng lực của mỗi học sinh. Mỗi phương pháp dạy học đều có điểm mạnh, yếu riêng. Vì thế, để phát huy điểm mạnh, khắc phục nhược điểm, người thầy phải vận dụng các kĩ thuật dạy học để hỗ trợ. Chẳng hạn, để phát huy ưu thế của phương pháp thảo luận nhóm và hạn chế hiện tượng học sinh ỷ lại, không hợp tác khi thực hiện phương pháp này, người dạy có thể sử dụng kĩ thuật Khăn trải bàn. Đây là kĩ thuật dạy học đòi hỏi tất cả các thành viên của nhóm đều phải tham gia. Tiếp nữa, phải thực hiện thường xuyên việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Cần quan niệm, kiểm tra đánh giá là công việc thường xuyên trong mỗi chủ đề và định kì. Kiểm tra là một trong những căn cứ đánh giá học sinh để dạy học phân hóa. Hiện nay, có nhiều hình thức kiểm tra được áp dụng để đánh giá học sinh. Trong trường hợp một chủ đề có lượng bài học nhiều, giáo viên có thể chọn dạy sâu một bài trên lớp. Sau đó, hướng dẫn học sinh vận những kĩ năng đã có ở bài học ấy để tiếp cận, xử lí các tình huống trong bài tiếp theo. Nhiệm vụ của giáo viên là xây dựng những câu hỏi kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh, phát hiện và tháo gỡ những khó khăn khi học sinh xử lí các vấn đề trong bài học. Khi xây dựng các đề kiểm tra thường xuyên và định kì, nên kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận. Đề kiểm tra hoặc hệ thống các câu hỏi kiểm tra việc tự học của học sinh nhất thiết phải được cụ thể hóa từ ma trận theo bốn cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra luôn gắn liền với đổi mới đánh giá. Đánh giá là khâu quan trọng và có thể được thực hiện bằng nhiều cách (đánh giá qua sản phẩm, đánh giá qua hoạt động, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng điểm số, giáo viên đánh giá học sinh và học sinh đánh giá lẫn nhau trong quá trình học...). Trước khi xây dựng bộ câu hỏi kiểm tra hoặc một đề kiểm tra, giáo viên phải xác định rõ mục tiêu đánh giá và các tiêu chí đánh giá. Khi đánh giá, không quá coi trọng kết quả mà nên kết hợp coi trọng, khích lệ những ý tưởng sáng tạo của học sinh...

Để phổ biến đến từng cán bộ quản lí, giáo viên những ưu thế của dạy học theo chủ đề, cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chuyên môn. Ngoài việc đổi mới theo Nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn cần được tổ chức theo chủ điểm. Từ năm học này, các nhà trường / cụm trường nên tập trung vào các chủ điểm liên quan đến xây dựng chủ đề dạy học và dạy học theo chủ đề. Khi tổ chức sinh hoạt chuyên môn, không nên ôm đồm cùng lúc nhiều vấn đề mà tập trung vào những nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với địa phương; tránh phô trương, hình thức. Chẳng hạn, mỗi đợt sinh hoạt chuyên môn, các tổ trưởng / cụm trưởng có thể tập trung vào cách thiết kế một bài học theo chủ đề, cách xây dựng tình huống trong dạy học theo chủ đề, cách thực hiện một kĩ thuật dạy học, cách thiết kế những câu hỏi luyện tập... Đồng thời, trong sinh hoạt chuyên môn cũng không nhất thiết là hội giảng. Có thể tổ chức tọa đàm, nêu vấn đề và cùng trao đổi, thảo luận... nâng cao chất lượng đội ngũ.

Xây dựng chủ đề trong dạy học và dạy học theo chủ đề là vấn đề không mới và là xu thế chung của các mô hình giáo dục tiên tiến nhưng chưa được phát huy triệt để lợi thế. Vì thế, các phòng GD&ĐT, các nhà trường cần tích cực và sáng tạo trong triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải kiên trì mục tiêu dạy học theo chủ đề để đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chủ đề để hướng dẫn học sinh cách học và trên hết là để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bạch Đăng Khoa - Trưởng phòng GDTrH&GDDT
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17,418
Tổng số trong ngày: 10,831
Tổng số trong tuần: 37,799
Tổng số trong tháng: 592,736
Tổng số trong năm: 3,543,511
Tổng số truy cập: 16,688,642