|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Vùng cao Sa Lý thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với khí hậu khắc nghiệt quanh năm, đường đèo quanh co, nguy hiểm, heo hút giữa đại ngàn nhưng giáo viên vẫn cống hiến tất cả vì học sinh thân yêu. Ở đó có những thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, thiếu thốn vật chất, tinh thần vẫn bám trường bám lớp từng ngày gieo con chữ cho học sinh nơi đây.
Gian nan nơi đèo cao heo hút

Từ thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang để đi tới đỉnh đèo Tà Cang không phải là chuyện đơn giản, vượt hơn 45 km đường đèo nguy hiểm, con suối dữ mới tới được đỉnh đèo. Phía sau đèo Tà Cang có ngôi trường hiên ngang nằm giữa đỉnh núi heo hút, cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp, họ chỉ biết làm nương rẫy, trồng rừng và lấy củi.

Sa Lý là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, hiện toàn xã có trên 600 hộ, với gần 3000 khẩu, đa số là người dân tộc San Chí, Tày... trong đó có tới hơn 200 hộ thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thầy, các cô giáo đã không quản ngại khó khăn, bám trường, bám lớp dù bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng với những quyển sách giáo khoa, giáo án, cây bút... vẫn miệt mài dạy chữ cho các em.

Thầy Trần Văn Thăng hiệu trưởng trường THCS Sa Lý tâm sự “toàn trường hiện có 19 cán bộ giáo viên hầu hết là từ vùng xuôi lên, có nhiều thầy nhiều năm gắn bó với biết bao thế hệ học trò, nhân dân và trở nên thân thuộc với mảnh đất xa xôi, khó khăn này. Nhiều thầy cô giáo quê tận Hiệp Hòa, Yên Dũng... nhưng mang theo tâm huyết của nhà giáo, bầu nhiệt huyết thanh xuân của tuổi trẻ để đến với vùng đất này, mong muốn gieo cho các em con chữ nên dù khó khăn thế nào họ cũng không thể từ bỏ được sự nghiệp trồng người của mình”.

Cuộc sống của các thầy, cô giáo nơi đây hết sức khó khăn, đồng lương thì ít ỏi nhưng muốn đi mua thứ gì cũng phải xuống tận thị trấn Chũ mới có thể mua được. Thời tiết thì khắc nghiệt, mùa đông gió rét như cắt vào da thịt, mùa hè nóng như đổ lửa... Thầy Khuê giáo viên dạy Sử tâm sự “Lúc đầu, tôi mới lên đây công tác tưởng chừng không trụ nổi, điện không có, nước sạch thì không, lớp học thì tạm bợ, học sinh thì chỉ thích nghỉ học để đi làm vàng, lên rừng lấy củi, lấy măng... không chịu đến trường, có em đang đi học thấy đủ tuổi kết hôn, nên nghỉ học ở nhà lấy chồng, lấy vợ...”.

Với giáo viên đã lập gia đình thì còn khó khăn trăm bề, vợ công tác một nơi, chồng công tác một nơi, đầu tuần lên cuối tuần mới về, khi con cái ốm mà không thể về chăm sóc ngay được, cứ ngồi mà nuốt nước mắt vào trong mà nhờ họ hàng giúp đỡ. Vì nếu về thì cũng mất cả ngày đường, bao nhiêu là dốc, là suối là vực sâu... nguy hiểm rình dập hàng ngày, khiến cho giáo viên mỗi lần chạy xe máy về nhà cũng phải chuẩn bị đề phòng bao nhiêu là nỗi lo, nỗi sợ hãi. Còn đối với giáo viên trẻ, chưa có gia đình ở xa nhà quanh năm, suốt tháng phải ở trên trường nhiều khi cả tháng mới về nhà thăm gia đình, hay chờ dịp hè dịp Tết mới về...

Vì học sinh có thể làm tất cả


Các hoạt động vui chơi để học sinh thêm yêu và tới trường...

Những năm tháng trước đây, giáo viên không chỉ dạy chữ mà giáo viên chúng tôi còn phải dỗ dành học sinh đi học, có khi học sinh sáng nghỉ học, buổi chiều thầy vào nhà, ra bãi đãi vàng, vào trong rừng để vận động các em đến lớp, vào một lần mà hôm sau các em vẫn chưa đi học thì hôm sau thầy lại vào tiếp, có những con đường vào thôn, vào bản phải đi qua từng khe suối, vượt từng đoạn đường dốc trơn trượt để vào nhà em học sinh nghỉ học để động viên các em đến trường. Càng ngày thì bà con càng thấm được sự tận tâm, tận lực của các thầy, các cô chỉ vì tương lai con em mình nên dù khó khăn thế nào các em học sinh cũng được bố mẹ động viên đến trường để mong tìm được con chữ. “Được sự vào cuộc của, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con đã được đổi mới hơn, trường học được xây dựng mới, đường vào các thôn bản đã được nâng cấp, điện lưới quốc gia đã đến từng thôn, cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư về phương tiện dạy học, thầy cô giáo tận tâm, đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với đối tượng địa phương đã thôi thúc các em đến trường, nhiều em ở thôn xa nhất xã là Cây Lâm phải vượt đèo, lội suối để đến trường đã được nhà nước hỗ trợ cho học bán trú gần trường, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập và giáo viên cũng bớt phần vất vả”- thầy Thăng chia sẻ.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huế, giáo viên dạy Vật Lý chia sẻ “Sau khi tốt nghiệp đại học, em xin lên đây công tác, mặc dù em đã chuẩn bị tư tưởng là sẽ vất vả nhưng không ngờ cuộc sống ở ngôi trường sau đèo Tà Cang này lại vượt xa trí trưởng tượng của bản thân. Vốn quen sống nơi tấp nập, đông vui, nên những ngày đầu lên đây công tác với cảm giác cô đơn, nhớ nhà da diết, khi màn đêm buông xuống bao quanh là núi rừng, vừa buồn, vừa sợ, gọi điện về nhà không dám khóc chỉ sợ bố mẹ lo lắng. Thế nhưng, có nên đây ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, khổ sở của người đồng bào dân tộc Sán Chí nơi vùng cao này, dù khó khăn thế, nghèo khó thế nhưng tinh thần học tập của học sinh lại rất hăng say, các em ngoan ngoãn, chịu khó học tập vươn lên, đã làm cho em thêm yêu quý nơi này. Bây giờ, ở nơi đây em xem như là nhà thứ hai, các đồng nghiệp như những anh em trong gia đình, mỗi lần nghỉ hè về quê lại thấy nhớ các em da diết, và mong sao sớm gặp được các em”.


Các chiến sỹ Công an tỉnh Bắc Giang thăm và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó của trường.

Trăn trở với sự học nơi vùng cao, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, các thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, vất vả thiếu thốn để gieo những con chữ học sinh nghèo nơi đây. Vẫn biết, con đường tìm chữ của học sinh còn nhiều gian nan, nhưng các thầy, các cô ngày càng bám lớp, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm lý học sinh để tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp nhất để kiến thức đến với học sinh không quá khó, không quá xa vời, rất gần gũi với cuộc sống và phát huy năng lực cho học sinh để đạt hiệu quả cao nhất cho con chữ đến với học sinh, cho những mầm tri thức của tương lai trên đất nghèo vươn lên.

Vũ Công Phong - GV. THCS Sa Lý
平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 10,133
Total visited in day: 8,617
Total visited in Week: 8,616
Total visited in month: 563,553
Total visited in year: 3,514,328
Total visited: 16,659,460