Biết lắng nghe và biết chia sẻ..

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Với nghề dạy học, đối tượng và sản phẩm của lao động là con người. Một người thầy có nhân cách tốt, có cái tâm sáng sẽ là tấm gương giàu sức thuyết phục nhất đối với học sinh của mình.
(BGE)- Những nhiệm vụ của một người giáo viên được quy định rõ tại Điều lệ nhà trường, trong đó với giáo viên Tiểu học phải "Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp", đối với giáo viên phổ thông "Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh" bài viết sau do tác giả- giáo viên tại một trường Tiểu học chia sẻ về trách nhiệm của một nhà giáo:

Một trong những biểu hiện của một người thầy có nhân cách, có tâm, có tầm và cũng là một phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo. Đó là Biết lắng nghe, biết chia sẻ.

20110812-class.jpg
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: www.grosvenorschool.co.uk

Biết lắng nghe, biết chia sẻ thể hiện thái độ chân thành, sự tôn trọng và hơn thế nó giúp mỗi con người học hỏi được nhiều điều, nâng cao tầm hiểu biết mới thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm, những hiểu biết, cả những khó khăn mà mình gặp phải.

Trong quá trình làm việc, người thầy phải giao tiếp với cấp trên, với đồng nghiệp, với phụ huynh, đặc biệt là thường xuyên giao tiếp với học sinh. Phẩm chất Biết lắng nghe, biết chia sẻ thể hiện rõ nhất khi thực hiện quá trình giao tiếp với các đối tượng này.

Với học sinh, cách thể hiện rõ nhất ngay từ trong các giờ học.
Xin nêu một vài ví dụ: Tiết học của giáo viên A: Cô thuyết trình gần như từ đầu đến cuối, ít, thậm chí không chú ý xem học sinh có chú ý nghe không, bỏ qua những phản ứng nho nhỏ của các em như ngoảnh sang bên cạnh, to nhỏ thì thầm với bạn…Còn khi học sinh phát biểu, cô thường nói: "Sai rồi, em ngồi xuống, cô mời em khác phát biểu", "Có em nào có ý kiến khác không ?" hoặc "Có em nào muốn phát biểu thêm không ?"... những câu nói như vậy khiến học sinh nhận ra rằng câu trả lời của các em không phải là những câu mà cô mong đợi, làm cho các em thất vọng, ngại không dám phát biểu, không còn hứng thú học tập nữa.

Còn tiết học của cô giáo B: Sau khi lắng nghe học sinh phát biểu, cô thường khuyến khích: "Ý kiến của em rất hay, em tự nghĩ ra phải không ?", "Ý kiến của em rất mới mẻ, em dựa vào đâu vậy?", "Đúng rồi, em đã tìm hiểu nội dung này từ sách giáo khoa phải không ?" hoặc "Bạn A đã phát biểu tương tự như thế, có gì khác giữa ý kiến của em và của bạn không? Em có muốn giải thích thêm gì không?"... cách nói như vậy sẽ giúp các em không bị mặc cảm, e ngại vì mình trả lời sai mà luôn cảm thấy câu trả lời của mình được cô và các bạn mong đợi, lắng nghe. Các em sẽ mạnh dạn, tin tưởng và có mong muốn chia sẻ ý kiến của mình với cả lớp.

Người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ bao giờ cũng là  người có khả năng bao quát lớp tốt, hiểu những lỗi sai của  học sinh, biết cách giúp các em sửa sai, biết kiên trì chờ đợi, và biết khuyến khích học sinh tìm tòi khám phá, kiến thức mới.

Xin nêu một ví dụ khác về cách ứng xử của hai giáo viên đối với một tình huống trong giờ học Toán, học sinh M lên bảng làm một bài toán bị sai
Cô A: Cho học sinh M về chỗ và gọi học sinh khác nhận xét chữa bài. Xong cô biểu dương em học sinh vừa chữa bài và nói với học sinh M: "Em làm sai rồi, bài giải đúng phải như của bạn, lần sau chú  ý suy nghĩ kĩ nhé."

Ở lớp bên cạnh, Cô B: Sau khi cho học sinh khác nhận xét, cô nói: "Có điều gì đó chưa ổn trong cách làm của em. Em hãy nói cho cô cách làm của mình xem nào. Sau khi nghe học sinh trình bày cách làm, cô giúp H phát hiện ra chỗ sai rồi cho em lên tự sửa lại bài của mình. Cách làm của cô B thể hiện cô là người rất hiểu, thương yêu, tôn trọng học sinh, biết lắng nghe và chia sẻ, biết chờ đợi từ học sinh. Hiệu quả học tập của học sinh thế nào từ cách dạy của hai giáo viên hẳn ai cũng có thể đánh giá được.

Ngoài giờ học, người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ thường tạo mọi điều kiện để tìm hiểu học sinh, kể cả trong giờ chơi, lúc sinh hoạt, khi vui liên hoan văn nghệ... vì thế họ chiếm được tình cảm, niềm tin của các em. Học sinh coi họ như người bạn lớn để tâm sự, để sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, hoài bão, những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống... vì vậy họ càng hiểu mình phải làm gì, làm như thế nào để các em tiến bộ.

Đối với đồng nghiệp, cấp trên, biết lắng nghe, biết chia sẻ sẽ tạo ra sự tin tưởng, thái độ chân thành, sự tôn trọng từ mọi người. Điều này thể hiện rõ nhất trong những giờ sinh hoạt chuyên môn. Người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ bao giờ cũng nghe nhiều hơn nói. Họ thu thập thông tin từ các đồng nghiệp khác, từ các em học sinh trên lớp, để chắt lọc lại thành kinh nghiệm của bản thân. Và họ hiểu cần phải nói như thế nào trong khi rút kinh nghiệm để đồng nghiệp tiếp thu  ý kiến từ họ một cách thoải mái, dễ dàng. Nhờ vậy những giáo viên này thường học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp và nhà quản lý những kiến thức trong công tác chuyên môn cũng như trong cuộc sống và chia sẻ với đồng nghiệp những vấn đề mà họ quan tâm.

Biết lắng nghe, biết chia sẻ chỉ là một trong nhiều việc làm thể hiện phẩm chất tốt đẹp của một người thầy có tâm. Phẩm chất ấy là cơ sở, là tiền đề để người thầy nâng cái "tầm" của mình lên, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hy vọng các nhà quản lí giáo dục, mỗi thầy cô giáo hãy luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, biết lắng nghe, biết chia sẻ, khắc phục mọi khó khăn để mỗi nhà trường trở thành mái ấm tin cậy, thực sự là "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" thu hút học sinh đến trường, tích cực học tập rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước./.

Vũ Hạnh
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,235
Total visited in day: 19,170
Total visited in Week: 147,407
Total visited in month: 546,770
Total visited in year: 3,497,545
Total visited: 16,642,677