Chỉ đạo thực hiện “Xây dựng các mô hình đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở cấp Tiểu học”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Định hướng quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trong các nhà trường theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, từ năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng 06 mô hình đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học, cụ thể như sau:

 

Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐTNguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
1. Mô hình sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo nghiên cứu bài học (NCBH) định hướng phát triển năng lực học sinh
 
Mô hình SHCM theo NCBH nhằm thúc đẩy công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ quản lý và giáo viên trong trường tiểu học. Thông qua SHCM giúp cán bộ quản lý, giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố và phát triển mối quan hệ bình đẳng, cộng tác, học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên trong trường tiểu học. Các buổi SHCM theo NCBH không tiến hành đánh giá, xếp loại giờ dạy mà tập trung vào hỗ trợ giáo viên các kỹ năng quan sát, phân tích việc học của học sinh, tìm các nguyên nhân dẫn đến việc học đó và đề xuất các giải pháp giúp học sinh học tập thực sự.
 
Để triển khai hiệu quả mô hình này, mỗi phòng GD&ĐT xây dựng ít nhất 2 trường điểm về SHCM theo NCBH. Các trường điểm cần đảm bảo điều kiện là có máy quay phim, máy ảnh; có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn về kỹ thuật cắt ghép hình ảnh, sử dụng được hình ảnh trong việc phân tích bài học và có kỹ năng phân tích bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch SHCM cấp cụm trường ngay từ đầu năm học; tổ chức SHCM cấp cụm trường ít nhất 2 lần/năm tại các trường điểm, có sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.
 
2. Mô hình thư viện thân thiện trong trường tiểu học
 
Mô hình thư viện thân thiện nhằm bổ sung trí thức, mở mang trí tuệ, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
 
Để xây dựng được mô hình thư viện hiệu quả, mỗi phòng GD&ĐT chọn 2 trường điểm về mô hình thư viện thân thiện. Các trường điểm cần đảm bảo điều kiện là có phòng thư viện đủ diện tích theo chuẩn; có hệ thống trang thiết bị thư viện phù hợp; có đủ sách, truyện được phân loại theo mã màu; có cán bộ thủ thư, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh được tập huấn kỹ thuật thư viện; phụ huynh, cộng đồng ủng hộ triển khai thư viện thân thiện.
 
Trường điểm phải triển khai dạy Tiết đọc thư viện 1 tiết/tuần/lớp theo 4 hình thức: Đọc to nghe chung; Cùng đọc; Đọc cặp đôi và Đọc cá nhân. Các Tiết đọc thư viện được đưa vào thời khóa biểu chính khóa (tiết tự chọn) của nhà trường và do giáo viên chủ nhiệm dạy. Tổ chức SHCM về Tiết đọc thư viện nhằm giúp giáo viên nắm bắt, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài ra, cần tổ chức cho học sinh thường xuyên đọc sách tại thư viện, mượn sách về nhà đọc và coi đây là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học.
 
Các trường cần tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chương trình, dự án, từ nguồn ngân sách của địa phương, xã hội hóa để phát triển thư viện thân thiện; phát triển thư viện ngoài trời, thư viện xanh, thư viện các lớp học nhằm tạo không gian đọc sách theo hướng mở và đáp ứng được việc đọc sách đa dạng của học sinh. Tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, khuyến đọc... về thư viện như: Lễ khánh thành thư viện, Ngày hội đọc sách gia đình, sân khấu hóa các hình thức đọc sách, tổ chức thi kể chuyện, thi đọc sách, giao lưu giáo viên dạy giỏi tiết đọc thư viện và cán bộ thư viện giỏi các cấp.
 
3. Mô hình giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất
 
Mô hình giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất là hình thức giáo dục ý thức, thói quen và kỹ năng lao động, củng cố và phát huy những kiến thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật thu nhận ở lớp học, tăng thêm thể lực của học sinh, phục vụ cho việc dạy tốt, học tốt, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời là tiền đề góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai. Mô hình giáo dục này đã được triển khai ở nhiều trường tiểu học trong tỉnh bước đầu đã thu được những kết quả tốt.
 
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, mỗi phòng GD&ĐT chọn 2 trường điểm để triển khai mô hình này. Các trường điểm cần đảm bảo điều kiện như có không gian, diện tích đất đủ rộng theo chuẩn quy định; có sân chơi, bãi tập, vườn trường đảm bảo cho học sinh hoạt động và thực hành trồng cây, rau, hoa, cây cảnh...; có đủ các trang thiết bị, dụng cụ lao động, vệ sinh thiết yếu cho học sinh; giáo viên, phụ huynh thường xuyên hướng dẫn, tổ chức cho học sinh các tiết học, hoạt động trải nghiệm, lao động, vệ sinh ở trong và ngoài nhà trường; có sự liên kết, phối hợp với phụ huynh, nghệ nhân, các đoàn thể địa phương, làng nghề truyền thống, nhà vườn, các công ty, nhà máy, công trình văn hóa... trên địa bàn.
 
Trường điểm cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện mô hình ngay từ đầu năm học. Giáo viên hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho học sinh tham gia một cách chủ động, tích cực, tự chủ vào các hoạt động như lao động, vệ sinh, trang trí trường lớp học theo hướng xanh-sạch-đẹp, trồng và chăm sóc cây hoa, cây rau, cây cảnh...; tổ chức các tiết học, hoạt động trải nghiệm trong nhà trường và ngoài nhà trường với sự phối hợp của các cá nhân, đơn vị liên kết.
 
4. Mô hình dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới trong trường tiểu học
 
Mô hình dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới giúp học sinh hứng thú, đam mê với môn học qua đó phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo của học sinh, góp phần tạo được không gian sư phạm sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học, tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt yêu cầu bài học; đồng thời khơi gợi, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh, đáp ứng được các yêu cầu mục tiêu đổi mới của giáo dục tiểu học hiện nay.
 
Để triển khai hiệu quả mô hình này, mỗi phòng GD&ĐT chọn 2 trường điểm. Các trường điểm cần đảm bảo các điều kiện như có phòng học mĩ thuật riêng; phòng học có đủ diện tích theo quy định và được trang trí, sắp xếp, bố cục hợp lý, phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học; có đủ trang thiết bị, tài liệu, vật liệu phục vụ dạy và học. Khuyến khích các nhà trường tạo mọi điều kiện cho học sinh được vận dụng những nội dung, kiến thức của môn mĩ thuật vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trang trí trường lớp học, trưng bày các sản phẩm mĩ thuật và tích cực tham gia các cuộc thi mĩ thuật do ngành, địa phương tổ chức.
 
Các trường điểm cần sắp xếp thời khóa biểu tiết dạy Mĩ thuật linh hoạt (có thể bố trí 2-3 tiết liền nhau) để giáo viên có thể dạy theo chủ đề, tiến hành nghiên cứu và lập kế hoạch giảng dạy, tổ chức các hoạt động Mĩ thuật theo tài liệu của Bộ GD&ĐT, lồng ghép với chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Định kỳ tổ chức SHCM cho cán bộ quản lý và giáo viên mĩ thuật trong toàn huyện, theo đó cán bộ, giáo viên được tham gia học tập, chia sẻ và rút kinh nghiệm trong giảng dạy.
 
5. Mô hình xã hội hóa dạy kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học
 
Bơi là một trong những kĩ năng sống quan trọng đối với học sinh tiểu học. Biết bơi sẽ mang lại cho trẻ nhiều ích lợi trong cuộc sống, trong đó trẻ tự biết phòng chống đuối nước và mở ra những cơ hội phát triển thể chất tốt hơn cho bản thân. Triển khai mô hình xã hội hóa dạy kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học là mô hình do nhà trường tự chủ động hoặc kết hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng bể bơi để dạy kỹ năng bơi và giáo dục phòng tránh đuối nước cho học sinh.
 
Để triển khai hiệu quả mô hình này, Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND huyện tạo cơ chế thu hút đầu tư các bể bơi trong trường tiểu học để phát triển kỹ năng bơi cho học sinh. Mỗi phòng GD&ĐT chọn ít nhất 01 trường điểm về mô hình xã hội hóa dạy kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Mỗi trường điểm phấn đấu có ít nhất 02 giáo viên có chứng chỉ dạy bơi; có 01 bể bơi và 100% học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 biết bơi.
 
Các trường cần chú trọng công tác phối hợp với Nhà văn hóa, các tổ chức, cá nhân xây dựng, khai thác bể bơi cố định và bể bơi di động (bể bơi lắp ghép trong trường tiểu học). Đặc biệt chú trọng đến tính an toàn cho học sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cơ sở về phòng chống đuối nước cho trẻ em ở các khu dân cư, đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em.
 
6. Mô hình dạy học tiếng Anh trong trường tiểu học
 
Mô hình dạy học tiếng Anh trong trường tiểu học là mô hình nhằm phát triển đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh cho học sinh thông qua việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và hiện đại; tổ chức đa dạng các hoạt động học tập và thực hành cho học sinh; xây dựng môi trường học tiếng Anh thân thiện và có sự kết hợp giữa giáo viên của nhà trường với giáo viên bản ngữ hoặc tình nguyện viên.
 
Để triển khai hiệu quả mô hình này, các phòng GD&ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc dạy học Tiếng Anh theo Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2016-2020.
 
Mỗi phòng GD&ĐT chọn 02 trường điểm triển khai mô hình dạy học tiếng Anh. Các trường điểm cần đảm bảo các điều kiện như có đủ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quy định; có phòng học riêng; có đủ trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho việc dạy học tiếng Anh; xây dựng cảnh quan trường lớp học thân thiện với việc học tiếng Anh; có sự phối hợp với giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên (nếu có điều kiện) và phụ huynh học sinh.
 
Năm học 2017-2018, các trường tổ chức dạy tiếng Anh ở lớp 3, 4 như môn học chính khóa, phấn đấu 100% các trường có tổ chức dạy học tiếng Anh. Tổ chức đa dạng hình thức dạy học tiếng Anh, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh học và thực hành tiếng Anh. Trường điểm phấn đấu tổ chức dạy học tăng cường tiếng Anh cho học sinh có yếu tố nước ngoài. Định kỳ tổ chức cho giáo viên dạy Tiếng Anh tham gia SHCM theo trường, cụm trường nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học.
 
Để tổ chức thực hiện hiệu quả việc xây dựng 6 mô hình đổi mới giáo dục ở cấp Tiểu học, các cấp quản lý giáo dục và các trường tiểu học cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
 
Thứ nhất: Thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các mô hình giáo dục. Các phòng GD&ĐT chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 6 mô hình đổi mới giáo dục như đã nêu trên. Tổ chức tập huấn, hội thảo, hướng dẫn các trường điểm thực hiện nghiêm túc mô hình giáo dục đã lựa chọn. Tham mưu UBND huyện có cơ chế hỗ trợ các điều kiện cho trường điểm xây dựng các mô hình giáo dục.
 
Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện mô hình. Từng bước nhân rộng từng mô hình giáo dục ra các trường tiểu học còn lại khi đảm bảo các điều kiện thực hiện. Quá trình triển khai mô hình, các đơn vị, nhà trường cần tích cực, chủ động, sáng tạo nghiên cứu phát hiện và đề xuất các mô hình mới phù hợp với học sinh tiểu học để nhân rộng ra các trường tiểu học trong tỉnh.
 
Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện các mô hình giáo dục đồng thời tích cực viết bài, tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm và kết quả thực hiện các mô hình thông qua báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng.
 
Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, thông tin, báo cáo kết quả thực hiện các mô hình giáo dục
 
Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, cử cán bộ, chuyên viên, giáo viên cốt cán đến dự và tư vấn kỹ thuật SHCM tại các cụm trường.
 
Các trường tiểu học trong quá trình triển khai các mô hình chủ động thu thập, chọn lọc và lưu trữ các hình ảnh, video clip tiêu biểu về hoạt động của giáo viên, học sinh, phụ huynh, cộng đồng để xây dựng báo cáo minh chứng. Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá, thẩm định và nghiên cứu giải pháp chỉ đạo cho những năm học tiếp theo.
 
Với sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, sự vào cuộc của các cấp quản lý và lòng tâm huyết của mỗi thầy, cô giáo chúng ta tin tưởng rằng các mô hình đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học tỉnh Bắc Giang sẽ đạt được kết quả đúng như mong đợi, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
 
Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
08/11/2017
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,834
Tổng số trong ngày: 14,406
Tổng số trong tuần: 105,656
Tổng số trong tháng: 358,098
Tổng số trong năm: 2,681,549
Tổng số truy cập: 15,826,681