Cô giáo Mai Thị Thúy Nga, người mẹ hiền và nhà giáo tâm huyết

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Nằm giữa những đồi vải thiều bát ngát, trường THCS Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn như một điểm nhấn, tạo nên vẻ đẹp riêng của một vùng rừng đồi thơ mộng. Năm 2015, Trường THCS Phú Nhuận đã đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia sau những nỗ lực không mệt mỏi của lớp lớp thế hệ thầy và trò nhà trường, trong đó phải kể đến đóng góp của giáo Mai Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng nhà trường, người đã dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, cho nhà trường nói riêng.
Sinh năm 1961 trong một gia đình gia giáo tại làng Sàng Bến, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, cô Nga từ nhỏ đã ước mơ được trở thành cô giáo dạy văn. Trong cái thời kỳ nhiều người còn mang định kiến “Nhất y nhì Dược” thì cô Nga vẫn quyết tâm theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình - trở thành người lái đò để đưa những chuyến đò sang sông. Năm 1980, cô đã tốt nghiệp sư phạm Văn (nay là Ngữ văn) rồi trở về công tác tại huyện Lục Ngạn. Trải qua 35 năm gắn bó với nghề, cô đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau: tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng. Ở bất cứ vị trí nào cô đều tỏ ra là người khiêm nhường, làm việc một cách không ồn ào nhưng luôn say mê và nhiều ý tưởng sáng tạo.
Năm 2004, cô bắt đầu gắn bó với mảnh đất Phú Nhuận. Ngôi trường THCS Phú Nhuận khi đó còn rất hoang sơ, ba bề, bốn bên trống trải, sân trường lầy lội mọc toàn cỏ dại. Học trò thì nghèo khó, phần lớn không có điều kiện học hành, số lượng học sinh bỏ học nhiều... Và thế là những khó khăn của Phú Nhuận vừa như những thử thách lại vừa như một đam mê vượt khó với cô. Phú Nhuận như một duyên nợ với cô. Không ngại đường xá xa xôi, bàn chân cô đã đi khắp thôn bản vận động từng em học sinh tới lớp, dạy bảo những học sinh cá biệt bằng cả sự nghiêm khắc và bao dung của người mẹ; động viên, giúp đỡ các em không may mắn, trực tiếp phụ đạo những học yếu... Hồi ấy, để gieo con chữ, cô đã phải đọc rất nhiều tài liệu về tâm lí lứa tuổi, tâm lí học sinh dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con miền núi, tìm hiểu công tác dân vận để rồi quyết tâm thu hút học sinh đến trường bằng những những cách thức riêng. Cô đã quan niệm đúng - Trường học phải là “nơi học sinh muốn đến” chứ không phài là “nơi buộc phải đến”. Cô đã không quản ngại cùng các em lao động, tổ chức các chương trình văn nghệ, tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương. Không lâu sau, cô Nga đã trở thành “người thân” của mỗi học trò, mỗi bà con. Với vai trò hiệu trưởng, cô đã thực sự trở thành người truyền cảm hứng để rồi có một ngôi trường THCS Phú Nhuận như hôm nay.
Cô Nga vừa là một hiệu trưởng nghiêm khắc, vừa là người cô, người mẹ tận tâm. Những đồng nghiệp từng làm việc với cô và những học sinh từng học tập bên cô sẽ chẳng thể quên được hình ảnh cô Nga xách từng xô nước vun vén những luống rau, phát tỉa chăm sóc từng cây hoa, từng góc nhỏ trong khuôn viên nhà trường. “Hiệu trưởng cũng như chủ gia đình” - cô nói thế và làm thế, trường đối với cô là một gia đình. Bằng tâm tư ấy, cô truyền ý tưởng, tình yêu trường vào từng bồn hoa trong khuôn viên, từng giá sách trong thư viện, từng buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt chuyên môn, từng hoạt động ngoại khóa... cô đã biến tình yêu nghề nghiệp thành tình cảm gia đình, đem đến cho trường học một không khí ấm cúng, át đi cái heo hút của một vùng đồi núi thưa thớt dân cư.
Dấu ấn lớn nhất của cô ở ngôi trường này không chỉ là cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị dạy học hiện đại, không phải là danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, lại càng không phải chất lượng học sinh thi vào lớp 10 THPT năm sau cao hơn năm trước. Dấu ấn ấy là tình yêu trường, yêu lớp của học sinh, là sự yêu nghề của các đồng nghiệp thế hệ sau. Ở một xã vùng núi nhưng có dịp, nhất là vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, cứ nhìn học trò đội mưa, đội rét đến trường là đủ đánh giá được sức hút của ngôi trường thân yêu.
Cô Nga (thứ ba, từ trái) vẫn luôn dành hết tình cảm, nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục.
Ngày 01 tháng 4 năm 2016, cô giáo Mai Thị Thúy Nga chính thức được nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Nghĩ về cô, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng vì trường THCS Phú Nhuận vừa vượt qua những lúc gian khổ về cơ sở vật chất, vừa đạt chuẩn thì cũng là lúc cô hoàn thành nhiệm vụ của một đời công tác. Vẫn biết, đi làm, nghỉ hưu là chuyện tất nhiên, là chuyện ai cũng biết nhưng việc cô Nga nghỉ hưu cứ làm chúng tôi - những người viết nghèn nghẹn trong lòng. Tất cả rồi sẽ lại trở về nhịp sống thường ngày: trống trường vẫn cứ điểm nhịp, giờ học vẫn tiếp diễn nhưng chúng tôi - những người đã có duyên được công tác bên cô sẽ luôn nhớ về cô như một động lực để ngày hôm nay phải làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn ngày hôm qua - như cô luôn tâm niệm.

Ngày chia tay, chúng tôi chỉ muốn nói với cô một lời chúc nhưng đành nén lòng lại, và thay lời chúc bằng những lời cầu mong lặng thầm - “mong cô luôn mạnh khỏe và vẫn luôn là người truyền cảm hứng cho chúng con”.

Nguyễn Xuyến - Nguyễn Hương
平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 10,356
Total visited in day: 15,366
Total visited in Week: 143,603
Total visited in month: 542,966
Total visited in year: 3,493,741
Total visited: 16,638,873