Có một thầy hiệu trưởng ở Vô Tranh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là thầy giáo Trần Giang Ninh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - người thầy mà nhiều năm nay chinh phục hoàn toàn cấp trên và cha mẹ phụ huynh bởi lòng nhiệt thành, sự nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục. Thầy Ninh đã cùng đội ngũ giáo viên, học sinh nhà trường đưa trường từ một xuất phát điểm hầu như không có gì trở thành một trong những trường dẫn đầu ngành giáo dục Bắc Giang về các phong trào thi đua. Thời gian của thầy dành cho ngôi trường và học sinh thân yêu nhiều hơn tất cả. Nhiều giáo viên mới vào nghề tâm sự, thầy Ninh chính là tấm gương sáng về sự tìm tòi sáng tạo trong công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết nối được khối đoàn kết vững chãi quanh mình. Thầy Ninh là một hiệu trưởng khá đặc biệt, để lại ấn tượng sâu sắc cho ai có duyên gặp hay làm việc với thầy.

Vùng đất Vô Tranh, vốn nhiều huyền thoại, xưa kia là mảnh đất Vương triều Trần thường phái những vương tôn, tướng lĩnh tài giỏi trấn nhậm, phong đất tạo lập điền trang gia thất làm phên dậu che chắn cho Tổ quốc. Làng Gàng ở Vô Tranh có một gia đình danh gia vọng tộc, đã sinh ra Trung tướng Lư Giang tài ba kiên cường nổi tiếng trong lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 
Tôi qua chợ Gàng, chợ giờ sầm uất không khác gì một cái chợ dưới phố, có đủ thứ của đô thị, thật khác xa hình ảnh của gần 20 năm trước. Từ ngày có tỉnh lộ 293, mọi điều kiện giao thông ở đây thay đổi hẳn. Tuy nhiên, xã vẫn thuộc vùng 135 khó khăn đặc biệt, với cư dân có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Tôi hỏi chuyện về thầy giáo Ninh. Mấy bác đi chợ nói ngay: “Ối da, người hiếm có đấy, ai đời, các cháu tôi đi học xong không muốn về nhà, hôm nào cũng ở trường đến tối mịt. Ở lại để chơi thể thao, mùa hè thì bơi, đá bóng, rồi bóng bàn, cầu lông… Chết chết, mà sao thầy hiệu trưởng nhiệt tình thế, cứ ra chơi hay hết giờ làm việc là chơi bóng bàn với học sinh. Thầy dạy chúng nó miễn phí hết đấy, không có lấy tiền đâu ớ”. Tôi nghe vậy mà ấm lòng, dù chưa biết mặt thầy.
 
Tôi đến trường Vô Tranh 1 lúc đầu giờ sáng. Ngôi trường khang trang, bài trí khoa học nằm trên sườn đồi. Dù là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, mọi hoạt động đều nhờ nguồn vốn 135 của chính phủ hỗ trợ, song bằng nỗ lực nhiều năm của địa phương, trường đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2015. So với những trường giàu có dưới xuôi thì chưa là gì, nhưng nể nhất, phòng làm việc của hiệu trưởng, phòng ở của giáo viên tại trường thì xoàng xoàng thôi, nhưng phòng học cho các em thì đảm bảo đầy đủ. Trường có bể bơi đạt tiêu chuẩn, là một trong những trường tiểu học tiêu biểu trong toàn tỉnh dẫn đầu về công tác dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, trở thành điển hình cho nhiều nơi về học tập. Tính đến năm học 2018-2019 này, tỉ lệ học sinh biết bơi của trường là 79,3%, riêng học sinh lớp 5 cuối cấp đạt 98%. Theo quan sát của tôi, trường có sân đá bóng, sân chơi cầu lông, có khu nhà vòm tiện lợi cho sinh hoạt ngoại khóa không bị ướt, có bàn chơi bóng bàn... Ngạc nhiên quá đỗi khi những cô cậu học sinh lớp một lớp hai bé xíu, nói tiếng Kinh còn chưa sõi mà chơi bóng bàn rất thành thạo. Các em cho biết, chính thầy hiệu trưởng đã dạy các em chơi bóng và làm bạn chơi với các em mỗi ngày. Thảo nào, ra chơi, các em cứ thập thò ở cửa phòng thầy giáo, ý là thầy có chơi bóng không. Trò chuyện với học sinh, mới biết, thầy Ninh đã làm được một điều tuyệt vời là trở thành bạn của học sinh, được các em quý mến và tin cậy.

Thầy giáo Trần Giang Ninh.

Thầy giáo Trần Giang Ninh.
Thầy Trần Giang Ninh sinh năm 1970, quê làng Nhiêu Thị, xã Tiên Hưng, Lục Nam (quê gốc thầy ở Nghệ An). Dáng vẻ tuấn tú, khỏe mạnh, hòa nhã, thầy cuốn hút người đối diện bởi lối nói chân thật, mộc mạc. Thầy Ninh tâm sự, mẹ thầy vốn là giáo viên có uy tín công tác tại Phòng Giáo dục huyện ngày trước nên luôn muốn anh vào sư phạm, chứ thực tâm, anh chỉ ao ước làm bộ đội hoặc công nhân kỹ thuật. Nghe mẹ động viên, anh đi học lớp Trung học sư phạm miền núi, rồi sau theo học Cao đẳng sư phạm. Năm 1991, ra trường anh về xã Đông Phú dạy. Cả nhà xúm lại động viên, anh tiếp tục học đại học ngài Hà Nội nhưng vẫn mơ một ngày nào đó làm nghề khác. Năm 1996, tốt nghiệp đại học anh về dạy ở trường thị trấn, lúc đó giáo viên miền núi người địa phương học đại học còn ít, cô hiệu trưởng có nói trong cuộc họp nhà trường rằng, từ nay, trường ta có đồng chí Ninh đã có trình độ đại học, các giáo viên khác có vấn đề gì cứ hỏi đồng chí ấy nhé. Câu nói đó đã thức tỉnh thầy Ninh, làm thầy Ninh thao thức suy nghĩ, cảm thấy sức nặng trách nhiệm vô hình đặt lên vai mình. Nhìn lũ trẻ quê mùa ngơ ngác còn thiếu đủ thứ lấm lem đến lớp, cùng cảnh quê nhà nghèo và lạc hậu, thầy quyết tâm gắn bó, dành tâm huyết cho nghề dạy học từ đây, hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Thầy suy nghĩ, làm sao để đưa phong trào văn hóa văn nghệ và thể thao của trường đi lên nhằm lôi cuốn học sinh, giúp các em say mê đi học hơn. Thầy Ninh quyết tâm bỏ công sức ra học múa. Chuyện một nam giáo viên dạy múa cho học sinh khi ấy còn xa lạ lắm. Thầy Ninh mua sách về tự nghiên cứu rồi đến học trực tiếp từ các nữ đồng nghiệp. Không lâu sau, đội múa do thầy Ninh phụ trách có được thành tích cao, học sinh tham gia ngày một đông, phong trào của trường cứ thế phát triển. Trong giảng dạy, có lẽ thầy Ninh đã đi trước chủ trương của ngành giáo dục sau này, thầy tự phân loại học sinh trong lớp, có sổ theo dõi riêng từng em, tùy vào từng em mà bồi dưỡng kiến thức. Thầy tình nguyện bỏ thời gian bồi dưỡng thêm cho học sinh yếu kém mà không nhận bất cứ thù lao nào. Thời gian trôi qua, dần dần, chất lượng học sinh cũng được nâng cao, trường được dư luận nhân dân và cấp trên ghi nhận. Bây giờ thì thầy nghĩ, nghề giáo đã chọn mình, và mẹ thầy chính là người đã ảnh hưởng đến thầy nhiều nhất.
 
Thầy Ninh được phân công về làm hiệu phó Trường Tiểu học Trường Giang đúng lúc trường đầy rẫy khó khăn. Với bản tính không cam chịu lối mòn mà tích cực đào sâu suy nghĩ, thầy Ninh luôn có cách làm khác biệt với những đồng nghiệp khác. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, thầy chú trọng vào công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thúc đẩy công tác phong trào khác. Quả nhiên, sau đó lần đầu tiên trường có học sinh giỏi. Niềm vui của các thầy cô và học sinh như được nhân lên. Thầy Ninh làm công việc gì dù nhỏ nhất cũng đều có sáng tạo riêng, hiệu quả cao. Công tác giáo dục phổ cập được thầy để tâm, làm khác cách làm cũ, quản lý theo phần mềm trên máy, không bị nhầm lẫn như cách làm thủ công trước kia. Bữa ăn bán trú cho học sinh ở trường tiểu học cũng lần đầu tiên được thầy khởi xướng thành công.
 
Tôi quan sát một trận bóng giữa các thầy trò. Cậu bé nào thắng, hoặc có đường bóng đẹp, thầy Ninh lại thưởng ngay cho một quả bóng mới. Các em reo hò, thích thú. Thầy kể, nhìn các em mê chơi cầu lông, mà nhà nghèo chẳng có tiền mua cầu đâu, đi học đã là khó rồi, thôi thì mình chịu khó đi nhặt cầu cũ về cho chúng. Hôm nào ngày nghỉ chơi cầu với anh em bạn bè trên thị trấn xong lại đi nhặt cầu mang về trường. Lúc đầu, cũng ngại, mọi người cứ nhìn ngó chỉ trỏ, sau rồi cũng kệ, miễn là học sinh của mình có cầu để đánh, số cầu đó đánh quanh năm luôn”. Nghe vậy mà mắt tôi cay xè. Với các em học sinh miền núi, đúng là đi học đã khó, ngày mưa, các em đến lớp bằng thuyền và xe trâu, chân đất, có ăn có mặc đã nhọc rồi, lấy đâu ra điều kiện ăn ngon mặc đẹp hay mua đồ chơi, một tút cầu lông mới cũng mấy chục nghìn, bố mẹ các em không thể mua được thường xuyên. Thầy Ninh đã giúp các em đi vào đời bằng đôi chân khỏe mạnh của mình theo cách khác.
 
Tôi đã cắt nghĩa được hình ảnh mà mình bắt gặp ban sáng. Xe ô tô thầy hiệu trưởng vào cổng, lập tức học sinh ào đến ríu rít, chạy theo, chờ thầy mở cửa. Thầy bước xuống, mở cốp đưa cho một bọc ni lông nặng, lũ trẻ đồng thanh chào thầy và hò reo vui sướng. Hóa ra lũ nhóc mong chờ những món quà từ thầy giáo của mình. Chúng sẽ chia nhau bọc cầu lông thầy cho trong niềm vui bất tận. Có chứng kiến cảnh ấy mới thấy rõ hạnh phúc của người làm thầy. Thầy Ninh cho hay, những hoạt động vui chơi thể thao đã giúp các em phổng phao lên, có tinh thần học tập tốt hơn. Chính thầy hiệu trưởng đã thắp lên cho các em ngọn lửa đam mê chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe. Hiện trường có khu chính và khu lẻ nằm rải rác cách đó vài cây số, các em đều được quan tâm mọi mặt.
 
Bằng cách thành lập và duy trì các Câu lạc bộ (CLB), thầy Ninh đã cùng với các giáo viên và học sinh duy trì đều đặn thường xuyên và có hiệu quả các hoạt động đó. Những CLB gồm: CLB Văn hóa (Toán - Tiếng Việt); CLB Hát nhạc; CLB Bóng bàn; CLB Đá cầu - Cầu lông - Bóng đá; CLB Bơi - Điền kinh; CLB Chữ viết - Mỹ thuật. Mỗi CLB đều có giáo viên phụ trách, hoàn toàn miễn phí. Để có được nề nếp như hiện nay, thầy Ninh đã gương mẫu trước, sắp xếp dạy miễn phí cho các em, động viên các thầy cô giáo khác tham gia, có khuyến khích động viên bằng cộng điểm thi đua hàng tháng hàng quý, có trích thưởng theo thành tích cụ thể. Sự tận tụy hết lòng của hiệu trưởng đã lay động được trái tim của các thầy cô giáo trong trường. Bây giờ, việc dạy và học đâu ra đấy, mọi hoạt động CLB đều có kết quả tốt.
 
Trở lại chuyện thầy Ninh. Thầy luôn là người đứng mũi, chịu sào, giáo dục huyện Lục Nam, nơi nào khó khăn gian khổ thì thầy được điều động đến. Năm 2001, thầy về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Dị, và đã làm được một mốc son trong giáo dục huyện nhà. Thầy gây dựng phong trào rèn chữ, vở sạch chữ đẹp trong học sinh. Nhiều học sinh của trường tham gia cuộc thi viết chữ đẹp do Báo Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức đạt giải cao. Thầy hiệu trưởng được mời ra tận Hà Nội để tôn vinh và nhận Bằng khen. Phong trào vở sạch chữ đẹp của học sinh tiểu học Tam Dị đứng đầu ngành giáo dục Bắc Giang. Thầy Ninh hầu như chưa khi nào tỏ ra mệt mỏi, dù chặng công tác gặp nhiều gian khó. Thầy sống chan hòa, chân thành và cầu thị nên được cấp trên và đồng nghiệp ủng hộ, chia sẻ, động viên. Năm 2011, thầy về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Tranh này, lại dày công vun đắp, gây dựng mọi thứ từ một khởi nguyên khiêm tốn. Những năm qua, bao công sức của thầy và đội ngũ giáo viên đã không uổng phí, trường ngày một lớn mạnh, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao. Năm học 2017-2018 vừa qua, trường dành nhiều giải cao trong thi đấu thể thao, giành đến 18 giải cấp huyện (trong đó 3 giải cầu lông, 2 giải cờ vua, 2 giải bóng bàn, 6 giải bơi, 1 giải điền kinh, 1 giải tiếng hát tuổi thơ, 1 giải võ cổ truyền); xếp Nhất toàn đoàn môn bơi và bóng bàn; giành giải Nhất và giải Ba môn bóng bàn cấp tỉnh. Cũng trong năm học này, trường được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua”.
 
Khi được hỏi, tại sao học sinh trường thầy chơi bóng giỏi thế, chắc thầy thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp chăng thì thầy Ninh cười hiền, từ tốn nói: “Trường nghèo, không có tiền thuê đâu, chính mình đã mày mò tìm tài liệu tự học, rồi đi học người đánh giỏi để biết kỹ thật chơi chuẩn, về dạy lại học sinh của mình đấy chứ”. Hôm tôi đưa con trai tìm thầy Chính dạy bóng bàn dưới thành phố Bắc Giang để xin học cho con, qua câu chuyện của thầy, mới biết thầy Ninh rất giỏi bóng bàn, chơi như người chuyên nghiệp nhiều môn thể thao khác. Hèn chi, thầy có vẻ trẻ hơn tuổi thực của mình. Trong năm học 2018- 2019 này, kế hoạch thì nhiều việc cần làm, nhưng thầy đau đáu là làm thư viện cho các em, huy động nguồn sách cho học sinh đọc. Tôi ủng hộ ý tưởng này và mong thầy sớm thành lập CLB đọc sách cho giáo viên và các em học sinh. Tấm lòng thì vậy, nỗ lực cũng nhiều, song điều kiện địa phương còn hạn hẹp. Tôi chỉ ước, giá như, những ai quan tâm sách, quan tâm các em thiếu nhi miền núi, hãy gửi về cho trường tiểu học Vô Tranh những cuốn sách hay, để giúp các em đi xa hơn, vững chắc hơn. Thầy Ninh khiêm tốn, luôn né kể về mình, chỉ kể thành tích của đồng nghiệp, song chính các thầy cô trong trường đều kể nhiều năm thầy Ninh được nhận Giấy khen của huyện, Bằng khen của tỉnh và các cấp. Tôi nghĩ, thầy Ninh đã có một phần thưởng, một danh hiệu danh giá và cao quý do các bậc phụ huynh và học sinh nơi này trao tặng, đó là sự tin yêu, kính trọng quý mến ít người có được. Thầy là tấm gương một giáo viên thực sự vì nghề. Khi khắp nơi đổ xô học và thi đến bội thực, thầy đã làm khác, đó là đầu tư giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng nâng cao sức khỏe và đời sống cho học sinh, dành vốn liếng nhà trường đầu tư cho xây khu vệ sinh và bể bơi, khu sinh hoạt ngoại khóa cho các em. Được biết vợ thầy cũng là giáo viên dạy ở thị trấn, đã luôn ủng hộ động viên chồng. Một đồng nghiệp khoe rằng, chưa thấy ai chăm con như thầy Ninh, ngày nào cũng dành thời gian trò chuyện, đọc sách với các con.
 
Chia tay thầy, tạm biệt vùng quê Vô Tranh tươi đẹp, tôi luôn mong thầy khỏe mạnh để tiếp tục truyền lửa nhiệt thành cho các thế hệ đồng nghiệp và học sinh. Tôi xin dành cho thầy sự nể phục và trân quý. Mưa đã tạnh từ khi nào. Nắng rực vàng dưới lá cờ bay trên sân trường.
 
Mai Phương
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
25/12/2018
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 26,116
Total visited in day: 21,215
Total visited in Week: 149,452
Total visited in month: 548,815
Total visited in year: 3,499,590
Total visited: 16,644,722