Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh Bắc Giang

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Nhắc đến việc giáo dục và đào tạo con người, chúng ta thường nghĩ đến vai trò của các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Trên thực tế, để đào tạo ra những lớp người phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ có vai trò của nhà trường, mà còn rất cần sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của gia đình và xã hội.
Đó là ba môi trường giáo dục quan trọng tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc để cùng giáo dục, vun đắp
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thu
Phó GĐ Sở GD&ĐT
sự trưởng thành của một con người. Nguyên lý giáo dục ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định: “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội”.

Thực trạng công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Ngành GD&ĐT Bắc Giang luôn xác định công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh là một trong những biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục. Công tác phối hợp ba môi trường giáo dục được thể hiện trên một số mặt chính sau:

Thứ nhất, quán triệt trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các văn bản, quy định của nhà nước về việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, như Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ GD&ĐT về việc “Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh sinh viên”, Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Hoạt động về nguồn của học sinh trường THPT Lục Ngạn số 1 Bắc Giang.
Thứ hai, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang (theo Quyết định số 78/2008/QĐ-UBND ngày 15/8/2008, nay được thay thế bởi Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh), tạo cơ chế thuận lợi để triển khai công tác phối hợp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và trách nhiệm, quyền hạn của các nhà trường theo đúng nội dung của Quy chế.

Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong xây dựng kế hoạch năm học, cần chú trọng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình thông qua vai trò của giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp, hệ thống sổ liên lạc thông thường và sổ liên lạc điện tử, điện thoại, thư điện tử... để thường xuyên nắm bắt tình hình gia cảnh, hoàn cảnh, diễn biến tâm lý của học sinh; kịp thời thông tin đến cha mẹ học sinh tình hình tu dưỡng, rèn luyện và kết quả học tập của con em họ, qua đó động viên, chia sẻ và uốn nắn từng biểu hiện hành vi của học sinh, kể cả những sai phạm, biểu hiện lệch chuẩn. Duy trì nền nếp việc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, kết thúc học kỳ I và cuối năm học, để thông tin đến gia đình học sinh tình hình học tập của con em và bàn giải pháp phối hợp giáo dục. Ở đây, vai trò của người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp là vô cùng quan trọng. Người giáo viên không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục, mà còn phải quản lý, theo dõi sát sao sự tiến bộ của học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, học sinh cá biệt. Đã có nhiều giáo viên tâm huyết, thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, chia sẻ hoàn cảnh, giúp đỡ học sinh tiến bộ, vận động học sinh đến trường, nhất là những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Phối hợp chặt chẽ cùng gia đình trong các hoạt động giáo dục học sinh tại trường tiểu học Hoàng Lương, Hiệp Hòa.
Mặt khác, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình thể hiện rõ qua hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp. Việc thành lập và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được chỉ đạo thực hiện theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGGĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều trường học đã duy trì rất tốt hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp; giúp nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đóng góp chương trình giáo dục, phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo... và quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh.

Thứ tư, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương để quản lý và giáo dục học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, chấp hành các quy định về giao thông, phòng, chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội... góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để học sinh phát triển nhân cách toàn diện.

Thứ năm, các nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài, quỹ tài năng trẻ để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, khen thưởng động viên kịp thời học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện.

Có thể nói, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong những năm qua đã được ngành giáo dục Bắc Giang quan tâm chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt, bảo đảm đúng Quy chế quy định của nhà nước. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, việc phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang hiện nay vẫn còn một số điểm hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Một là, về phía nhà trường: một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt việc phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, chưa phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; một số giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp còn chưa làm hết trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh, vai trò còn mờ nhạt; một số giáo viên giảm nhiệt tình và tâm huyết nghề nghiệp; sự phối hợp với gia đình và xã hội trong quản lý và giáo dục HS còn chưa thường xuyên. Ở một số cơ sở giáo dục còn hiện tượng lạm dụng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu những khoản thu trái quy định, thực hiện quy trình xã hội hóa chưa đúng, gây ít nhiều bức xúc trong dư luận, nhất là đầu năm học.

Hai là, về phía gia đình: một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc hoàn cảnh đặc biệt nên không có điều kiện và chưa quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con, chưa phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, phó mặc giáo dục cho nhà trường. Một số gia đình ông bà, cha mẹ chưa thực sự làm gương cho con cháu; học sinh mất điểm tựa, chỗ dựa từ gia đình; mặt khác do ảnh hưởng của trào lưu xã hội đương đại, lối sống thực dụng tác động không nhỏ đến tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới có hành vi sai phạm, bỏ học, chơi điện tử, hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông...

Một số giải pháp và kiến nghị

Để khắc phục thực trạng này, trong thời gian tới Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng bền vững. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội, với cộng đồng; quan tâm giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp cho học sinh, kết hợp hài hoà dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Tiếp tục phối hợp tốt với gia đình và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiện đại và có văn hoá. Bên cạnh giáo dục chính khóa, tăng cường phối hợp tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo để tạo sân chơi thu hút học sinh vào các hoạt động giáo dục lành mạnh. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp; thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt, để nắm bắt tâm tư tình cảm, diễn biến tâm lý và có biện pháp kịp thời giáo dục học sinh.

Mặt khác, các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương, các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp giúp đỡ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm; tăng cường quản lý các dịch vụ xung quanh trường (quán game, trò chơi điện tử, hàng quán...), tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vào trong các nhà trường.
Khởi công xây dựng công trình nhà đa năng 982 m2 với sức chứa 700 người tại trường THCS Thân Nhân Trung, Việt Yên (tháng 12/2016).
Ngành Giáo dục đề nghị các gia đình cần thực sự quan tâm đến việc học hành, sự trưởng thành, nhất là diễn biến tâm lý của con em mình; phối hợp thường xuyên với nhà trường để cùng quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh. Mọi người trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con cháu.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là văn hóa gia đình, tạo nền tảng xây dựng nhân cách con người Bắc Giang phát triển toàn diện”. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng ngày nay, chủ đề Hội thảo thật có ý nghĩa trong việc định hướng xây dựng nhân cách con người Việt Nam nói chung, con người Bắc Giang nói riêng phát triển toàn diện. Bởi lẽ, gia đình vẫn là cái nôi đầu tiên, môi trường giáo dục đầu tiên cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người; song giáo dục nhà trường vẫn đóng vai trò quan trọng; còn xã hội chính là trường học lớn để con người rèn luyện và trưởng thành. Vậy nên, để xây dựng nhân cách con người Bắc Giang phát triển toàn diện, cần xây dựng môi trường văn hóa từ trong gia đình, trong nhà trường và toàn xã hội; đặc biệt phải thực hiện chặt chẽ việc phối hợp ba môi trường giáo dục học sinh: gia đình - nhà trường và toàn xã hội.

Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
平均 (0 投票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

アクセス中: 22,689
1日当たりのページのアクセス回数: 5,723
1週間当たりののページのアクセス回数: 32,691
1か月当たりのページのアクセス回数: 587,628
1年間当たりのページのアクセス回数: 3,538,403
ページのアクセス回数 : 16,683,535