Gắn kết, thân tình từ cách tổ chức họp phụ huynh trực tuyến trường TH thị trấn Tân An, Yên Dũng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Học kỳ I năm học 2021-2022 đã trôi qua. Vào thời điểm này, mỗi người đều thật bận rộn cho công việc cuối năm của mình, với các thầy cô giáo còn có thêm nhiệm vụ cao cả, đó là cùng nhau nhìn lại khoảng thời gian học kỳ I vừa qua, đây cũng là năm học tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kép: vừa chống dịch, vừa làm công tác chuyên môn, đòi hỏi mỗi nhà trường không chỉ linh hoạt, chủ động trong hoạt động dạy- học mà cần cả sự chủ động trong các hoạt động giáo dục khác.

Được sự thống nhất của chi bộ nhà trường, Ban giám hiệu trường tiểu học thị trấn Tân An đã chỉ đạo 23 lớp/23 lớp tổ chức họp phụ huynh theo hình thức trực tuyến vào các tối 15,16/01/2022 trên các phần mềm Teams, Google Meet, Zoom Meetings,…

Là Hiệu trưởng nhà trường, hơn ai hết tôi muốn được tham gia cùng các lớp trong các buổi họp phụ huynh dù theo hình thức nào đi nữa... nên chúng tôi đã chủ động sắp xếp cho các khối lớp tổ chức họp theo khung giờ lệch nhau để tôi cũng như thành viên Ban giám hiệu có thể cùng trải nghiệm. Cảm nhận ban đầu cho thấy việc tổ chức buổi họp của các lớp rất hiệu quả, giúp phụ huynh và học sinh có những trải nghiệm khó quên.

Diễn biến của một cuôc họp phụ huynh học sinh thường là: ổn định tổ chức, điểm danh khoảng 15 - 20 phút; truyền thông thông tin của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp học tập dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ về yêu cầu cần đạt, về năng lực, phẩm chất trong thời gian tới của học sinh,... Nhưng với các thầy cô trường tiểu học Thị trấn Tân An lại có những cách làm mới, đầy sáng tạo, đầy lôi cuốn và có ý nghĩa.

Tối 16/01/2022, là người có mặt rất sớm cùng dự tại phòng họp lớp 2A do cô Nguyễn Thị Hằng chủ nhiệm, tôi nhận thấy buổi họp hôm ấy không đơn thuần chỉ là buổi họp để phụ huynh nắm bắt thông tin một chiều từ phía nhà trường và thầy cô mà nó còn là buổi họp để sẻ chia và kết nối yêu thương.

Có lẽ, Cô giáo chủ nhiệm đã có sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc họp phụ huynh online buổi tối hôm ấy: Bài PowerPoint để trình chiếu chia sẻ màn hình cho các bậc phụ huynh quan sát, các sản phẩm học tập của các em trong học kỳ I, đặc biệt là những bài viết cảm nhận của học sinh về gia đình, bố mẹ, anh chị em trong các chủ đề bài học của phân môn tiếng Việt. Các tấm bưu thiếp bày tỏ tình cảm của học sinh với các thầy  cô giáo trong nhà trường nhân dịp 20/10, 20/11; các video của học sinh trong lớp được bố mẹ phối hợp với cô giáo xây dựng sau khi tổng kết mỗi tháng hoặc mỗi chủ điểm hoạt động, bảng điểm học tập, lời nhận xét của cô giáo với từng học sinh, thư khen ngợi học sinh sau mỗi tháng và cuối kỳ, những lời nhắn gửi của giáo viên chủ nhiệm tới học sinh, tới phụ huynh,...

Điểm thú vị của buổi họp là các em học sinh cũng được "họp" chung với cha mẹ và cô giáo. Các em đã có trách nhiệm hơn khi cẩn thận chuẩn bị thiết bị, đăng nhập vào phần mềm, điểm danh rồi ngồi sát một bên và chăm chú lắng nghe thầy cô nhận xét về lớp mình. Bạn nào cũng tỏ ra hứng thú khi được cùng cha mẹ và thầy cô đặt mục tiêu cho những ngày sắp tới.

Trong cuộc họp, cách mà cô Hằng thông tin tình hình học tập của học sinh trong học kỳ I khá ấn tượng, thay bằng việc đánh giá nhận xét năng lực, phẩm chất của từng học sinh thì cô đã cho các bậc phụ huynh xem các video về: Giờ học của học sinh, các hoạt động trải nghiệm các em được tham gia ở lớp, ở trường,…để phụ huynh được trải nghiệm các phương pháp học tập tích cực. Khi phụ huynh học sinh chứng kiến các con điều hành giờ học hoạt động trải nghiệm, tham gia các trò chơi, được làm việc nhóm, trình bày, chia sẻ trước tập thể, được trải nghiệm cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên trên lớp,… phụ huynh có thể thấy được vai trò trung tâm của học sinh trong các hoạt động giáo dục ở trường, được trải nghiệm cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên trên lớp, phụ huynh sẽ thấu hiểu hơn các phương pháp giảng dạy tích cực của nhà trường. Điều quan trọng hơn đó là phụ huynh quan sát qua các hình ảnh, clips được cô giáo chia sẻ từ đó tự đánh giá con em mình qua các hoạt động ấy.

Hình ảnh các hoạt động trong học kỳ I

Điều ấn tượng nhất trong tôi là nội dung mà tôi tạm đặt tên cho đó là “Kết nối- Hợp tác”. Ở hoạt động này, cô Hằng đã cho phụ huynh xem các sản phẩm học tập của học sinh: các đoạn văn nói về gia đình, bố mẹ, ông bà, anh chị em, thầy cô, bạn bè,… Những lời văn ngây thơ, mộc mạc, chứa đựng những tình cảm chân thành dành cho nguời thân hoặc những điều mong muốn từ cha mẹ các em rất đỗi bình dị làm cho trái tim người đọc dường như tan chảy.

Những sản phẩm, bài viết và học sinh chia sẻ tại lớp trong học kỳ I

Sau khi được quan sát, được trải nghiệm từ những “điều con muốn nói", nơi các em học sinh gửi gắm tiếng lòng của mình,  nhiều bậc phụ huynh bùi ngùi xúc động, không ngờ rằng con em mình lại có thể viết ra được những lời chia sẻ sâu sắc đến vậy, và cho rằng bản thân chưa hiểu hết con, chưa đánh giá đúng thực sự năng lực và phẩm chất các con, đồng thời cũng tự nhìn nhận cần xem lại bản thân trong việc phối hợp cùng giáo viên để thấu hiểu các con hơn.

Trong quá trình thảo luận, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh cùng xác định được vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng đối với quá trình học tập của học sinh. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục giảng dạy học sinh, học sinh ý thức sâu sắc vai trò quyết định của cá nhân đối với việc học của mình, phụ huynh hiểu được trách nhiệm của bố mẹ cần đồng hành với con trong quá trình học tập, trưởng thành.

Phụ huynh chia sẻ việc quản lý con tại nhà

Cảm nhận sau khi tham gia buổi họp, nhiều PHHS cho biết rất bất ngờ và cảm thấy thoải mái, thú vị khi được tham gia buổi họp theo mô hình này. Phụ huynh cảm thấy được tôn trọng vì được chủ động chia sẻ ý kiến của mình, đóng góp những giải pháp cho GVCN trong việc giáo dục học sinh. Phụ huynh mong muốn được tham gia nhiều cuộc họp của lớp theo mô hình này nữa.

Chia tay phần chia sẻ dự họp lớp 2A, trân trọng mời đồng nghiệp cùng tôi đến với lớp 5D do cô Nguyễn Thị Hiền chủ nhiệm. Là học sinh lớp 5, lớp cuối cấp của bậc tiểu học nên các em đã có sự trưởng thành ban đầu.

Tôi thật sự ấn tượng về hoạt động chia sẻ của học sinh sau khi kết thúc học kỳ I: “những điều con đã làm được, những điều còn trăn trở, những điểm con cần khắc phục và những điều con mong muốn” từ chính bản thân, lời gửi gắm tới thầy cô và bố mẹ của mình trong cuộc họp

Là một trong những người dành tất cả sự tâm huyết, sáng tạo trong dạy học và quản lý học sinh, tôi thật sự cảm phục bởi cô Hiền luôn là người tạo cho đồng nghiệp sự cảm mến, sự trân trọng và sự sáng tạo tràn trề năng lực. Những lời nhận xét cô dành cho học sinh đáng để cho đồng nghiệp tham khảo: “Chúc mừng em luôn đi học đúng giờ, thực hiện tốt nội quy nề nếp và làm bài đầy đủ, nắm được kiến thức, sôi nổi, chú ý trong giờ học. Nếu em kiềm chế cảm xúc không nói ngẫu hứng và nâng cao kỹ năng tính toán, làm bài nhanh hơn, viết văn sinh động hơn, khả năng ghi nhớ và vận dụng kiến thức tốt hơn thì em có thể nhận được danh hiệu khen thưởng ở cuối năm.”; “ Cô rất vui vì em đã có nhiều cố gắng và tiến bộ trong học tập, em sẽ còn giỏi hơn khi em nâng cao kỹ năng tính toán, làm bài nhanh hơn và rèn được khả năng ghi nhớ kiến thức, mong rằng em sẽ ngày càng tiến bộ hơn trong học tập và rèn luyện”... Các cụm từ : “Nếu em kiềm chế cảm xúc”; “ … em sẽ còn giỏi hơn khi em nâng cao kỹ năng tính toán”. Đó chính là lời nhắn nhủ, động viên, mong muốn hết sức tinh tế và tế nhị của cô giáo đối với học sinh nhưng không làm tổn thương các em, không dùng những lời lẽ trách phạt nặng nề, như vậy sẽ phản tác dụng với các em.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể nói hết được với đồng nghiệp về tất cả các lớp của trường mình, Buổi họp phụ huynh đã thay đổi tâm thế, phụ huynh chỉ mang tâm lý “tham dự” biến thành người “tham gia”, được học những điều hay từ người khác, chia sẻ những bài học của chính mình, thấy được trách nhiêm cần đồng hành với thầy cô và nhà trường và có cơ hội nhìn sự trưởng thành của con đồng thời đây cũng là cơ hội để giáo viên gửi lời cảm ơn phụ huynh của mình. Tôi chợt nhận ra rằng: Nếu không có sự sáng tạo trong dạy học và quản lý học sinh thì các thầy cô giáo dù giỏi đến mức nào cũng không bao giờ trở thành nhà giáo tốt.

Hình ảnh của các lớp
Như thổi một luồng không khí tích cực và yêu thương, các hoạt động các thầy cô đã tổ chức trong buổi họp đã giúp các phụ huynh phần nào hiểu hơn về con mình và càng thêm trân trọng tấm lòng tâm huyết của giáo viên. Dù không gặp mặt trực tiếp nhưng buổi họp trực tuyến này đã giúp sự gắn kết giữa học sinh, gia đình và nhà trường thực chất, ý nghĩa hơn, góp phần mang đến cho các bạn học sinh một môi trường phát triển toàn diện ngay trên không gian của thời đại 4.0./.

Chu Thị Yến - Hiệu trưởng, Trường TH thị trấn Tân An

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,736
Tổng số trong ngày: 15,445
Tổng số trong tuần: 63,133
Tổng số trong tháng: 462,496
Tổng số trong năm: 3,413,271
Tổng số truy cập: 16,558,403