Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh hiện nay

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh hiện nay

Nhắc đến việc giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) con người, chúng ta thường nghĩ đến vai trò của các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Trên thực tế, để đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ có vai trò của nhà trường, mà còn rất cần sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của gia đình và toàn xã hội. Đó là ba môi trường giáo dục quan trọng tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc để cùng giáo dục, hình thành nhân cách và vun đắp sự trưởng thành của một con người.

Nguyên lý giáo dục ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần,
Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐTNguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tiếp tục khẳng định quan điểm: “Phát triển GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
 
1. Thực trạng công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
 
Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, ngành giáo dục, phụ huynh học sinh quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục toàn diện học sinh. Việc phối hợp ba môi trường giáo dục được thể hiện trên một số nội dung sau:
 
Thứ nhất: Quán triệt trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các văn bản, quy định của nhà nước về việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, như Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ GD&ĐT về việc “Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh sinh viên”, trong đó Quy định trách nhiệm cụ thể của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong công tac phối hợp 03 môi trường giáo dục; Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
 
Thứ hai: Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang (theo Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh), trong đó xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà trường, gia đình, xã hội, ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác quản lý giáo dục học sinh; Kế hoạch số 238/KH-KH-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tạo cơ chế thuận lợi để triển khai công tác phối hợp; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong giáo dục học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và trách nhiệm, quyền hạn của các nhà trường theo đúng nội dung của Quy chế.
 
Thứ ba: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục khi xây dựng kế hoạch năm học, cần chú trọng giải pháp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình thông qua vai trò của giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp, hệ thống sổ liên lạc thông thường, sổ liên lạc điện tử, điện thoại và các phương tiện truyền thông qua mạng internet rất thông dụng hiện nay như thư điện tử, zalo, viber, messenger, facebook… để thường xuyên nắm bắt tình hình gia cảnh, hoàn cảnh, diễn biến tâm lý của học sinh; kịp thời thông tin đến cha mẹ học sinh tình hình tu dưỡng, rèn luyện và kết quả học tập của con em họ, qua đó động viên, chia sẻ và uốn nắn từng biểu hiện hành vi của học sinh, kể cả những sai phạm, biểu hiện lệch chuẩn. Duy trì nền nếp việc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, kết thúc học kỳ I và cuối năm học, để thông tin đến gia đình học sinh tình hình học tập của con em và bàn giải pháp phối hợp giáo dục. Ở đây, vai trò của người giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp là vô cùng quan trọng. Người giáo viên không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục, mà còn phải quản lý, theo dõi sát sao sự tiến bộ của học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, học sinh cá biệt. Rất nhiều giáo viên tâm huyết, thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, chia sẻ hoàn cảnh, giúp đỡ học sinh tiến bộ, vận động học sinh đến trường, nhất là những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
 
Mặt khác, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình thể hiện rõ qua hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp. Việc thành lập và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được chỉ đạo thực hiện theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGGĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều trường học đã duy trì rất tốt hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp; giúp nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đóng góp chương trình giáo dục, phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo,.. và quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh.
 
Thứ tư: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương để quản lý và giáo dục học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, chấp hành các quy định về giao thông, phòng, chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội,... góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để học sinh phát triển nhân cách toàn diện.

Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh...

Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh...
Thứ năm: Các nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài, quỹ tài năng trẻ để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, khen thưởng động viên kịp thời học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện.
 
Có thể nói, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong những năm qua đã được ngành Giáo dục Bắc Giang quan tâm chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt, bảo đảm đúng Quy chế quy định của nhà nước. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục đạo đức học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh được duy trì mức độ tốt. Năm học 2017-2018 tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm như sau: Cấp THCS: Tốt 74,23% (tăng 3,17%), khá 22,75% (giảm 2,28%), Yếu 0,07%. Cấp THPT: Tốt 68,18% (tăng 2,62%); khá 26,03% (giảm 0,73%); Yếu 0,72% (giảm 0,6%).
 
Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Công tác phối hợp các môi trường giáo dục ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, hiệu quả hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện. Cụ thể là:
 
Một là, Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt việc phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, chưa phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; một số giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp còn chưa làm hết trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh, vai trò còn mờ nhạt; một số giáo viên giảm nhiệt tình và tâm huyết nghề nghiệp; sự phối hợp với gia đình và xã hội trong quản lý và giáo dục HS còn chưa thường xuyên. Ở một số cơ sở giáo dục còn hiện tượng lạm dụng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu những khoản thu trái quy định, thực hiện quy trình xã hội hóa chưa đúng, gây ít nhiều bức xúc trong dư luận, nhất là đầu năm học.
 
Hai là, Một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc hoàn cảnh đặc biệt nên không có điều kiện và chưa quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con, chưa phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, phó mặc giáo dục cho nhà trường. Một số gia đình ông bà, cha mẹ chưa thực sự làm gương cho con cháu; học sinh mất điểm tựa, chỗ dựa từ gia đình; một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức rõ về mục tiêu giáo dục học sinh, thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý, giáo dục con em.
 
Ba là, mặt trái của môi trường xã hội hiện đại (Mạng xã hội, văn hóa độc hại, trò chơi điện tử, lối sống thực dụng…) ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nhân cách học sinh, lối sống thực dụng tác động không nhỏ đến tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới có hành vi sai phạm, bỏ học, chơi điện tử, hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông…
 
2. Một số giải pháp và kiến nghị
 
Để công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng bền vững với một số giải pháp sau:
 
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp ba môi trường nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan đến từng môi trường giáo dục; mọi người phải ý thức luôn sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác; qua đó tạo sự đồng thuận cao và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
 
Thứ hai, tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV; kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học. Tổ chức đa dạng, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả các hoạt động hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
 
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên; Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp nhà trường- gia đình- xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 911/KH-SGDĐT ngày 19/8/2016 của Sở GD&ĐT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục, đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường (tổ chức Đoàn, Đội, Hội), của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp; thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt, để nắm bắt tâm tư tình cảm, theo dõi sát sao tình hình tư tưởng, diễn biến tâm lý và có biện pháp kịp thời giáo dục học sinh. Đặc biệt đinh hướng học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội, yêu cầu các em tham gia các trang mạng xã hội bảo đảm quyền tự do cá nhân trong giới hạn cho phép, song không được vi phạm các quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử học đường. Ngành Giáo dục đề nghị các gia đình cần thực sự quan tâm đến việc học hành, sự trưởng thành, nhất là diễn biến tâm lý của con em mình; phối hợp thường xuyên với nhà trường để cùng quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh. Mọi người trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con cháu. Ở đây, rất cần vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương (cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Chi đoàn thanh niên,...) trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm đến quản lý, giáo dục học sinh trên địa bàn.
 
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiện đại và có văn hoá. Bên cạnh giáo dục chính khóa, tăng cường phối hợp tổ chức đa dạng, phong phú, sáng tạo các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo, để tạo sân chơi lành mạnh và trí tuệ để thu hút học sinh, sinh viên có cơ hội và môi trường phát triển những phẩm chất và năng lực bản thân. Rà soát và chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp theo đúng các quy định và tuyệt đối an toàn, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện và phát triển các kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Mặt khác, các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương, các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp giúp đỡ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm; tăng cường quản lý các dịch vụ xung quanh trường (quán game, trò chơi điện tử, hàng quán,…), tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vào trong các nhà trường.

Lãnh đạo trường PT DTNT tỉnh cùng đại diện Hội cha mẹ học sinh, Công an phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang ký kết biên bản cam kết phối hợp.

Lãnh đạo trường PT DTNT tỉnh cùng đại diện Hội cha mẹ học sinh, Công an phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang ký kết biên bản cam kết phối hợp.
Thứ năm, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp ba môi trường giáo dục ở các nhà trường. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
 
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, tỉnh Bắc Giang đã và đang tích cực triển khai việc xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là văn hóa gia đình, tạo nền tảng xây dựng nhân cách con người Bắc Giang phát triển toàn diện. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng ngày nay, việc đề cao xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa ở cơ sở (bao gồm văn hóa gia đình, văn hóa học đường) là một việc làm thật có ý nghĩa trong việc định hướng xây dựng nhân cách con người Việt Nam nói chung, con người Bắc Giang nói riêng. Bởi lẽ, gia đình vẫn là cái nôi đầu tiên, môi trường giáo dục đầu tiên cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người; song giáo dục nhà trường vẫn đóng vai trò quan trọng; còn xã hội chính là trường học lớn để con người rèn luyện và trưởng thành. Vậy nên, để xây dựng nhân cách con người Bắc Giang phát triển toàn diện, cần xây dựng môi trường văn hóa từ trong gia đình, trong nhà trường và toàn xã hội; đặc biệt phải thực hiện chặt chẽ việc phối hợp ba môi trường để cùng giáo dục học sinh: gia đình - nhà trường và toàn xã hội.
 
Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
Sở GD&ĐT Bắc Giang
29/11/2018
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5,739
Tổng số trong ngày: 18,700
Tổng số trong tuần: 124,202
Tổng số trong tháng: 776,157
Tổng số trong năm: 2,257,834
Tổng số truy cập: 15,402,966