Giải pháp thực hiện Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm"

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2016 - 2017, thực hiện Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT, ngày 25/01/2017 về Triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020, Giáo dục Mầm non Bắc Giang đã có những giải pháp triển khai phù hợp, linh hoạt, sáng tạo và mang lại hiệu quả ngay từ thời gian đầu thực hiện.
Nhận thức rõ quan điểm và sự cần thiết của giáo dục lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT), căn cứ vào hướng dẫn của Bộ và điều kiện thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm triển khai thực hiện chuyên đề. Qua một thời gian ngắn tổ chức thực hiện, những giải pháp ấy đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Xây dựng Kế hoạch triển khai chuyên đề các cấp

Căn cứ vào Công văn số 277/BGDĐT-GDMN, ngày 25/1/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non LTLTT” giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chuyên đề), Sở GD&ĐT Bắc Giang đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị rà soát thực trạng các điều kiện thực hiện, báo cáo Sở GD&ĐT để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyên đề.

Từ thực trạng của các địa phương, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã Xây dựng Kế hoạch chi tiết về triển khai thực hiện Chuyên đề. Kế hoạch đã xác định cụ thể các yêu cầu nhằm tổ chức, triển khai Chuyên đề trong cả giải đoạn, cho từng năm học, đồng thời gắn với đặc điểm tình hình và điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị. Đến đầu tháng 4 năm 2017, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và 100% các trường mầm non trong tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chuyên đề giai đoạn 2016 - 2020 và năm học 2016-2017.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN)

Trong năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT đã tổ chức được 02 lớp tập huấn cho 140 CBQL và giáo viên cốt cán các huyện, thành phố các nội dung Chuyên đề như: quan điểm giáo dục LTLTT, thiết kế môi trường giáo dục LTLTT, lập kế hoạch trên quan điểm giáo dục LTLTT... Nội dung này được tiếp tục triển khai tại các lớp tập huấn cấp huyện và cấp trường. Toàn tỉnh đã có 43 lớp tập huấn cấp huyện và 733 lớp tập huấn cấp trường, đảm bảo cho 100% CBQL và GVMN trong tỉnh được bồi dưỡng về nội dung Chuyên đề. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, CBQL và GVMN được trang bị kiến thức cơ bản về quan điểm giáo dục LTLTT và những tiêu chí xây dựng trường mầm non LTLTT làm cơ sở lý luận cho việc tổ chức thực hiện Chuyên đề.
CBQL và GVMN cốt cán tham gia lớp tập huấn cấp tỉnh tháng 4/2017.
Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, Sở GD&ĐT thực hiện và chỉ đạo các đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và sự sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chuyên đề. Tính riêng năm học này, Sở GD&ĐT đã tổ chức được 03 lần sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh, các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức sinh hoạt cụm chuyên môn cấp huyện từ 2 đến 3 lần, các cụm trường tổ chức sinh hoạt cụm chuyên môn từ 3 đến 4 lần.
Hoạt động dự giờ thực hành - lớp bồi dưỡng cấp huyện của đơn vị Phòng GD&ĐT Lục Nam.

Chỉ đạo thực hiện mô hình điểm

Việc xây dựng mô hình điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện Chuyên đề, qua mô hình điểm sẽ rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong triển khai thực hiện chuyên đề ở tất cả các cơ sở. Trên tinh thần đó, Sở GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế môi trường giáo dục và các hoạt động thực hành phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đơn vị được lựa chọn để tổ chức xây dựng môi trường điểm và các hoạt động thực hành là trường Mầm non Dĩnh Kế - thành phố Bắc Giang. Tại đây, các đơn vị trong tỉnh đã được học tập và rút ra kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hành áp dụng các nội dung chuyên đề vào quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trong trường mầm non.

Tiếp đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm ở cấp huyện, mỗi huyện triển khai từ 01 đến 02 trường. Theo kế hoạch thực hiện chuyên đề các huyện, thành phố xây dựng trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 38 trường mầm non được lựa chọn xây dựng mô hình điểm cấp huyện. Các trường tiến hành huy động các nguồn lực, tập trung cải tạo, trang trí môi trường giáo dục, thiết kế góc chơi theo hướng mở; tạo khu vui chơi phát triển vận động, khu vui chơi khám phá cát - nước - sỏi, khu vui chơi giao thông... xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ áp dụng tiêu chí thực hành LTLTT. Tại các trường điểm, phòng GD&ĐT các huyện tổ chức các lớp tập huấn và hoạt động thực hành cho các trường mầm non trên địa bàn đến học tập kinh nghiệm về triển khai thực hiện Chuyên đề. Có thể kể đến một số trường mầm non triển khai mô hình điểm đạt kết quả tốt như các trường mầm non: thị trấn Cao Thượng, Ngọc Thiện số 2 ( huyện Tân Yên); Dĩnh Kế (TP. Bắc Giang); Chũ ( huyện Lục Ngạn); Yên Lư số 1 (huyện Yên Dũng); Thị trấn Cầu Gồ, Hương Vỹ (huyện Yên Thế); Hoa Sen (huyện Lục Nam).

Xây dựng môi trường giáo dục cho việc thực hiện chuyên đề

Với chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo môi trường giáo dục và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ ở trường mầm non, Sở GD&ĐT tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục để tăng cường nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo môi trường thực hiện chuyên đề. Về xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường học, năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 32 trường mầm non được mở rộng diện tích, 07 trường được qui hoạch ra đất mới, 216 phòng học được xây mới, hàng trăm phòng học cũ được cải tạo.
Khu vui chơi cát, nước, sỏi - Trường MN Hoa Sen - Lục Nam.
Sở GD&ĐT định hướng, chỉ đạo các trường mầm non cải tạo, sắp xếp, trang trí môi trường giáo dục theo hướng LTLTT, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn cho trẻ (thiết kế các góc chơi trong lớp học, cải tạo sân chơi và thiết kế các khu vực chơi ngoài sân trường). Trong 3 tháng triển khai Chuyên đề (từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2017), môi trường giáo dục trong trường mầm non được cải thiện rõ rệt: Tại các nhóm/lớp, giáo viên tiến hành thiết kế góc hoạt động cho trẻ theo hướng mở; mua sắm bổ sung và tự làm đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Toàn tỉnh hiện có 815 sân chơi trong 815 điểm trường (đạt 100%), trong đó số sân chơi có đủ đồ chơi ngoài trời theo qui định là 581 sân (đạt 71%); 469/815 sân chơi có khu vui chơi phát triển vận động cho trẻ (đạt 58%); 159/815 sân chơi có khu vui chơi giao thông (đạt 19.5%); 295/515 sân chơi có khu vui chơi, khám phá cát - nước - sỏi (đạt 36%); 110/815 sân chơi có vườn cổ tích (đạt 13.5%) phù hợp với điều kiện của mỗi trường và đảm bảo đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ; 100% các trường mầm non trong tỉnh thiết kế, bố trí vườn cây, rau, hoa, quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi trường, đảm bảo môi trường luôn gọn gàng, sạch đẹp, xanh mát và hiệu quả giáo dục cao. Tổng diện tích vườn cây, rau, quả trong các trường Mầm non lên tới 18.623 m2. Đặc biệt phong trào thi đua “Xây dựng vườn rau sạch cho bé” đã thu được trên 200 tấn rau các loại, đáp ứng phần lớn nhu cầu rau xanh cung cấp cho bữa ăn của trẻ ở trường, đặc biệt đây là nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế (khoảng trên 2 tỷ đồng).
Khu vui chơi PTVĐ và khám phá thiên nhiên - Trường MN Nghĩa Phương 1, Lục Nam.
Nâng cao kĩ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ

Sở GD&ĐT chủ trì tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng LTLTT, trong đó xác định kế hoạch phải thể hiện rõ vị trí trung tâm của trẻ trong hoạt động và vai trò là người gợi mở, hỗ trợ trẻ hoạt động của giáo viên; các hoạt động giáo dục trẻ phải đa dạng, phong phú, đảm bảo yêu cầu của Chương trình GDMN; việc tổ chức các hoạt động giáo dục phải đảm bảo tính tích hợp dựa trên điều kiện thực tiễn của mỗi trường, lớp và khả năng, hứng thú của trẻ.

Hiện tại, 100% các trường mầm non trong tỉnh triển khai thực hiện Chương trình GDMN linh hoạt, khoa học và hiệu quả. Kế hoạch giáo dục được các nhà trường và giáo viên quan tâm xây dựng đảm bảo yêu cầu LTLTT, phát huy tối đa khả năng, nhu cầu nhận thức và hoạt động của trẻ; thể hiện được sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc đổi mới phương pháp giáo dục đảm bảo tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục LTLTT được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, có 5.361 giáo viên (đạt 74.8%) có khả năng vận dụng đổi mới phương pháp giáo dục LTLTT.
Hoạt động trải nghiệm “Làm bánh trôi nước” - MN Xuân Lương...
Các hoạt động giáo dục được giáo viên tổ chức lồng ghép, tích hợp dưới hình thức vui chơi linh hoạt và hiệu quả. Việc cung cấp kiến thức, kĩ năng cho trẻ được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục: Hoạt động học; hoạt động chơi; hoạt động lao động; hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân. Trẻ hoạt động theo năng lực và hứng thú cá nhân, phát huy được tối đa khả năng của trẻ. Vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ trong các hoạt động được thể hiện rõ rệt. Đặc biệt nội dung giáo dục kĩ năng sống cho trẻ được triển khai thực hiện hiệu quả thông qua các hoạt động khám phá, trải nghiệm của trẻ ở trường mầm non.

Năm học 2016 - 2017, các huyện, thành phố đều tổ chức “Ngày hội vận động” cho trẻ (cấp trường và cấp huyện). 100% các trường mầm non trong tỉnh tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ lồng ghép với tổ chức ngày lễ, ngày hội (Ngày hội đến trường, Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Lễ hội quê hương...); tổ chức hoạt động tham quan, dã ngoại tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương.
Hoạt động tham quan khu di tích lịch sử Đề Thám của các bé trường MN Thị trấn Cầu Gồ - Yên Thế.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trường mầm non cần làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng để đảm bảo các điều kiện cho việc thực hiện chuyên đề. Theo đó, 100% các trường trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng về Chuyên đề. Nội dung tuyên truyền bao gồm: Nội dung và ý nghĩa của việc thực hiện Chuyên đề; Kế hoạch triển khai Chuyên đề các cấp; Các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động giáo dục LTLTT; Huy động sự đóng góp từ phụ huynh nguồn kinh phí, ngày công lao động, nguyên vật liệu địa phương, phế liệu, tranh ảnh, sách báo...
Góc Khám phá của bé - Lớp 5 tuổi, trường MN Thị trấn Cầu Gồ - Yên Thế.
Các đơn vị đã vận dụng sáng tạo các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp và linh hoạt như: Qua góc truyên truyền ở lớp và sân trường; các buổi họp phụ huynh; trao đổi trực tiếp giữa giáo viên với phụ huynh; loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tổ chức ngày hội, ngày lễ, các hội thi (làm đồ dùng đồ chơi, ngày hội thể thao, thi bé khéo tay, lễ hội quê hương... viết bài và ảnh đăng trên trang website của trường, của phòng GD&ĐT và của Sở GD&ĐT...
Giao lưu, sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh lần thứ hai năm học 2016 - 2017.
Đến nay, 100% các lớp, các trường có góc tuyên truyền về mục tiêu, nội dung Chuyên đề; nhiều tin bài, ảnh được đăng tải thường xuyên trên Website của trường, của phòng GD&ĐT, của Sở GD&ĐT; 100% các trường mầm non tổ chức ngày hội, ngày lễ, hội thi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ có sự tham gia của phụ huynh và các ban, ngành, đoàn thể địa phương; 100% phụ huynh được tuyên truyền về nội dung xây dựng trường mầm non LTLTT; kinh phí xã hội hóa giáo dục phục vụ cho việc thực hiện chuyên đề trong năm học 2016 - 2017 ước đạt 17,615 triệu đồng.

Có thể khẳng định những giải pháp thực hiện Chuyên đề mà Sở GD&ĐT nghiên cứu, triển khai và tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả tích cực trong năm học 2016 - 2017. Qua một thời gian ngắn triển khai thực hiện Chuyên đề, Giáo dục Mầm non Bắc Giang đã tạo được những khởi sắc đáng kể từ phương thức chỉ đạo khoa học, linh hoạt, bám sát thực tiễn của các đơn vị, địa phương, các cấp quản lý giáo dục và trong đó có sự cố gắng, nỗ lực của các cơ sở giáo dục mầm non. Bằng trí tuệ tập thể và tinh thần quyết tâm của toàn ngành, trong những năm học tiếp theo, Giáo dục Mầm non Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chuyên đề nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất cho trẻ mầm non trong điều kiện còn nhiều khó khăn của địa phương hiện nay.

Hoàng Hương - CV, Phòng GDMN
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,987
Total visited in day: 3,324
Total visited in Week: 30,292
Total visited in month: 585,229
Total visited in year: 3,536,004
Total visited: 16,681,136