Giáo dục Bắc Giang năm 2020 nỗ lực vượt khó - Giành vị trí dẫn đầu

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngàng Giáo dục. Đây cũng là năm ngành Giáo dục tập trung cao chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục Bắc Giang đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục khẳng định vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc.

Bám sát chủ đề năm học: Giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, 9 nhiệm vụ và 05 giải pháp chủ yếu đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (thứ hai từ trái) tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2019-2020 cho Sở GD&ĐT.

Thực hiện tốt công tác tham mưu phát triển giáo dục bền vững

Sở GD&ĐT đã thực hiện tốt công tác tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án phát triển GD&ĐT, tạo cơ chế thuận lợi để phát triển giáo dục theo hướng bền vững. Đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; Nghị quyết Quy định mức thu học phí, mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động thu chi trong trường học nền nếp; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2019-2025,... Chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, GDPT giai đoạn 2019-2025, Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT tỉnh Bắc Giang. Nhìn chung, các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được triển khai chủ động, tích cực, bài bản, khoa học và đúng lộ trình, tiến độ.

Đồng chí Trần Tuấn Nam - TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT.

Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục phát triển hợp lý

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm tinh giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 762 cơ sở giáo dục, trong đó 250 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 209 trường THCS, 25 trường TH&THCS, 48 trường THPT, 9 trung tâm, 01 trường cao đẳng.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới

Năm 2019, Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu tổ chức tuyển dụng 776 giáo viên (132 mầm non, 510 tiểu học, 70 THCS, 48 THPT). Toàn tỉnh có 27.769 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế. Tỷ lệ GV/lớp ở mầm non đạt 1,89; tiểu học đạt 1,42; THCS 2,06; THPT đạt 2,26; các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đều được bố trí đủ 8 GV văn hoá các môn cơ bản, 01 GV tin học và từ 5 đến 6 GV dạy nghề, hướng nghiệp. Năm 2020, tiếp tục tham mưu tuyển dụng giáo viên, ưu tiên cho cấp tiểu học chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1.  Toàn tỉnh tuyển 1.418 chỉ tiêu, trong đó mầm non 719 (tăng 587 chỉ tiêu), tiểu học 579 (thiếu 31 GV so với chỉ tiêu), THCS 86 (thiếu 8 so với chỉ tiêu), THPT 34. 100% CBQL các trường học có trình độ đảm bảo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tỉ lệ CBQL, GV có trình độ đào tạo đảm bảo theo quy định, cụ thể cấp mầm non: trình độ đạt chuẩn trở lên (từ cao đẳng sư phạm trở lên) là 90,9%; cấp tiểu học: trình độ từ đại học trở lên 58,78%; cấp THCS: trình độ từ đại học trở lên 80,11%; cấp THPT: trình độ đại học trở lên 100%, trên đại học 20,83%.

Cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, thực hiện tốt công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục

Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã huy động 1.396.526 (triệu đồng) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển GD&ĐT; lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, tỉ lệ kiên cố hóa bậc mầm non đạt 87,5%, tiểu học đạt 92%, THCS đạt 97,2%, THPT đạt 98,4%, trung tâm GDNN-GDTX đạt 100%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 93,2%, mức độ 2 đạt 12,2%.

Chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình GDPT

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1; chỉ đạo các đơn vị tổ chức lựa chọn đúng quy trình, hoàn thành lựa chọn 44/46 đầu SGK lớp 1 phù hợp với địa phương. Phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn (trực tuyến) chương trình và SGK lớp 1 cho hơn 15.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dành riêng cho lớp 1. Trình UBND tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1 đúng quy định. Đặc biệt, chủ động chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, SGK GDPT đối với lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.

Chất lượng giáo dục được duy trì và nâng lên

Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT. Các hoạt động giáo dục các cấp, bậc học được triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) giảm so với cùng kỳ năm trước, SDD thể nhẹ cân 2,41% (giảm 0,49%), thể thấp còi 3,05% (giảm 0,35%); tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì 0,36%; tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì được khống chế. Kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, trong đó 7 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Nhà giáo Chu Thị Mai, Trường THCS thị trấn Vôi (Lạng Giang) được Bộ GD&ĐT vinh danh "Nhà giáo tiêu biểu năm 2020".

Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị tổ chức đa dạng các hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến và các hình thức khác bảo đảm học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ đường truyền băng thông rộng cho các nhà trường, cấp thêm tài khoản 3G, 4G cho cha mẹ học sinh, học sinh truy cập internet để học trực tuyến miễn phí. Đề nghị Microsoft Việt Nam khởi tạo tài khoản cho 20.009 cán bộ, giáo viene và 329.243 học sinh triển khai các hoạt động giáo dục, dạy học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức dạy ôn tập cho học sinh; thực hiện điều chỉnh chương trình học tập sau dịch Covid-19 bảo đảm hoàn thành nội dung chương trình theo kế hoạch thời gian năm học.

Tiếp tục quan tâm giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia; kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2020 đạt 62 giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó 13 giải Nhì, 31 giải Ba, 18 khuyến khích, xếp thứ 10 toàn quốc về số lượng giải. Chất lượng dạy học tiếng Anh được nâng lên rõ nét; có 8/8 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó 2 giải Nhì, 6 giải Ba. Tham gia Cuộc thi khoa học, kỹ thuật toàn quốc, cả 2/2 sản phẩm dự thi đều đạt giải (01 giải Nhì; 01 giải Ba).

Nhìn chung, năm học 2019-2020 là năm học đầy biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh kéo dài, học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường gần 3 tháng; các hoạt động giáo dục phải tạm dừng hoặc hoãn lại; các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn, hơn 3000 nhà giáo và người lao động phải nghỉ không có lương. Do điều chỉnh thời gian năm học nên học sinh phải đi học và tham gia các kỳ thi trong những ngày hè thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa lũ bất thường. Mặt khác, trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ còn không ít hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như ở một số địa phương, đơn vị số học sinh/lớp còn đông, vượt quá quy định; tỷ lệ giáo viên tiểu học ở một số huyện còn thấp; còn hiện tượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường trên cùng địa bàn; việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa hiệu quả còn thấp; chất lượng giáo dục mũi nhọn còn chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các loại hình trường; kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị còn chưa đồng bộ; việc thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư ở một số đơn vị còn chưa đúng quy trình; hiện tượng dạy thêm, học thêm, thu chi không đúng quy định vẫn chưa được giải quyết dứt điểm... Mặc dù ngành rất tích cực triển khai việc dạy học qua internet, trên truyền hình và các hình thức dạy học khác trong thời gian học sinh phải nghỉ học, song vẫn còn khoảng gần 20% học sinh không thể tiếp cận được với các hình thức dạy học trực tuyến... Tuy vậy, toàn ngành vẫn khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, các ngành tích cực ủng hộ, đầu tư, tăng cường; bởi vậy các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 được chỉ đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Kết quả chung: Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 và năm 2020, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học và vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.

Năm học 2020-2021 là năm kết thúc các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, năm bắt đầu triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2020-2025. Đây là năm học ngành Giáo dục bắt đầu triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới đối với lớp 1, ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2020-2025. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững; duy trì vững chắc chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục khẳng định vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kì 2020-2025./.

Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,833
Tổng số trong ngày: 27,745
Tổng số trong tuần: 54,713
Tổng số trong tháng: 609,650
Tổng số trong năm: 3,560,425
Tổng số truy cập: 16,705,557