Giáo dục Bắc Giang: Tiếp tục vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên Ngành giáo dục thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm học tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, năm học thứ ba Ngành giáo dục tổ chức triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Trong điều kiện còn không ít khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, song, được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành đoàn thể, các địa phương, sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân, đặc biệt nhờ sự quyết tâm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn Ngành, sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển. Ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017.
1. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết về đổi mới GD&ĐT của ngành tiếp tục được duy trì, đổi mới nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện đổi mới của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và sự đồng thuận trong xã hội. 

Ngành GD&ĐT đã chủ động, phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư phát triển GD&ĐT.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, coi trọng quản lý chất lượng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành chính, các quy định về công khai, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT xếp thứ nhất các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra công tác quản lý, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu, các vấn đề dư luận quan tâm. Qua thanh tra, Sở GD&ĐT đã kiến nghị khắc phục những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm những sai phạm, giữ vững trật tự, kỷ cương trong ngành.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành từ Sở đến các phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục; duy trì tốt hoạt động của Trang thông tin điện tử, hệ thống thư công vụ của ngành và các cơ sở giáo dục phục vụ việc kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin, điều hành thống nhất trong toàn ngành. Năm 2016, Trang thông tin điện tử của Sở GD&ĐT được xếp thứ 3 toàn tỉnh; mức độ ứng dụng CNTT xếp thứ 4 toàn tỉnh; có 01 cán bộ đạt giải nhất Hội thi tin học cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh.

Thực hiện tốt công tác truyền thông về giáo dục. Chủ động cung cấp thông tin, thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh, các cơ quan báo chí tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT, các hoạt động, phong trào thi đua của ngành nhằm giúp dư luận xã hội hiểu rõ những chủ trương đổi mới, nỗ lực của ngành, tăng cường phản biện của xã hội, từ đó kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

2. Với chủ đề năm học được xác định: Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo mục tiêu đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực chất và bền vững, tất cả các hoạt động giáo dục đều được chỉ đạo nghiêm túc, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương, theo hướng thực chất và bền vững. Chỉ đạo tổ chức tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, chất lượng giáo dục các cấp học được duy trì và phát triển vững chắc.

Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học được duy trì vững chắc. Toàn tỉnh có 230/230 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi; 10/10 huyện, thành phố và 226/230 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (PCGDTHMĐ3), tỉnh Bắc Giang được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHMĐ3 tại thời điểm tháng 12/2016 (vượt 4 năm so với kế hoạch). 100% xã, phường, thị trấn duy trì vững chắc kết quả PCGD THCS (128 xã đạt mức độ 2, 94 xã đạt mức độ 3).

Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, tiếp tục thực hiện các giải pháp, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học (PPDH), sinh hoạt chuyên môn, áp dụng các PPDH mới, mô hình dạy học tiên tiến phù hợp với thực tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học.

Tiếp tục giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, các chủ đề, chủ điểm theo từng môn học, tích hợp, liên môn theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật... trong các môn học và hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, giáo dục trải nghiệm sáng tạo, giáo dục di sản... phù hợp với HS từng địa phương. Chú trọng công tác bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn (theo tổ, nhóm chuyên môn, theo cụm trường, liên trường, liên huyện, sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh, mời các chuyên gia của các trường đại học về trao đổi, thảo luận, chia sẻ, qua trang mạng “Trường học kết nối”, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học…) nhằm tạo thêm nhiều diễn đàn bộ môn và động lực thúc đẩy GV đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học.

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Các cuộc thi HS giỏi các cấp, tuyển sinh được chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Số HS công nhận tốt nghiệp THCS là 22043, đạt 98,31%. Thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh cấp THCS có 366/718 thí sinh đạt giải; cấp THPT có 427/830 thí sinh đạt giải. Tham gia các cuộc thi, hội thi khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao: Thi HSG văn hóa cấp quốc gia năm 2017 đạt 64 giải (12 giải Nhì; 26 giải Ba; 26 giải KK), tăng 03 giải, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về số lượng giải. Thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp quốc gia có 6/6 dự án đạt giải. Thi giải toán trên máy tính cầm tay khu vực đồng bằng sông Hồng đạt 24 giải, trong đó có 04 giải nhất, 04 giải nhì, 07 giải ba. Thi giải toán qua mạng Internet cấp quốc gia ở các nội dung giải Toán bằng Tiếng Việt, giải Toán bằng tiếng Anh và Vật lí qua mạng với các khối lớp 4, 5, 8, 9, 12 và đạt 159 giải, trong đó có 52 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 41 huy chương đồng. Thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho HS trung học cấp quốc gia đạt 40 giải. Tuyên truyền sâu rộng về phương án thi THPT quốc gia năm 2017, đồng thời chỉ đạo kịp thời việc dạy, học, ra đề, thi, kiểm tra, đánh giá theo phương án thi mới của Bộ GD&ĐT. Phối hợp với các trường đại học, học viện, cao đẳng, các ban, ngành, các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh đảm bảo khoa học, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tạo được dư luận tốt trong xã hội; có 16.609 HS tốt nghiệp THPT, đạt 98.49%, giảm 0,15%.

Xây dựng 10 trường THCS trọng điểm chất lượng cao được chỉ đạo theo lộ trình, trở thành những mô hình điểm, đi đầu về đổi mới PPDH, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng GV, HS, tạo nguồn tuyển sinh tốt cho trường Chuyên.

Thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông. Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp phù hợp với đối tượng HS; biên soạn tài liệu giảng dạy về nghề truyền thống và xu thế phát triển ngành nghề của địa phương; lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giúp HS có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực. Năm 2016, có 22.802 HS tốt nghiệp THCS, tiếp tục học THPT 18.954 em, đạt 83,1% (trong đó công lập 15.124, ngoài công lập 1.763, GDTX 2.067), khoảng 3.800 đi học TCCN, TC nghề và lao động phổ thông. Năm 2017, có 22.043 HS tốt nghiệp THCS, dự kiến tiếp tục học THPT 18.835 em, đạt 85.1% (trong đó công lập 15.005, ngoài công lập 1.890, GDTX 1.940), khoảng trên 3.000 đi học TCCN, TC nghề và lao động phổ thông.

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kĩ năng sống, giáo dục pháp luật và ý thức công dân cho HSSV. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HS. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể, giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện và phát huy phẩm chất, năng lực HSSV.

Triển khai dạy học Chương trình tiếng Anh mới tại 263 trường tiểu học, trong đó có 259/276 trường tiểu học tổ chức cho HS lớp 3 học đủ 4 tiết/tuần, tỷ lệ HS lớp 3 được học là 97.06%. Triển khai Chương trình dạy học thí điểm lớp 12 tại 05 trường, lớp 9 tại 16 trường, lớp 8 tại 30 trường, lớp 7 tại 75 trường; Chương trình tiếng Anh làm quen cho HS lớp 1 và lớp 2; thí điểm dạy học môn Toán bằng tiếng Anh. Xây dựng 06 trường điển hình cấp tỉnh làm mô hình nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Đẩy mạnh dạy, học tiếng Anh tăng cường có yếu tố nước ngoài tạo môi trường rèn kỹ năng giao tiếp cho GV và HS. Phối hợp với Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ thuật dạy học cho 421 GV tiểu học và 114 GV THCS. Tỷ lệ GV đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ: tiểu học 90.3%, THCS 97.2%, THPT 47.1%.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bước đầu tiếp cận theo khung kiến trúc giáo dục điện tử. Ứng dụng các phần mềm do Bộ triển khai (hệ thống EMIS online, PCGD xóa mù chữ, quản lý thi THPT quốc gia), phần mềm quản lý trường học theo hướng liên thông, tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu; khai thác hiệu quả trang mạng Trường học kết nối để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn và chất lượng đội ngũ. Tổ chức tốt cuộc thi Thiết kế bài giảng e-learning lần thứ 4 cấp tỉnh, góp phần nâng cao kỹ năng khai thác và sử dụng CNTT vào đổi mới PPDH, hình thành kho bài giảng điện tử có chất lượng của toàn ngành; lựa chọn 404 sản phẩm dự thi cấp quốc gia, kết quả: có 07 sản phẩm đoạt giải.

3. Chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế, tuyển dụng giáo viên (GV), nhân viên (NV) nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ.

Năm 2016, tuyển dụng được 581 GV (65 GV khối trực thuộc, 82 GV mầm non, 258 GV tiểu học, 16 GV THCS). Đội ngũ CBQL và GV khối trực thuộc được bố trí cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn ngành có 27.570 CBQL, GV, NV, trong đó có 2.340 CBQL, 22.671 GV, CV, 2.559 NV. Đến tháng 5/2017, tỷ lệ GV/lớp ở bậc mầm non đạt 1,44; tiểu học đạt 1,43; THCS 2,02; THPT đạt 2,23; các trung tâm bố trí đủ 8 GV văn hoá, 01 GV tin học và từ 5 đến 6 GV dạy nghề. Về trình độ: 100% CBQL có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Về trình độ GV: mầm non 99,8% đạt chuẩn (trên chuẩn 82,8%, tiểu học 100% đạt chuẩn (trên chuẩn 88,24%, tăng 3,22%); THCS 99.8% đạt chuẩn (trên chuẩn 71,79%, tăng 2,39%), THPT 100% đạt chuẩn (trên chuẩn 16,88%, tăng 1,58%). 

Việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đội ngũ CBQL, GV được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Thực hiện chuyển xếp từ ngạch GV sang hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định. Năm học 2016-2017, tổ chức kiểm tra kiến thức CBQL bậc mầm non; kiểm tra kiến thức GV các cấp học đối với những đơn vị trong kế hoạch thanh tra năm 2016; thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2016-2019 vòng 1 các cấp học; xây dựng kế hoạch kiểm tra kiến thức CBQL cấp tiểu học. Việc đánh giá, xếp loại nhà giáo và CBQL được thực hiện nghiêm túc. Các chế độ, chính sách đối với CBQL, GV được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

4. Chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với từng địa phương, đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống giáo dục mầm non, khuyến khích phát triển các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp, các trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Tháng 12/2016, tổ chức sắp xếp lại hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề (GDTX-DN) theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Về cơ bản quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh phát triển hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân.

Tiếp tục rà soát, đánh giá lại các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ ở một số huyện để xây dựng phương án sáp nhập, thành lập trường liên cấp trên địa bàn xã phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động theo Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh.

Chỉ đạo sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục, ưu tiên các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt như Đề án xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) mầm non giai đoạn 2015-2020, Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhìn chung, Ngành Giáo dục đã làm tốt công tác tham mưu, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản phát triển giáo dục theo lộ trình đổi mới, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, những “nút thắt” của Ngành, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển theo hướng ngày càng bền vững. Quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học ổn định, tiếp tục được củng cố, phát triển hợp lý đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Kết quả PCGD các cấp học được duy trì vững chắc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những chủ trương đổi mới của ngành được chỉ đạo nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả, cơ bản tạo sự đồng thuận trong xã hội; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì vững chắc; công tác giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ được vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục tự nhìn nhận, đánh giá vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như:

Thứ nhất, việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình trường học mới cấp THCS hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ nhân dân; kỹ năng vận dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực theo mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học ở một bộ phận GV chuyển biến chậm, chưa rõ nét, dẫn tới tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo mục tiêu đổi mới hiệu quả chưa cao; việc ứng dụng CNTT, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý, giảng dạy ở một số đơn vị còn hạn chế, khả năng khai thác, sử dụng thiết bị CNTT trong đổi mới PPDH ở một số GV còn thấp; công tác quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho HS ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, còn chung chung.

Thứ hai, về đội ngũ còn thiếu so với yêu cầu, nhất là GV mầm non. Việc bố trí CBQL, GV ở một số địa phương, đơn vị chưa hợp lý, còn hiện tượng thừa thiếu cục bộ. Tình trạng bố trí thừa CBQL so với quy định vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị. Trình độ CBQL, GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao, song chưa tương xứng với chất lượng, hiệu quả thực tế. Một số CBQL, GV năng lực chuyên môn hạn chế, chất lượng giảng dạy và hiệu quả làm việc thấp, giảm nhiệt tình và tâm huyết nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm với công việc chưa cao.

Thứ ba, về CSVC, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục; nhiều trường học thiếu diện tích đất, thiếu phòng học, các phòng chức năng, thiết bị đồ dùng dạy học theo chuẩn quốc gia, nhất là ở bậc mầm non.

Thứ tư, trong công tác quản lý, chỉ đạo ở một số đơn vị hiệu lực, hiệu quả chưa cao; hiện tượng dạy thêm, học thêm, tình trạng thu chi không đúng quy định, hiện tượng mất dân chủ trong trường học chưa được khắc phục triệt để, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến đơn thư phản ánh vượt cấp còn xảy ra.

Trong điều kiện còn không ít khó khăn, thách thức, song, Ngành giáo dục đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trên đây, đồng thời duy trì và phát huy kết quả đã đạt được nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, Ngành giáo dục xác định và tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong tâm:

Một là, tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp học hợp lý, nhằm tăng tính hiệu quả, đảm bảo sự ổn định chất lượng của từng cấp học.

Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục các cấp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp của địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Bốn là, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh theo lộ trình Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 và Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi Đề án giai đoạn 2008-2020).

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, GV, HSSV trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáu là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Bảy là, chủ động hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.

Tám là, tăng cường CSVC đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục.

Chín là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm xây dựng, phát triển trường THPT Chuyên là trường trọng điểm cấp THPT làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu, bồi dưỡng GV; duy trì chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, đồng thời nâng dần mục tiêu cập được với yêu cầu của các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu để xây dựng và phát triển đất nước. Song, giáo dục cũng là một ngành lớn; mỗi sự đổi mới trong giáo dục đều nhận được phản ứng từ xã hội cả theo chiều tích cực và ngược lại. Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, toàn ngành quyết tâm, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2017-2018, tiếp tục tạo những chuyển biến mới về chất lượng giáo dục, giữ vững thành tích đã đạt được, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới và đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào cuộc sống.

N.Đ.H
平均 (0 投票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

アクセス中: 23,763
1日当たりのページのアクセス回数: 7,534
1週間当たりののページのアクセス回数: 34,502
1か月当たりのページのアクセス回数: 589,439
1年間当たりのページのアクセス回数: 3,540,214
ページのアクセス回数 : 16,685,346