Giáo dục Bắc Giang: Vượt qua đại dịch, tiếp tục thích ứng an toàn trong tình hình mới

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2021-2022 là năm học thứ ba diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều thời điểm học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Có thời điểm hơn 370/760 cơ sở giáo dục Bắc Giang được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết là các trường mầm non, tiểu học...

Hàng ngàn học sinh và cán bộ giáo viên thuộc diện F0; vài chục ngàn học sinh và giáo viên thuộc diện có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-29 phải cách ly y tế. Thậm chí cho tới đầu tháng 7/2022 này, khi dịch cơ bản được kiểm soát tốt trong toàn tỉnh, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục, toàn tỉnh vẫn còn 182 học sinh và 60 giáo viên thuộc diện F0. Nhiều hoạt động giáo dục phải tạm dừng, hoãn lại, không tổ chức, hoặc giảm quy mô, thay đổi hình thức. Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương; nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội... Đây là thử thách rất lớn với ngành Giáo dục khi phải làm sao vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”, hoàn thành nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Tuy nhiên, ngành Giáo dục Bắc Giang đã nỗ lực vượt qua đại dịch, tiếp tục thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Trường Mầm non Mỹ Thái, Lạng Giang từng là 1 trong những "phòng tuyến" chống dịch

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Kế hoạch số 5548/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT và từng cơ sở giáo dục đã xây dựng Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch để duy trì hiệu quả các hoạt động giáo dục; kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, dù trong bất cứ tình huống nào cũng phải mở cửa trường học, duy trì hoạt động giáo dục an toàn, ứng phó với mọi tình huống dịch, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng “thời gian vàng” để tổ chức các hoạt động giáo dục, đó là khoảng thời gian từ khai giảng năm học mới đến hết tháng 10/2021. Lúc này, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được kiểm soát tốt nên hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp; thực hiện rà soát, hướng dẫn điều chỉnh Khung phân phối chương trình các môn học và thực hiện chương trình cốt lõi nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Mặt khác, chỉ đạo ứng phó kịp thời, kích hoạt các phương án để vừa phòng dịch vừa tổ chức hoạt động giáo dục. Khoảng thời gian từ đầu tháng 11/2021 đến kết thúc năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch ở huyện Việt Yên, Yên Thế và một số địa phương khác. Các nhà trường đã ứng phó kịp thời, kích hoạt các phương án để vừa phòng dịch vừa tổ chức hoạt động giáo dục. Toàn ngành xây dựng 3 phương án tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19, sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống: (1) Phương án 1: Dạy học trực tiếp khi dịch được kiểm soát tốt. (2) Phương án 2: Dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Khi có học sinh và giáo viên không thể đến trường). (3) Phương án 3: Dạy học hoàn toàn trực tuyến khi học sinh hoặc giáo viên không thể đến trường. Chỉ đạo mỗi nhà trường xây dựng ít nhất 01 phòng học trực tuyến/01 khối lớp để kết hợp với dạy trực tiếp.

Sở GD&ĐT chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện mô hình phòng chống dịch “một cung đường, hai địa điểm”  (một cung đường là từ nhà đến trường và ngược lại; hai điểm đến là gia đình học sinh và trường học). Tại trường học, tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình “bong bóng khép kín” - Hoạt động riêng biệt theo nhóm, lớp học để dễ dàng kiểm soát, xử trí khi phát hiện ca bệnh trong trường học, không ảnh hưởng đến quy mô lớn trong trường. Với sự chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn, ngành Giáo dục vẫn duy trì hoạt động dạy học, bảo đảm chương trình, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống, kết thúc năm học đúng tiến độ.

Tuy nhiên, nhìn lại gần 3 năm qua, có thể thấy đại dịch Covid-19 cũng có tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục các cấp học. Việc đưa giáo dục về trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch cũng gặp không ít khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Nhiều hoạt động giáo dục phải tạm dừng, hoãn lại, không tổ chức, hoặc giảm quy mô, thay đổi hình thức; hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương; nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội. Mặc dù các nhà trường đã chủ động thay đổi hình thức dạy học nhưng đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục toàn diện, tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là chất lượng dạy học trực tuyến,... Song, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành, bằng cách làm sáng tạo, chủ động, linh hoạt, triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, ngành Giáo dục Bắc Giang vẫn duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn. Bắc Giang là một trong số ít tỉnh không phải điều chỉnh thời gian năm học trong 3 năm qua, hoàn thành nội dung chương trình và chất lượng giáo dục. Tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia an toàn và hiệu quả; chất lượng giáo dục vẫn được duy trì, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Cụ thể:

Học sinh Trường Tiểu học Thượng Lan (Việt Yên) đã rất quen với việc học trực tuyến

+ Duy trì kết quả phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay, 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3 và PCGD THCS mức độ 2, trong đó có 8/10 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Tỷ lệ kiên cố hóa đạt 93,8%; phấn đấu đến năm 2023 đạt tỷ lệ 100% theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy kết luận trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

+ Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì trong tốp đầu toàn quốc. Có 01 học sinh đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi Olympic Tin học quốc tế HKICO năm 2021. Toàn ngành đạt 274 giải quốc gia, trong đó 66 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia (01 giải Nhất, 17 giải Nhì, 30 giải Ba, 18 giải KK, xếp thứ 8 toàn quốc về số lượng giải - kết quả cao nhất từ khi tái lập tỉnh 1997 đến nay); 02 giải Khoa học kỹ thuật (01 giải Nhất, 01 giải Tư - xếp thứ 4 toàn quốc về chất lượng giải); 01 giải Ba cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (xếp thứ 4 toàn quốc); 205 giải Thể dục thể thao, an toàn giao thông (3 giải Nhất, 03 giải Nhì, 52 giải Ba, 147 giải KK).

Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, thi KHKT cấp quốc gia và Olympic Tin học quốc tế HKICO 2022

Toàn ngành đã xây dựng các kịch bản cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT an toàn hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động chuẩn bị đổi mới chương trình, SGK GDPT vẫn đúng tiến độ, chuẩn bị cho năm học mới. Có thể khẳng định, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song năm học 2021-2022 ngành Giáo dục Bắc Giang đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, được lãnh đạo tỉnh, nhân dân ghi nhận.

Việc chỉ đạo để giáo dục về trạng thái bình thường mới sau đại dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều thuận lợi. Về khách quan, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban; Tỉnh ủy ban hành các Chỉ thị về phòng, chống dịch; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan. Có thể nói, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được cả hệ thống chính trị, xã hội tỉnh vào cuộc, thực hiện triệt để. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Y tế đã chỉ đạo, định hướng kịp thời công tác giáo dục gắn với phòng, chống dịch tại địa phương. Việc phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh được thực hiện tốt, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành quan tâm ủng hộ, đầu tư, tăng cường, bởi vậy các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đã hoàn thành đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, phải kể đến sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn (về vật chất, tiền để trang bị phương tiện cho học sinh học tập trực tuyến); sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt phần lớn là phụ huynh học sinh.... Về chủ quan, phải kể đến sự nỗ lực quyết tâm của toàn ngành, sự đồng lòng của cán bộ giáo viên,  nhân viên và học sinh. Toàn ngành đã tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch thời gian năm học, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch tới ngành Giáo dục. Bằng cách làm sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, ngành Giáo dục vẫn duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống; thực hiện tốt việc tiêm phòng vacxin cho giáo viên và học sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh. Tính đến 12/7/2022, toàn tỉnh có 84,77% giáo viên đã tiêm mũi 3; các địa phương đang triển khai cho giáo viên tiêm mũi 4. Đối với học sinh từ 12- dưới 18 tuổi (mũi 1 đạt 100% mũi 1; mũi 2 đạt 99,9%); trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi (mũi 1 đạt 49,9%; mũi 2 đạt 15,9%).

Công tác kiểm tra phòng chống dịch được Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo ngành quan tâm sát sao

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Dù toàn ngành nỗ lực phòng, chống dịch, song dịch bệnh vẫn xâm nhập vào trường học, nhiều giáo viên và học sinh bị mắc Covid-19, có thời điểm hơn 370 trường/760 cơ sở giáo dục Bắc Giang được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết là các trường mầm non, tiểu học. Có nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng cho trẻ đến trường; nhiều trường phổ thông phải chuyển trạng thái dạy và học cho phù hợp với cấp độ dịch. Phần lớn giáo viên, nhân viên y tế vừa làm việc tại trường vừa tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Một số đơn vị chưa chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến khi dịch Covid-19 bùng phát; chất lượng dạy học trực tuyến còn hạn chế; kinh phí cho công tác PCD trong các nhà trường còn hạn chế…

Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến tư tưởng giáo viên, tâm lý học sinh, nhất là đối với người lao động trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Qua khảo sát sau các đợt dịch trong năm học 2021-2022, 100% cơ sở mầm non ĐLTT phải nghỉ học, đặc biệt có 36 cơ sở ĐLTT phải giải thể. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, giáo viên, nhân viên (người lao động). Cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên lo lắng cho trẻ, bản thân, đồng nghiệp, gia đình trở thành các đối tượng F0, F1, F2, hoặc bản thân đang là F1, F2 bị cách ly, nên ảnh hưởng nhiều về tâm lý và hiệu quả công việc; cán bộ, giáo viên, nhân viên ở cơ sở giáo dục mầm non ngoài công, hợp đồng làm việc với trường công lập phải nghỉ việc nên không có lương, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến đời sống của giáo viên, nhân viên. Mặt khác, việc chi trả chính sách đối với người lao động trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các huyện, thành phố kịp thời rà soát đối tượng và thực hiện hỗ trợ theo quy định. Đến nay, 10/10 đơn vị huyện, thành phố đã thực thiện việc hỗ trợ cho người lao động trong các cơ sở ngoài công lập theo quy định, song hiện mới có 248 người lao động được hưởng hỗ trợ từ các chính sách này.

Sở GD&ĐT và Công đoàn giáo dục tỉnh tặng quà học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Hương Sơn (Lạng Giang)

Với học sinh, đại dịch cũng có tác động, ảnh hưởng đến tâm lý các em, nhất là đối với trẻ mầm non, các cháu ở nhà với người thân lâu nên khi đi học trở lại sẽ không muốn đến lớp; nền nếp sinh hoạt, ăn, ngủ bị xáo trộn, thay đổi. Đối với học sinh phổ thông, việc học trực tuyến, phải cách ly trong nhà nhiều ngày dẫn đến tâm trạng buồn chán, nhiều em có suy nghĩ tiêu cực, một số khác có tư tưởng lơ là hơn trong học tập do không có người quản lý sát sao việc học tập trực tuyến.

Rõ ràng, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo dục sau đại dịch hiện nay. Làm sao để đảm bảo giáo dục phải tiếp tục thích ứng được an toàn, linh hoạt trong tình hình mới trong điều kiện chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19 hiện nay, từ thực tiễn trong gần 03 năm qua, Giáo dục Bắc Giang đã, đang và cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, Các cơ sở giáo dục phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Từng cơ sở giáo dục phải thường xuyên rà soát, củng cố, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống dịch, các kịch bản, phương án tổ chức dạy học phù hợp với từng thời điểm để tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các cơ sở giáo dục về hoạt động phòng chống dịch, các hình thức, phương án tổ chức dạy học trong nhà trường để nhân dân, nhất là phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức, thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, yên tâm, đồng thuận với ngành Giáo dục. Chủ động thực hiện tốt việc tiêm phòng vacxin cho giáo viên và học sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 3 cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trước tháng 9/2022.

Hai là, Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục vì đây là xu hướng tất yếu của thế giới, nhất là trong bối cảnh dịch hiện nay; những giải pháp của chuyển đổi số đã giúp ngành Giáo dục ứng phó nhanh với tình huống dịch Covid-19, bảo đảm duy trì các hoạt động dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với tình  hình dịch Covid-19. Có kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ trong công việc là tiêu chuẩn bắt buộc đối với CBQL và GV, nhân viên.

Ba là, Làm tốt công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018, để đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong đó chuẩn bị tốt về điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; biên chế, đội ngũ giáo viên phải đảm bảo số lượng và chất lượng, cơ cấu bộ môn.

Nhìn lại 3 năm ứng phó với dịch Covid-19, có thể khẳng định Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng đã vượt qua và chiến thắng đại dịch. Để có kết quả này, phải khẳng định vai trò, trách nhiệm hết sức to lớn và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Trước hết, phải kế đến sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, cấp ủy cơ sở và việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện sâu sát của UBND tỉnh. Từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo, thường xuyên bám sát chỉ đạo của Trung ương để ban hành nghị quyết, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương kịp thời, đồng thời đưa ra những quyết sách quan trọng, đúng đắn trong thời khắc cam go khi đại dịch bùng phát để giúp tỉnh Bắc Giang nhanh chóng vượt qua đại dịch, tháng 8/2021 tỉnh Bắc Giang vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba về công tác phòng, chống dịch. Tiếp đó phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, Đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh. Tất cả các lực lượng đều sẵn sàng tham gia ở tuyến đầu chống dịch, như y tế, quân đội, công an,.. với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Ngoài ra, còn phải kể tới sự hỗ trợ rất nhiều của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự đồng thuận, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.

Đối với ngành Giáo dục, không thể không kể đến sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo của ngành Giáo dục; đồng lòng, ủng hộ của toàn thể cán bộ, giáo viên nhân viên, người lao động trong ngành quyết tâm cùng xã hội chống dịch và vượt qua đại dịch an toàn. Cho nên, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song năm học 2021-2022 ngành Giáo dục Bắc Giang đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, được lãnh đạo tỉnh, nhân dân ghi nhận. Trong thời gian tới, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, toàn ngành Giáo dục Bắc Giang quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, vươn lên thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,464
Total visited in day: 8,770
Total visited in Week: 35,738
Total visited in month: 590,675
Total visited in year: 3,541,450
Total visited: 16,686,582