Bắc Giang: Các phương pháp đổi mới dạy học và công tác quản lý đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Về đổi mới, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII đã xác định: "Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”, trong những năm qua, ngành giáo dục Bắc Giang đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học và công tác quản lý dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện các phương pháp đổi mới dạy học và công tác quản lý đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá ở trường trung học

Áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực trong các môn học/hoạt động giáo dục.

Năm 2013, Bắc Giang bắt đầu triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” (PPBTNB), 100% các đơn vị được triển khai, 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn. Các đơn vị đã tích cực chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn về PPBTNB, nghiên cứu, lựa chọn các bài/hoạt động trong bài có thể vận dụng PPBTNB để thực hiện. Các tiết học sử dụng PPBTNB có chất lượng được chia sẻ lên trang Web của ngành để cán bộ, giáo viên nghiên cứu, trao đổi và học tập. Triển khai PPBTNB giúp giáo viên chủ động, sáng tạo trong soạn bài, tích cực suy nghĩ, tìm tòi tài liệu, thí nghiệm dạy học phù hợp, hiệu quả; giúp học sinh được học kiến thức gắn với thực tế cuộc sống, được tương tác, phát huy được năng lực của bản thân, hứng thú học tập, hình thành, phát triển nhiều phẩm chất quan trọng: mạnh dạn, tự tin, chủ động, đoàn kết; có kĩ năng quan sát, phán đoán, phân tích, tổng hợp, kĩ năng làm việc nhóm.

Hình ảnh dạy học theo hướng NCBH tại trường THPT Yên Dũng số 3.

Các hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa: ở trong lớp, ngoài trời, vườn trường, phòng thí nghiệm, phòng học tiếng, học tập trên cơ sở ứng dụng CNTT, học trực tuyến, học qua trường học kết nối; chú ý tới hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Tổ chức tốt dạy học theo các hoạt động: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng.
 

Học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên tự tin báo cáo sản phẩm học tập.

Vận dụng các yếu tố tích cực của mô hình trường học mới trong chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện mô hình trường học mới cấp THCS phù hợp với địa phương. Tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lí, giáo viên tham gia mô hình trường học mới ngay từ đầu năm học. Thường xuyên tư vấn, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp các trường thực hiện thí điểm mô hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho giáo viên trong dạy học đổi mới. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập kinh nghiệm tại các trường tiểu học thực hiện theo mô hình VNEN. Tổ chức cho cán bộ quản lí các phòng GD&ĐT, các trường tham gia thí điểm học tập kinh nghiệm mô hình trường học mới tại Lào Cai. Chỉ đạo các tổ chuyên môn tích cực dự giờ, chú trọng việc thảo luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong dạy học.

Việc đổi mới tổ chức hoạt động theo mô hình đã tạo ra chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học. Các trường chưa triển khai mô hình đã mạnh dạn vận dụng linh hoạt các thành tố tích cực của mô hình góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Xây dựng chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học tích hợp liên môn, giáo dục tích hợp bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, STEM, trải nghiệm sáng tạo...

Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nội dung tích hợp ở các bộ môn GDCD, Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn: giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật, an toàn giao thông; giáo dục phòng chống tham nhũng; giáo dục chủ quyền quốc gia; sử dụng năng lượng tiết kiệm; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai...

Tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh hình thành và rèn luyện kỹ năng sống như: Gala chào Xuân, nghe giáo sư Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Bác Hồ, nghe các chuyên gia tâm lý trao đổi về kỹ năng sống, thi học sinh tài năng thanh lịch, thi làm bánh, cắm hoa, thi Olympic tài năng Tiếng Anh chủ đề bảo vệ môi trường, sinh hoạt CLB nói Tiếng Anh, CLB thể dục thể thao, tham gia sáng tác thơ, truyện cho tập san nhà trường, phối hợp tuyên truyền và cho học sinh thực hành trải nghiệm các kỹ năng lái xe an toàn, thực hiện luật an toàn giao thông đường bộ, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học được các nhà trường rất quan tâm và đầu tư. Hàng năm, các nhà trường đều phát động cuộc thi viết ý tưởng sáng tạo cho học sinh, trên cơ sở đó lựa chọn học sinh làm các dự án tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật giành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp Hội KHKT phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT tổ chức, tham gia thi cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây là hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực, tính tích cưc, chủ động của học sinh.

Khai mạc Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm học 2018 - 2019.

Tổ chức dạy học thông qua di sản, thực địa, gắn với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, hướng nghiệp phân luồng,...

Các hoạt động dạy học thông qua thực địa, di sản được chú ý, đặc biệt trong các môn như Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Học sinh được đi thực tế tại các làng nghề, các khu vườn trồng các loại hoa quả, thăm các khu di tích lịch sử, các doanh trại quân đội trên địa bàn... giúp cho các giờ học phong phú và mang tính thực tiễn cao.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và chọn nghề cho học sinh. Tích cực tìm hiểu, cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 9, 10,11,12. Học sinh khối 9 và 11 được học nghề phù hợp.

Tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn và tham gia sinh hoạt chuyên môn trên mạng trường học kết nối.

Tổ chức nghiêm túc việc đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn theo Thông tư 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 8/10/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hướng dẫn số 1029/HD-SGD&ĐT ngày 19/9/2014 của Sở GD&ĐT về tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong trường phổ thông, sinh hoạt cụm chuyên môn trên địa bàn. Duy trì sinh hoạt tổ chuyên môn theo tháng, quý với các hình thức phong phú, đa dạng. Tổ chức các hoạt động chuyên môn qua trang mạng trường học kết nối.

Ứng dụng công thông tin, sử dụng thiết bị dạy học trong đổi mới dạy học và công tác quản lý đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng thiết bị dạy học trong dạy học và  công tác quản lý. Các nhà trường tiếp tục trang bị Smart TV nối mạng đến các phòng học, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức các hoạt động dạy và học, số giờ dạy ứng dụng CNTT tăng lên; tập huấn để giáo viên làm chủ việc kết nối không dây giữa điện thoại và smart TV hỗ trợ cho công tác giảng dạy. Khuyến khích giáo viên sử dụng CNTT bằng hình thức cộng điểm tích cực trong đánh giá công chức hàng tháng.

Sử dụng hiệu quả thiết bị hỗ trợ chấm bài trắc nghiệm, mạng thư nội bộ, trang Web của đơn vị. Thực hiện tốt việc quản lý điểm, in sổ điểm dựa trên Hệ thống phần mềm quản lý hoạt động trường học online được Sở GD&ĐT cung cấp.

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá

Thực hiện nghiêm túc kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Chú trọng đánh giá theo quá trình thay cho đánh giá mang tính thời điểm; đa dạng các hình thức, cách thức đánh giá: đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; đánh giá thông qua sản phẩm dự án, nhật ký học tập, bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Chấm, chữa, trả bài kiểm tra đúng quy chế.

Xây dựng ngân hàng đề (có ma trận chi tiết) gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao; tăng cường mức độ thông hiểu, vận dụng hướng tới phát triển năng lực học sinh.

Việc kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn tại Công văn số 3333/BGDĐT-GDTrH ngày 7/7/2016 của Bộ GDĐT về việc sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2015-2016.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, sở GD&ĐT xác định phương hướng thực hiện các phương pháp đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá, công tác quản lý đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong thời gian tới như sau:

Đổi mới quản lý dạy học

Quản lý theo chuẩn

Các chuẩn hiện hành như: Trường đạt chuẩn quốc gia; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn Hiệu trưởng; chuẩn kiến thức kĩ năng cơ bản của chương trình; chuẩn đánh giá, xếp loại học sinh; tiêu chí đánh giá trường học thân thiện, học sinh tích cực...có tác dụng định hướng trong phấn đấu rèn luyện của bản thân cán bộ quản lý và giáo viên trong công tác xây dựng đội ngũ, trong điều hành các hoạt động của các nhà trường.

Thực hiện phân cấp quản lý

Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm của Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng mà còn đổi mới từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đến tổ trưởng chuyên môn. Không đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ, không nhằm quản lý con người mà coi trọng quản lý công việc và hiệu quả thực hiện kế hoạch.

Đổi mới công tác thi đua

Công tác thi đua phải đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Gắn liền khen và thưởng một cách hợp lý, xứng đáng để thi đua thực sự trở thành động lực phấn đấu mạnh mẽ. Phát động thi đua trong cán bộ giáo viên, học sinh thông qua các đợt thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ trong năm. Sau mỗi đợt thi đua có sơ kết, tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm, khen thưởng và phê bình kịp thời.

Cải tiến hội họp

Tránh hội họp nhiều, phải có kế hoạch cho các cuộc họp trong tháng. Các cuộc họp cần chuẩn bị trước nội dung, gửi trước cho cán bộ giáo viên nghiên cứu và chuẩn bị nội dung phát biểu nhằm giảm thời gian triển khai và tăng thời gian thảo luận các giải pháp, biện pháp thực hiện góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp. Tăng cường chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các thành viên trong hội đồng nhà trường.

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá

Đổi mới phương pháp dạy học

Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trường, cụm trường. Duy trì sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học thường xuyên và thực sự hiệu quả.

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc xây dựng chương trình, bồi dưỡng chuyên môn, ngân hàng câu hỏi, đề thi thử, đổi mới phương pháp dạy học...

Phát huy tích cực vai trò của các câu lạc bộ, tạo không khí vui tươi cho học sinh học tập, tiếp cận luồng thông tin mới một cách nhanh và hiệu quả, tăng cường hoạt động của CLB tiếng Anh, chú trọng luyện kỹ năng nghe, nói cho học sinh.

Phát động giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, thi sáng tạo kỹ thuật, làm đồ dùng dạy học, dạy học tích hợp, dạy học theo chủ đề, vận dụng kiến thức liên môn trong giảng dạy. Tổ chức ôn thi THPT quốc gia, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi văn hoá, thể thao, văn nghệ ...Tổ chức cho giáo viên tham gia các hoạt động chuyên môn trên “Trường học kết nối” như: ra câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo và đưa lên trang Web.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng, kỹ thuật ra đề, soạn đáp án và chấm, chữa bài kiểm tra; kiểm tra kết hợp phù hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình. Coi trọng việc phân tích kết quả kiểm tra, qua đó giúp giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong học tập; các cấp quản lý điều chỉnh, bổ sung công tác chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá một cách kịp thời.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu để xây dựng và phát triển đất nước. Đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới công tác quản lý dạy học là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục. Dẫu công cuộc đổi mới còn không ít khó khăn nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự quyết tâm và nỗ lực, nghành giáo dục sẽ tiếp tục thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” làm tròn sứ mệnh cao quý trong sự nghiệp trồng người mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

Ngô Quốc Đường - Phòng GDTrH-GDDT

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 15,855
Total visited in day: 12,958
Total visited in Week: 39,926
Total visited in month: 594,863
Total visited in year: 3,545,638
Total visited: 16,690,770