Hoa đời thường - Chân dung về một người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Nhanh nhẹn, tháo vát, sôi nổi và tự tin là nhận xét mà bất cứ ai dù chỉ một lần tiếp xúc với cô. Một cô giáo không những giỏi về chuyên môn, mà còn là nhà quản lý giáo dục có năng lực được mọi người quý mến kính phục.
Gần 30 năm công tác, cô đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Đó là nữ Thạc sỹ, Nhà giáo Lê Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số I.


Theo lời hẹn tôi đến gặp cô trong lúc công việc bộn bề của những ngày đầu năm học. Biết mục đích của cuộc gặp gỡ này nên vừa nhìn thấy tôi cô Hà nở một nụ cười hồn hậu: "Mình có gì đâu mà viết, ở đây còn rất nhiều người giỏi hơn mình mà". Tôi hiểu đó là những lời khiêm tốn ở những con người luôn coi công việc là niềm đam mê như cô. Bởi thực tế cô vừa trở về từ cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi do Huyện ủy huyện Lục Ngạn vừa tổ chức sáng nay mà chủ nhân của Giải Nhất cuộc thi không ai khác mà lại chính là cô, nguyên Bí thư Chi bộ của một trường THPT. Ấm chè pha còn chưa ngấm, cô đã đi ngay vào vấn đề khiến tôi vốn là người chủ động mà cũng không khỏi bất ngờ. Mọi người nói cô là người của công việc quả không sai. Những lời tâm sự chưa lâu mà tôi đã bị hút vào những câu chuyện cô kể về cuộc đời dạy học của mình.


Vốn được sinh trong một gia đình khoa bảng tại một vùng quê văn hiến bên dòng sông Như Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1986, cô Lê Hà tốt nghiệp đại học khoa tiếng Nga trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Với tấm bằng loại ưu trên tay, cô xung phong lên Lục Ngạn dạy học tại Trường Phổ thông Cấp III huyện Lục Ngạn, tức trường THPT Lục Ngạn I hiện nay khi ấy còn là mảnh đất "rừng xanh, núi đỏ". Trở thành giáo viên, được đứng trên bục giảng để truyền dạy những kiến thức mà cô đã tích luỹ bấy lâu cho các thế hệ học trò cô thấy mình thực sự hạnh phúc. Những ngày đầu đứng lớp với cô cũng là những ngày đầy gian khó với bao tâm trạng vui buồn. Vui vì mình được làm cô giáo vùng cao, buồn vì môn cô dạy học trò chẳng mấy thiết tha. Cũng dễ hiểu, bởi với các em học sinh miền núi tiếng Việt còn khó huống hồ tiếng Nga. Cô nghĩ, càng khó thì mình càng phải cố gắng. Cô Hà tâm sự: "Hồi ấy, các em chưa thích học môn tiếng Nga vì nhiều lí do,  nên không thể trách chúng được. Nếu mình biết cách khơi gợi sự ham thích thì chắc sẽ tạo hứng thú học tập ở chúng. Hơn nữa, mình đang dạy chúng những bài học làm người, nếu chúng biết rồi thì đâu cần mình phải dạy nữa". Nghĩ vậy, nên cô bắt tay vào chuẩn bị thật kỹ các bài giảng, chuẩn bị kỹ các tình huống để gợi trí tò mò, óc khám phá của học sinh, làm cho giờ học trở nên sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý và lòng ham học trong mỗi học trò. Bao bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua đi, niềm đam mê nghề nghiệp cứ lớn dần theo năm tháng.



Cô giáo Lê Thị Hà - Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 1


Cuộc sống của người giáo viên trẻ dù đầy nhiệt huyết nhưng luôn phải đối mặt với bao thách thức đời thường. Nhớ lại những ngày tháng gian khó của thuở ban đầu, cô Hà không khỏi xúc động: "Ngày đó, không ít đồng nghiệp phải bỏ nghề vì đói kém. Bản thân mình cũng có lúc nản chí, nhưng vì yêu nghề và thương lũ học trò nơi vùng quê nghèo khó nên mình càng quyết tâm. Có lẽ, chính lòng ham học của các em đã giúp mình mạnh mẽ đứng lên chống chọi với khó khăn để tiếp tục là người lái đò trung thành đưa các em cập bến bờ tri thức". Trải qua bao thăng trầm, mảnh đất và con người Lục Ngạn trở nên gần gũi và trở thành quê hương thứ hai của mình lúc nào chẳng rõ.


Khó khăn bước đầu còn chưa nguôi, con đường tìm đến kiến thức môn tiếng Nga của thầy trò cô chưa đi được bao xa thì cô nhận được quyết định  chuyển đổi từ tiếng Nga sang tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khó khăn chồng chất khó khăn, cô phải gửi con nhỏ để tham gia khoá đào tạo tiếng Anh. Năm 1994, cô trở lại với vai trò của một giáo viên Anh ngữ. Để đảm bảo cho bài giảng thật tốt, ngày đêm cô mày mò tự học, tra cứu tài liệu để bổ sung kiến thức cho mình. Nhưng không ngờ, chỉ một năm sau khi chuyển đổi, cô tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh và đỗ vòng 1 (không tham gia thi vòng 2).


Được biết, khi đó cô là một trong mười giáo viên dạy tiếng Anh trong huyện, mặc dù không được đào tạo chuyên sâu từ trường đại học nhưng với sự cố gắng không ngừng, cô đã trở thành giáo viên uy tín. Không chỉ dừng lại ở thành tích giảng dạy, cô còn là một trong số các giáo viên tiêu biểu của huyện tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Đội tuyển do cô phụ trách năm nào cũng có giải cao. Ngày các em khăn áo đi thi cũng là ngày cô trằn trọc lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhiều khi giữa đêm cô phát hiện ra những kiến thức cần bổ sung cho các em cô liền gọi chúng dậy để giảng giải. Sự chăm sóc ân cần ấy đã khiến bao học sinh nhớ về cô với lòng biết ơn sâu sắc. Bản thân cô nhiều năm liền được tỉnh lấy đi làm ban giám khảo chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh..


Bí quyết nào để làm nên những thành công ấy? Như đoán được ý tôi, giọng cô thủ thỉ: “Bí quyết thì không nhưng theo cô nghĩ, một giáo viên, điều cốt yếu là phải làm chủ được mình, làm chủ được kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Khi chuyên môn đã vững thì việc làm chủ học sinh không khó. Phải công nhận tiếng Anh là môn khó, đòi hỏi người giáo viên phải biết cách để thu hút sự chú ý của học trò. Đồng thời, người giáo viên cần phải nắm rõ đặc điểm và khả năng học của từng học sinh nhằm đưa ra phương án dạy phù hợp nhất”.


Năm 2001, cô Lê Hà được đề bạt làm Phó hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 1. Với cương vị người cán bộ quản lí, cô thường xuyên tham mưu với hiệu trưởng về cách thức và biện pháp quản lí học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2008, cô nhận quyết định chuyển công tác về giữ cương vị Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số 2 . Biết rằng nơi mình đến còn nhiều lắm những khó khăn trở ngại vì trường mới thành lập, mọi thứ còn khá sơ sài. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề, đã vậy đội ngũ giáo viên trẻ tuy có kiến thức nhưng kinh nghiệm giảng dạy còn yếu lại không ổn định, (mỗi năm trường có gần 20 thầy cô chuyền đi và đến), chất lượng học sinh không cao bởi đầu vào thấp nhưng cô chẳng hề đắn đo. Cô bảo: "Đã làm giáo dục dù ở đâu cũng là vì học sinh thân yêu. Có lao vào chỗ khó mới thấy hết khả năng của mình". Khó khăn là thế, nhưng với cương vị của người đứng đầu nhà trường, cô không cho phép mình nản chí dù chỉ là trong suy nghĩ. Với những kinh nghiệm đã có, sau khi quan sát và nắm rõ tình hình, xác định mục tiêu, cô đưa ra kế hoạch cụ thể theo từng tiêu chí, từng mảng nhỏ và thực hiện theo từng giai đoạn. Khó thì làm từng bước, khắc phục dần dần nhưng nhất định phải đưa mọi thứ vào khuôn phép theo một nếp chung, phấn đấu đến năm 2014 xây dựng trường thành trường chuẩn quốc gia. Cô dồn toàn bộ tâm sức của mình phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường cùng với tập thể cán bộ giáo viên làm thay đổi bộ mặt của trường. Giờ đây, khi đến thăm trường THPT Lục Ngạn số 2 (nơi cô vừa chia tay), có lẽ bất cứ ai cũng nhận ra sự đổi thay rõ rệt. Từ phòng học đến khu tập thể của cán bộ giáo viên đều khang trang. Dù công việc của người Hiệu trưởng bận rộn tối ngày, nhưng hễ rảnh rỗi khi nào là cô lại đến từng phòng ở của anh em để tìm hiểu rõ hoàn cảnh của mọi người và kịp thời động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết nhất trí trong toàn trường. Sự quan tâm gần gũi của cô đối với mọi người đã trở thành thói quen lúc nào không hay. Dẫu bận trăm công nghìn việc, nhưng mỗi khi trường có học sinh đi tham dự các cuộc thi đều không vắng bóng cô. Cô sẵn sàng gác lại mọi việc, khăn gói lên đường cùng các em. Những khi ấy, cô lại bận rộn lo lắng cho học sinh từ A đến Z như tấm lòng yêu thương của người mẹ.


Nghe cô bộc bạch tôi nhận ra một điều, đằm sâu trong những câu chuyện cô kể lúc nào cũng thường trực sự lo lắng cho học sinh. Cô dồn hết tâm trí và sức lực của mình để chắp cánh cho ước mơ của các thế hệ học trò được bay cao, bay xa trên khung trời tri thức. Sự trưởng thành của học sinh là món quà quý giá, là niềm hạnh phúc vô bờ đối với cô. Là Hiệu trưởng, bận trăm công nghìn việc nhưng không thấy cô vội vàng hay nóng giận bao giờ. Cô luôn điềm tĩnh, nhẹ nhàng xử lí từng công việc. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất, đó là cuối năm 2010 khi cô bị tai nạn gãy cả hai tay với nhiều lần băng bó phẫu thuật, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, công tác lại xa nhà 20km, nhưng cô Lê Hà đã kiên cường vượt khó. Nhưng chính bở tấm lòng của cô - người luôn quan tâm đến toàn thể giáo viên trong nhà trường cho nên tập thể giáo viên nhà trường đã hết sức giúp đỡ động viên cùng cô vượt qua khó khăn. Đó chính là những tấm lòng đã đến với tấm lòng. Nhờ vậy mà mọi hoạt động của trường do cô chỉ đạo vẫn đâu vào đấy. Cách sống chan hoà, cởi mở nhưng cũng đầy bản lĩnh quyết đoán của cô khiến mọi người nơi đây ai cũng nể phục.


Sau ba năm về trường THPT Lục Ngạn số 2 công tác, bằng nhiệt huyết, cô cùng tập thể cán bộ giáo viên và các thế hệ học sinh, trường đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99%,  học sinh đỗ đại học, cao đẳng 43%. Năm 2010, đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh  đã mang về cho trường 16 giải (trong đó: 3 giải Nhì, 8 giải Ba, 5 giải khuyến khích). Và trường cũng là đơn vị tiên tiến, là cơ quan văn hoá cấp tỉnh. Trường đạt được những thành tích đáng trân trọng như vậy là nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các thầy cô giáo và đặc biệt là sự đóng góp đáng kể của cô Hiệu trưởng Lê Hà. Cô thực sự là một tấm gương nhà giáo mẫu mực. Những điều cô đã làm cho trường, cho các thế hệ học trò không chỉ góp phần quan trọng vào thành tích của nhà trường mà còn cho toàn ngành giáo dục Bắc Giang.


Ghi nhận những công lao đóng góp, cô Lê Hà nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, của UBND tỉnh và của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Năm 2010, cô vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, và là 1 trong 4 đại biểu toàn ngành giáo dục Bắc Giáng được chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc ngành Giáo dục lần thứ V  tại Thủ đô Hà Nội. Không chỉ giỏi việc trường, cô Lê Hà còn là người vợ, người mẹ đảm đang. Một người luôn giữ được ngọn lửa ấm áp của gia đình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, người đó đáng được mọi người  yêu thương và nể trọng.


Thật tự hào cho ngành GD&ĐT tỉnh nhà khi có được những gương mặt như nữ nhà giáo Lê Hà. Chính cô và những đồng nghiệp của cô đã thắp sáng lên ngọn lửa tri thức để gieo vào trái tim các thế hệ học trò nơi đây sự khát khao vươn xa. Chia tay tôi, cô Lê Hà thổ lộ, cô vừa nhận quyết định về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường THPT Lục Ngạn số I, nơi cô đã nhiều năm gắn bó, tôi tin trong sự nghiệp trồng người cô sẽ tiếp tục đào tạo được thật nhiều thế hệ học trò góp ích cho cho quê hương. Đó chính là một bông hoa giữa đời thường, luôn biết cống hiến sắc hương của mình cho đời. Tôi ra về mà trong lòng vẫn ngân mãi câu thơ của cô trước lúc chia tay:


Nếu ai hỏi tôi yêu nghề gì nhất?

Tôi sẽ trả lời là một giáo viên.

Nếu ai bảo nghề lái đò hôm sớm,

Sải tay chèo đưa khách quá giang,

Tôi sẽ bảo từ đôi bờ nắng sáng.

Tiếp cha anh bao thế hệ lên đàng…

Lục Ngạn, tháng 10/2011


Bùi Anh Chung - THPT Lục Ngạn số 1

平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,025
Total visited in day: 18,742
Total visited in Week: 146,979
Total visited in month: 546,342
Total visited in year: 3,497,117
Total visited: 16,642,249