Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT năm 2017, dấu ấn về đổi mới phương pháp

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vòng 2 cấp trung học chu kỳ 2016 - 2019 từ ngày 02/10/ 2017 đến hết ngày 10/11/2017. Trực tiếp theo dõi, cùng đồng nghiệp tham dự Hội thi đợt 1 khối THPT (diễn ra từ ngày 02/10 đến 14/10/2017) với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, mặc dù là hoạt động chuyên môn theo kế hoạch, song những dấu ấn đậm nét về đổi mới phương pháp đã làm cá nhân tác giả bài viết không thể không cầm bút, chia sẻ đôi điều trải nghiệm thực tế về Hội thi.
Tại Hội thi, các tiết giảng thực hành đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, thể hiện sự đa dạng về phương pháp và kỹ thuật dạy học nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, học sinh đã được phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu và chủ động lĩnh hội kiến thức. Ở đó, các thầy cô giáo tạo ra sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò, sự hào hứng cho các em học sinh khi tham gia các giờ giảng. Điều này có được là minh chứng cho kết quả, sự thành công trong hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới quyết liệt về phương pháp dạy học ở mỗi giáo viên, nhà trường THPT trong toàn tỉnh.

Điểm đáng lưu ý là Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vòng 2 cấp THPT với nhiều đổi mới, bứt phá về chuyên môn, đã tác động mạnh mẽ vào sự thay đổi tư tưởng, nhận thức của các thầy cô về vấn đề cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Cụ thể, từ khâu xây dựng ý tưởng, vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách hợp lý, phù hợp với nội dung của kiểu bài lên lớp, thiết kế các hoạt động phù hợp với trọng tâm bài học...
Học sinh trình bày sản phẩm trong một giờ dạy Địa lí tại Hội thi.
Để chuẩn bị tốt mỗi tiết dạy, mỗi thầy cô giáo phải trải qua quá trình chuẩn bị bài giảng rất kỹ lưỡng, từ lựa chọn ý tưởng phù hợp, thu thập các tư liệu, hoàn thiện giáo án và đặc biệt các ý tưởng sáng tạo đối với nội dung bài học... tiếp đó là tiếp thu các ý kiến góp ý, rút kinh nghiệm từ các thầy cô trong tổ nhóm chuyên môn từ cách tổ chức các hoạt động trên lớp, cách thức sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh, cách hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà và trả bài cho giáo viên để có những tiết dạy hiệu quả nhất.

Các kỹ thuật dạy học tích cực đã được các thầy cô thể hiện một cách xuất sắc, bài bản, có trọng tâm, phù hợp với nội dung và kiểu bài lên lớp. Kỹ thuật dạy học được sử dụng thành thạo như kỹ thuật KWL, dạy học theo góc, tổ chức kỹ thuật mảnh ghép, khăn trải bàn...
Học sinh sôi nổi trong giờ học Lịch sử tại Hội thi.
Ngoài việc học sinh rất sáng tạo trong việc trình bày kiến thức qua lược đồ tư duy, bảng phụ, các thầy cô còn khéo léo vận dụng việc đáp ứng nhu cầu hiểu và vận dụng kiến thức của học sinh thông qua các hiện tượng, hiểu biết thực tiễn mà lược đồ tư duy chưa thể thể hiện được, từ đó giúp bài giảng thêm sinh động và phong phú.

Dù cho kết quả như thế nào thì đây là cơ hội thuận lợi để mỗi thầy cô giáo được tìm hiểu, trao đổi học tập chuyên môn thông qua bạn bè, đồng nghiệp, tạo nên phong trào thi đua dạy tốt, học tốt có ý nghĩa sâu rộng, có tác dụng tích cực trong nhà trường THPT, góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó thúc đẩy chất lượng dạy và học cũng như công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên. Đây chính là hoạt động chuyên môn quan trọng, cụ thể hoá đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học vào thực tiễn, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vòng 2 cấp THPT thực sự là cuộc so tài của đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết, say sưa với nghề, thể hiện qua sự đầu tư cho từng bài giảng. Đồng thời cũng là dịp để khuyến khích sự tìm tòi, phát huy khả năng sáng tạo ở mỗi thầy cô giáo và cũng là cơ hội để tăng cường công tác bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn đối với giáo viên trung học. Những bài giảng tham gia Hội thi là những đóng góp rất thiết thực cho việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học đối với bậc THPT - một bậc học có vị trí quan trọng đặc biệt trong việc từng bước hoàn thành nhân cách và cung cấp tri thức, định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua Hội thi, mỗi giáo viên nhận thức về đường lối, quan điểm giáo dục, đổi mới giáo dục, có hiểu biết tốt về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và khả năng vận dụng trong thực tiễn dạy học. Đồng thời các trường THPT trong tỉnh có điều kiện phát hiện và bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi làm nòng cốt cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ thông qua phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, rút kinh nghiệm kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và giờ dạy của giáo viên, tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động dạy và học của các đơn vị, là căn cứ để ngành GD&ĐT đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên.

Điểm nổi bật nhất của Hội thi đó là sự thể nghiệm phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và sử dụng có hiệu quả phương pháp, kĩ thuật, thiết bị dạy học có hiệu quả trong thực tiễn. Ngoài ra, Hội thi góp phần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ, tạo động lực để đông đảo các nhà giáo hưởng ứng cuộc vận động lớn của ngành "mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp phần cùng toàn ngành giáo dục thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” mà Đảng ta đã xác định.

Trịnh Văn Nam - TTCM, THPT Cẩm Lý
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 15,361
Total visited in day: 13,469
Total visited in Week: 40,437
Total visited in month: 595,374
Total visited in year: 3,546,149
Total visited: 16,691,281