Hướng dẫn thực hiện chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Căn cứ Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang hướng dẫn các đơn vị thực hiện cụ thể như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
             Văn bản này quy định chế độ làm việc bao gồm: nhiệm vụ của giáo viên; thời gian làm việc trong một năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy đối với giáo viên làm công tác quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), giáo viên trực tiếp giảng dạy (không làm công tác quản lý) bao gồm cả giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn trường trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường lớp dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là các trường phổ thông) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.


II. NHIỆM VỤ CỦA GIÁO VIÊN, ĐỊNH MỨC THỜI GIAN LÀM VIỆC 
             1. Nhiệm vụ của giáo viên 
             Nhiệm vụ của giáo viên thực hiện theo quy định tại Điều lệ Trường Tiểu học, Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trường Trung học phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học. 
             2. Nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp 
             Ngoài các nhiệm vụ trên, giáo viên làm chủ nhiệm lớp còn có những nhiệm vụ sau: 
             2.1. Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp; 
             2.2. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm; 
             2.3. Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh; 
             2.4. Tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức; 
             2.5. Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng. 
             3. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm 
             3.1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: 
             a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. 
             b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. 
             c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới. 
             d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học. 
             3.2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: 
             a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. 
             b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. 
             c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới. 
             d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học. 
             3.3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau: 
             a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có); 
             b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh. 
             c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động. 
             Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định. 
             4. Định mức tiết dạy 
             Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: 
             4.1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết; 
             4.2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông; 
             Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở; 
             Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở. 
             4.3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học, đồng thời thực hiện công tác Tổng phụ trách Đội và các nhiệm vụ khác của một giáo viên. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành. 


             5. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng 
             5.1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm bắt được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. 
             5.2. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. 


             III. CHẾ ĐỘ GIẢM ĐỊNH MỨC TIẾT DẠY VÀ QUY ĐỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN KHÁC RA TIẾT DẠY 
             1. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn (Không áp dụng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I). 
             1.1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. 
             1.2. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần. 
             1.3. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách phòng học bộ môn (không áp dụng đối với giáo viên chuyên trách) được giảm 3 tiết/môn/tuần. 
             1.4. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/môn/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định. 
             1.5. Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần. 
             2. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường (Không áp dụng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I) 
             2.1. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ nhà trường, chủ tịch công đoàn trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần. 
             2.2. Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 61/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông. 
             Đối với các trường trung học phổ thông thời gian làm công tác Đoàn của Bí thư Đoàn trường ở các trường dưới 28 lớp được tính bằng 70% định mức giờ chuẩn/tuần; các trường từ 28 lớp trở lên được tính bằng 85% định mức giờ chuẩn/tuần. Thời gian làm công tác Đoàn của Phó Bí thư các trường dưới 28 lớp được tính bằng 35% định mức giờ chuẩn/tuần; các trường từ 28 lớp trở lên được tính bằng 50% định mức giờ chuẩn/tuần. 
             2.3. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần. 
             2.4. Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần. 
             2.5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất (Chỉ áp dụng đối với các đối tượng quy định tại khoản 2.1, 2.2, 2.3, 2.4 và 2.5 mcuj này). 
             3. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các đối tượng khác 
             3.1. Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu được giảm 2 tiết/tuần. 
             3.2. Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi tuần được giảm 3 tiết (đối với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở) và 4 tiết (đối với giáo viên tiểu học). 
             4. Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy 
             4.1. Giáo viên dạy môn chuyên tại các trường chuyên, lớp chuyên, 1 tiết dạy môn chuyên được tính bằng 3 tiết định mức. 
             4.2. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của Hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau: 
             a) Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra thì thời gian làm việc một buổi được tính bằng 5 tiết định mức. (Không áp dụng chi trả tiền sau khi hoàn thành hồ sơ kết luận đánh giá xếp loại giáo viên phổ thông tại Thông tư Liên tịch số 16 TT/LB ngày 23/8/1995 của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ đối với giáo viên được điều động làm nhiệm vụ thanh tra) 
             b) Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết giảng dạy thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức. (Không áp dụng đối với giáo viên là học viên của các lớp bồi dưỡng, tập huấn). 
             Các công tác khác như hội họp, sinh hoạt tổ chuyên môn, các đoàn thể, học tập bồi dưỡng là hoạt động đã được quy định tại Điều lệ nhà trường, không được quy đổi ra tiết dạy. 
             c) Báo cáo ngoại khóa cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án hoặc đề cương báo cáo) thì số tiết báo cáo thực tế được tính tương đương số tiết định mức. 
             d) Giáo viên kiêm nhiệm công tác quản trị mạng, biên tập trang Website và quản lý hệ thống máy vi tính được tính 4 tiết/tuần. 
             đ) Đối với trường không có biên chế văn thư, thủ quỹ thì giáo viên kiêm nhiệm công tác thủ quỹ được tính 3 tiết/tuần.


IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 
             Hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm phân công lao động hợp lý và thực hiện đúng các quy định tại hướng dẫn này. 
             Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm GDTX-DN, Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật TH Hướng nghiệp tỉnh vận dụng hướng dẫn này để tổ chức thực hiện. 
             Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo, Phòng Nội vụ các huyện, thành phố có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện của các trường tiểu học, THCS, PTCS trên địa bàn theo phân cấp. Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ để phối hợp giải quyết./. 
 
Chi tiết hướng dẫn tải về tại đây

Nguồn: Hướng dẫn số 1300/HD-SGD&ĐT-NV

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 21,991
Total visited in day: 6,906
Total visited in Week: 33,874
Total visited in month: 588,811
Total visited in year: 3,539,586
Total visited: 16,684,718