Kinh nghiệm, giải pháp của trường THPT Yên Thế trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trường THPT Yên Thế nằm trên địa bàn huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào còn khiêm tốn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Quy mô trường lớp ổn định. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Một góc trường THPT Yên Thế

Ngay đầu mỗi năm học, cùng với việc xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục, nhà trường đã lên kế hoạch cụ thể cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Kế hoạch   được xây dựng dựa trên cơ sở nhiệm vụ năm học và sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đồng thời có chú ý đến đặc điểm riêng của trường và của địa phương một cách chi tiết, tỉ mỉ, có sự bàn bạc thống nhất giữa lãnh đạo nhà trường và các tổ nhóm chuyên môn, đồng thời thông báo cho hội phụ huynh được biết để phối hợp thực hiện.

Khâu đầu tiên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là lựa chọn đội ngũ giáo viên, bởi yếu tố quyết định là đội ngũ giáo viên bồi dưỡng các đội tuyển; cán bộ quản lí đóng vai trò là người định hướng, là người bạn đồng hành thực sự cùng giáo viên, luôn thắp sáng ngọn lửa mê say nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, động viên kịp thời giáo viên và học sinh, tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận được phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi một cách tích cực, chủ động. Người giáo viên đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là người truyền lửa đam mê môn học, là người trao kiến thức, giúp rèn kỹ năng cho học sinh. Vì vậy, khi phân công bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường phải chọn ra đội ngũ giáo viên ưu tú để tham gia giảng dạy. Kiến thức để bồi dưỡng học sinh giỏi có tính chuyên sâu, độ khó cao, tính bao quát rộng, rất tốn kém thời gian cho việc nghiên cứu, nên mỗi đội tuyển học sinh giỏi nhà trường đều phân công nhiều giáo viên tham gia bồi dưỡng và mỗi giáo viên phụ trách từng mảng chuyên đề, để có đủ thời gian nghiên cứu và giảng dạy có chất lượng. Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi phải thường xuyên tham khảo tài liệu nhằm kịp thời cập nhật, bổ sung và phát triển chuyên đề mà mình phụ trách, phải chủ động đi trước học sinh một bước, hướng dẫn và cùng tham gia giải bài tập với học sinh.

Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiệm vụ tối quan trọng của người thầy là phải dạy cho các em tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, chủ động và sáng tạo, cụ thể là dạy cho các em cách tìm đến kiến thức, cách khai thác và vận dụng kiến thức, cách làm bài tập, cách đọc sách và tìm tài liệu, cách mở rộng kiến thức, cách chế tác và tổng quát hóa một bài tập, cách ôn tập cho một kỳ thi, Người thầy phải luôn thắp sáng ngọn lửa mê say môn học mà học sinh đang theo đuổi, phải dạy cho các em biến ước mơ thành hiện thực, biết chấp nhận khó khăn để cố gắng vượt qua, biết rút kinh nghiệm sau những thất bại, luôn tự tin vào kiến thức mà mình đã có...

Khâu quan trọng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là lựa chọn đội tuyển. Mục tiêu bồi dưỡng học sinh giỏi là trang bị cho các em có kiến thức khoa học cơ bản, vận dụng và nâng cao; giúp học sinh có tính tự lập, khả năng nhận thức ở mức độ cao và có kỹ năng vận dụng kiến thức cơ bản vào thực tế; trong đó việc rèn luyện cho học sinh có tính tự lập và khả năng nhận thức ở mức độ cao là quan trọng và khó khăn nhất. Cách tốt nhất để lựa chọn đội tuyển là lựa chọn những học sinh có nền tảng kiến thức cơ bản tốt, hướng dẫn dìu dắt cho các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều học sinh lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu, nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt thành tích tốt. Vì vậy, sau quá trình giảng dạy và quan sát, kiểm tra, đánh giá ở lớp 10, 11 sẽ lựa chọn được các học sinh có thành tích ổn định vào các đội tuyển học sinh giỏi ở lớp 12.

Đội tuyển HSG năm học 2021-2022

Với học sinh giỏi, việc giảng dạy như thế nào để đạt thành tích cao tại các kỳ thi rất cần được chú ý và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trong quá trình giảng dạy và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tại trường, các tổ nhóm chuyên môn đã thảo luận và trao đổi để đi đến cách làm hay và hiệu quả, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng và thực hiện chương trình sao cho hiệu quả luôn được quan tâm. Khi các giáo viên tham gia dạy xây dựng chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi luôn đảm bảo các yêu cầu: Phần kiến thức cở bản được xây dựng theo từng chuyên đề cụ thể và chọn lọc; phần kiến thức nâng cao là phần quan trọng và khó nhất được bổ sung và điều chỉnh linh hoạt; phần rèn luyện các kỹ năng, phương pháp làm bài là giúp học sinh làm quen với các dạng đề thi và kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các yêu cầu đề ra. Khi thực hiện chương trình bồi dưỡng, thông thường giáo viên nhà trường đã làm theo quy trình:

Một là: Giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, các loại sách, tài liệu tham khảo dành riêng cho học sinh giỏi và cách truy cập Internet để tìm tài liệu học tập. Hướng dẫn học sinh cách học, cách nghe giảng và ghi chép bài học. Hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức cơ bản của môn bồi dưỡng. Qua đó làm cho các em yêu thích môn học mà mình sắp đeo đuổi.

Hai là: Giúp học sinh biết cách giải quyết, khai thác một đơn vị kiến thức, một bài tập hay vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề đặt ra. Từ đó rèn luyện cho các em khả năng tư duy logic, tư duy độc lập sáng tạo và biết cách tương tự hóa, mở rộng hóa, tổng quát hóa một vấn đề của kiến thức. Tăng cường hướng dẫn học sinh tự tìm đọc các tài liệu có định hướng theo những chuyên đề đã học.

Ba là: Sau khi các em đã học xong kiến thức cơ bản ở mỗi chuyên đề, cần tổ chức kiểm tra để phân loại mặt bằng học tập. Việc làm này giúp giáo viên dạy hiểu rõ từng đối tượng học sinh. Từ đó để giáo viên điều chỉnh nội dung kiến thức và có cách dạy phù hợp sát đối tượng học sinh.

Bốn là: Hoàn thiện kiến thức, luyện kỹ năng làm bài qua các đề kiểm tra. Sau một bài kiểm tra giáo viên dạy phải nhận xét, sửa chữa, hướng dẫn cho học sinh thật chi tiết cụ thể những chỗ sai, lỗi mà các em mắc phải và chỉ ra cho học sinh biết tại sao lại có những chỗ sai đó? Hướng dẫn các em cách khắc phục, bỗ sung những chỗ sai sót về kiến thức, kỹ năng, vv.... giáo dục cho các em tính chủ động, tự tin và sẵn sàng tham gia kỳ thi học sinh giỏi.

Các nội dung trong quy trình này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong từng buổi bồi dưỡng và xuyên suốt cả quá trình bồi dưỡng để giáo viên dạy bổ sung, điều chỉnh về nội dung và phương pháp phù hợp tường đối tượng học sinh, vừa để tạo hứng thú, đam mê học tập cho học sinh, vừa để nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Đội tuyển HSG môn Ngữ văn đang trao đổi bài

Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi thì công tác tổ chức học tập cho học sinh là một mắt xích rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của học sinh. Để làm tốt công tác này các giáo viên dạy bồi dưỡng đội tuyển đã thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là: Quan tâm giáo dục ý thức tự giác trong học tập cho học sinh, các em phải tự rèn luyện mình. Ngoài việc học tập trên lớp các giờ chính khóa, học sinh phải tham gia đầy đủ các buổi học bồi dưỡng theo quy định của nhà trường và bồi dưỡng ngoài giờ của giáo viên, tham gia giải các bài tập trong sách giáo khoa, sách nâng cao, trong các tài liệu tham khảo và phải học bài cũ ở nhà một cách tự giác.

Hai là: Phân loại đối tượng học sinh để giao nhiệm vụ phù hợp. Không nhồi nhét kiến thức cho các em một cách thụ động mà dạy những kiến thức phù hợp theo từng đối tượng. Tổ chức cho các em học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và phải được giáo viên dạy kiểm tra, đánh giá cụ thể. Việc làm này giúp học sinh có lòng say mê, tự tin trong học tập, có tác phong tự học, tự nghiên cứu.

Ba là: Phối hợp với phụ huynh trang bị đầy đủ tài liệu, dụng cụ học tập theo yêu cầu giáo viên, trong đó bao gồm các tài liệu hay, các kiến thức tự tìm hiểu, đúc kết sau một quá trình học tập. Những tích lũy này rất cần thiết cho việc học tập, rèn luyện nâng cao khiến thức của học sinh giỏi.

Bốn là: Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và rèn luyện kỹ năng sống một cách hợp lý như: Sinh hoạt Câu lạc bộ môn học, giao lưu văn nghệ, thể thao, tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ..., nhằm giảm áp lực trong học bồi dưỡng cho các em, bởi ngoài sự chuẩn mực về đạo đức, kiến thức, người thầy còn phải là nhà tâm lý bên cạnh học sinh.

Với những giải pháp thực hiện như đã nêu trên, nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường THPT Yên Thế đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục mũi nhọn, khẳng định được vị thế của nhà trường trong những năm học qua. Năm học 2021 – 2022, trường THPT Yên Thế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh với 27 giải, trong đó có 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 7 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, dẫn đầu khối các trường THPT không chuyên toàn tỉnh cả chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi.

Các học sinh đạt giải Nhất của kỳ thi HSG năm học 2021-2022

Kết quả trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường THPT Yên Thế những năm qua khẳng định sự đồng lòng vào cuộc của cả tập thể sư phạm nhà trường. Đó là sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, định hướng cụ thể trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường, ý thức tự giác, niềm tin và nỗ lực học tập của học sinh, củng cố lòng tin của phụ huynh và nhân dân đối với nhà trường./.

Trường THPT Yên Thế

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,981
Tổng số trong ngày: 11,733
Tổng số trong tuần: 278,467
Tổng số trong tháng: 189,321
Tổng số trong năm: 3,140,096
Tổng số truy cập: 16,285,228