Một số trao đổi về phòng, chống bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh bậc trung học

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu. Bạo lực học đường bao gồm: bạo lực về mặt thể chất, bao gồm cả trừng phạt thân thể (là các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể xác cho một người nào đó nhưng không nhằm gây thương tích); bạo lực tâm lý, trong đó có lạm dụng bằng lời nói; bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp và quấy rối; và bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt truyền thống (trực tiếp) và bắt nạt trực tuyến (trên mạng internet).

Bạo lực học đường và bắt nạt có thể xảy ra ở trong và ngoài lớp học, xung quanh trường học, trên đường đi tới tường và trên môi trường mạng internet. Trong trường học, bắt nạt thường xảy ra ở những nơi như nhà vệ sinh, phòng thay đồ, sân chơi, lớp học trống tiết, hoặc những không gian khuất, nơi mà học sinh thường ít có sự giám sát của giáo viên và nhân viên nhà trường.

Hành vi bạo lực học đường được chia làm 4 loại (bao gồm: Hành vi bạo lực thân thể, hành vi bạo lực tinh thần, hành vi bạo lực xã hội và hành vi bạo lực trên môi trường mạng).

Thứ nhất, Bạo lực thân thể: là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe và hành vi cố ý khác gây tổn thất, đau đớn trên cơ thể HS. Ví dụ:Cố ý đánh bằng roi, bằng gậy; véo hoặc xoắn tai, cốc vào đầu; tát, đá, đạp vào người; trói, nhốt, treo cây, bắt làm việc quá sức; không cho ăn, không cho uống… Bạo lực thân thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thân thể và tinh thần của HS.
Cách nhận biết: Khi bị bạo lực thân thể, nhiều HS giấu thầy cô và cha mẹ, do đó người lớn hãy chú ý đến những vết thương, cào, dấu bầm tím trên cơ thể HS, ngoài ra quần áo bị rách, bị xé hoặc những khi HS than thở đau đầu, đau bụng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể cũng có thể là dấu hiệu của HS đang bị bạo lực thân thể.

Thứ hai, Bạo lực tinh thần: Là hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn thất về tinh thần HS. Ví dụ: Cố ý chế giễu, sỉ nhục, đặt biệt danh, đe doạ, bình phẩm mang tính miệt thị người khác. Việc bạo lực bằng lời nói có thể bắt đầu không gây tổn thương, nhưng về lâu dài sức ảnh hưởng của bạo lực lời nói cũng tiêu cực không kém các loại bạo lực khác. Ở bậc học THPT, HS có thể có nhiều hành vi bạo lực tinh thần hơn các cấp học khác, một HS lớp 11 chia sẻ: “Lúc trào lưu confession (thổ lộ giấu tên) rộ lên thì thay vì bày tỏ tình cảm với nhau, các bạn lại chuyển sang chửi nhau, dùng những lời lẽ không hay cho nhau”.

Cách nhận biết: HS có thể bắt đầu bỏ bữa, đổi khẩu vị, trở nên buồn bã hoặc cáu bẳn. Học sinh bắt đầu chia sẻ với cha mẹ về những điều đáng buồn mà bạn bè hoặc ai đó nói về mình và các em có thể hỏi bạn xem những điều ấy có thật hay không.

Thứ ba, Bạo lực xã hội: Là hành vi ngăn cản, cô lập không cho tiếp xúc hoà đồng với bạn bè chung lớp, hội nhóm trong trường học hoặc cộng đồng. Dạng bạo lực này không dễ nhận ra, tuy nhiên lại có thể làm HS bị xấu hổ, cảm thấy cực kỳ tủi thân. Các hành vi sau có thể được xem là bạo lực xã hội: Kết bè phái nhằm xa lánh, cô lập người khác; Nói xấu sau lưng và lan truyền những tin tức bịa đặt, dựng chuyện, … nhằm phá huỷ uy tín, danh dự, tên tuổi của người khác. Ví dụ: một nhóm bạn nữ chơi thân với nhau, và thường có những hành động ám chỉ HS nào đó chỉ là người thừa, người tàng hình, không ai muốn chơi với HS đó. Như vậy học sinh đó là nạn nhân của hành vi được coi là bạo lực tinh thần này.

Cách nhận biết: GV và CMHS có thể theo dõi sự thay đổi tính cách, tâm trạng của HS, khi HS đột nhiên ngừng chơi với nhóm bạn hoặc không tham gia hoạt động tập thể nào đó; HS hoạt động một mình nhiều hơn bình thường và các HS nữ thường có trải nghiệm bị xa lánh, bị tách biệt, cảm thấy cảm xúc dễ bị chi phối bởi bạn bè xung quanh.

Thứ tư, Bạo lực trên môi trường mạng có thể hiểu là những hành vi gây hại cố ý, được lặp lại, thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, các mạng xã hội, email, diễn đàn, website, nền tảng trực tuyến. Bạo lực trên môi trường mạng có thể diễn ra liên tục, công khai hoặc trong phạm vi cá nhân, có thể thấy ngay trước mắt hoặc diễn ra lặng thầm sau lưng. Ví dụ: Gửi những tin nhắn, hình ảnh, video bài viết nhằm gây tổn thương, tra tấn người khác; Lan truyền tin đồn sai lệch; Giả danh làm người khác trên nền tảng trựctuyến hoặc mạng xã hội; Bị người khác quay chụp những hình ảnh nhạy cảm,…Học sinh bị bạo lực trên môi trường mạng có thể gặp phải các nguy cơ như bị bắt nạt trên mạng; nghiện game, internet, tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh; bị lừa đảo hoặc bị đánh cắp thông tin; bị hủy hoại danh tiếng trên mạng, …

Cách nhận biết: HS đang bị bạo lực trên môi trường mạng: Thầy cô và CMHSquan sát và có thể nhận ra khi HS dành nhiều thời gian trên mạng, lướt mạng xã hội và nhắn tin liên tục, nhưng trông các con khá buồn, hay thậm chí căng thẳng. Hãy để ý xem HS bỗng dưng khó ngủ, năn nỉ cha mẹ cho HS ở nhà thay vì đến trường và đột nhiên HS ngừng tham gia các hoạt động đội nhóm mà HS từng ưa thích.

Tình trạng mất an toàn và bạo lực học đường có thể xuất phát từ chính bản thân HS, gia đình, nhà trường và môi trường tự nhiên - xã hội

Nguyên nhân từ bản thân HS: Đối với HS THPT thì một số vấn đề về thể chất và tâm lí có thể là nguy cơ gây ra các vấn đề bạo lực học đường như: miệt thị ngoại hình, nói xấu và không được khẳng định cái tôi. Trong môi trường mà các em không thể hiện được sự khao khát khẳng định cái tôi của bản thân, thể hiện suy nghĩ, quan điểm và cách hành xử riêng của bản thân thì sẽ dễ có xu hướng có hành vi tiêu cực hoặc gia nhập vào nhóm bạn xấu để thỏa mãn nhu cầu khẳng định bản thân. Ngoài ra hành vi bạo lực ở HS THPT có khi còn là kết quả của hành vi gây hấn bởi xuất phát từ sự ganh tị, cần tiền, ghen tuông, trả thù. Tóm lại, ở giai đoạn này do đặc điểm tâm lí lứa tuổi mà vị thành niên thiếu kiềm chế, không làm chủ được bản thân, khi các em quá khích có thể không xác định được những hành động mình gây ra có thể gây nguyhại cho người khác và cho chính bản thân mình.
Áp lực học tập cũng là một nguyên nhân không nhỏ trong việc gây ra các vấn đề nguy hiểm và bạo lực đối với HS bởi lẽ, mỗi HS khi tham gia vào môi trường học tập, đều tự đặt cho mình những mong muốn, những mục tiêu, dù đó là ngắn hạn hay dài hạn. Áp lực học tập còn đến từ phía GV, phía nhà trường rồi áp lực học tập còn đến từ những người thân trong gia đình của HS và cả cộng đồng nơi HS sinh sống. Nhiều khi HS giải tỏa áp lực học tập bằng hành vi bạo lực hoặc bắt nạt.

Học sinh THPT thiếu kiến thức và kĩ năng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường. Khi tri thức của HS về phòng chống bạo lực học đường đã được trang bị thì điều đó cũng không có nghĩa là HS đã sẵn sàng ứng phó và vượt qua được nguy hiểm và bạo lực học đường. Bởi lẽ những tri thức đó mới chỉ là những hiểu biết cơ bản, do vậy HS cần được thường xuyên rèn luyện trong các môi trường phù hợp của lứa tuổi. Việc rèn luyện này giúp HS hình thành được những kĩ năng xã hội cần thiết cho việc nhận diện, ứng phó và giải quyết các nguy hiểm mà HS đối mặt.

Nguyên nhân từ gia đình HS: Gia đình là môi trường giáo dục quan trọng từng ngày tác động đến các đặc điểm tâm lí, xã hội, sinh học của mỗi HS. Gia đình không hoàn toàn quyết định đến những khuynh hướng tính cách hay hành vi ứng xử và hành động việc làm của HS, nhưng gia đình có vai trò là những mẫu hành vi trong giai đoạn HS còn đang xây dựng kiểu nhân cách xã hội. Việc các thành viên trong gia đình ứng xử giao tiếp với nhau như thế nào thông thường sẽ dễ làm ảnh hưởng tới cách hành xử của HS THPT với bạn bè và người khác. Cho nên nếu ảnh hưởng đó tốt, cộng với chính HS có đủ hiểu biết và trách nhiệm cá nhân thì HS đó tránh được các nguy cơ bạo lực học đường. Thiếu sự quan tâm từ gia đình là nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, thiếu sự quan tâm từ gia đình có nhiều mức độ, có khi chỉ là sự bỏ mặc cảm xúc của HS trước các nguy hiểm từ bạo lực, nhưng có khi còn nguy hiểm hơn đó là việc thờ ơ, không quan tâm hoặc không hiểu biết đến các nguy cơ mất an toàn của HS, nhưng nghiêm trọng nhất có lẽ là việc bỏ rơi hoàn toàn HS. Cho dù thiếu quan tâm ở mức độ nào đi chăng nữa thì đều dẫn HS đến nguy cơ bị mất an toàn về cảm xúc, tâm lí hoặc thể chất.

Thiếu sự quan tâm của gia đình là việc HS mất đi hẳn “hàng rào bảo vệ căn bản, đầu tiên quan trọng nhất”, mất đi nhiều những cơ hội nhận được sự bảo vệ, yêu thương, hỗ trợ và nâng đỡ. Việc đối mặt với các nguy cơ mất an toàn của HS lúc này phụ thuộc vào chính những trải nghiệm và đặc tính cá nhân của HS đồng thời phụ thuộc vào nhà trường cùng xã hội.

Nguyên nhân từ phía nhà trường: Truyền thông phòng ngừa BLHĐ cho HS thiếu hụt, không đầy đủ hoặc chưa hiệu quả gây ra việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cho cả HS. Nhận thức của CBQL, GV, nhân viên trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng chống bạo lực học đường chưa đúng mức. Thiếu hoặc thực hiện không hiệu quả quy định về an toàn và phòng chống bạo lực học đường.

Thiếu các hoạt động can thiệp kịp thời để ngăn chăn những vụ việc có mâu thuẫn nhỏ, nhưng có nguy cơ thành những xung đột lớn, có thể biến một cuộc cãi vã nhỏ thành cuộc ẩu đả dữ dội; thiếu các hoạt động can thiệp kịp thời cũng là nguyên nhân của những vụ bạo lực trên quy mô lớp, trường hoặc liên trường. Ngoài các nguyên nhân trên, ảnh hưởng của môi trường giáo dục trong nhà trường: Điều kiện dạy học, giáo dục, địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu học liệu dạy học, giáo dục, ... hay quá trình giáo dục luật pháp trong nhà trường THPTchưa hiệu quả; mối quan hệ giữa thầy và trò chưa đúng mực; thiếu sự hỗ trợ tâm lí, giáo dục kĩ năng mềm,... đều có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực hiện kế hoạch phòng chống bạo lực học đường.

Nguyên nhân từ môi trường, tương tác xã hội: Môi trường xã hội và văn hóa có tác động lớn đến bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường trên cơ sở giới. Các khuôn mẫu giới, định kiến giới, sự phân biệt đối xử về giới hoặc quá coi trọng nam tính và hạ thấp nữ tính đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trên cơ sở giới. Môi trường không gian mạng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn và hiện hữu đối với sự an toàn và hành vi bạo lực của HS. Nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng có thể kể đến như nguồn thông tin độc hại; các game nguy hiểm buộc HS phải làm theo những điều vô lí và nguy hiểm. Hình ảnh bạo lực và đồi trụy; game hấp dẫn có thể làm HS phụ thuộc; những lời bình luận và video tiktok có nội dung tục nhảm nhí. Nhiều trang mạng cũng như các phương tiện công nghệ là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của những hành động tấn công, đập phá.

Phòng chống bạo lực học đường, kinh nghiệm từ thế giới.

Mô hình y tế công cộng trong phòng chống bạo lực

Ở phương diện vĩ mô với vai trò triển khai của chính phủ, của ngành và toàn xã hội, nhiều học giả cho rằng cần xem xét phòng ngừa bạo lực nói chung theo cách tiếp cận của  y tế công cộng.

Theo cách tiếp cận này, có 6 lĩnh vực chính cần thực hiện là: (i) Nâng cao nhận thức về phòng ngừa; (ii) Phát triển quan hệ đối tác giữa các ngành; (iii) Củng cố nhận thức về tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu về bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên, mức độ gây tử vong và không gây tử vong, và về các yếu tố nguy cơ và bảo vệ; (iv)Nâng cao năng lực đánh giá các chương trình phòng ngừa hiện có; (v) Thiết lập khung pháp lý, chính sách; (vi) Xây dựng năng lực phòng chống bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiếp cận mô hình sinh thái xã hội

Theo quan điểm của lý thuyết sinh thái – xã hội thì để phòng ngừa can thiệp bạo lực học đường có hiệu quả thì cần hiểu hành vi bạo lực của học sinh qua việc xem xét tất cả các bối cảnh môi trường tác động đến các em. Hay nói một cách khác, để hiểu hành vi bạo lực của một cá nhân, cần phải xem xét tất cả các bối cảnh môi trường tác động tới học sinh (như những yếu tố nguy cơ từ gia đình, trường học, cộng đồng cũng như những đặc điểm văn hóa cố súy bạo lực trong xã hội) và các chương trình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả cần phải tác động vào tất cả các hệ thống trên, quản lý các yếu tố nguy cơ và cải thiện hoạt động chức năng của toàn hệ thống. Ví dụ như với gia đình sẽ triển khai các chương trình huấn luyện kỹ năng dạy con cái, giúp cha mẹ nêu gương hành vi cho con, lôi kéo phụ huynh tham gia các quyết định và ủng hộ nhà trường địa phương giảm thiểu bạo lực và tạo không gian an toàn.

Can thiệp vào hệ thống học đường gồm cải thiện văn hóa học đường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán; huấn luyện ứng xử phi bạo lực cho giáo viên nhân viên và học sinh trong trường; tăng cường các biện pháp kiểm tra việc ra vào trường, bố trí camera, gương cầu ở những góc khuất. chiếu sáng hợp lý các khu vực và tăng cường giám sát an ninh duy trì trật tự và an toàn phòng ốc.

Đối với cộng đồng và xã hội xây dụng và phát triển các chương trình giám sát học sinh sau giờ học, phong trào tuyến phố an toàn, giờ giới nghiêm cho thanh thiếu niên, giám sát các dịch vụ giải trí như (quán game); Tố chức liên gia canh gác để đảm bảo an ninh khu phố phối hợp với công an; Giảm bạo lực trên truyền thông, phổ biến pháp luật và quy ước xã hội tích cực; Củng cố hệ thống pháp luật và tạo công ăn việc làm nhằm xóa đói giảm nghèo.

Mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học.

Ở phương diện vi mô, trường học được xem là địa bàn hạt nhân để triển khai các chính sách phòng chống bạo lực học đường. Cách tiếp cận phòng ngừa và can thiệp toàn diện bạo lực học đường dựa vào trường học cũng đã được xây dựng và chứng mình là 1 mô hình có hiệu quả. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, một mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học có hiệu quả khi tích hợp được các thành tố sau: (i) Xem xét khung pháp lý, điều chỉnh chính sách có liên quan; (ii) Định kỳ thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi sự thay đổi theo thời gian; (iii) Triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực phù hợp với lứa tuổi; (iv) Phản ứng nhanh với bạo lực khi nó xảy ra; (v) Thực hiện các chính sách và đào tạo giáo viên phù hợp; (vi) Xem xét và điều chỉnh môi trường an toàn cho học sinh; (vii) Kết nối, thu hút phụ huynh tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực; (viii) Kết nối, thu hút cộng động tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực; (ix) Định kỳ đánh giá hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Yêu cầu của mô hình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả gồm các yêu cầu: khả năng lãnh đạo mạnh mẽ; môi trường học đường an toàn và hòa nhập; phát triển kiến thức, thái độ và kỹ năng; mối quan hệ hợp tác hiệu quả; thực hiện các cơ chế báo cáo và cung cấp hỗ trợ/ dịch vụ phù hợp dựa trên đánh giá định kỳ

Các trường cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách quốc gia/ ngành và chính sách/nội quy/quy tắc ứng xử của nhà trường; cam kết tạo ra môi trường học tập an toàn, toàn diện và có tính hỗ trợ cho tất cả học sinh; đào tạo và hỗ trợ giáo viên và nhân viên nhà trường về kỷ luật tích cực; cung cấp các chương trình giảng dạy và tài liệu học tập có liên quan đến phòng chống bạo lực học đường; phối hợp với các bên liên quan (cộng đồng, tổ chức xã hội) và đặc biệt có sự tham gia tích cực của chính học sinh; tiếp cận một cách an toàn, tự tin, thân thiện với các cơ chế báo cáo và các dịch vụ hỗ trợ dành cho trẻ em;  tiến hành nghiên cứu, theo dõi và đánh giá. Can thiệp bạo lực học đường tập trung vào việc thay đổi văn hóa của các trường học, nhất quán thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại bạo lực và hỗ trợ giáo viên sử dụng các cách kỷ luật tích cực và quản lý lớp học tích cực.

Về mặt nhân lực tham gia vào mô hình phòng ngừa và can thiệp bạo lực học đường, cần huy động đa dạng các nguồn: (i) Ban giám hiệu, giáo viên, và các nhân viên trong trường học; (ii) Học sinh; (iii) Phụ huynh học sinh; (iv) Chuyên viên tham vấn, tư vấn học đường, nhân viên công tác xã hội học đường; (v) Cơ quan thực thi pháp luật của địa phương; (vi) Cơ sở chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần thuộc địa phương.

Về nội dung hoạt động, các cơ sở giáo dục cần phải triển khai

Một là, Xây dựng môi trường học đường an toàn (gồm): Huấn luyện kỹ năng Giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực; Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực); Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên; Triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường)

Hai là,  Xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao: Thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường; Lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ); Tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn và tư vấn cho cá nhân/nhóm.

Ba là, Phản ứng nhanh, hiệu quả với các khủng hoảng học đường

Từ kinh nghiệm thế giới, cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân. Huy động được các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột vì đó là nguồn làm tăng bạo lực; xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái – xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện (dám nói dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng); thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực và kỷ luật không nước mắt./.

NGƯT. Lưu Hải An - CVP Sở

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,199
Tổng số trong ngày: 4,524
Tổng số trong tuần: 4,523
Tổng số trong tháng: 542,701
Tổng số trong năm: 2,866,152
Tổng số truy cập: 16,011,284