Ngành Giáo dục Bắc Giang tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Được sự nhất trí của UBND tỉnh, chiều 31/8/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn giáo dục tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, đồng chí Lê Ánh Dương - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng đại biểu đại diện Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu giáo chức tỉnh, lãnh đạo, chuyên viên văn phòng HĐND, UBND tỉnh. Về phía ngành Giáo dục có đồng chí Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng các đồng chí lãnh đạo Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng thuộc Sở GD&ĐT, Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, Hiệu trưởng, Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT, đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực được khen thưởng trong năm học 2019-2020.

Quang cảnh Hội nghị.

Năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là năm ngành Giáo dục tập trung cao chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Thực hiện Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021.

Tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, ngành Giáo dục bám sát chủ đề của năm học “Giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình GDPT” với 09 nhiệm vụ (Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục hợp lý; quy mô học sinh; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong GDPT; Nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; Chủ động hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường CSVC, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) và 05 giải pháp ( Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD&ĐT; Nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp; Thực hiện tốt công tác xã hội hoá, tăng cường các nguồn lực đầu tư; Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT).

Đồng chí Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Những khó khăn, đòi hỏi toàn ngành Giáo dục, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh cần phải thay đổi, thích ứng và vừa bám sát mục tiêu năm học, vừa bảo đảm an toàn đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Có thể kể tới những khó khăn tác động lớn đối với ngành như: Dịch bệnh kéo dài khiến học sinh không thể đến trường vì phải giãn cách xã hội. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS phải nghỉ học tròn 03 tháng, từ đầu tháng 02 đến hết 02/5/2020; học sinh THPT nghỉ hơn 01 tháng, đi học trở lại rồi cũng phải tạm dừng đến trường, kéo theo các hoạt động giáo dục phải tạm dừng lại hoặc không tổ chức (dừng tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, chưa tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 cấp ngành và tuyên dương HSG quốc gia năm học 2019-2020,...); Thời gian năm học phải kéo dài thêm 1,5 tháng đến 15/7/2020;  Học sinh đi học trở lại khi đã giữa mùa hè, thời tiết khắc nghiệt; Các kỳ thi phải hoãn lại, lùi thời gian đến gần 01 tháng (thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh lớp 10); Sát ngày thi tốt nghiệp thì dịch bất ngờ bùng phát trở lại, lây lan trong cộng đồng, trong đó xuất hiện ca nhiễm tại Bắc Giang ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi. Bộ GD&ĐT phải quyết định thi 2 đợt; Bắc Giang có 18 thí sinh thuộc vùng cách ly y tế phải thi đợt 2, tới sát ngày khai giảng (03-04/9/2020) mới được dự thi; Ngày khai trường mà dịch bệnh vẫn có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, nhiều địa phương có thể phải tổ chức khai giảng trực tuyến gây ra những lo lắng trong phụ huynh học sinh và xã hội; Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn, nhiều nhà giáo và người lao động không có việc làm, thu nhập. Bắc Giang có hơn 3.000 nhà giáo khó khăn. Rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên không có nghỉ hè, vì phải tham gia các kỳ thi kéo dài từ 16/7 đến nay; đồng thời chuẩn bị nhiều nội dung cho khai giảng năm học mới.

Đồng chí Lê Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn giáo dục tỉnh trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Không vì khó khăn, yếu tố khách quan mà dừng lại, ngành Giáo dục tiếp tục phát huy tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn. Trong năm học, đã tham mưu Lãnh đạo tỉnh ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật, 05 kế hoạch và nhiều quyết định phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025 theo lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Việc chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được triển khai chủ động, tích cực, bài bản, khoa học và đúng tiến độ. Việc phối hợp với các ngành, các địa phương được thực hiện tốt, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, các ngành tích cực ủng hộ, đầu tư, tăng cường, bởi vậy tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019-2020 và năm 2020 được chỉ đạo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp học trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được duy trì; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện các lĩnh vực theo kế hoạch, đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất, chủ động nắm bắt tình hình để có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở và chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc những dấu hiệu sai phạm; kỷ cương, nền nếp toàn ngành được giữ vững.

Các hoạt động giáo dục các cấp học được triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương. Dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, song toàn ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch thời gian năm học phù hợp; nỗ lực tổ chức các hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng GV, dạy học trực tuyến  và nhiều hình thức dạy học khác để bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh, hoàn thành chương trình đúng kế hoạch, chất lượng giáo dục toàn diện vẫn được duy trì; chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, kết quả bồi dưỡng HS giỏi quốc gia nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện đúng với chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh - Toàn ngành đã ủng hộ bằng tiền mặt và các nhu yếu phẩm cho công tác phòng chống dịch trị giá 3,8 tỷ đồng, tiêu biểu là các đơn vị: Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Ngạn, Việt Yên, thành phố Bắc Giang; các trường THPT Chuyên, THPT Ngô Sĩ Liên, THPT Lạng Giang số 1, THPT Việt Yên 1, Cao đẳng Ngô Gia Tự... trong đó có rất nhiều hành động đẹp trong mùa dịch được biểu dương, khích lệ. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh: Vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, duy trì các hoạt động giáo dục; đặc biệt đã tổ chức các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020, thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tuyển sinh năm học 2020-2021 an toàn, đúng quy chế và đảm bảo mọi quyền lợi của HS.

Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng tham luận về công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục các cấp học và xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đối với những hạn chế tồn tại như: Ở một số khu vực, địa phương, đơn vị số HS/lớp còn đông, vượt quá quy định. Tỷ lệ GV mầm non/lớp còn thiếu so với quy định; tỷ lệ GV tiểu học ở một số huyện còn thấp; còn hiện tượng thừa, thiếu GV cục bộ ở một số trường trên cùng địa bàn; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị còn chưa đồng bộ, thiếu so với yêu cầu. Các công trình vệ sinh một số cơ sở giáo dục còn chưa đảm bảo, xuống cấp; việc sử dụng, bảo quản, duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các công trình vệ sinh ở một số đơn vị chưa được quan tâm; việc thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư ở một số đơn vị còn chưa đúng quy trình; hiện tượng dạy thêm, học thêm, thu chi không đúng quy định vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; Truyền thông là một trong 5 giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ năm học, song nhiều đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông, cán bộ làm công tác truyền thông đều kiêm nhiệm, không có kiến thức, kỹ năng, nên hiệu quả truyền thông, nhất là việc phối hợp với cơ quan báo chí để cung cấp thông tin tuyên truyền còn hạn chế, chất lượng trang thông tin điện tử của nhiều đơn vị còn thấp; Mặc dù ngành rất tích cực triển khai việc dạy học qua internet, trên truyền hình và các hình thức dạy học khác trong thời gian HS tạm dừng đến trường, song vẫn còn khoảng gần 20% HS không thể tiếp cận được với các hình thức dạy học trực tuyến. Kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh còn chưa cao - điểm trung bình môn tiếng Anh còn dưới 5: Một số môn có HS dưới điểm trung bình nhiều: Ngoại ngữ (70,72%, toàn quốc 63,13%), Lịch sử (51,15%, toàn quốc 46,95%), Sinh học (37,87%, toàn quốc 30,17%). Có 03 môn điểm trung bình thấp hơn toàn quốc: Môn Toán: 6,67 điểm (toàn quốc 6,68); môn Ngoại ngữ: 4,5 điểm (toàn quốc 4,58); môn Ngữ văn: 6,53 điểm (toàn quốc 6,62). Về điểm trung bình theo các khối thi truyền thống, Bắc Giang có khối A, A1, B, C, D cao hơn mặt bằng chung toàn quốc; còn 109 trường THCS đạt chuẩn quốc gia nhưng tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 thấp hơn mặt bằng chung tỉnh - Tỷ lệ trúng tuyển công lập toàn tỉnh trung bình là 65,00%.

Từ những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm từ những hạn chế tồn tại của năm học này, năm học 2020-2021 toàn ngành xác định 06 phương hướng trọng tâm như sau:

Thứ nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm học 2010-2021. Duy trì kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, y tế trường học cho GV và HSSV. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững; duy trì vững chắc chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.

Thứ hai, rà soát các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025 phù hợp với địa phương.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” với quyết tâm “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các giải pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học; giáo dục cán bộ, GV, NV và HSSV ý thức tự phòng dịch Covid-19; có thói quen và cách ứng xử mới trong trạng thái sống chung với dịch Covid-19 bảo đảm xây dựng môi trường giáo dục an toàn.

Thứ tư, đối với Giáo dục mầm non: Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2020-2025; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Quản lý chặt chẽ cơ sở mầm non tư thục.

Thứ năm, đối với GDPT: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện chương trình GDPT theo đúng lộ trình; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về CSVC, thiết bị dạy học cho việc đổi mới chương trình GDPT đối với lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Nâng cao chất lượng các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kỳ thi HS giỏi quốc gia và thi tốt nghiệp THPT. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở GDPT.

Thứ sáu, đối với GDTX: Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX-NN,TH tỉnh; tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du dọc, kỹ năng sống, tin học, đào tạo từ xa.

Tại Hội nghị đã có trên 09 ý kiến tham luận và 05 ý kiến tham gia trực tiếp tại Hội nghị, cụ thể: Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng tham luận về công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục các cấp học và xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện; đồng chí Đào Văn Sinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Nam tham luận về việc chỉ đạo, tổ chức tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Lục Nam; đồng chí Huỳnh Thị Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 tham luận về việc thực hiện điều chỉnh chương trình, nội dung dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhằm bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng chí Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt tham luận về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật và hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh; đồng chí Nguyễn Xuân Phương - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lục Nam tham luận về việc tổ chức các hoạt động giáo dục và liên kết đào tạo nghề tại các trung tâm GDNN-GDTX.

Đồng chí Huỳnh Thị Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được, trong đó có công tác tham mưu, ngành Giáo dục đã có tham mưu những chính sách tốt, có tác động tích cực đối với sự phát triển của Giáo dục tỉnh như: tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND quy định về mức thu học phí, mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Giang, các trường THCS trọng điểm chất lượng cao và học sinh tham gia các đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực, quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang... công tác tham mưu về tăng cường cơ sở vật chất (hiện tại tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của tỉnh đạt 89,9%, kiên cố hóa đạt 89,5%), tham mưu bổ sung kịp thời đội ngũ (tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên năm 2020 so với năm học trước); tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, kết quả đứng trong vị trí tốp đầu so với toàn quốc, tạo được niềm tin trong nhân dân, các bức xúc về dạy thêm - học thêm đã cơ bản được giải quyết... cuối cùng, có thể khẳng định “Dù kho khăn thế nào ngành Giáo dục vẫn thi đua dạy thật tốt - học thật tốt”, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh đồng chí nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học.

Bên cạnh những nội dung đã đề cập trong báo cáo tại Hội nghị, đối với các hạn chế, tồn tại, đồng chí đề nghị ngành Giáo dục quan tâm giải quyết những tồn tại, hạn chế phát sinh trong đó có vấn đề về chuẩn đội ngũ theo yêu cầu mới; chất lượng một số bộ môn so với mặt bằng chung của cả nước (như môn Ngoại ngữ, Ngữ văn và Toán) không tương xứng với những nỗ lực của ngành cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện... do đó, ngành Giáo dục cần làm rõ hơn để khắc phục trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bước sang năm học 2020-2021, ngành Giáo dục phải chuyển đổi sang trạng thái mới, thích nghi với hoàn cảnh mới đó là phải thực hiện nhiệm vụ kép “vừa sống chung với dịch - làm tốt công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn đối với thầy và trò, phải thi đua để dạy tốt - học tốt”, cụ thể:

Thứ nhất, ngành Giáo dục ngoài những phương hướng nhiệm vụ đã xác định trong báo cáo, ngành cần xây dựng các phương án để có thể chung sống với dịch bệnh, có kế hoạch ứng phó với từng tình huống một cách chủ động, từ việc kiện toàn ban chỉ đạo của ngành cho tới lan tỏa, tác động tới từng địa phương, cơ sở giáo dục.

Thứ hai, ngành cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu về cơ chế, chính sách, bước sang nhiệm kỳ 2021-2025, nhiều chính sách của Trung ương của tỉnh có thể thay đổi để có sự tham mưu kịp thời, chủ động để thay thế những chính sách lạc hậu.

Thứ ba, về công tác đội ngũ, cần có sự đánh giá đội ngũ để đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình GDPT, từ đó có kế hoạch, phương hướng đề xuất, bổ sung kịp thời.

Thứ tư, dự báo về quy mô mạng lưới trường lớp, khắc phục tình trạng thực hiện không phù hợp thực tiễn, trái quy định hiện hành, dồn ghép trường trái với quy định, gắn với thực tiễn và hiệu quả.

Cuối cùng, với truyền thống của ngành, đồng chí mong muốn toàn ngành giữ vững tinh thần, dù hoàn cảnh thế nào vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học của mình.

Thay mặt Lãnh đạo Sở GD&ĐT, toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên, HSSV ngành Giáo dục, đồng chí Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở GD&ĐT trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh với những lời động viên, khích lệ, sự quan tâm và tình cảm đồng chí dành cho Ngành và những định hướng chỉ đạo của đồng chí đối với Ngành trong năm học mới. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa của các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục quan tâm, đầu tư, chăm lo nhiều hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững, đồng thời hứa quyết tâm đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đã được vinh danh, khen thưởng tại Hội nghị, sau đây là một số hình ảnh khen thưởng tại Hội nghị:

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học.
Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho đại diện các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học.

BBT.NL

 

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,259
Tổng số trong ngày: 25,002
Tổng số trong tuần: 51,970
Tổng số trong tháng: 606,907
Tổng số trong năm: 3,557,682
Tổng số truy cập: 16,702,814