Người thầy cầm súng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là tên của một cuốn sách và đó cũng là tên chung của các anh trong "Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự". Các anh vừa là chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu bảo vệ tổ quốc giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng gay go, quyết liệt, các anh vừa là những người thầy dốc hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.
20101220-ntcs-1.jpg

      155 người, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tất cả tạm xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Được biên chế thành một đại đội, với phiên hiệu C46- D405-E568-F330( Đại đội 46- Tiểu đoàn 405- Trung đoàn 568- Sư đoàn 330)- một đại đội gồm toàn thầy giáo.

      Kỷ niệm chiến trường và cảm xúc của người thầy giáo- người chiến sĩ đã in đậm trong tâm trí các anh.Những dòng bút ký của các anh trong "Người thầy cầm súng" làm sống lại tinh thần cuộc chiến, đó là tinh thần chiến đấu dũng cảm, đó là sự hy sinh hạnh phúc riêng mình, là nghĩa tình đồng đội, là sự vượt qua khó khăn gian khổ "Đói cơm, nhạt muối không sờn", là những ngày "ở hầm"... tất cả đã tạo lên "Sức mạnh diệu kỳ" để bây giờ  "Mãi mãi không quên".

      Trận đánh đầu tiên bẩy người hy sinh tại chỗ. Vũ Đình Mai- người con quê hương Nghĩa Trung Việt Yên, là giáo sinh của trường Sư phạm 7+3 Hà Bắc, trước lúc hy sinh vẫn động viên đồng đội quyết tâm chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Nguyễn Văn Tưởng trong một trận đánh bị biệt kích bắt, chúng tra tấn anh dã man hòng tìm ra nơi đơn vị đóng quân, anh quyết không khai, bất lực trước sự kiên cường của anh, chúng đã đổ xăng thiêu sống anh ngay trong rừng chuối.

      Hà Đình Bảy đã bắn tới viên đạn cuối cùng cho anh em rút lui và anh đã anh dũng hy sinh trong tình thế ngặt nghèo ấy.

      Nguyễn Văn Dư phụ trách tổ trinh sát. anh quyết định đề nghị điều pháo ĐKB về diệt tan sư  đoàn kỵ binh của Mỹ, Quân Mỹ đã trả thù bằng cách bắt dân làng gần sân bay, mỗi ngày giết một người cho đến khi nào bắt được anh mới thôi.Vì không muốn để dân bị giết thêm, Nguyễn Văn Dư đã ra gặp địch và yêu cầu chúng không được sát hại dân tiếp nữa, chúng đã bắt và giết anh ngay sau đó, anh đã đánh đổi mạng sống của mình để cứu những người dân vô tội, anh đã hy sinh như một người anh hùng.

      Lê Văn Hách, Đào Văn Sửu, Thạch Công Luận, Trịnh Công Đức, bao ngày dưới hầm bí mật đánh địch càn quyét, các anh đã bắn cháy rất nhiều xe tăng, bọc thép và cả tàu chiến của địch

      Trần Văn Quyết bị địch bắt đưa lên trực thăng, bất chấp sự nguy hiểm, anh cùng đồng đội đã dùng thang dây của trực thăng nhảy từ máy bay xuống đầm sen trốn thoát.

      Giáp Văn Mạo, Hà Công Lý, Phan Văn Hiệp, Đinh Văn Học đã từng bị đầy đi Côn Đảo và bị địch tra tấn rất dã man, chúng cắt một chân của anh Mạo, dùng đinh 10 đóng vào đầu gối của anh Lý ...cuối cùng chúng vẫn bất lực trước sự gan dạ kiên cường của các anh. Khó có thể kể hết được những tấm gương anh dũng chiến đấu và những hy sinh mất mát của các anh, biết bao anh đã phải nằm lại chiến trường, biết bao anh đã phải mất đi một phần xương máu để góp phần giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho tổ quốc.

      Trong bài thơ "Gặp lại" của tác giả Ngô Trí Nhạ - Trưởng ty Giáo dục Hà Bắc- Người đã đặt tên cho đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự đã viết:

 "...Nay gặp lại ta cười nhưng cũng khóc
Từ cõi chết trở về dạn dày gan góc
Vẫn ung dung dáng vóc ông thầy...
   Trận đánh nào cũng nở rộ chiến công
      Anh nằm xuống vì non sông đất Việt...
"

      Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những người thầy cầm súng cũng gan góc, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù, trong mỗi con người các anh luôn chất chứa tinh thần của anh bộ đội cụ Hồ.

      Kết thúc chiến tranh, các anh mỗi người một ngả, người thì trở lại ngành tiếp tục công tác giảng dạy, người chuyển ngành ra các cơ quan dân chính, có người trở về địa phương tham gia lao động sản xuất...bất kể ở lĩnh vực nào, những người thầy giáo- chiến sĩ vẫn luôn ở vị trí tiên phong, anh Hoàng Kim Thế bị thương mất  một tay nhưng vẫn tham gia công tác Đảng ủy ở địa phương, anh là Bí thư Đảng ủy nhiều năm liền. Anh Nguyễn Quang Hà dù phải gánh chịu nhiều di chứng của chiến tranh, anh phải đi phẫu thuật nhiều lần vẫn trở thành nhà văn có tên tuổi, tuy tuổi đời đã 70 nhưng anh vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Anh Trịnh Trung Hòa từng bị thương rất nặng phải ra Bắc điều tri, sau khi bình phục đã trở lại bục giảng của trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp, anh là tác giả của 20 cuốn sách về tâm lý, về hạnh phúc gia đình...các anh luôn vững vàng và đầy ắp niềm tin vào tương lai.

      Những chiến công lẫy lừng của các anh năm xưa khó mà kể hết, sự hy sinh mất mát của các anh không gì sánh nổi, hình ảnh của các anh- chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự mãi là những bài học oai hùng để các thầy cô đang tiếp nối sự nghiệp trồng người dìu dắt các em tiến tới đỉnh vinh quang, đúng như lời bài thơ" Các anh đi mai mốt các anh về" của tác giả Ngô Trí Nhạ đã viết:          

"...Anh trở về khúc nhạc hoàn ca
Lại trang sách anh ung dung lên lớp tiếp    
Bài học sử chính tay anh đã viết
Những ngày qua và giảng lại mai sau...
"
Hương Thủy
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16,913
Tổng số trong ngày: 19,116
Tổng số trong tuần: 119,300
Tổng số trong tháng: 674,237
Tổng số trong năm: 3,625,012
Tổng số truy cập: 16,770,144