Nhân ngày bầu cử Quốc hội khóa XV, đọc lại Hội nghị non sông của nhà thơ Xuân Diệu

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày thành lập là tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/01/1946. Đây là một sự kiện trọng đại, vì đây là lần bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Ngày Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, toàn dân nô nức tham gia. Nhà thơ Xuân Diệu – khi ấy là nhà thơ lãng mạn mới thay đổi “đôi mắt”, “nhận đường”, “lột xác đi theo cách mạng, đã gọi ngày ấy là “Hội nghị Diên Hồng” của thế kỷ XX, là “Hội nghị non sông”. Từ ngày ấy đến nay, Quốc hội đã trải qua 14 lần bầu cử. Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây thực sự là ngày hội của toàn dân -  “ngày hội non sông” - khi mỗi người được thực hiện quyền công dân hợp pháp và chính đáng của mình. Bài thơ Hội nghị non sông của Xuân Diệu vẫn được coi là khúc tráng ca về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/01/1946.

Nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới - chúng ta thường nghĩ đến những bài thơ tình lãng mạn đắm say. Bởi vậy, Xuân Diệu – thi sĩ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình yêu” Việt Nam thế kỷ XX. Thế nhưng, ít người biết rằng, ông còn có những vần thơ nồng nhiệt với cách mạng, những bài thơ đậm chất công dân. Ngay ngày đầu của mùa thu mới 1945, nhà thơ đã náo nức góp vào ngày hội chung của thơ những sáng tác đầu tiên sự thành công của cách mạng, sự ra đời của chế độ mới. Bởi cách mạng là ngày hội của người nghệ sĩ; cùng với các nhà thơ, nhà văn khác, ông hồ hởi, chào đón cách mạng, hăng hái nhận đường, thay đổi con người đến với cách mạng. Cảm xúc nồng nhiệt của thi sĩ được thể hiện qua hai bài thơ – hai bản trường ca Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông – hai tác phẩm thơ dài hơi đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại viết về cách mạng, chào mừng những sự kiện trọng đại của dân tộc. Lần đầu tiên chúng ta gặp những câu thơ lấp lánh, phơi phới niềm tin ở nhà thơ:

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt

Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay

Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây

Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ

(Ngọn quốc kỳ)

Và:

Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân

Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả

Nối tiếp Ngọn quốc kỳ, Xuân Diệu viết tiếp khúc tráng ca Hội nghị non sông với những lời thơ sôi nổi, hào hứng đến lạ kỳ khi cả nước bước vào cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên. Trường ca gồm hơn 300 câu, khái quát chiều dài lịch sử dân tộc từ thuở dựng cơ đồ, từ Hội nghị Diên Hồng của các bô lão đời Trần vời lời thề “Sát Đát” đến thời điểm lịch sử 600 năm sau, Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội ra đời. Khúc tráng ca mở đầu bằng bối cảnh đất nước lâm nguy khi giặc Nguyên Mông xâm chiếm bờ cõi:

Quân Thát Đát tràn vào như vỡ nước

Ngựa nhà Nguyên vó sắt dẫm rung thành

Đâu cũng chó, đâu cũng là giặc nước

Việt Nam này đã gặp bước chông chênh!

Hào khí Đông A bừng dậy với khí thế giết giặc sục sôi trong nhiệt huyết và tâm can của tất cả người con Đại Việt, khí thế của “tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (Phạm Ngũ Lão) và 6 chữ vàng thêu trên lá cờ của tráng sĩ Trần Quốc Toản. Hội nghị các bô lão - Hội nghị Diên Hồng được mở ra năm 1284 thực là “ngày hội non sông” thể hiện ý chí đồng lòng của vua tôi nhà Trần quyết tâm đánh giặc:

Diên Hồng! Diên Hồng! Ngày hội non sông!

Tiếng loa bắc luống dội lòng sĩ thứ!

Diên Hồng thiêng liêng! Diên Hồng lịch sử!

Lá tre chuyền làng thấp đến làng cao.

Điện Diên Hồng trong tưởng tượng nhà thơ hôm ấy không khí thật nghiêm trang với quyết tâm “sát Đát”:

Thay giống Việt chỉ mấy từng bô lão,

Tóc đã sương, chân đã chậm, tay hèn.

Nhưng Diên Hồng ngày ấy đã run lên!

Đá bốn vách đã giật mình sửng sốt!

Rồng khoan khoái như lượn quanh tre cột

Nghe khí linh sông núi thật hào hùng!

….

“Dân theo vua, vua theo nước, cờ treo!

Tổ quốc còn lên tiếng gọi, còn theo!”

….

Những thanh niên trong lốt của già nua,

Thề trong đời không biết đến chữ “thua”.

Nói “quyết đánh” mà tóc xanh trở lại,

Không khí đỏ rùng mình ngây cảm khái,

Đá muốn đi, cột muốn bỏ thềm son!

“Hội nghị non sông” năm ấy là cái tứ để nhà thơ liên tưởng đến hôm nay, giữa thế kỷ XX, cả dân tộc Việt Nam như mở hội để chào đón ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước nhà. Với nhà thơ, cuộc bầu cử năm 1946 giống như một hội nghị Diên Hồng lần thứ hai:

Qua sáu trăm sáu mươi mốt năm liền

Nước Việt mở ngày Đại hội

Hội dân tộc, hội của sông, của núi

Hội rừng đồng và hội Việt Nam Xuân!

Với Xuân Diệu, kỳ bầu cử đầu tiên chính là mốc son để người Việt Nam rửa sạch tủi nhục của hơn 80 năm nô lệ, hôm nay được hiên ngang giữa đất trời: 

Hội này đây mặt trời dọi với trăng

Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt

Đất trường cửu ngắm với trời với đất

Nói vô cùng còn mãi nước muôn năm

Giữa không gian ngập cờ đỏ sao vàng, trong niềm vui mừng của người dân một nước độc lập tham dự ngày hội lớn của toàn dân, nhà thơ cảm nhận:

Trên Việt Nam vang rạng dưới trời xanh,

Giữa cờ đỏ sao vàng, ba tiếng nở:

Tổng tuyển cử. Động binh Tổng tuyển cử

Ngày huy hoàng nghĩ chuyện họp giang sơn.

Phải nghĩ lại hơn 100 năm nô lệ “dân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm (Tố Hữu) mới thấy hết niềm vui “bất tuyệt” của dân tộc Việt Nam khi thực sự được đổi đời làm dân của một nước độc lập, được lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử chính quyền của mình. Xuân Diệu cảm nhận được niềm hạnh phúc, vui sướng của người dân, trong đó có mình, được lần đầu tiên cầm lá phiếu để quyết định tương lai của dân tộc. Hành động rất đơn sơ nhưng chứa đựng ý nghĩ thiêng liêng và trọng đại, thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc, với việc xây dựng chính quyền. Nhà thơ đã ghi lại không khí bầu cử vui như hội từ thôn quê tới thành thị:

Vinh dự nào so, vui sướng nào hơn!

Tổ quốc triệu, cả ba miền  đến hỏi.

Đồng ruộng kể, và nước mây sẽ nói,

Núi non về, và đồng bái chào thăm…

Cổng nhà quê tờ biển dán như tranh

Vách thành thị khoác một làn áo mới.

Cầm lá phiếu trên tay, tâm hồn thi sĩ lãng mạn liên tưởng đến ngàn cánh bướm mang niềm vui khắp đất trời. Lá phiếu mỏng manh mà có sức mạnh “di sơn”:

Bỗng non sông lên một tiếng reo hò,

Bươm bướm trắng nở mùa xuân đất nước.

Bướm hoan hỉ trên cánh mang hẹn ước,

Cánh mong manh mà có sức di sơn.

Luống ấp iu một thế kỷ cô đơn,

Bướm mang nặng đẻ đau chừng đã lắm.

Đàn bướm trắng, lá phiếu ngày tươi thắm,

Là công trình thương khổ vạn hùng anh.

Nhìn lá phiếu bầu cử thiêng liêng, nhà thơ không khỏi bùi ngùi nhớ lại những chặng đường gian khổ đã qua của dân tộc để có được giây phút hôm nay:

Lá phiếu ơi, lá phiếu thanh tân

Xem giấy trắng có gì mà quý báu?

- Miếng giấy nhỏ có gan và có máu,

Có tháng ngày! sắt lửa! với vàng son

Có trại giam, có ngục tối, có nhà chôn

Có tranh đấu, có biểu tình, khởi nghĩa.

Có cách mạng, có biết bao là lệ,

Có đau buồn, mà cũng có Thành công!

Hình tượng thơ đã gợi nhớ bao đau thương trong chuỗi ngày nô lệ của dân tộc để mỗi người thấy được giá trị thiêng liêng trên lá phiếu mỏng manh. Có được nó là “bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh” (Hồ Chí  Minh), và nói như nhà thơ Chế Lan Viên:

Phải trăm năm mới có ngày độc lập

Ai đếm hết được chuỗi người lên máy chém lúc hừng đông,

Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc,

Mỗi trang sử đất này đều nặng máu cha ông...

Bởi thế cho nên, nhà thơ kêu gọi mọi người cùng nhau đồng lòng làm nên một hội nghị Diên Hồng của thế kỷ XX, bầu ra Quốc hội khóa I đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân khắp ba miền Bắc - Trung - Nam:

Nhưng trước nhất, cánh thiếp mời hoan hỉ,

Chúng em đây làm Hội nghị Diên Hồng

....

Hội sáu trăm năm, Hội Cộng hòa!

Hội lòng đất nước, mở bao la.

Chứa chan Tổ quốc yêu con mới,

Bốn biển còn thân, huống một nhà?

Hỡi anh em cả, chúng ta đây

Ăn ở cùng nhau sinh nở đầy

Cùng giữ Việt Nam chung hưởng phước

Nắm tay nhau chặt, hội cùng say!

 Đoạn cuối khúc ca là cả một tiếng reo vui:

Hôm nay cờ đỏ sao vàng

Nghe khúc nhạc tiếng quân ca nóng hổi

Tưởng chúng dân reo như gầm sóng dội

Tiếng nói ngàn xưa của cha ông như vọng về hôm nay, trở thành lời hiệu triệu toàn dân giết giặc giữ nền độc lập non trẻ, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc:

Diên Hồng mở với Quốc dân đại hội

Đời nhà Trần, Mông Cổ đánh dồn ra

Giết xâm lăng đòi Dân chủ Cộng hòa.

Trong cảm xúc của nhà thơ, hội nghị lớn của non sông hôm nay là thành quả được kế thừa từ sức mạnh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc:

Tuyển cử hân hoan! Tuyển cử linh thiêng!

Khí sông núi bừng bừng lên Bắc Đẩu.

Qua buổi sương vây, xong ngày gió xấu,

Thùng phiếu cười mang mẻ cả lòng dân.

Rõ ràng, chúng ta thấy một Xuân Diệu hoàn toàn mới so với một Xuân Diệu trước cách mạng. Từ cái tôi cô đơn, buồn bã, thi sĩ đã hòa nhập vào cái ta chung của dân tộc. Thơ ông thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng. Hội nghị non sông có âm hưởng và nhịp điệu tráng ca của nhà thơ buổi đầu đến với cách mạng, tất nhiên bài thơ không tránh khỏi những câu từ chưa thật nhuần nhuyễn, song Xuân Diệu cho rằng ông đã “viết bằng hồn”, bằng hình dung tưởng tượng bay bổng, đầy lãng mạn, bằng tình cảm chân thành với cách mạng buổi đầu, bởi vậy mạch cảm hứng chứa đựng “niềm vui bất tuyệt”, những suy tư chân thành về đất nước, về nhân dân, về quyền làm chủ của con người. Có một cái gì đó gần gũi, non tơ, đằm thắm như mối duyên đầu “Cái thuở ban dầu dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên”. Sau này, đi kháng chiến, trải qua những ngày tháng sát cánh cùng nhân dân trong hai cuộc kháng chiến, Xuân Diệu đã viết những câu thơ đầy xúc động về tình cảm với nhân dân:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu.

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu,

Của triệu người yêu dấu gian lao.

(Những đêm hành quân)

75 năm đã trôi qua kể từ kỳ bầu cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Và hôm nay, ngày 23/5/2021, dân tộc Việt Nam tiếp tục cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào chính quyền các cấp, để lãnh đạo nhân dân trên chặng đường mới. Khắp đất nước cờ hoa rực rỡ chào đón ngày hội lớn của toàn dân tộc. Đọc lại Hội nghị non sông của Xuân Diệu hôm nay, vẫn thấy xúc động, thấy dấu ấn lịch sử mà nhà thơ đã ghi lại từ năm 1946. Và từ lần bầu cử vào mùa xuân năm ấy, những kỳ bầu cử Quốc hội của dân tộc ta vẫn được gọi là “Ngày hội non sông”./.

TT. Hoàn

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 15,467
Total visited in day: 13,398
Total visited in Week: 40,366
Total visited in month: 595,303
Total visited in year: 3,546,078
Total visited: 16,691,210