Những băn khoăn, trăn trở về trách nhiệm của người giáo viên dạy văn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm tháng qua đi, những băn khoăn, trăn trở càng nhiều bởi “cuộc đời con người là hữu hạn trong cái vô hạn của cuộc sống muôn màu”. Phải chăng đây là băn khoăn trăn trở của riêng tôi hay cũng là những băn khoăn, trăn trở của bạn và của tất cả những thầy cô giáo dạy văn trong nhà trường?...
Theo suốt cuộc đời tôi - người giáo viên dạy văn đã gần 30 năm - là những kỉ niệm vui buồn và đặc biệt là những băn khoăn, trăn trở về trách nhiệm của người giáo viên dạy văn. Năm tháng qua đi, những băn khoăn, trăn trở càng nhiều bởi “cuộc đời con người là hữu hạn trong cái vô hạn của cuộc sống muôn màu”.

Văn học với chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ cho nên người giáo viên dạy văn vừa làm công việc của nhà khoa học vừa làm công việc của nhà nghệ thuật, nghĩa là ngoài việc giúp học sinh tìm hiểu những kiến thức cơ bản của môn học, giáo viên còn đến với từng mảnh đời riêng với những suy nghĩ, những cá tính, những tâm hồn riêng. Có ý kiến cho rằng “Nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta”. Vậy thì công việc của nhà giáo nói chung, người giáo viên dạy văn nói riêng quả là chẳng dễ chút nào.

Đã bao giờ các bạn dừng trên trang viết của các em hồi lâu và thật khó khăn để có được một lời phê vào bài văn đó chưa? Có lẽ bạn cũng đã gặp những tình huống như thế. Đối với những bài văn viết ra từ cuộc đời thực, từ trái tim khao khát của trẻ thơ thì quả thực đó là những “áng văn cuộc đời”. “Văn học là nhân học” - Học văn là học cách làm người, bởi vậy, trước những “áng văn cuộc đời” này để hoàn thành công việc của mình người giáo viên phải đặt cái tâm lên đầu và phải suy ngẫm, tìm tòi, sáng tạo để có cách giải quyết tình huống đạt kết quả tốt nhất.

Năm học 1983 - 1984, tôi là một giáo viên trẻ mới ra trường nhận công tác ở một xã trên đèo cao Phong Minh, huyện Lục Ngạn. Giáo viên còn thiếu nhiều. Không có giáo viên chính ban dạy thể dục, các thày cô giáo khác kiêm nhiệm dạy thể dục ở các lớp. Tôi được phân công dạy thể dục lớp 9 do tôi chủ nhiệm. Hôm đó, trời mưa nên tôi quản học sinh trong lớp học, tôi đọc truyện cho học sinh nghe, rồi cho học sinh làm một bài viết, nói rằng lấy vào điểm 15 phút môn văn với đề bài “Ước mơ của em”. Thực tâm là tôi muốn tìm hiểu thêm về học sinh lớp mình chủ nhiệm. Tôi ngỡ ngàng trước bài viết của một em học sinh là lớp trưởng “Em mơ ước em được như mọi người” rồi em kể về hoàn cảnh của em như thể đây là cơ hội cho em tâm sự. Hôm trước mẹ đã nói với em: “Có lẽ con phải nghỉ học thôi”. Bố em đã mất, mẹ em bệnh yếu thường xuyên, chị gái đi lấy chồng ở xa. Em lớn tuổi hơn so với các bạn trong lớp, có sức khỏe, nghỉ học em có thể trở thành lao động chính trong nhà. Tôi rất buồn vì em là một học sinh nam, học khá nhất lớp, ngoan ngoãn, một lớp trưởng có trách nhiệm. Tôi thương em quá, cũng có lẽ bởi hoàn cảnh của tôi giống em, tôi mất mẹ từ khi học lớp 7 có lúc tưởng chừng chị em tôi phải bỏ học vì một mình bố nuôi 6 anh chị em tôi ăn học. Bài văn em viết không chỉ là bài văn để chấm điểm. Đó là “bài văn cuộc đời”, là nỗi niềm, là khát khao cháy bỏng, là một lời thúc giục tới trách nhiệm của cô giáo dạy văn, cô giáo chủ nhiệm. Phê thế nào đây? Trang viết hay trang đời, lời phê hay nỗi niềm tâm sự và trách nhiệm? Chưa bao giờ tôi lại thấy khó khăn như thế! Tôi muốn phê dài, nói với em thật nhiều nhưng không thể. Đắn đo mãi tôi viết: “Em hãy cố gắng để em được như mọi người. Cô luôn ở bên em”. Tôi đã giúp em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, động viên mẹ em yên tâm cho em đi học mà vẫn lao động giúp mẹ được. Thế là có cả những ngày tôi đi cấy, đi gặt, đi làm những công việc khác cùng em. Cuối năm, em đỗ tốt nghiệp với số điểm cao. Niềm vui chưa được bao lâu thì tai họa ập xuống gia đình em, mẹ em mất. Trong đau đớn buồn tủi tôi nhắc lại câu văn em viết ngày nào “Em mơ ước em được như mọi người”. Tôi động viên chị gái cho em thi vào trường Dân tộc nội trú của huyện. Em được theo học tại trường và em thi đỗ vào trường Đại học quân sự. Mơ ước ngày nào của em đã thực hiện được. Một bài văn, một chìa khóa mở cửa cho sự thành công của em.


“Văn học là nhân học”

Thật đúng khi nói “Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống”, từng mảnh đời riêng của các em hiện lên trên trang viết. Năm 2007 - 2008, tôi dạy lớp 7, với đề bài cho bài văn biểu cảm “Bố em”. Tôi lặng người trước trang viết của một học sinh nữ có dáng người nhỏ, đôi mắt buồn. Trong nỗi bất hạnh, em viết về bố mình bằng một thái độ giận hờn của một đứa trẻ đối với một người bố không hoàn thành trách nhiệm với vợ con. Bố em sa vào chiếu bạc dẫn đến tài sản gia đình tiêu tan hết, vợ chồng cãi lộn rồi bố đánh đập mẹ em và dẫn đến cảnh tù đầy. Em về ở với ngoại, mẹ đi làm xa. Em kể lại một lần bố ra tù, về nhà. Bà nội đón em về và bảo: “Con đến với bố con đi!”. Bố gọi em đến gần nhưng em không đến. Đứng trước bố em nói: “Không, không phải là bố của con” rồi em bỏ chạy ra ngoài. Em viết như thể bày tỏ nỗi lòng mình: “chẳng bao giờ em nhận ông ấy vì ông ấy đã làm khổ mẹ con em”. Dáng hình nhỏ bé chạy ào ra ngoài khóc tức tưởi của em trong nỗi đau quằn quại của bà, của bố em cứ ám ảnh tôi mãi. Tình cảm cha con của em đã bị tổn thương. Có lẽ quá đau đớn, buồn tủi, giận hờn nên em mới viết như vậy. Lời phê của cô giáo không thể chỉ dừng lại ở bài viết tốt hay khá về nội dung về diễn đạt mà còn phải là sự chia sẻ, cảm thông, sự động viên, là phương thuốc giúp em lành vết thương lòng; còn là trách nhiệm của người làm nhiệm vụ hình thành và nuôi dưỡng trong tâm hồn em những tình cảm tốt đẹp. Không còn là một cô giáo trẻ mới ra trường mà sao tôi vẫn thấy thử thách này với tôi lớn quá. Tôi phê vào bài của em: “Cô hiểu được hoàn cảnh và suy nghĩ của em nhưng cô mong em hãy rộng lòng tha thứ cho bố bởi đó chính là người sinh ra em. Cô mong bố con em gần nhau hơn. Cô tin tưởng ở em. Cô rất muốn được nghe lời tâm sự của em”. Sau đó tôi chủ động gặp em, em đã tâm sự với tôi tất cả những suy nghĩ thầm kín của em. Tôi đã trở thành người bạn, là chỗ dựa tinh thần cho em giúp em trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.

Hiện thực cuộc sống phong phú muôn màu sáng tối khác nhau. Năm 2010 - 2011, tôi dạy lớp 6. Với đề bài viết văn tự sự “Người bố yêu quý của em”, lại một lần nữa bài viết của một em học sinh nữ khiến tôi trăn trở. Một mảnh đời riêng khác lại hiện ra. Cũng trong hoàn cảnh bất hạnh nhưng em kể về bố trong cảm xúc vừa trách giận vừa yêu thương và đặc biệt là sự khao khát cháy bỏng tình cha con. Bố em cũng do mải mê chơi cờ bạc dẫn đến tình cảnh gia đình nghèo khó. Hạnh phúc gia đình tan vỡ. Bố em bỏ đi để lại cuộc sống nghèo khó cho ba mẹ con. Em là thứ hai trong gia đình. Lớp 6 mà em đã phải đi làm thêm giúp mẹ có tiền ăn học. Em kể: “Có lần bố mẹ to tiếng em đã chứng kiến và biết rõ mọi chuyện nên em giận bố em lắm”. Khi bố bỏ nhà đi, em đã nói với anh trai: “Nếu bố có về em cũng không nhận bố nữa và khi bố chết em cũng không đến”. Nhưng đến đoạn kết bài em lại viết: “Thấy cảnh các gia đình khác bố con quây quần bên nhau em lại mong bố em trở về. Bố ơi! Bây giờ bố đang ở đâu? Bố hãy về với con đi!”. Trong em, tình cha con đã trỗi dậy và có sức mạnh giúp em chiến thắng khỏi những suy nghĩ giận hờn. Hiện thực cuộc sống đã đưa vào trang viết của em. Trong trang viết, em đã gửi gắm khát vọng cháy bỏng của mình. Lần này để có một lời phê cũng chẳng đơn giản chút nào, cũng băn khoăn, trăn trở bao điều. Nhớ lại cái dáng điệu nhỏ bé lúc nào cũng tất bật, vội vã, khuôn mặt buồn dưới mái tóc hơi xoăn gợi vẻ trầm tư già rặn hơn so với lứa tuổi, tôi càng thấy thương em. Phê thế nào đây, để lời phê cũng là lời tâm sự trò chuyện, động viên em trong cuộc sống. Tôi phê: “Lời văn viết tự nhiên, chân thành của em đã giúp cô hiểu được hoàn cảnh và khát vọng của em. Cô mong em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cô tin em sẽ là niềm vui của mẹ, giúp mẹ em có nghị vượt qua khó khăn. Cô mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình em”. Rồi một hôm, tôi đi chợ gặp mẹ em, chị đã nói với tôi trong nỗi xúc động nghẹn ngào về bài văn của em khi em kể với mẹ. Tôi có dịp trò chuyện với mẹ em, giúp chị hiểu hơn về suy nghĩ, khát vọng của em về bố mình để chị giúp em vững vàng, trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Từ những tình huống như trên, bài văn của các em đã trở thành đề tài để tôi giúp các em biết viết văn phản ánh lại hiện thực cuộc sống và gửi gắm những nỗi niềm của tuổi thơ hay những ước mơ khát vọng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tâm hồn trẻ thơ ngây, trong sáng, non yếu như cây non cần được che chở, chăm sóc, nuôi dưỡng. Cha mẹ, thầy cô hãy tạo cho trẻ môi trường sống bình yên. Trong cuộc sống, trước sóng gió cuộc đời cha mẹ thầy cô phải che chở giúp chúng đứng vững. Mỗi hành động, lời khuyên bảo của thầy cô, cha mẹ đều có ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển nhân cách cho trẻ. Có một học sinh viết: “Bố em bảo rằng con cố gắng học giỏi mà đi khỏi cái nơi nghèo khó này”. Thật buồn! bởi người cha đã gieo vào tâm hồn trẻ một ý nghĩ chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi đã lưu giữ bao kỉ niệm tuổi ấu thơ. Là giáo viên, tôi nhận thấy không chỉ sửa cho em lời văn mà còn phải sửa cho em cả về nhận thức và tình cảm đối với quê hương. Tình cảm đối với quê hương được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, duy có một điều không bao giờ thay đổi là tình cảm yêu quê hương, luôn hướng về quê hương dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Đây là vấn đề nhạy cảm bởi bố em là người ruột thịt, gắn bó thân thiết với em nên giáo viên phải thật tế nhị khi đưa ra lời nhận xét và sửa cho học sinh. Tôi phân tích giúp em hiểu được ước muốn của bố là mong em học giỏi để có cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải chịu cảnh sống nghèo khó như bố mẹ, có điều bố em chưa có cách diễn đạt cho rõ ước muốn của mình thôi. Có lẽ cha em cũng hiểu rất rõ quê hương - nơi ấy có gia đình, có cha mẹ người luôn dõi theo trông ngóng hình bóng đứa con trở về. Và hơn nữa, em có lớn khôn, trưởng thành thì cũng là lớn lên và trưởng thành từ trong nghèo khó của gia đình, quê hương cho nên “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Sau đó tôi cho em tự sửa lại câu văn của mình. Câu văn của em có thể viết: “Em nhớ lời dạy của bố em quê hương mình còn nghèo, cuộc sống của bố mẹ còn nhiều khó khăn vất vả, con hãy cố gắng học giỏi để sau này con có cuộc sống tốt đẹp hơn và góp phần xây dựng quê hương”.

Mỗi hành động lời nói của cha mẹ đều có ảnh hưởng đến trẻ. Với đề bài “Kể về mẹ em”, có em viết: “Mẹ em chỉ thích quần áo đẹp, có khi mẹ thử quần áo và đi lại như trình diễn thời trang. Mẹ rất hay cãi nhau với bố, ít để ý đến bố con em mặc quần áo như thế nào".Vì tôi cũng đã làm vợ, làm mẹ nên tôi thấy buồn thật sự. Tôi hiểu mỗi người một sở thích trong cách ăn mặc, việc mẹ em thích quần áo đẹp đâu phải là có lỗi bởi tìm đến với cái đẹp là nhu cầu của cuộc sống. Điều đáng buồn là thái độ sống thiếu trách nhiệm với chồng con của người mẹ này. Nhưng tôi lại vô cùng xúc động khi được đọc bài văn của một em học sinh viết về mẹ với đề bài “Mẹ tôi”.

*

Bạn thích Đan Trường, bạn hâm mộ Châu Du Dân, bạn sùng bái Britnây spia và cho họ là thần tượng. Riêng tôi, tôi cũng yêu thích giọng hát và hâm mộ sự nổi tiếng của họ, nhưng nếu bạn hỏi thần tượng của tôi là ai? Thì tôi không ngần ngại trả lời: đó là mẹ tôi. Có lẽ bạn thấy ngỡ ngàng trước suy nghĩ của tôi nhưng đó là sự thật, là những cảm nhận từ đáy lòng tôi về tấm lòng và đức hy sinh của mẹ.

Cả cuộc đời mẹ có lẽ chỉ sống vì chồng con và vì cả những người thân khác nữa. Bà ngoại tôi mất từ năm mẹ tôi 12 tuổi, mẹ tôi và các bác, các cậu, và dì tôi chỉ còn được sống trong tình yêu thương bao la của ông ngoại tôi, phải trải qua những thiếu thốn, nghèo khó suốt cuộc đời tuổi thơ. Tôi biết mẹ yêu thương bố con tôi nhiều lắm. Từ lúc tôi còn nhỏ mẹ đã vừa là người mẹ lại vừa là cô giáo đầu tiên của tôi. Bố là cán bộ nhà nước phải đi làm từ sáng tối mới về nhà. Là một giáo viên nhưng ngoài việc lên lớp mẹ còn phải lo thêm biết bao công việc khác. Cứ tối đến, mẹ phải tất bật dọn dẹp nhà cửa cơm nước, chăn lợn, lo cho ông cháu tôi ăn, lo cho chị em tôi học xong mẹ mới làm phần việc của mẹ. Khi mọi người đi ngủ, mẹ mới ngồi vào bàn làm những công việc đầy vất vả của người giáo viên. Chính mẹ đã dạy cho tôi biết yêu cuộc sống lao động từ những lần cùng mẹ đi tát nước đêm cho ruộng lúa bị hạn khi bố đi trực không có nhà. Mẹ đã dạy cho tôi những con tính tôi làm sai từ những buổi tối mẹ thái sắn cho heo dưới bếp, tôi lấy cái mâm ăn cơm làm bàn học. Cứ thế tôi lớn lên trong tình yêu thương của bố, của mẹ.

Tôi là cô bé rất thích búp bê. Những ngày theo mẹ đạp xe từ xóm nhỏ ra Thị Trấn học trường chuyên, tôi rất thích những lúc vào cửa hàng bán sách và hàng tạp hóa cùng mẹ để được nhìn thấy chú gấu bông xinh xắn trong tủ kính. Tuy bố mẹ tôi đi công tác nhưng gia đình tôi rất eo hẹp về kinh tế. Đồng lương ít ỏi của bố mẹ còn phải lo biết bao việc cho gia đình. Biết vậy nên tôi rất thích mà chỉ đứng nhìn chứ không dám đòi mẹ mua. Nhưng rồi một hôm, không phải sinh nhật, không phải ngày tết, mẹ đặt vào tay tôi một cặp gấu bông mẹ con nhỏ hơn con gấu bông tôi thích nhưng cũng vô cùng xinh xắn. Tôi thích lắm và lúc đó tôi coi đây là một phần thưởng chứa đựng tất cả tình yêu thương của mẹ. Khi đã lớn hơn một chút tôi mới thấm thía, có lẽ mẹ đã không mua một cái áo đẹp hơn để mua cho tôi một cặp gấu bông mẹ con và tôi hiểu vì sao mẹ không mua con gấu bông to tôi thích mà lại mua cặp gấu mẹ con. Những năm sau, tôi có thêm những con thú bông khác nhưng có lẽ cặp gấu mẹ ôm gấu con ấy sẽ mãi là món quà tôi yêu quý nhất.

Mẹ tôi là thế đấy! Ai cũng bảo rằng mẹ tôi cần mẫn, tốt bụng nhưng sao có cái số khổ vậy. Lúc nhỏ đã mất mẹ, khi đi lấy chồng thì ông ngoại cũng chẳng còn. Bà nội tôi mất ngay sau ngày cưới của bố mẹ. Không dễ dàng gì đón nhận niềm vui khi nỗi đau mất mát quá lớn. Mẹ tôi cùng bố tôi sống những tháng ngày vất vả. Mẹ hay cười và nói với chúng tôi rằng “nếu được mẹ sẽ gánh cái khổ cho cả nhà”. Nghe mẹ nói tôi biết vậy. Nhưng lạ lắm, khi ăn cơm với cả nhà, chỉ có bát cơm của mẹ là hay có hạt sạn còn bát của tôi có chỉ khi nào tôi nấu cơm ẩu, vo gạo không đãi mà thôi. Những hôm bữa cơm có thịt gà, chị em tôi hào hứng, ăn ngon lành những miếng mẹ gắp cho. Tôi thấy mẹ hay ăn những miếng đầu cánh. Tôi hỏi, mẹ bảo “Tại mẹ thích ăn”. Lúc đó tôi tin là thật nhưng lớn hơn tôi đã hiểu mẹ muốn dành cho chị em tôi những gì ngon nhất.

Mẹ tôi là thế đấy! Nhưng có một điều tôi chưa bao giờ nói với mẹ “Con yêu mẹ. Nhưng mẹ ơi! con hiểu tấm lòng của mẹ!”

*

Bài văn này không có bố cục và những điểm chung giống như những bài văn khác. Có thể bài văn viết chưa thật hay với những câu chữ, hình ảnh thường gặp để ca ngợi về người mẹ của em nhưng tôi nhận thấy ở em một sự rung động chân thành từ tấm lòng yêu thương của người con. Những cảm nhận ấy đều được xuất phát từ thực tế cuộc sống rất đời thường của gia đình em, những điều giản dị nhưng là máu thịt của em. Tôi khuyến khích các em chủ động, sáng tạo trong bài viết. Mỗi bài viết của các em phải là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ mà các em gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình, trong đó có cái riêng độc đáo của cá nhân người viết.

Có ý kiến cho rằng “Nhà nghệ thuật như con ong làm mật phải cần mẫn miệt mài và gian khó. Như một nhà khoa học đã cho biết “Một con ong phải bay một đoạn đường bằng sáu lần xích đạo trong một năm ba tháng và đậu lên bẩy triệu bông hoa để làm nên 500 gam mật”. Chế Lan Viên cũng đã từng nói: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật/ Một mật ngọt thành đời vạn chuyến ong bay”. Người giáo viên, như một con ong thợ. Để nuôi dưỡng được một tâm hồn trẻ thơ - có một mật ngọt thành - là cả một quá trình rèn luyện, giúp các em từng nét chữ, câu văn, từng ý nghĩ, hành động. Khi đến với bài văn của các em ta cảm nhận được cả cái nhảy nhót của trái tim trẻ thơ khi chúng có niềm vui, nghe thấy tiếng lòng thổn thức khi em buồn đau.

Mái trường và gia đình là mái ấm yêu thương, là những chiếc nôi đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Hãy là bến đậu bình yên cho trẻ. Trước sóng gió của cuộc đời đừng để các em gục ngã. Cha mẹ, thầy cô hãy là cây chắn sóng để bến bờ mãi mãi bình yên! Hãy là đôi tay kì diệu nâng đỡ các em khi vấp ngã, giúp các em có nghị lực để bước tiếp những bước đi vững chắc. Cha mẹ, thầy cô hãy gieo vào tâm hồn trẻ một niềm tin. Tôi nhớ lời tâm sự của một em học sinh đã ra trường “Ngày hôm nay đây, em vẫn tiếp tục nảy mầm xanh lá trên hạt giống mà cô đã gieo năm nào. Và cô hãy tin rằng hạt giống ấy vào một ngày không xa sẽ trở thành một cây xanh vững chãi từ đôi bàn tay đầy nghị lực của cô”.

Biết bao điều băn khoăn, trăn trở trong cuộc đời dạy học của người giáo viên dạy văn như: làm thế nào để có một giờ dạy văn hay, rèn kĩ năng viết văn cho học sinh như thế nào cho đạt hiệu quả, làm những gì để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình... nhưng trong bài viết này tôi muốn tâm sự cùng các bạn những băn khoăn, trăn trở về trách nhiệm của người giáo viên dạy văn, của cha mẹ, của gia đình và nhà trường về việc hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách cao đẹp cho trẻ. Phải chăng đây là băn khoăn trăn trở của riêng tôi hay cũng là những băn khoăn, trăn trở của bạn và của tất cả những thầy cô giáo dạy văn trong nhà trường?

 Nguyễn Thị Hằng
(GV Ngữ văn, Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Yên Thế)

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,436
Tổng số trong ngày: 2,250
Tổng số trong tuần: 93,500
Tổng số trong tháng: 345,942
Tổng số trong năm: 2,669,393
Tổng số truy cập: 15,814,525