Những con số biết nói - Năm thứ hai triển khai tự đánh giá và xếp hạng cổng thông tin điện tử

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 07/7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Thông báo số 65/TB-SGDĐT về kết quả đánh giá, xếp hạng hoạt động của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử (sau đây gọi là cổng thông tin) năm học 2021-2022, theo đó sau hơn 1 tháng triển khai tự đánh giá, Sở GD&ĐT đã tiến hành thẩm định và công bố kết quả xếp hạng cổng thông tin điện tử của 10 phòng GD&ĐT và 57 đơn vị trực thuộc Sở. Đây cũng là năm thứ 2 ngành Giáo dục tỉnh triển khai đánh giá nội dung này.

Để triển khai đánh giá cổng thông tin, ngay từ đầu năm học 2021-2022, tại Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và thống kê giáo dục của ngành, Sở GD&ĐT đã cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ đối với công tác duy trì hiệu quả hệ thống cổng thông tin của toàn ngành Giáo dục tỉnh, làm cơ sở các đơn vị cụ thể hóa trong kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện.

Việc đánh giá cổng thông tin đã được ngành Giáo dục vận dụng một cách toàn diện quy định hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư số 37/2020/TT-BGDĐT ngày 05/10/2020, trong đó tập trung lượng hóa tối đa các tiêu chí thành phần để đánh giá toàn diện các mặt liên quan tới công tác quản lý, vận hành, duy trì của mỗi cổng thông tin.

Cổng thông tin điện tử các đơn vị có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số một cách sâu sắc ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là kênh thông tin chính thống, là hình ảnh, là uy tín của đơn vị. Do đó, công tác quản lý, duy trì đóng vai trò tiên quyết tới hiệu quả của cổng thông tin và chất lượng, tần suất cập nhật, nâng cấp nội dung, hình thức trình bày... là yếu tố quyết định.

Hơn hết, trong không gian mạng không biên giới, mỗi cổng thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải đúng đắn, kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, khai thác thông tin một cách chính xác, kịp thời của các tổ chức, cá nhân.

Năm học 2020-2021, là năm học đầu tiên ngành Giáo dục áp dụng đánh giá theo Thông tư của Bộ GD&ĐT, đã có 10/10 phòng GD&ĐT và 46/57 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT tham gia đánh giá. Kết quả, dẫn đầu khối phòng GD&ĐT là phòng GD&ĐT huyện Lục Nam, đạt 27/61 tiêu chí (44,3%), tiếp theo lần lượt là Yên Thế và Lạng Giang đều đạt 27/61 tiêu chí (44,3%), xếp thứ 10 là Việt Yên đạt 09/61 tiêu chí (14,7%); dẫn đầu khối trực thuộc Sở GD&ĐT là trường THPT Yên Thế đạt 52/52 tiêu chí (100%), tiếp theo là các trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Yên đạt 48/52 tiêu chí (92,3%), xếp cuối bảng xếp hạng là 11 đơn vị không tự đánh giá, trong đó có các trường THPT Tứ Sơn, THPT Yên Dũng số 1 và 09 trường THPT ngoài công lập.

Bảng xếp hạng kết quả đánh giá cổng thông tin khối trực thuộc Sở GD&ĐT năm 2022

Năm học 2021-2022, sau 01 năm, thứ hạng trên bảng xếp hạng đã có nhiều thay đổi, trong đó thay đổi lớn nhất đối với khối phòng GD&ĐT là phòng GD&ĐT Lục Nam từ thứ nhất năm 2020-2021 tụt 09 bậc xuống vị trí chót bảng, phòng GD&ĐT TP Bắc Giang tăng 05 bậc từ thứ 9 lên thứ 4 đạt 40/60 tiêu chí (66,67%), tiếp đó huyện Sơn Động và Việt Yên cùng tăng 03 bậc so với chính mình và huyện Yên Thế đã xuất sắc chiếm vị trí số 1 bảng xếp hạng đạt 53/60 tiêu chí (83,33%), thứ hai là huyện Tân Yên tăng 02 bậc đạt 47/60 tiêu chí (78,33%), qua đấy không chỉ thấy sự thay đổi về thứ hạng, mà chất lượng, tỷ lệ đáp ứng các tiêu chí của khối cũng cao hơn hẳn so với năm trước từ nhất bảng với 44,3% lên 88,33%; đối với khối trực thuộc Sở, đây cũng là năm xuất hiện nhiều biến động trên bảng xếp hạng, biến động lớn nhất là THPT Lục Ngạn số 3, từ thứ 41 lên vị trí số 6 với 45/53 tiêu chí đạt (84,91%), thứ hai là Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng tăng 28 bậc, từ 36 lên vị trí thứ 8 với 40/53 tiêu chí đạt (75,41%), theo chiều ngược lại Trường PT DTNT tỉnh là đơn vị rớt 30 bậc trên bảng xếp hạng với 12/53 tiêu chí đạt (22,64%), tiếp đó là PT DTNT huyện Sơn Động giảm từ 25 bậc với 17/53 tiêu chí đạt (32,08%), dẫn đầu khối trực thuộc là Trường THPT Yên Dũng số 2 đạt 100% các tiêu chí, tăng từ thứ 9 năm học trước, tiếp theo là THPT Yên Thế đứng thứ 2 với 51/53 tiêu chí đạt (96,23%) giảm 01 bậc so với năm học trước, các trường THPT Lạng Giang số 3 và Lạng Giang số 1 cũng khẳng định sự quan tâm, khi nâng hạng lần lượt từ thứ 12, thứ 17 năm học trước lên thứ 3 và thứ 4 trên bảng xếp hạng năm nay.

Bảng xếp hạng kết quả đánh giá cổng thông tin khối phòng GD&ĐT năm 2022

Kết quả trên, phản ánh một cách khách quan, toàn diện mức độ quan tâm của thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý, duy trì cổng thông tin. Đa số các đơn vị trường ngoài công lập không quan tâm tới nội dung này mặc dù đây là một trong những ưu thế cạnh tranh, khẳng định thương hiệu trong không gian phẳng... tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một số đơn vị công lập, trường số 1 của địa phương nhưng chưa quan tâm tới nội dung này. Hơn nữa, tổng thể trong nội hàm của vị trí trên bảng xếp hạng có sự tăng trưởng cả bên ngoài (giữa các đơn vị) và bên trong (tăng so với chính đơn vị). Từ đó, khẳng định hiệu quả thực sự của công tác đánh giá, xếp hạng có ý nghĩa thiết thực, là kênh đánh giá một cách công bằng, khách quan. Ngoài việc sử dụng kết quả đánh giá để tìm ra những tồn tại, hạn chế, thì đây cũng là một gợi ý, bản kế hoạch cho lãnh đạo mỗi đơn vị biết cần phải điều chỉnh, bổ sung, làm gì để nâng cao chất lượng cổng thông tin thời gian tiếp theo.

Thay đổi vị trí xếp hạng các phòng GD&ĐT trong 02 năm
Thay đổi vị trí xếp hạng các đơn vị trực thuộc GD&ĐT trong 02 năm

Đối với những đơn vị trên đỉnh bảng xếp hạng, nếu ghé qua, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi, và trả lời câu hỏi vì sao “con số biết nói”. Nội dung, hình thức trình bày đã được các nhà trường nâng cấp theo thời gian, đặc biệt việc cập nhật thông tin một cách kịp thời, đầy đủ theo từng hoạt động cụ thể của trường. Thông tin cung cấp cho người xem đặc biệt chính là các em học sinh và cha mẹ những thông tin cập nhật nhất về nhà trường, về việc học, việc thi... để không ai bị bỏ lại phía sau. Đối với các thế hệ học trò, cổng thông tin cũng là “chốn đi về”, mỗi khi hè đến, khai trường, ngày Nhà giáo Việt Nam... ở phương trời nào, các em được sưởi ấm tâm hồn, tình yêu, trách nhiệm với mái trường, với quê hương và Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Trang chủ Cổng TTĐT THPT Yên Dũng số 2 đứng thứ nhất khối các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT
Trang chủ Cổng TTĐT Phòng GD&ĐT huyện Yên Thế đứng thứ nhất khối phòng GD&ĐT các huyện, thành phố

Có thể nói, đối với các cơ sở giáo dục, việc duy trì cổng thông tin không phải là nội dung dễ thực hiện do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan trong đó đặc biệt là nguồn lực để duy trì còn nhiều khó khăn, bất cập. Đa số các đơn vị không có cán bộ chuyên trách về CNTT hoặc cán bộ truyền thông... các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với công tác duy trì còn thiếu, cán bộ, giáo viên, nhân viên khi được giao thực hiện chủ yếu làm việc theo hình thức kiêm nhiệm. Tuy nhiên, không có việc gì khó, quan trọng nhất đó là sự nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của cổng thông tin để có cách tiếp cận đúng đắn, trách nhiệm từ đó thống nhất trong công tác chỉ đạo, dự trù những khó khăn để bố trí nguồn lực phù hợp nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra./.

NL

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,557
Total visited in day: 20,152
Total visited in Week: 148,389
Total visited in month: 547,752
Total visited in year: 3,498,527
Total visited: 16,643,659