Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là định hướng mà Chính phủ xác định đối với ngành Giáo dục đến năm 2025 cần đạt được trong thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục nói chung, về tổ chức, chỉ đạo dạy học trực tuyến nói riêng. Năm 2022 đã dần tới những ngày cuối cùng trước khi khép lại, công việc đặt ra đối với ngành Giáo dục còn rất nhiều, ở mọi khâu, điều kiện để hướng tới mục tiêu đó. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tham luận của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục" diễn ra trong ngày 20/12/2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Sau đây là toàn văn tham luận.
Quang cảnh hội thảo

Đặt vấn đề

Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một chủ trương mang tính bản lề, xuyên suốt của Chính phủ, khẳng định ý chí quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ để hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đặt ra đối với ngành Giáo dục đó là:

“Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.

Đây là mục tiêu có ý nghĩa vừa “thách thức” nhưng cũng là “yêu cầu” và “thời cơ” để ngành Giáo dục đánh giá một cách cụ thể, toàn diện, để trước hết đó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định... mang tính cơ sở, hành lang pháp lý, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, tiến tới áp dụng đại trà. Song song với đó là việc rà soát, đánh giá, bổ sung nguồn lực, đặc biệt là nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị... để sớm triển khai, thực hiện và hướng tới mục tiêu mà Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định.

Trước đó, ngày 23/01/2020, nước ta ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 do virus Sars-CoV-2 gây ra được xác nhận tại TP Hồ Chí Minh tiếp đó là những diễn biến, tác động tiêu cực của đại dịch đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội và đặc biệt đối với ngành Giáo dục, các hoạt động dạy học theo phương thức cũ trở nên khó khăn, đảo lộn đòi hỏi ngành Giáo dục vừa duy trì hoạt động vừa thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Từ đó, việc “Tổ chức chỉ đạo, triển khai dạy học trực tuyến” trở thành yêu cầu mang tính thời sự, bắt buộc để nhanh chóng cùng với các cấp, các ngành, ngành Giáo dục góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh và duy trì phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Từ thực tiễn đó, trong công tác tham mưu, ngành Giáo dục đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng là thời cơ để vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến

Thuận lợi

Bộ GDĐT đã kịp thời có những van bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện tổ chức dạy học trực tuyến như Thông thư 09; Thông tư 26, Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học,...

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đảm bảo cho dạy học trực tuyến. Phụ huynh học sinh quan tâm, tạo điều kiện cho con em trong qúa trình dạy học trực tuyến.

Cán bộ, giáo viên, học sinh được tập huấn về dạy và học trực tuyến từ khi dịch bệnh chưa bùng phát.

Khó khăn

Một số giáo viên (đặc biệt là giáo viên cao tuổi) có năng lực trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hiệu quả dạy học trực tuyến chưa cao.

Học sinh học trực tuyến nên việc tiếp thu kiến thức của học sinh còn chậm trong khi giáo viên không có thời gian hay trực tiếp rèn luyện cho học sinh.

Học sinh dễ bị phân tán khi học ở nhà đặc biệt học sinh còn nhỏ tuổi thường hiếu động, chưa thể tập trung hoàn toàn vào giờ học.

Công tác tham mưu

Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 749, cùng với các ngành, đặc biệt Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh nói chung, của ngành Giáo dục nói riêng, cụ thể: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 324/KH-UBND ngày 13/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch 224/KH-UBND ngày 31/3/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh việc chủ động tham mưu triển khai các nhiệm vụ theo chức năng của ngành, Sở GDĐT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ thành Kế hoạch của ngành để tổ chức, triển khai thực hiện, cụ thể: Ban hành Kế hoạch số 72/KH-SGDĐT ngày 29/9/2021 về chuyển đổi số ngành Giáo dục Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 85/KH-SGDĐT ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang năm 2022; Kế hoạch số 47/KH-SGDĐT ngày 10/5/2022 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2022; Công văn số 441/SGDĐT-VP ngày 15/4/2022 về phối hợp, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch năm 2022...

Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Thêm trình bày tham luận tại Hội thảo

Công tác quán triệt, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến

Thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học nhằm phòng, chống dịch COVID-19, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch và nâng cao kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học; đa dạng hóa các hình thức dạy học trong các cơ sở giáo dục[1]; tổ chức khảo sát đối tượng để xác định học sinh có hoặc không có thiết bị kết nối được internet; phân loại đối tượng học sinh thành các nhóm khác nhau[2].

Đến năm học 2021-2022, tiếp tục điều chỉnh nội dung chỉ đạo dạy học trực tuyến bằng việc ban hành Kế hoạch số 82/KH-SGDĐT ngày 09/11/2021 về việc dạy học trực tuyến và các hình thức tổ chức dạy học khác hỗ trợ, thay thế dạy học
trực tiếp các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trong thời gian học sinh, học viên, sinh viên tạm dừng đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng từ năm học 2021-2022.

Đặc biệt, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, Sở GDĐT đã xác định rõ có các phương án dưới đây để phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19 (đối với các lý do bất khả kháng khác thực hiện tương tự): Phương án 1: Tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt; Phương án 2: Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi có đa số học sinh ở vùng an toàn đi học trực tiếp và một bộ phận học sinh ở vùng dịch COVID-19 có nguy cơ cao không thể đến trường học; Phương án 3: Tổ chức dạy học trực tuyến khi học sinh phải nghỉ học ở trường vì COVID-19. Các cơ sở chủ động lựa chọn một hoặc nhiều phương án để triển khai.

Bảo đảm điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến

Để sẵn sàng các điều kiện phục vụ dạy học trực tuyến, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến tiêu cực tác động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các đơn vị viễn thông để rà soát, nâng cấp hạ tầng mạng hiện có (trước đó 100% các đơn vị đã kết nối mạng Internet cáp quang), đồng thời mỗi cơ sở giáo dục trang bị 01 phòng học trực tuyến trên mỗi khối lớp (đảm bảo có thể tổ chức dạy học theo hình thức kết hợp giữa dạy trực tiếp với những học sinh trong lớp đến trường được và những học sinh diện các F học ở nhà theo hình thức trực tuyến). Hiện tại, toàn ngành có trên 1.200 phòng học trực tuyến đặt tại các cơ sở giáo dục đã được lắp đặt và sử dụng thường xuyên.

Để kịp thời hỗ trợ, bổ sung các kỹ năng cần thiết cho giáo viên trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, trong tháng 9 và tháng 10/2021 ngành đã tiến hành[3] bồi dưỡng, tập huấn về tổ chức dạy học trực tuyến đến tất cả giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong năm học 2021-2022, năm 2022, toàn ngành Giáo dục đã triển khai trên 1.594 đợt bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu và tìm kiếm thông tin trên Internet cho trên 24 nghìn cán bộ, GV và nhân viên trong ngành; ngoài ra, căn cứ Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở GDĐT cử cán bộ tham dự theo đúng thành phần và nội dung bồi dưỡng; phối hợp với Học viện trực tuyến Việt Nam triển khai các khóa đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho 100% CBQL, GV và học sinh các trường THCS , THPT và trung tâm GDTX trong tỉnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến theo Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT và Kế hoạch số 31/KH-SGDĐT ngày 17/4/2020 của Sở GDĐT. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ đường truyền băng thông rộng cho các nhà trường, cấp thêm tài khoản 3G, 4G cho cha mẹ HS, HS truy cập internet để học trực tuyến miễn phí; hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành Giáo dục vận động được 514 triệu đồng và 1403 thiết bị (97 máy tính bàn, 106 máy tính xách tay, 608 điện thoại thông minh, 109 máy tính bảng, 483 sim di động 4G), đã tổ chức trao tặng kịp thời cho học sinh. Ngoài ra, phụ huynh ủng hộ 456 triệu đồng bổ sung thiết bị phòng học trực tuyến. Đã sử dụng hiệu quả các tài khoản do Microsoft Việt Nam đã cung cấp cho giáo viên và học sinh để triển khai các hoạt động giáo dục, dạy học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams; tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập qua internet. Phối hợp với nền tảng Onluyen.vn tổ chức thành công kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho hơn 20 nghìn học sinh lớp 12 trong năm học 2020-2021 và khảo sát năng lực Tiếng Anh cho hơn 70 ngàn lượt học sinh lớp 9, lớp 12 trong 2 năm học qua. Tăng cường tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến kết hợp trực tiếp để củng cố kiến thức và kỹ năng cho HS lớp 9, lớp 12[4].

Trong quá trình kiểm tra các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học với lĩnh vực giáo dục trung học, nội dung kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tuyến bao gồm: Cơ sở hạ tầng internet, kế hoạch dạy học trực tuyến, hồ sơ theo dõi dạy học trực tuyến. Cơ bản các đơn vị đều thực hiện triển khai các phòng học trực tuyến. Nhiều đơn vị bố trí số lượng phòng học trực tuyến nhiều hơn quy định.

Hiệu quả tổ chức dạy học trực tuyến

Dạy học trực tuyến là hoạt động nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp. Giải pháp này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì nền nếp học tập và giúp học sinh ôn tập, bổ sung kiến thức cũng như đảm bảo chương trình học tập trong thời gian nghỉ học trực tiếp ở trường để phòng chống dịch Covid 19. Việc dạy học trực tuyến đã giúp các em học sinh hệ thống kiến thức qua các bài ôn tập, rèn luyện kỹ năng. Đồng thời còn giúp học sinh phát triển năng lực tự học. Tiến độ chương trình được đảm bảo theo đúng PPCT đã xây dựng từ đầu năm. Tỷ lệ học sinh được học trực tuyến rất cao do thực hiện tốt chương trình Sóng và máy tính cho em. Việc linh động trong khi tổ chức dạy học trực tuyến: giáo viên trên lớp học trực tuyến, học sinh ở nhà hoặc ngược lại, cả hình thức kết hợp một nửa ở nhà và một nửa ở lớp học đã được Bộ GDĐT đánh giá cao.

Sở GDĐT đã chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc: Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, bản báo cáo quá trình học tập của học sinh, bài thu hoạch… Nhà trường quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ; Trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; Hiệu trưởng quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng và cũng không thể kiểm tra trực tuyến, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức giao đề trực tiếp cho học sinh; Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, giáo viên thực hiện việc giao đề, coi kiểm tra theo khu vực phù hợp với thực tiễn, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Ngay trong quá trình tổ chức, chỉ đạo triển khai dạy học trực tuyến, tranh thủ từ việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2021 của UBND tỉnh, ngành Giáo dục đã phối hợp với 02 doanh nghiệp cung cấp giải pháp để tổ chức thí điểm thành công mô hình “lớp học đảo ngược”, việc thí điểm thành công mô hình này góp phần hoàn thiện đánh giá năng lực, điều kiện thực tiễn tại cơ sở để triển khai việc tổ chức dạy học trực tuyến ở quy mô toàn ngành Giáo dục.

Kết quả ban đầu mở ra hướng đi bền vững

Từ thực tế việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai dạy học trực tuyến, nhất là giai đoạn Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã cho ngành Giáo dục cả nước nói chung, ngành Giáo dục Bắc Giang một kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá, đánh đổi bằng công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục nói riêng, sự quan tâm, chăm lo, đầu tư nguồn lực của cả hệ thống chính trị các cấp và sự chung tay của toàn xã hội.

Việc tổ chức dạy học trực tuyến không chỉ giải quyết bài toán, yêu cầu mang tính nhất thời, mà từng bước định hình bền vững về mặt phương pháp luận, khoa học để ngành Giáo dục có thể vừa thực hiện định hướng không chỉ “cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình” mà còn tạo ra đòn bẩy để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đặc biệt – đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 đã xác định.

Thời gian tới, để bảo đảm mục tiêu đã xác định về tổ chức dạy học trực tuyến, bên cạnh việc ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số đã đề xuất, tham mưu, cần tập trung vào 03 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện để triển khai tổ chức dạy học trực tuyến bao gồm điều kiện của mỗi nhà trường, của giáo viên, của học sinh. Cần khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, việc bổ sung cần sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước các cấp, kết hợp với huy động sự tham gia hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng như các nguồn lực xã hội khác.

Thứ hai, vừa triển khai thí điểm tổ chức dạy học trực tuyến để hướng tới mục tiêu năm 2025 tổ chức tối thiểu 20% nội dung chương trình thì ngành cần làm tốt và hoàn thành trước việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên tại các cơ sở giáo dục các kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực chuyên môn đảm đương nhiệm vụ.

Thứ ba, tiếp tục chuyển giao, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng, nền tảng công nghệ để hỗ trợ các nhà trường triển khai tổ chức dạy học một các đồng bộ, toàn diện. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả các nền tảng riêng, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích tìm hiểu, áp dụng các công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số như mới, hướng tới áp dụng các công nghệ hỗ trợ như như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hay chuỗi khối... trong quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học./.

BBT

---------------------

[1] Kế hoạch số 31/KH-SGDĐT ngày 17/4/2020 về dạy học trên internet, qua truyền hình và các hình thức dạy học khác trong thời gian HS nghỉ học ở trường vì COVID-19.

[2] Nhóm 1: HS có thiết bị kết nối internet, được khai thác và sử dụng; nhóm 2: HS không có thiết bị như nhóm 1 nhưng có thể đến nhà HS thuộc nhóm 1 thành lập nhóm học tập gồm 2 HS; Nhóm 3: HS không có thiết bị và không thể theo nhóm học tập.

[3] Công văn số 1161/SGDĐT-GDTH ngày 14/9/2021 về tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học; Công văn số 1202/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 20/9/2021 về triệu tập cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên trung học; Công văn số 1442/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 04/11/2021 của Sở GD&ĐT về việc tập huấn tập huấn cho cán bộ, giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến; Công văn số 1493/SGDĐT-VP ngày 13/11/2021 về phổ biến tài liệu hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy, học trực tuyến; Công văn số 1508/SGDĐT-GDMN ngày 16/11/2021 về tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non.

[4] Công văn số 513/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 29/4/2021 về hướng dẫn ôn tập và tập huấn chuyên môn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022.

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,176
Tổng số trong ngày: 16,290
Tổng số trong tuần: 173,073
Tổng số trong tháng: 535,879
Tổng số trong năm: 2,859,330
Tổng số truy cập: 16,004,462