Phát triển năng lực tự học cho học sinh - Giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường dù tốt đến mấy cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người học cũng như đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông là một công việc có vị trí rất quan trọng. Chỉ có tự học, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau mỗi học sinh mới có thể bù đắp được những thiếu khuyết về tri thức, về đời sống xã hội. Từ đó có được sự tự tin trong cuộc sống và công việc.

Vấn đề tự học tự đào tạo của người học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm quán triệt sâu sắc từ nhiều năm qua. Nghị quyết Trung ương V khóa 8 từng nêu rõ: “Tập trung sức nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, sinh viên; Bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, sinh viên, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”. Ngày 04/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội"; Chương trình hành động số 63 - CTr/TU ngày 08/8/2014 của Tỉnh ủy Bắc Giang đã đặt ra cho giáo dục phổ thông là: “Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, dạy nghề theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đáp ứng nhu cầu của xã hội”; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng chỉ rõ các nhóm năng lực mà học sinh cần đạt được. Trong đó, năng lực tự chủ và tự học được xem là nhóm năng lực quan trọng nhất đối với học sinh...

 
Hiện nay, học sinh trung học phổ thông còn nhiều vướng mắc, khó khăn khi học tập, chưa thực sự dành nhiều thời gian cho việc tự học, chưa xây dựng và rèn luyện kĩ năng tự học hợp lí. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân nên giáo viên chỉ lo thực hiện chức năng giảng dạy của mình mà ít quan tâm đến rèn luyện kĩ năng toàn diện cho học sinh trong đó có kĩ năng tự học. Vì vậy, mỗi nhà trường cần đưa phương pháp tự học vào mục tiêu dạy học. Bởi lẽ, nó không chỉ cần thiết cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả khi học lên bậc đại học, ra trường hòa nhập với xã hội, trong suốt cuộc đời. Khi tự học, mỗi học sinh hoàn toàn có điều kiện để tự nghiền ngẫm những vấn đề nảy sinh trong học tập theo một cách riêng với những yêu cầu và điều kiện thích hợp. Điều đó không chỉ giúp bản thân học sinh nắm được vấn đề một cách chắc chắn và bền vững; chủ động bồi dưỡng phương pháp học tập và kĩ năng vận dụng tri thức mà còn là dịp tốt để rèn luyện ý chí và năng lực hoạt động độc lập sáng tạo. Đó là những phẩm chất mà chỉ có chính bản thân học sinh tự rèn luyện kiên trì mới có được, không một ai có thể cung cấp hay làm thay. Thực tế cũng đã chứng minh, mỗi thành công của học sinh trên con đường học tập không bao giờ là kết quả của lối học tập thụ động.
 
Từ đó đòi hỏi mỗi nhà giáo cần nghiên cứu, khảo nghiệm, xây dựng, từng bước hoàn thiện các mô hình dạy học và giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Tùy theo đặc thù môn học, có nhiều mô hình dạy học giúp nâng cao năng lực tự học cho học sinh.
 
Qua thực tiễn giảng dạy, chúng tôi đã lựa chọn mô hình sau:
 
Bước 1. Công việc chuẩn bị
 
Theo nguyên tắc vật lí, công sinh ra trong một quá trình không thay đổi do vậy nếu muốn lợi về lực thì phải chịu thiệt về đường đi. Theo cách dạy học trước đây, mọi hoạt động của giáo viên và học sinh sẽ được diễn ra trong giờ học thì nay ta làm khác đi. Giáo viên và học sinh sẽ cùng chuẩn bị cho tiết học. Nghĩa là, giáo viên xây dựng ý tưởng bài dạy thông qua các hoạt động và giao cho học sinh hoặc nhóm học sinh chuẩn bị, tìm hiểu. Trên lớp, giáo viên định hướng học sinh hoặc nhóm học sinh thảo luận, tranh luận. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn và chốt lại các kiến thức quan trọng giúp học sinh. Làm như thế kiên trì sẽ tạo thành thói quen tốt cho học sinh, từ thói quen ấy sẽ nâng cao năng lực tự học cho cả giáo viên và học sinh.
 
Trước khi đến lớp học, học sinh cần dành khoảng thời gian thích hợp để chuẩn bị bài. Học sinh tự học theo tài liệu tự học có hướng dẫn theo từng bài, chủ đề, sách giáo khoa cùng với các tài liệu khác. Từ các tài liệu hướng dẫn, từng học sinh hoặc nhóm học sinh chuẩn bị phần trình bày dưới dạng văn bản hoặc trình chiếu Powerpoint. Sự chuẩn bị của học sinh ở nhà càng chi tiết, càng có nhiều vấn đề đưa ra để tranh luận, trao đổi trên lớp. Như vậy, tự học ở nhà đã làm tích cực, sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh.

Một giờ học tập thảo luận theo nhóm tự học của học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên.

Một giờ học tập thảo luận theo nhóm tự học của học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên.
Bước 2. Hoạt động học tập trên lớp
 
Hoạt động 1: Giáo viên kiểm tra nội dung chuẩn bị ở nhà của học sinh theo phiếu câu hỏi hoặc kiểm tra dưới dạng hỏi - đáp từng nhóm học sinh.
 
Hoạt động 2: Giáo viên chia nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 6 học sinh và hướng dẫn học sinh thảo luận các nội dung trong bài học.
 
Hoạt động 3: Mỗi nhóm cử đại diện trình bày một vấn đề trong nội dung thảo luận. Các vấn đề học sinh đã chuẩn bị dưới dạng văn bản hoặc Powerpoint. Các nhóm khác đặt câu hỏi, vấn đề thắc mắc yêu cầu nhóm phát biểu hay nhóm khác trả lời, tranh luận.
 
Hoạt động 4: Thông qua thảo luận của học sinh, giáo viên có thể đánh giá được mức độ nắm vững kiến thức của học sinh. Trong quá trình thảo luận, giáo viên dẫn dắt, định hướng để học sinh lĩnh hội kiến thức. Cuối cùng, giáo viên tổng kết, bổ sung, chính xác hoá những kết luận, hoàn chỉnh kiến thức bài học cho học sinh, rút kinh nghiệm về cách học và hướng dẫn học sinh tự kiểm tra.

Giáo viên hỗ trợ học sinh trong quá trình tự học...

Giáo viên hỗ trợ học sinh trong quá trình tự học...
Để mô hình nêu trên phát huy hiệu quả cần các nhóm giải pháp cụ thể như sau:
 
(1) Đối với cán bộ quản lí các nhà trường. Tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và học sinh tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học, trong đó chú trọng nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Ban hành văn bản chỉ đạo việc đổi phương pháp dạy học, tổ chức tập huấn cho giáo viên bộ môn. Chỉ đạo việc ra đề kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh theo hướng tự học. Chỉ đạo giáo viên bộ môn viết tài liệu hỗ trợ cho việc tự học của học sinh. Thực tế giảng dạy cho thấy, học sinh khó tìm được tài liệu đầy đủ, thuận lợi cho hoạt động tự học. Chính vì vậy, việc biên soạn tài liệu theo hướng giúp học sinh tự học là thật sự cần thiết.
 
(2) Đối với giáo viên chủ nhiệm. Giúp học sinh nhận thức đúng đắn về tự học và sự cần thiết, lợi ích của tự học; Dạy học sinh cách nghe giảng và ghi chép bài trên lớp; Dạy cách lập kế hoạch học tập. Giáo viên chủ nhiệm cần kết hợp với giáo viên bộ môn từng bước hướng dẫn, kiểm tra học sinh tự học. Giáo viên chủ nhiệm lớp phải là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên và học sinh.
 
(3) Đối với học sinh. Cần biết xác định mục tiêu học tập, nội dung cần học, lên kế hoạch tự học; Xác định kiến thức, kĩ năng cơ bản thuộc mỗi nội dung hay chủ đề; Hệ thống hoá kiến thức. Học sinh cần biết tự thể hiện, tham gia quá trình thảo luận, biết tự đánh giá, tự điều chỉnh bản thân và biết vận dụng kiến thức đã học vào các tình huống thực tiễn. Để tự học đạt hiệu quả cao, học sinh cần nắm được phương pháp và kỹ thuật tự học thông dụng, bao gồm: kỹ thuật nghe, ghi chép bài, đọc bài hiệu quả, cách ghi nhớ thông tin, sử dụng bản đồ tư duy và ứng dụng công nghệ thông tin trong tự học.
 
(4) Đối với cha, mẹ học sinh. Cha mẹ cần hiểu về năng lực của con và động viên khích lệ kịp thời. Trong nhiều tình huống, lời động viên khích lệ mang lại hiệu quả rất to lớn. Cha, mẹ cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn; Dành thời gian đôn đốc việc học, kiểm tra công việc được giao về nhà của con. Cha, mẹ cần tạo thói quen đọc sách trong gia đình.
 
(5) Đối với giáo viên bộ môn. Phương châm “lấy người học làm trung tâm” là đáp ứng cho việc giảng dạy theo hướng tự học, tự tìm tòi. Một khi cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường tương đối đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng cho việc tự học thì giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, mỗi giáo viên cần nhận thức một cách đúng đắn tính tất yếu của việc đổi mới, từ đó chủ động suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng linh hoạt các phương pháp phù hợp theo các môn học khác nhau nhằm giúp học sinh biết cách tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo trong quá trình học tập.
 
Ở nước ta, vấn đề tự học thực sự được phát động nghiên cứu nghiêm túc, rộng rãi từ khi nền giáo dục cách mạng ra đời (1945), mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người khởi xướng, vừa nêu tấm gương về tinh thần tự học. Người từng nói: “còn sống thì còn phải học”, và cho rằng: “về cách học phải lấy tự học làm cốt”. Có thể nói tự học là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về phương pháp học tập. Những lời chỉ dẫn quý báu và những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ và thành công của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
 
Ths. Lê Văn Lực - PHT, trường THPT Ngô Sĩ Liên
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
13/11/2018
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,264
Tổng số trong ngày: 43,142
Tổng số trong tuần: 89,882
Tổng số trong tháng: 452,688
Tổng số trong năm: 2,776,139
Tổng số truy cập: 15,921,271