Quyền con người và giáo dục quyền con người

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người khẳng định: Giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, hoạt động nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người. Từ đó, góp phần vào việc phòng ngừa vi phạm và lạm dụng quyền con người bằng cách trang bị cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và nâng cao thái độ, hành vi của họ, để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người.

1. Quyền con người là gì?

Quyền con người (tiếng Anh là Human rights) là những giá trị thiêng liêng, cao quý của toàn thể nhân loại kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Trải qua quá trình đấu tranh của loài người nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, với khát vọng về tự do, bình đẳng, bác ái, quyền con người không ngừng được bồi đắp và phát triển.

Theo cách định nghĩ chung, phổ biến thì quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Như vậy, quyền con người là các quyền bẩm sinh thuộc sở hữu vốn có của mọi người, gắn liền với hành động công nhận, thừa nhận chứ không phải là ban phát, từ chối hay tước đoạt vô cớ.

Trung tâm của khái niệm quyền con người là khái niệm về phẩm giá vốn có của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Quyền con người là các quyền được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, quan điểm, nguồn gốc dân tộc hoặc địa vị xã hội… Quyền con người phải được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật quốc tế và quốc gia nhằm giúp cá nhân, các nhóm xã hội đạt được nhu cầu, lợi ích bình đẳng. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong xã hội.

GV môn GDCD/GDKT&PL sinh hoạt chuyên môn, tìm hiểu về quyền con người

2. Quyền con người có những đặc trưng gì?

Quyền con người có các đặc trưng cơ bản như sau: Phổ quát, không thể chuyển nhượng, không thể phân chia và liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau.

Tính phổ quát (Universality): Tính chất này thể hiện ở chỗ tất cả ngọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều được hưởng quyền con người. Tính phổ quát của quyền con người được bao hàm trong Điều 1 của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR): "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền".

Tính không thể chuyển nhượng (Inalienability): Tính chất này có thể diễn giải rằng quyền con người không thể bị tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả chủ thể nhà nước, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Tính không thể phân chia (Indivisibility): Quyền con người là không thể chia cắt. Cho dù chúng liên quan đến các vấn đề dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị hay xã hội thì quyền con người vốn có liên quan đến phẩm giá của mỗi con người. Do đó tất cả các quyền con người đều có địa vị bình đẳng, không xếp theo thứ tự thứ bậc. Việc từ chối một quyền này luôn cản trở việc thụ hưởng các quyền khác. Trong một số trường hợp cụ thể và với những đối tượng cụ thể, một số quyền nhất định có thể được ưu tiên thực hiện hơn một số quyền khác. Điều này được áp dụng khi trong thực tế các quyền đó có nguy cơ bị đe dọa hoặc vi phạm nhiều hơn so với các quyền khác.

3. Giáo dục quyền con người trong trường học

Giáo dục quyền con người là gì?

Quyền về giáo dục được ghi nhận trong Điều 26 của UDHR cũng như trong Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước về quyền trẻ em ( CRC) và nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người. Giáo dục thường được nhắc đến như một quyền mang tính phương tiện vì "giáo dục vừa là một quyền con người về bản chất và cũng là một phương tiện không thể thay thế để hiện thực hóa các quyền con người khác" (ECOSOC).

Có nhiều định nghĩa về giáo dục quyền con người, tùy thuộc vào cách tiếp cận của các tổ chức khác nhau:

Theo Trung tâm tài nguyên khu vực châu Á về giáo dục quyền con người: Giáo dục quyền con người là một quá trình có sự tham gia vào các hoạt động học tập được thiết kế có chủ ý lấy kiến thức, giá trị và kỹ năng quyền con người làm nội dung chính, hướng tới công chúng để giúp họ hiểu hơn về trải nghiệm bản thân và kiểm soát cuộc sống.

Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người khẳng định: Giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả cá hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, hoạt động nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người. Từ đó, góp phần vào việc phòng ngừa vi phạm và lạm dụng quyền con người bằng cách trang bị cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và nâng cao thái độ, hành vi của họ, để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thức đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người.

Trung tâm Quyền con người thuộc đại học Minnesota (Mỹ) nêu quan điểm: Giáo dục quyền con người là một quá trình thu nhận kiến thức, kỹ năng và giá trị liên quan để hiểu, khẳng định và biện minh cho quyền của mỗi người dựa trên các tiêu chuẩn quyền con người quốc tế. Định nghĩa này ngụ ý rằng quyền con người là công cụ trao quyền… Qua việc khuyến khích phát triển năng lực và khả năng (giáo dục quyền con người) để mở rộng ý nghĩa của việc được làm người . Do đó, giáo dục có thể và nên là một quá trình trao quyền, cho phép những cá thể sống ngoài lề về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa để họ khẳng định vị thế là thành viên luôn tham gia vào cộng đồng.

Liên hợp quốc đã khởi xướng một số chương trình và chiến dịch về giáo dục quyền con người kể từ khi thông qua UDHR năm 1948. Điểm nhấn quan trọng là vào năm 2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người. Điều 1 của Tuyên ngôn nhấn mạnh rằng mọi người đều có quyền đối với giáo dục quyền con người và cụ thể là quyền biết, tìm kiếm và nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản; rằng giáo dục nhân quyền là cần thiết để có sự tôn trọng và thực thi các quyền con người rộng rãi hơn; và rằng giáo dục nhân quyền giúp tạo ra tiếp cận đến các quyền con người khác. Điều 2 đưa ra định nghĩa: Giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng phổ quát, thực hiện tất cả các quyền con người và tự do căn bản, từ đó đóng góp vào việc ngăn chặn các vi phạm quyền con người thông qua việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như phát triển thái độ và hành vi, trao quyền cho họ để tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng, thúc đẩy một văn hóa phỏ quát về quyền con người.

Như vậy, có thể thấy, giáo dục quyền con người là một quá trình được thực hiện đối với mọi chủ thể, ở mọi lứa tuổi để giúp họ tìm hiểu về quyền của chính mình và quyền của người khác. Điều đó cho phép mọi người phát triển các kỹ năng và thái độ để thúc đẩy bình đẳng phẩm giá và sự tôn trọng trong cộng đồng.

Tại sao phải giáo dục quyền con người?

Thực hiện giáo dục quyền con người là nghĩa vụ của cá quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là các quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người.

Trong nền giáo dục quốc dân, giáo dục quyền con người là một phần quan trọng của quyền giáo dục. Giáo dục quyền con người góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nhân cách con người và ghi nhận phẩm giá, tăng cường tôn trọng quyền con người, nhờ đó xây dựng một nền giáo dục có chất lượng cho mọi người.

Tầm quan trọng của giáo dục quyền con người đã được khẳng định trong thực tiễn. Nó góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển xã hội, đồng thời trao quyền cho mọi người biết, yêu cầu và bảo vệ quyền của họ. Giáo dục quyền con người cũng thúc đẩy sự tham gia vào quá trình ra quyết định và giải quyết hòa bình các xung đột, khuyến khích sự đồng cảm, hòa nhập và không phân biệt đối xử.

Giáo dục quyền con người góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước thông qua những đống góp cụ thể sau:

- Nâng cao chất lượng giáo dục nhờ việc thúc đẩy phương pháp giảng dạy  lấy người học làm trung tâm và khuyến khích sự tham gia của người học.

- Tăng khả năng tiếp cận và tham gia ở trường học nhờ việc tạo lập môi trường học tập dựa trên quyền con người, bảo đảm sự tiếp cận cho mọi đối tượng, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử.

- Góp phần tạo ra sự gắn kết xã hội, phòng ngừa xung đột bằng việc thúc đẩy các giá trị, chuẩn mực về quyền con người.

Mục đích của giáo dục quyền con người là gì?

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của giáo dục quyền con người, Điều 26 của UDHR đã khẳng định một trong những mục tiêu của giáo dục phải nhằm: "… thúc đẩy sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người".  Trong các văn kiện quốc tế khác của Liên hợp quốc như Điều 13 của ICESCR, Điều 29 của CRC và đặc biệt là "các đoạn từ 78 đến 82" trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Viên (Áo) năm 1993 cũng nhấn mạnh rằng giáo dục quyền con người nhằm hướng đến thức đẩy sự tôn trọng quyền con người.

Điều 2 Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người đưa ra mục đích của giáo dục quyền con người. Theo đó, giáo dục quyền con người nhằm xây dựng kiến thức, kỹ năng và thái độ để trao quyền cho các cá nhân nhằm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người trong cuộc sống hàng ngày.

Một cách tổng thể, mục tiêu của giáo dục quyền con người là thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác; thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia một cách bình đẳng, hiệu quả vào các hoạt động của xã hội và hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngụy Thị Bình, Phòng GDTrH,GDTX

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14,497
Tổng số trong ngày: 4,968
Tổng số trong tuần: 169,227
Tổng số trong tháng: 378,207
Tổng số trong năm: 3,328,982
Tổng số truy cập: 16,474,114