Sở GD&ĐT Bắc Giang thực hiện tốt công tác truyền thông về giáo dục góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về giáo dục và tạo sự đồng thuận trong xã hội

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Trong những năm vừa qua, đẩy mạnh công tác truyền thông được ngành Giáo dục xác định là một trong 5 giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Thực chất truyền thông giáo dục là làm thế nào để thông tin cho người dân, cho xã hội biết những hoạt động của ngành, giúp dư luận xã hội hiểu rõ những chủ trương đổi mới, những thành công và khó khăn, bất cập, từ đó định hướng dư luận và kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Làm tốt công tác truyền thông trong giáo dục sẽ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về giáo dục, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời cũng huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông, trong những năm qua, đặc biệt là năm học 2020-2021, bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã cụ thể hóa và thực hiện sáng tạo công tác truyền thông trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch truyền thông năm học.

Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch truyền thông, trong đó xác định rõ mục đích, nội dung truyền thông, giao trách nhiệm cho từng bộ phận, trong đó chủ trì là Văn phòng Sở; các phòng thuộc Sở, phòng GD&ĐT huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng thực hiện tốt công tác truyền thông.

Về nội dung truyền thông: Bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học với từng cấp học, từng lĩnh vực công tác để xác định nội dung truyền thông, bảo đảm toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, từ lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên; từ lĩnh vực giáo dục chính trị, thể chất, công tác học sinh, sinh viên đến việc xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác cải cách hành chính, thi đua, khen thưởng, công tác thanh tra, kiểm tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục... Năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT chỉ đạo truyền thông mạnh mẽ về các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD&ĐT năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 1, chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Đặc biệt, năm học 2020-2021 là năm học thứ hai thực sự khó khăn với toàn ngành bởi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước từ cuối tháng 4, các hoạt động kinh tế - xã hội bị gián đoạn, đời sống nhân dân đảo lộn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị cách ly, phong tỏa. Sở GD&ĐT đã 3 lần trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học; đã có 372 trường học phải sử dụng làm khu cách ly tập trung, 244 học sinh và 10 giáo viên nhiễm Covid-19. Bám sát Kế hoạch số 64/KH-BGDĐT ngày 06/02/2020 của Bộ GD&ĐT về truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT chỉ đạo tập trung truyền thông sâu rộng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh; sự nỗ lực của toàn ngành trong việc chuyển trạng thái nhanh, ứng phó kịp thời với dịch Covid-19 để hoàn thành “mục tiêu kép” như: quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; việc xây dựng các kịch bản dạy học, đặc biệt là phối hợp với Viettel, VNPT triển khai các giải pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến trên các nền tảng Viettel Study, VNPT E-learning, Microsotf, dạy học qua truyền hình để bảo đảm nội dung kiến thức cho học sinh; việc phối hợp với ngành Y tế xây dựng các phương án tổ chức các kỳ thi an toàn trong bối cảnh dịch bệnh; phát động cán bộ, giáo viên tham gia các hoạt động phòng dịch tại địa phương, ủng hộ quỹ phòng dịch, quỹ vắc xin; việc đẩy nhanh tiến độ tổ chức kiểm tra học kỳ II để kết thúc năm học đúng quy định; khẩn trương chuẩn bị kịch bản tổng kết năm học và khai giảng năm học mới; những mô hình hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong mặt trận phòng, chống dịch có sức lan tỏa trong cộng đồng...

Đồng chí Nguyễn Văn Thêm -Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi về công tác truyền thông tại Hội nghị tổng kết công tác Văn phòng năm học 2020-2021

Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến phương án tổ chức các kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 sao cho thực sự an toàn, đảm bảo mọi quyền lợi cho thí sinh. Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch truyền thông riêng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022, trong đó xác định rõ 3 thời điểm truyền thông: trước kỳ thi, diễn biến kỳ thi và sau kỳ thi, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác. Trong khoảng 1 tháng (từ 05/7 đến 8/8/2021), Sở GD&ĐT tổ chức 3 kỳ thi an toàn, nhờ công tác truyền thông tốt, được dư luận đánh giá rất cao. Đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 (từ 05 đến 8/7/2021), đợt 2 từ ngày 06 đến 8/8/2021 (trong đó có 51 thí sinh của 7 tỉnh bạn thi tại Bắc Giang) và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 từ ngày 27 đến 29/7/2021.

Đa dạng các hình thức/cách thức truyền thông.

Trên thực tế có rất nhiều cách thức để truyền thông, trong đó Sở GD&ĐT lựa chọn một số cách thức, “kênh” truyền thông khá hiệu quả như sau:

Một là, truyền thông qua hệ thống thông tin báo cáo chính thức về tình hình giáo dục của tỉnh với lãnh đạo tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Bộ GD&ĐT. Hàng tháng (trước ngày 20), báo cáo kết quả công tác tháng với Bộ GD&ĐT, Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để các đồng chí lãnh đạo nắm được tình hình giáo dục địa phương. Trước các kỳ họp Quốc hội, Sở GD&ĐT chuyển đến Đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin về tình hình giáo dục theo hệ thống tài liệu của Bộ GD&ĐT; Giám đốc Sở GD&ĐT đã báo cáo trực tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; giải trình một số vấn đề của địa phương; giải đáp các kiến nghị, thắc mắc về ngành được các đại biểu quan tâm; từ đó đề xuất tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giáo dục.

Sở GD&ĐT đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền công tác khoa giáo với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; tham gia giao ban công tác khoa giáo hàng quý; phối hợp tổ chức các hội thảo về công tác khoa giáo; định kỳ tuyên truyền kết quả giáo dục trên địa bàn tỉnh trên Bản tin Thông báo Nội bộ (2 lần/năm). Lãnh đạo Sở tham gia báo cáo viên cấp tỉnh, trực tiếp báo cáo tình hình giáo dục của tỉnh trong Hội nghị Báo cáo viên cấp tỉnh (từ 01-2 lần/năm). Có 01 đồng chí tham gia Tổ cộng tác viên dư luận xã hội, hàng tháng phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền về giáo dục trên địa bàn tỉnh; đồng thời lắng nghe, nắm bắt dư luận xã hội về giáo dục trên địa bàn, kịp thời tham mưu lãnh đạo có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh.

Đây là “kênh” truyền thông chính thống, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình giáo dục địa phương.

Hai là, truyền thông qua hệ thống Cổng thông tin điện tử của ngành và hơn 700 Cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Xác định Cổng thông tin điện tử là “kênh” thông tin chính thức của ngành Giáo dục, bởi vậy Sở GD&ĐT rất quan tâm xây dựng Cổng thông tin điện tử - website của ngành. Website của Sở thường xuyên hoạt động, tương tác, cập nhật thông tin, có đường link với website của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Chính phủ. Duy trì cập nhật thông tin hàng ngày với nội dung phong phú, đảm bảo các chuyên mục theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 37/2020/TT-BGDĐT ngày 05/10/2020 của Bộ GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu tra cứu của tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành, với tỷ lệ bình quân trên 3.000 lượt truy cập hàng ngày. Thành lập Ban Biên tập, xây dựng quy chế hoạt động, bố trí kinh phí duy trì hoạt động hằng năm từ 80.000.000 đến 120.000.000 đồng. Năm 2020, Cổng Thông tin điện tử của Sở GD&ĐT được xếp thứ nhất khối các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh.

Sở GD&ĐT còn chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc duy trì trên 700 Cổng thông tin điện tử, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân; tổ chức đánh giá, xếp loại Cổng thông tin điện tử các đơn vị, lấy làm căn cứ xét thi đua đối với các đơn vị và người đứng đầu.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn thiết lập hệ thống các nhóm Zalo với Thủ trưởng các đơn vị nhằm truyền thông nhanh nhất những thông tin chỉ đạo, điều hành đến với các cơ sở giáo dục trong toàn ngành.

Ba là, truyền thông qua các cơ quan báo chí. Đây là “kênh” truyền thông hết sức hiệu quả để đưa thông tin về ngành Giáo dục đến với người dân nhanh chóng nhất. Ngành Giáo dục đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông, các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương luôn đồng hành với ngành Giáo dục, theo sát các sự kiện để truyền thông kịp thời, hiệu quả về giáo dục Bắc Giang cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí Trung ương, Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh, Trung tâm thông tin Văn phòng UBND tỉnh, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính về các hoạt động đổi mới giáo dục trên địa bàn. Hợp đồng với Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh tuyên truyền về các hoạt động giáo dục với kinh phí 50.000.000 đồng/năm. Trung bình mỗi tháng có 02 chuyên trang về GD&ĐT trên Báo Bắc Giang; mỗi tuần có từ 2-3 tin và 2 phóng sự về GD&ĐT trên sóng truyền hình tỉnh. Năm học 2020-2021, đã có khoảng 1.000 tin, bài, ảnh về GD&ĐT được tuyên truyền trên các báo địa phương và Đài Truyền thanh các huyện, thành phố.

Mặt khác, Lãnh đạo Sở GD&ĐT thường xuyên trả lời trên các chuyên mục của Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh để kịp thời thông tin đến người dân những chủ trương của ngành về phát triển GD&ĐT, những vấn đề người dân quan tâm (việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT 2021, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, kịch bản tổ chức dạy học ứng phó với dịch, sự chung tay, góp sức ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tinh thần “mỗi trường học là một pháo đài, mỗi thầy cô là một chiến sĩ”...).

Sở GD&ĐT giữ mối liên hệ, cung cấp thông tin và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại và khoảng gần 20 báo, tạp chí Trung ương truyền thông về các hoạt động giáo dục Bắc Giang. 100% cơ sở giáo dục phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại đặt mua các ấn phẩm của Báo nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông về giáo dục trên địa bàn tỉnh. Năm học 2020-2021, nhiều phóng viên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh rất tích cực, như phóng viên Đăng Chung (Báo Giáo dục và Thời đại), trong thời gian từ 1/5/2021 tháng 8/2021 đã phản ánh khoảng 200 tin bài trên báo điện tử và báo giấy về tình hình thời sự Bắc Giang, các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, trong đó có khoảng gần 70 bài về GD&ĐT. Tính riêng tháng 5/2021 có khoảng 60 tin bài điện tử và 15 tin bài trên báo giấy. Sở GD&ĐT đã trình và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho đồng chí về tích cực tuyên truyền các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, GD&ĐT và phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cử đồng chí Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT làm cán bộ đầu mối thường xuyên kết nối thông tin với nhóm truyền thông của Trung tâm truyền thông, Văn phòng Bộ (Viber, Zalo) cung cấp thông tin về tình hình giáo dục Bắc Giang, đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời. Các vấn đề báo chí quan tâm đã được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông

Bốn là, truyền thông qua phụ huynh học sinh: Hiện nay, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành riêng của tỉnh, kết nối liên thông với CSDL của Bộ GD&ĐT và CSDL của địa phương; cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên có thể tương tác, trao đổi trực tiếp theo thời gian thực với phụ huynh học sinh thông qua App NetViet; chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì hiệu quả các kênh tương tác khác giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, như sổ liên lạc điện tử, hệ thống các nhóm Zalo, Messenger, Facebook, các trang fanpee của trường... (từng lớp, tổ, đoàn thể,...). Tận dụng tối đa những kênh này, thông tin đến với phụ huynh học sinh, với nhân dân rất nhanh chóng, kịp thời, khá hiệu quả, nhất là thông tin về tình hình phòng, chống dịch, thông tin về hoạt động của ngành, phương án tổ chức dạy học, khai giảng,... tiêu biểu như phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang, Tân Yên và nhiều đơn vị khác.

Quan tâm xây dựng đội ngũ làm truyền thông và tổ chức tập huấn truyền thông cho đội ngũ cán bộ quản lý toàn ngành.

Xây dựng mạng lưới truyền thông toàn ngành Giáo dục gồm 68 người do đồng chí Giám đốc trực tiếp phụ trách, đầu mối tại Sở GD&ĐT là đồng chí Chánh Văn phòng, đầu mối tại cơ sở là Trưởng phòng GD&ĐT và Thủ trưởng các đơn vị.

Thường xuyên cung cấp tài liệu truyền thông và tổ chức tập huấn công tác truyền thông cho lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các phòng thuộc Sở, trưởng phòng GD&ĐT huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; trong đó tập trung các nội dung: Công tác quản lý và duy trì cổng thông tin điện tử, thư điện tử; kỹ năng viết tin, bài; kỹ năng trả lời phỏng vấn, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; việc tham gia mạng xã hội, truyền thông nội bộ,… Qua đó, nhận thức về vai trò của công tác truyền thông, kỹ năng tiếp phóng viên và cung cấp thông tin cho báo chí của cán bộ quản lý được nâng lên, xây dựng mối quan hệ tốt với cơ quan báo chí, tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp đúng Luật Báo chí, đồng thời truyền thông sâu rộng về các hoạt động giáo dục của ngành.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông, nhất là việc truyền thông trực tiếp của người đứng đầu cơ sở giáo dục đến cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh; kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế; chất lượng Cổng thông tin điện tử của nhiều đơn vị còn thấp, thiếu thông tin chuyên mục theo quy định, không cập nhật thường xuyên thông tin, cá biệt năm học 2020-2021 còn 10 đơn vị không thực hiện đánh giá Cổng thông tin điện tử như các trường THPT: Yên Dũng 1, Tứ Sơn, Đồi Ngô, Thanh Lâm,  Hiệp Hòa 5, Hiệp Hòa 6, Hoàng Hoa Thám, Nguyên Hồng, Quang Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Năm học 2021-2022 là năm học thứ ba diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học tại Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD&ĐT và Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 30/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ năm học 2021-2022, toàn ngành cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông; tiếp tục kiện toàn và duy trì mạng lưới cán bộ truyền thông; tổ chức tập huấn công tác truyền thông không chỉ cho cán bộ quản lý, mà còn cho cả đội ngũ giáo viên, nhân viên học sinh các cấp – đây chính là lực lượng truyền thông đông đảo để thực hiện nhiệm vụ truyền thông nội bộ, đồng thời thông tin nhanh nhất đến phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về tình hình giáo dục địa phương.

Mỗi địa phương, đơn vị lại có những cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông. Song, điểm chung và mấu chốt để công tác truyền thông thực sự hiệu quả là nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác truyền thông, cách thức truyền thông và thái độ hợp tác đúng với cơ quan báo chí. Truyền thông tốt sẽ giúp dư luận xã hội hiểu rõ những chủ trương đổi mới, những nỗ lực của ngành và cả những khó khăn, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó tăng cường phản biện từ xã hội, kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân với sự nghiệp đổi mới, phát triển GD&ĐT trên địa bàn./.

Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 20,889
Total visited in day: 8,056
Total visited in Week: 35,024
Total visited in month: 589,961
Total visited in year: 3,540,736
Total visited: 16,685,868