Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm học 2021-2022

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Năm học 2020-2021, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành, Sở GD&ĐT Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác (PBGDPL) trong nhà trường”, Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021, Kế hoạch số 2457/KH-UBND ngày 24/7/2017 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Việc triển khai PBGDPL của ngành tập trung vào những nội dung quan trọng, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng.

Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên: Nội dung PBGDPL được chú trọng vào các nhóm vấn đề chính là các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; hội nhập quốc tế; thực hiện quy chế dân chủ; khiếu nại, tố cáo; thi đua, khen thưởng; các quy định pháp luật mới liên quan như Luật Giáo dục, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống dịch bệnh; Luật Giáo dục, các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và các văn bản liên quan trực tiếp đến công tác chuyên môn của ngành.

Đối với người học: Nội dung giáo dục pháp luật được thực hiện qua chương trình môn học Đạo đức ở cấp tiểu học, môn học Giáo dục công dân ở cấp THCS và THPT, môn Pháp luật ở các trường chuyên nghiệp. Ngoài ra, các nội dung pháp luật liên quan còn được tích hợp ở một số môn học khác như các môn: Tự nhiên xã hội, Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, Sinh học, Giáo dục quốc phòng, an ninh. Sở GD&ĐT  chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường PBGDPL cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ, trải nghiệm, như tuyên truyền các bộ luật: Luật Giáo dục, Luật thanh niên, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, pháp luật về giao thông, pháp luật về phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội, các quy chế đào tạo, thi cử, rèn luyện đạo đức, lối sống…

Đối với cha mẹ người học: Nội dung PBGDPL tập trung vào việc phối hợp 3 môi trường: nhà trường-gia đình-xã hội trong quản lý và giáo dục học sinh, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục trật tự an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh Covid-19,…

Công tác PBGDPL trong ngành Giáo dục Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; củng cố và giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo  môi trường giáo dục lành mạnh. Nhiều trường học đã kiện toàn tổ chức, đội ngũ giáo viên dạy Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu công tác. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, điểm trung bình môn Giáo dục công dân đạt cao nhất trong 4 môn thi - 8,45 điểm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có 498 điểm 10, trong đó môn Giáo dục công dân có 421 điểm (84,5%).

Buổi ngoại khóa của thầy và trò trường trường THPT Thái Thuận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác PBGDPL vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong hoạt động PBGDPL chưa thường xuyên, sâu sát, kịp thời; vai trò của các đoàn thể đối với việc tham gia tuyên truyền pháp luật cho học sinh còn hạn chế. Các hoạt động ngoại khóa có nội dung PBGDPL trong thời gian qua tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng thời gian dành cho hoạt động còn ít, tài liệu hướng dẫn còn chưa phong phú, hiệu quả của hoạt động chưa cao. Việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật trong các đơn vị, trường học hiệu quả chưa cao, số lượt người sử dụng chưa nhiều, chưa quan tâm đến việc tìm đọc các văn bản quy phạm pháp luật, số lượt học sinh khai thác tủ sách pháp luật còn ít. Trình độ tuyên truyền của một số cán bộ, giáo viên được giao phụ trách công tác PBGDPL còn hạn chế.

Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chưa có ý thức thường xuyên tìm đọc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chỉ khi đứng trước các vấn đề có liên quan thì bắt đầu tìm hiểu, tìm đọc các tài liệu trên mạng Internet hay qua các báo điện tử, thư viện điện tử. Một số đơn vị trường học chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn Giáo dục công dân nên chưa có sự đầu tư, quan tâm thích đáng cho bộ môn; kinh phí phục vụ công tác PBGDPL còn hạn chế.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức và trách nhiệm công dân cho cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022, các đơn vị, nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, nhà trường trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Các đơn vị tiếp tục phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về PBGDPL trong các đơn vị, nhà trường; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tích cực, tính tự giác của người đứng đầu, của mỗi người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Đưa nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL vào kế hoạch năm học, xác định thực hiện tuyên truyền, PBGDPL là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và cá nhân; mặt khác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Các trường học nên phân công nhiệm vụ cho một lãnh đạo của đơn vị, nhà trường làm công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, gia đình người học về chính sách, quy định của pháp luật giáo dục đào tạo. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, nhà trường với cơ quan tư pháp, công an trên địa bàn để người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động được học tập, trải nghiệm thực tế, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Hai là, đổi mới nội dung tuyên truyền, PBGDPL. Các đơn vị xây dựng nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung tuyên truyền, PBGDPL về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tác động của chính sách, pháp luật; vai trò của giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và trách nhiệm của công dân trong việc tuân thủ pháp luật. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung nội dung tuyên truyền, PBGDPL trong các đơn vị, nhà trường; chỉ đạo giáo viên lồng ghép việc giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế; hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy và các hoạt động giáo dục trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ba là, đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả. Tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, học tập; xây dựng bài giảng theo hướng trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu và gắn liền với thực tiễn. Tổ chức “Ngày pháp luật” (ngày 09/11); tổ chức và tham gia tích cực các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa giả định; lồng ghép công tác tuyên truyền, PBGDPL qua các sinh hoạt tập thể trong nhà trường như tiết học dưới cờ, sinh hoạt lớp, ngày hội, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp, thiết thực nhằm thu hút sự tham gia của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các hoạt động tham quan, học tập thực tế về công tác PBGDPL; khuyến khích người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật tham gia xây dựng các tiểu phẩm, phóng sự, câu chuyện giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến việc học tập, giảng dạy, công việc của các nhóm đối tượng góp phần làm đa dạng, phong phú môi trường nghiên cứu, học tập trong các đơn vị, nhà trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử nội bộ của đơn vị, nhà trường. Nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên của tổ chức. Tổ chức vinh danh, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có sáng kiến, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, đồng thời nhân rộng các mô hình tiêu biểu về công tác tuyên truyền, PBGDPL trong địa bàn và toàn tỉnh.

Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp và công tác tuyên truyền, PBGDPL. Sử  dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng của mạng xã hội (Zalo, Youtube, Facebook, Twitter...) vào giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp và công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các đơn vị, nhà trường. Khuyến khích, huy động đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tham gia tuyên truyền, PBGDPL; đối tượng am hiểu pháp luật... tham gia tư vấn, giải đáp pháp luật. Tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL và giáo viên chủ nhiệm. Tùy thực tiễn của từng đơn vị, có thể mở chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, trường học; cập nhật, công khai nội dung tuyên truyền, PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, nhà trường; đồng thời thiết lập kênh thông tin liên lạc, diễn đàn, hội thảo trực tuyến về công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Năm là, xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, tủ sách pháp luật. Rà soát, chỉnh sửa để chuẩn hóa bộ tài liệu hỗ trợ, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp, kỹ năng sống. Xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, gồm: tài liệu dành cho người học; tài liệu dành cho nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; tài liệu dành cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin và các quy định mới về tuyên truyền, PBGDPL và quy định mới trong lĩnh vực giáo dục vào tài liệu PBGDPL cho phù hợp. Mặt khác, thường xuyên bổ sung tài liệu, sách pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách pháp luật và các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL; quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, gắn hoạt động khai thác của Tủ sách pháp luật với các phong trào, cuộc vận động nâng cao dân trí, văn hóa đọc trong cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật.

Sáu là, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, giáo viên chủ nhiệm, Tổng Phụ trách đội, Bí thư Đoàn; khuyến khích, huy động, lựa chọn người có trình độ, kiến thức và hiểu biết pháp luật để tham gia công tác PBGDPL và làm công tác pháp chế trong các đơn vị, nhà trường. Tổ chức các buổi tham quan, học tập thực tế tại các cơ quan, đơn vị thi hành pháp luật, cơ quan tư pháp nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng gắn với thực tiễn cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Hình thành mạng lưới đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên hạt nhân làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các khối thi đua và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; định kỳ tổ chức đối thoại, tọa đàm, trao đổi giữa những người làm công tác tuyên truyền, PBGDPL để chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hiệu quả; khắc phục những tồn tại, hạn chế; từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các đơn vị, nhà trường là nhiệm vụ quan trọng nhằm hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các đơn vị, nhà trường góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành giáo dục tỉnh nhà. Các cán bộ quản lý giáo dục cần nhận thức sâu sắc và có giải pháp thực hiện hiệu quả, sáng tạo, giáo dục pháp luật trong nhà trường theo phương châm kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; triển khai tổ chức bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng trong đơn vị, nhà trường đảm bảo hiệu quả, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay./.

NGƯT Lưu Hải An – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT

平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 23,211
Total visited in day: 6,725
Total visited in Week: 33,693
Total visited in month: 588,630
Total visited in year: 3,539,405
Total visited: 16,684,537