Thầy và trò trường TH Đức Thắng số 1 với thông điệp "Nói không với rác thải nhựa - sống xanh cho tương lai”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, năm học 2019 - 2020, trường tiểu học Đức Thắng số 1, huyện Hiệp Hòa đã triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Đưa không gian xanh vào trong trường học” bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực thể hiện tinh thần quyết tâm “Nói không với rác thải nhựa - Sống xanh cho tương lai”.

Có thể nói, vấn đề hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Song, thực tế việc hạn chế rác thải nhựa vẫn còn chưa tương xứng với kỳ vọng, đâu đó thói quen, cùng sự tiện ích làm cho việc sử dụng nhựa vẫn còn là một hành vi được xem như bình thường và khó có thể thay đổi. Ý thức được điều này, trong nhiều năm qua, thầy và trò trường tiểu học Đức Thắng số 1 từng bước đã có những giải pháp, cách làm phù hợp như không thả bóng bay hoặc kết bóng bay trang trí sân khấu, cổng trào cũng như không in khung bạt trong các dịp lễ tết, thay vào đó là các sản phẩm tự làm của các em học sinh được tận dụng chủ yếu từ vải vụn, giấy màu...

Một góc sân trường TH Đức Thắng số 1.

Với chủ đề của năm học 2019-2020, cùng với giáo dục cả nước, nhà trường đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ hơn, kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trong từng khối lớp đề xuất những sáng kiến giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Phong trào này càng “nóng” lên khi trường nhận được văn bản chỉ đạo của phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT về phát động phong trào thi đua đầu năm học 2019-2020 trong đó có nội dung chỉ đạo phong trào thi đua “Chống rác thải nhựa”.

Theo đó, ngay từ những ngày đầu tiên của năm học, nhà trường đã đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Bằng cách gửi thông điệp trong ngày khai giảng tới các các em học sinh, và phụ huynh. Nhà trường kêu gọi giáo viên và học sinh không dùng túi nilon, không sử dụng các đồ nhựa dùng 1 lần, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, tìm ra những giải pháp, ý tưởng, sản phẩm để hạn chế rác thải nhựa. Trường đã triển khai tới các giáo viên lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào giờ ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể lớp...

Bên trong lớp học.

Hưởng ứng phong trào, nhiều cán bộ giáo viên, nhân viên, nhiều lớp học của trường tiên phong “nói không với rác thải nhựa”. Xác định, muốn xây dựng một ngôi trường xanh phải bắt đầu từ không rác thải nhựa. Để “Nói không với rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng trong toàn trường và mang lại hiệu quả cao nhất, phải bắt đầu từ ý thức của mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên, mỗi cá nhân học sinh. Thầy cô giáo phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện để từ đó lan tỏa thông điệp ý nghĩa đó đến phụ huynh, học sinh. Nội dung này được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Phong trào thi đua “Chống rác thải nhựa” không dừng lại ở khẩu hiệu mà phải thông qua các việc làm thiết thực trong lớp học, trong các hoạt động tại trường.

Thông điệp “Nói không với rác thải nhựa” đã được truyền thông một cách phù hợp, khéo léo trong những tiết sinh hoạt dưới cờ, trong hoạt động ngoại khóa, hay những góc lớp, sân trường... Cùng đó, nhà trường tổ chức các cuộc thi vẽ tranh mang thông điệp "Nói không với rác thải nhựa - sống xanh cho tương lai”, sản phẩm của các cuộc thi đã tạo nên những khẩu hiệu tuyên truyền sinh động, có tác dụng trực tiếp tới hành vi của mỗi thầy cô và các em học sinh trong trường như, bằng những thông điệp ngắn gọn, nhưng có tính thiết thực, cô đọng như: “Đi chợ nhớ mang theo túi đựng”, “Mua đồ ăn sáng không dùng túi ni lông, vỏ hộp xốp”, “Thu gom rác đúng nơi quy định”...

Bản thân các thầy cô trong trường cũng trở thành những hình mẫu để các em học sinh noi theo như không sử dụng chai nhựa đựng nước, kể cả tại các buổi hội họp, hội nghị của nhà trường cũng đã không sử dụng chai nhựa đựng nước để thay vào đó là sử dụng ly thủy tinh, bình thủy tinh...

Bên cạnh truyền thông, để củng cố, duy trì phong trào, nhà trường tiếp tục phát động phong trào tái chế rác thải. Phong trào này đã tạo nên sân chơi ý nghĩa, bổ ích dành cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trong trường. Thực tế rác thải nhựa là loại rác thải khó phân hủy, vì vậy việc tái chế không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn là cách sáng tạo nên những vật dụng mới độc đáo, hữu ích trong cuộc sống. Phong trào đã góp phần hình thành thói quen, phản xạ có điều kiện thu gom rác thải nhựa để tái chế và hơn hết không để rác thải nhựa tồn tại trong tự nhiên.

Tùy theo hình dáng, kích thước của các vỏ nhựa, đồ nhựa được thu gom, các “kiến trúc sư” đã lên ý tưởng để để “hô biến” thành  các đồ dùng, vật dụng cho phù hợp. Đặc biệt, mỗi sản phẩm làm ra đều được giáo viên chủ nhiệm ghi lại hình ảnh để chia sẻ trên nhóm Zalo của trường. Nhóm mạng xã hội này cũng là nơi để mỗi cán bộ, giáo viên chia sẻ những ý tưởng mới, từ đó tạo ra một không khí thi đua sôi nổi. Khi được trải nghiệm thực tế qua việc thu gom vỏ nhựa để tái chế, học sinh rất hào hứng, thích thú.

Các thầy cô giáo cùng các em học sinh đã sáng tạo ra các vật dụng được tái chế từ nhựa rất đẹp và độc đáo. Ống hút làm ngôi nhà toán học, nắp chai tạo khung khẩu hiệu, bông hoa, dây leo trang trí cửa sổ, vỏ hộp sữa, can xà phòng, nước rửa bát, chai nước ngọt, đĩa CD... được chính những đôi bàn tay nhỏ bé của các bạn học sinh tạo nên một sức sống mới, gần gũi, thân thiện và có ý nghĩa. Đặc biệt các chậu trồng cây xanh, cây hoa treo cửa sổ, bình và hoa để bàn cô giáo, cây ngoài ban công được cắt tỉa độc đáo tạo nên không gian xanh tươi mát, sáng tạo trong từng lớp học.

Nhà trường luôn dành sự quan tâm lớn đến vấn đề bảo vệ môi trường, Liên đội thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Công tác giáo dục được cụ thể bằng những hoạt động trong giờ ra chơi như “1 phút sạch trường”. Hàng tháng tổ chức “Chủ nhật xanh” trong cán bộ giáo viên và các em học sinh lớp 4,5. Trường cũng phát động học sinh tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường. Các khẩu hiệu “Mắt thấy rác là tay nhặt liền” hay “Nhặt một cọng rác bạn đã làm cho trường, lớp sạch hơn” như một lời nhắc nhở các bạn học sinh. Thói quen này hình thành, được thực hiện hàng ngày, liên tục, thường xuyên trong trường học.

Từ nhận thức đến hành động, dù chỉ là những hành động rất nhỏ, nhưng trong tương lai, sẽ mang lại những thay đổi lớn hơn trong nhận thức về sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon của mọi người. Chúng ta cùng tin rằng, những hành động có ý nghĩa đó không chỉ bó hẹp trong trường học, mà sẽ lan tỏa tới từng gia đình và hơn thế, trong tương lai không xa sẽ lan tỏa tới toàn xã hội. Vì một thế giới không rác thải nhựa, để bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bảo vệ hệ sinh thái. Hãy cùng trường tiểu học Đức Thắng số 1 lan tỏa, chung tay hành động và kiên quyết nói KHÔNG với RÁC THẢI NHỰA! để sống xanh cho tương lai.

Nguyễn Thị Vân Thanh - HT trường TH Đức Thắng số 1, Hiệp Hòa

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,520
Tổng số trong ngày: 7,290
Tổng số trong tuần: 164,073
Tổng số trong tháng: 526,879
Tổng số trong năm: 2,850,330
Tổng số truy cập: 15,995,462