Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi (*)

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19/5/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội. Hôm nay là ngày đặc biệt, kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người. Chúng ta bằng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc tới công ơn của Người, không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Bộ Chính trị đã xác định.

Nhân dịp này, Ban Biên tập trân trọng trích dẫn nội dung trả lời của Bác với nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba) được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29/7/1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 03/8/1969 do Báo Nhân dân dịch và in lại, số 5643 ngày 27/9/1969. Qua bài phỏng vấn này, thêm một lần để chúng ta thấy được tư tưởng, tình yêu và sự hy sinh cả cuộc đời vì dân tộc cũng như lan tỏa tình cảm, sự đoàn kết quốc tế đồng lòng, chung sức đấu tranh, chống lại áp bức, bóc lột. Sau đây là toàn văn bài báo:

TÔI HIẾN CẢ ĐỜI TÔI CHO DÂN TỘC TÔI(1)

BUENOS DIAS(2)

Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và đối với miền Nam phải không? Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi.

Bây giờ tôi sẽ trả lời những câu hỏi của đồng chí và đồng chí muốn ghi như thế nào thì tuỳ ý. Chúng ta sẽ nói chuyện thân mật với nhau về nhiều vấn đề.

Ở Việt Nam có một câu nói phổ biến: miền Nam đi trước về sau. Câu nói này có nghĩa là miền Nam đấu tranh trước tiên chống quân xâm lược nước ngoài, nhưng miền Bắc lại được giải phóng trước, còn miền Nam sẽ được giải phóng sau.

Miền Bắc được giải phóng 25 năm rồi nhưng suốt cả thời gian ấy, miền Nam không được hưởng lấy một ngày hoà bình.

Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ Tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi.

Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ.

Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới, ví dụ như sự ủng hộ của nhân dân Cuba anh em.

Đồng chí hỏi ý nghĩa của sự đoàn kết quốc tế? Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. Đúng là trước hết chúng tôi phải dựa vào sức mình, song chúng tôi còn được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước khác. Và như vậy, chúng tôi vừa có cả sức mạnh của mình, vừa có cả sức mạnh của sự đoàn kết quốc tế. Chúng tôi thường tự nhủ: những người anh em Cuba ở ngay trước mũi bọn đế quốc Bắc Mỹ mà vẫn có thể đương đầu được với chúng, thì lẽ nào chúng ta, ở cách xa hàng nghìn dặm, lại không thể đấu tranh chống bọn Yăngki(3) và đánh thắng chúng.

Khi nhân dân Cuba ở phía bên kia quả đất tổ chức những cuộc mít tinh và biểu tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của chúng tôi, việc đó động viên chúng tôi rất nhiều, nhưng chúng tôi thích nhất vẫn là những bài diễn văn của đồng chí Phiđen.

Đồng chí thấy đấy, mặc dù chiến tranh rất ác liệt, nhân dân Việt Nam vẫn tiến lên. Điều này khó hiểu đối với người nước ngoài, nhưng nhân dân Cuba thì hiểu được, vì nhân dân Cuba cũng là nạn nhân của xâm lược, bao vây, và trong hoàn cảnh đó, nhân dân Cuba vẫn tiến lên trong sản xuất và trong mọi lĩnh vực.

Là một nước nhỏ và nghèo phải đương đầu với một nước lớn và giàu như Mỹ, chúng tôi vẫn giành được những thành tựu chưa từng có dưới những cuộc ném bom của bọn xâm lược Yăngki.

Chẳng hạn, phụ nữ đã đạt được những tiến bộ lớn. Hiện nay, chị em đang làm những nhiệm vụ và giữ những cương vị lãnh đạo mà trước đây họ chưa từng đảm đang. Chúng ta có thể gặp nhiều phụ nữ hiện đang làm chủ nhiệm hợp tác xã. Đồng chí có biết không, chị em làm còn có kết quả hơn nam giới, vì cánh nam giới khi thu được thành tích trong lao động thì hay tổ chức liên hoan chè chén, có khi tiêu quá cả số tiền đã làm thêm được. Phụ nữ không làm những việc như vậy.

Đồng chí đừng kể lại điều tôi vừa nói cho cánh nam giới biết đấy nhé, nhưng quả thật là phụ nữ làm việc rất tốt.

Các cháu thanh niên cũng đạt được nhiều tiến bộ. Các cháu đã hoạt động với một tinh thần yêu nước cao trong chiến đấu và trong các đội giao thông vận tải. Ngay cả các cháu thiếu nhi cũng lớn lên nhiều trong đấu tranh. Thiếu nhi làm nghìn việc tốt. Có một phong trào mang tên như vậy. Chúng tôi có thể kể nhiều mẩu chuyện về tinh thần dũng cảm của các cháu thiếu nhi đã hy sinh thân mình để cứu người khác, trong khi đó ở Mỹ, số thanh niên, thiếu niên phạm pháp mỗi ngày một tăng.

Đồng chí hỏi về những tiến bộ trong nông nghiệp?

Trước ngày giải phóng, năng suất lúa cao nhất ở đây là ba tấn một hécta. Hiện nay, ở tỉnh Thái Bình chẳng hạn, năng suất lúa đã lên đến năm tấn một hécta. Một số hợp tác xã nông nghiệp làm ruộng thí nghiệm với giống lúa do đồng chí Phiđen tặng, đã thu hoạch được mười tấn trên một hécta.

Đồng chí có biết không, tôi vừa được tin là gần đây có một số phụ nữ Việt Nam sinh ba. Đối với những trường hợp mà tôi được biết, tôi đều gửi quà cho các cháu bé.

Trên mọi lĩnh vực, chúng tôi đều tiến bộ và trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn.

Tôi muốn đồng chí chuyển về Cuba những lời sau đây: Tôi vô cùng yêu mến nhân dân Cuba. Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể nhân dân Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi. Chúc các bạn luôn luôn mạnh khoẻ và thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chúc các bạn thu được nhiều thành tựu trong mùa mía mười triệu tấn. Cho tôi gửi những cái hôn nồng nhiệt đến các cháu thiếu nhi và thanh niên. Đồng thời, tôi cũng chúc nhân dân các nước khác ở Mỹ latinh tự giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Yăngki. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và quyết chiến thắng. Chúng tôi đã nói như vậy và chúng tôi khẳng định lại như vậy.

Hasta la vista(4).

 

Báo Nhân dân, số 5643,

ngày 27-9-1969.”

 

(*) Nguồn tư liệu: Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 15, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, trang 674.

(1) Ngày 14-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba). Bài tường thuật buổi phỏng vấn này đã được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29-7-1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 3-8-1969, dưới đầu đề “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Báo Nhân dân dịch và in lại (BT).

(2) Chào buổi sáng (tiếng Tây Ban Nha) (BT).

(3) Tức là Mỹ, gọi một cách khinh bỉ (BT).

(4) Chào tạm biệt (tiếng Tây Ban Nha) (BT).

BBT

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,944
Tổng số trong ngày: 20,529
Tổng số trong tuần: 95,380
Tổng số trong tháng: 494,743
Tổng số trong năm: 3,445,518
Tổng số truy cập: 16,590,650