Trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Ngành Giáo dục Bắc Giang hiện có 762 cơ sở giáo dục, trong đó 250 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 209 trường THCS, 25 trường TH&THCS, 48 trường THPT, 09 trung tâm, 01 trường cao đẳng với 28.749 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh được củng cố, phát triển và quy hoạch hợp lý đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mỗi xã, phường, thị trấn đều có đủ các trường mầm non, tiểu học, THCS, mỗi huyện đều có từ 3 đến 4 trường THPT công lập, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; ngoài ra một số huyện còn có từ 01 đến 02 trường THPT ngoài công lập. Toàn tỉnh có 460.411 học sinh, trong đó 8.654 trẻ nhà trẻ, 105.774 trẻ mẫu giáo, 178.187 học sinh tiểu học, 108.418 học sinh THCS, 52.791 học sinh THPT, 6.330 học sinh giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Trước đây, khi đề cập đến khái niệm tổ chức hội nghị, hội thảo hay các hoạt động tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên, tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập, chúng ta đều chỉ nghĩ tới và tập trung vào hình thức tổ chức “trực tiếp”. Nghĩa là xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức, lựa chọn địa điểm tổ chức phù hợp (Hội trường, lớp học, phòng họp, phòng hội thảo,…). Tất cả các hoạt động đều diễn ra trong không gian “cứng” đã được lựa chọn theo kế hoạch, số lượng người tham gia sẽ bị hạn chế (Theo không gian được lựa chọn sẵn; việc bổ sung thêm người tham gia các hoạt động này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình chuẩn bị; với hoạt động dạy học, đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, đến tâm lý học sinh, đến cả người thực hiện, tổ chức hoạt động,…). Một hội nghị hay hội thảo toàn ngành có thể liên quan đến sự di chuyển của hàng trăm và có thể hàng nghìn cán bộ quản lý và giáo viên để đến được địa điểm tổ chức kéo theo sự lãng phí rất lớn đến nguồn kinh phí mà mỗi cá nhân, đơn vị phải bỏ ra và thời gian di chuyển cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của các đơn vị, nhà trường và toàn ngành. Trung bình mỗi năm, ngành Giáo dục tổ chức khoảng trên 80 hội nghị, trong đó một số hội nghị lớn toàn ngành như: Hội nghị triển khai nhiệm vụ các cấp học (khoảng 6 hội nghị), giao ban giữa học kỳ (2 hội nghị), sơ kết học kỳ I, tổng kết năm học, tuyên dương học sinh giỏi quốc gia, tập huấn cho chủ tài khoản và kế toán về nghiệp vụ quản lý tài chính,... Các phòng thuộc Sở tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề triển khai nhiệm vụ các cấp học (trung bình 5 hội nghị/9 phòng/năm),…

Điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo.

Hình thức trực tuyến không còn quá mới mẻ nhưng các lĩnh vực áp dụng vẫn còn hạn chế. Từ năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai và vận hành thường xuyên Hệ thống hội nghị truyền hình, Hệ thống Hội nghị họp trực tuyến từ Sở Giáo dục và Đào tạo với 21 điểm cầu (10 điểm cầu tại các trường THPT và 10 điểm cầu tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo và 01 điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo). Hệ thống này đã phát huy tác dụng tốt và hoạt động thường xuyên, hiệu quả, tuy nhiên chỉ đảm bảo phục vụ cho công tác triển khai các Hội thảo, Hội nghị và hoạt động chuyên môn với quy mô vừa và nhỏ, dành cho đối tượng giáo viên và cán bộ quản lý. Chưa thể đáp ứng nhu cầu mở rộng tới các hoạt động quy mô lớn, số lượng đông như toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp học (khoảng 28.000 người) và học sinh (khoảng 340.000 học sinh có thể tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến).

Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây cũng là năm ngành Giáo dục tập trung cao chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong điều kiện khó khăn như vậy toàn ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, duy trì các hoạt động giáo dục. Bởi vậy, dù dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình dạy học và tất cả các hoạt động giáo dục toàn ngành, song các phòng thuộc Sở đã chủ động, tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch thời gian năm học phù hợp, chỉ đạo hoàn thành chương trình đúng tiến độ. Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, hầu hết các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hội họp, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, triển khai nhiệm vụ của ngành đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa tăng số lượng người dự và bảo đảm phòng, chống Covid-19 hiệu quả.

Hội nghị tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới tới trên 500 điểm cầu và hơn 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên.
Cán bộ quản lý, giáo viên có thể ở tại nhà, tại phòng làm việc để tham dự hội nghị của ngành.

Ngành đã chủ động nghiên cứu tổ chức các hình thức dạy học cho học sinh, sinh viên bảo đảm không đến trường song không ngừng việc học, như dạy học trực tuyến, qua internet, dạy học trên truyền hình, và các hình thức khác để bảo đảm nội dung chương trình năm học nếu học sinh phải nghỉ học kéo dài; chỉ đạo các nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh thông qua nhiều hình thức trực tuyến để quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học. Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn kế hoạch dạy học khi học sinh phải tạm dừng đến trường. Trong 3 tháng học sinh không thể đến trường vì giãn cách xã hội bảo đảm phòng, chống dịch, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tổ chức dạy học cho học sinh, như dạy học qua truyền hình, giáo viên đem tài liệu học tập, bài giảng đến tận nhà cho học sinh, trong đó giải pháp dạy học trực tuyến đã được triển khai khá hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến cho học sinh với các kịch bản, phương án. Nhiều nhà trường, giáo viên đã nỗ lực khai thác các hình thức dạy học trên mạng internet qua các phần mềm như Zoom Meeting, Google Meeting, Skype,... Tuy nhiên các hình thức này cũng có một số hạn chế, đặc biệt là không đảm bảo an toàn trong quá trình dạy học như báo chí đã phản ánh. Khắc phục những tồn tại đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ đường truyền băng thông rộng cho các nhà trường, cấp thêm tài khoản 3G, 4G cho cha mẹ học sinh, học sinh truy cập internet để học trực tuyến miễn phí. Đặc biệt, đề nghị Microsoft Việt Nam khởi tạo tài khoản cho 20.009 cán bộ, giáo viên và 329.243 học sinh triển khai các hoạt động giáo dục, dạy học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams; tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập qua internet. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức dạy ôn tập cho HS lớp 9 với 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh để các em đủ kiến thức tham gia các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp lớp 12.

Gần 16.000 giáo viên, học sinh từ các trường THCS trong tỉnh tham gia tiết học hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời.
Trực tuyến Lễ phát động Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời tại huyện Việt Yên tới hơn 1.000 điểm cầu trong toàn tỉnh...

Nỗ lực tổ chức các hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua các hình thức trực tuyến. Đã có hơn 15.000 lượt giáo viên, cán bộ quản lý được tham gia và hoàn thành các lớp tập huấn modul 1 trước khi bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1, năm học 2020-2021; hiện đang tiếp tục triển khai modul 2 và 3 theo hình này.

Hình ảnh trong một buổi sinh hoạt chuyên môn được phát đi từ điểm cầu trường TH Bích Sơn, huyện Việt Yên.
Giáo viên quan sát, dự giờ từ xa tại các nhà trường.

Trong 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 14 cuộc hội nghị, hội thảo; 13 chương trình/ buổi tập huấn chuyên môn; 44 chương trình/ buổi bồi dưỡng thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1; 15 cuộc bồi dưỡng giáo viên lớp 1 thực hiện chương trình mới; 07 cuộc tuyên truyền cải cách hành chính, tập huấn, triển khai giáo dục pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới; 01 Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cá nhân, tổ chức về cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; 9.900 tiết dạy trực tuyến; 18 cuộc sinh hoạt chuyên môn đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho lớp 1. Dự tính số kinh phí tiết kiệm được so với tổ chức hình thức trực tiếp là trên 7 tỉ đồng.

Với sự hỗ trợ tích cực của các hình thức trực tuyến, các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019-2020 và năm 2020 của ngành đã được chỉ đạo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 99,16%; nhiều đơn vị có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%; điểm trung bình nhiều môn bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung toàn quốc. Kết quả xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và Cổng thông tin điện tử trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đạt chỉ số 0.8760 - loại Tốt, xếp thứ 02/20 về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh (tăng 2 bậc so với năm 2019); Cổng thông tin điện tử đạt 96 điểm - loại Tốt, xếp thứ 1/19 khối các sở, ban, ngành của tỉnh (tăng 2 bậc so với năm 2019); tỉ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh đạt 89,50% (năm 2019 là 84,89%); tỉ lệ đáp ứng so với mong đợi (các nhà trường đáp ứng bao nhiêu % sự mong đợi của người dân) đạt 95,52% (tăng 4,8% so với năm 2019). Công tác cải cách hành chính năm 2020 được duy trì tốt.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua là đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới sáng tạo năm học 2019-2020.

Qua thực tiễn triển khai và những kết quả mà ngành đã đạt được, có thể khẳng định việc áp dụng hệ thống trực tuyến trong cải cách hành chính, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn học tập, giảng dạy, … là bước đi phù hợp. Ngành Giáo dục coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Quá trình triển khai áp dụng hoạt động trực tuyến trong quản lý, điều hành, dạy và học vừa qua cho thấy ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời khẳng định phương thức trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Bắc Giang là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đi lại giữa các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, với hệ thống trực tuyến, mọi công việc được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần cải cách hành chính, nâng cao niềm tin, sự hài lòng của người dân với giáo dục./.

BBT.NVN

平均 (0 票)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 21,209
Total visited in day: 8,103
Total visited in Week: 35,071
Total visited in month: 590,008
Total visited in year: 3,540,783
Total visited: 16,685,915