Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn: 60 năm xây dựng và phát triển - Xứng danh Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn ra đời vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, trong bối cảnh đất nước còn chia cắt hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc bắt đầu công cuộc kiến thiết đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Chủ trương thành lập Trường Thanh niên dân tộc huyện Lục Ngạn là nhằm xây dựng một cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí cho con em các dân tộc vùng cao, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc kiến thiết quê hương. Nó thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quan tâm, phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục miền núi, tạo cơ hội tiếp cận tri thức công bằng giữa các vùng miền. Trải 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường xứng danh Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn tiền thân là Trường Thanh niên dân tộc huyện Lục Ngạn được thành lập năm 1960. Có thể nói, lịch sử nhà trường gắn liền với hoàn cảnh lịch sử của đất nước, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đầy gian nan thử thách nhưng rất đáng trân trọng và tự hào.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn

Ngày đầu mở trường, dựng lớp, dạy học trong chiến tranh (1960-1975)

Tháng 4/1960, Trường Thanh niên dân tộc huyện Lục Ngạn được thành lập, địa điểm trường đặt tạm tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (bên bờ sông Lục Nam) do thầy Lê Xuân Sơ (là đảng viên duy nhất) được cử làm Hiệu trưởng chính thức đầu tiên của nhà trường cùng với 2 thầy giáo và 3 nhân viên hành chính cấp dưỡng.

Tháng 2/1961, nhà trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên với tổng số 63 học sinh các dân tộc của huyện Lục Ngạn và một số xã lân cận của huyện Lục Nam, trong đó có 07 học sinh nữ, 04 học sinh dân tộc Kinh còn lại là học sinh 7 dân tộc anh em của hai huyện Lục Ngạn và Lục Nam. Hầu hết học sinh trong độ tuổi thanh niên, từ 20 - 30 tuổi, là cán bộ Đoàn Thanh niên, cán bộ hợp tác xã, được lựa chọn, cử đi học theo chỉ tiêu của tỉnh. Nhà trường chia học sinh thành 3 lớp, học theo chương trình hệ bổ túc văn hóa cấp I (từ lớp 1 đến lớp 3), ăn ở, sinh hoạt tập trung; chế độ ăn, học do Nhà nước chu cấp. Bên cạnh tổ chức dạy - học, nhà trường còn tổ chức tăng gia sản xuất nông nghiệp (hơn 02 mẫu ruộng trồng lúa, hơn 05 mẫu đất bãi ven sông trồng hoa màu; vay vốn ngân hàng để mua lợn, gà chăn nuôi...) đạt kết quả rất tốt. Đến năm học 1962-1963, Trường Thanh niên dân tộc nội trú Tân Sơn chính thức đi vào hoạt động dành cho học sinh 7 xã vùng cao, khi đó Trường Thanh niên dân tộc huyện Lục Ngạn được đổi tên thành Trường Thanh niên dân tộc Chũ.

Học trò hôm nay.

Năm 1963, Ủy ban hành chính huyện Lục Ngạn quyết định chuyển trường về địa điểm mới tại thôn Trại Một, xã Quý Sơn, nơi có đất đai rộng hơn để thuận lợi cho việc tổ chức tăng gia sản xuất. Tại đây, nhà trường tiến hành xây dựng lại cơ sở vật chất, trường lớp học và nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, do đất đai khô cằn, sản xuất khó khăn, lao động hiệu quả thấp, cuộc sống sinh hoạt quá thiếu thốn... nên học sinh bỏ học nhiều.

Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, đất nước chuyển sang thực hiện chính sách thời chiến. Để đảm bảo an toàn cho thầy và trò, đồng thời giải quyết những khó khăn thách thức của nhà trường, Ủy ban hành chính huyện Lục Ngạn quyết định chuyển trường về địa điểm hiện tại thôn Bãi Bằng (nay là thôn Bằng Công), xã Kiên Thành. Nhiệm vụ xây dựng mới cơ sở vật chất, trường lớp học, nơi ăn ở cho thầy và trò được thực hiện ban đầu chủ yếu là nhà tạm tranh tre nứa lá. Đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cực kỳ khó khăn. Song với lòng yêu nghề, gắn bó với con em các dân tộc vùng cao Lục Ngạn, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đã trở thành người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa và chống giặc Mỹ phá hoại miền Bắc.

Thời điểm những năm1967-1970, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Hầu hết thanh niên học sinh trong độ tuổi đều lên đường ra trận. Thậm chí, cả các thầy giáo cũng sẵn sàng nêu gương anh dũng, tạm gác bút nghiên lên đường đánh giặc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tiêu biểu là thầy Hiệu trưởng Dương Ngọc Thỉnh (nhập ngũ tháng 5/1970); thầy giáo, liệt sỹ Đỗ Xuân Đường (huyện Gia Lương, Bắc Ninh nhập ngũ 5/1970), thầy Ngô Văn Rễ (quê Lục Ngạn)... và nhiều tấm gương các thầy giáo khác.

Năm 1970 là năm khó khăn đỉnh điểm của nhà trường bởi đội ngũ lãnh đạo, giáo viên nhà trường biến động, khuyết thiếu và chưa được kiện toàn kịp thời. cơ sở vật chất nhà trường ngày càng cũ nát và xuống cấp, thực phẩm nuôi học sinh ăn học ở mức cầm cự tối thiểu.

Ngày 02/7/1970, đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Bắc, Ty Giáo dục Hà Bắc và lãnh đạo huyện Lục Ngạn về thăm trường. Trực tiếp gặp mặt, trò chuyện và thấy được những khó khăn to lớn của thầy và trò nhà trường, đồng chí Tố Hữu nói: "Hiện nay, nhà trường khó khăn như thế, phải bán bò đi để sống. Vậy thì theo các đồng chí có nên duy trì trường này nữa không?". Khi thấy cả thầy và trò đều tỏ lòng quyết tâm vượt khó để giữ trường, đồng chí Tố Hữu khen: "Đây là loại trường học dũng cảm!". Đồng thời, đồng chí chỉ đạo tỉnh Hà Bắc và huyện Lục Ngạn phải giải quyết ngay, giải quyết đầy đủ các chế độ trợ cấp đời sống cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường. Tháng 9/1970 thầy Trần Đoàn Dương được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường. Nhà trường họp hội đồng sư phạm với quyết tâm thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp trên: Lùi thời gian khai giảng vào ngày 15/9, cử giáo viên đi đến từng xã, từng nhà chiêu sinh, kết quả có trên 200 học sinh cả cũ và mới trở lại trường và khai giảng đúng theo kế hoạch. Những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được của nhà trường đã dần được tháo gỡ; hoạt động của nhà trường đi vào ổn định và khởi sắc.

Trong suốt 15 năm đất nước có chiến tranh, là 15 năm các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn kiên cường nỗ lực vượt lên mọi gian khó. Thành công của nhà trường đã trở thành một mô hình kiểu mẫu của các trường thanh niên dân tộc nội trú trên cả nước, góp phần xây dựng nền móng truyền thống nhà trường XHCN. Liên tục từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhà trường được công nhận đơn vị Lao động XHCN, trở thành địa chỉ tin cậy để nhân dân các dân tộc gửi gắm con em ăn học, trường là mái nhà chung đoàn kết và yêu thương của các dân tộc huyện Lục Ngạn.

Vượt qua khó khăn thời hậu chiến, giành vị trí lá cờ đầu (1975-1985)

Mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhà trường vẫn duy trì được sự ổn định trong mọi hoạt động. Song, hòa bình chưa được bao lâu, năm 1978 - 1979, cả nước phải tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Hàng nghìn thanh niên Lục Ngạn lại hăng hái ra trận, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ toàn vẹn bờ cõi nước nhà. Trong đó, nhiều học sinh nhà trường đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường, nhiều người đã anh dũng hi sinh. Đặc biệt tự hào có chiến sỹ Lý Trung Phẩm (dân tộc Sán Chí, xã Kiên Lao), nguyên là học sinh nhà trường, đã lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận biên giới phía Bắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong giai đoạn này, khi các chế độ bao cấp lương thực cho học sinh trường dân tộc nội trú không còn, nhiều trường Thanh niên dân tộc trên cả nước đã không thể trụ vững, phải giải thể. Nhưng trường Thanh niên dân tộc Chũ nhận được sự trợ giúp của nhân dân và các cấp lãnh đạo đã từng bước vượt qua được những ngày tháng bấp bênh. Năm 1981, sau gần 20 năm hoạt động, Trường Thanh niên dân tộc vùng cao Tân Sơn được Ủy ban hành chính huyện sáp nhập về Trường Thanh niên dân tộc Chũ, nhà trường được đổi tên thành Trường Thanh niên dân tộc Lục Ngạn và trở thành lá cờ đầu của ngành học bổ túc văn hóa tập trung tỉnh Hà Bắc và của cả nước (giai đoạn 1976 - 1980), là đơn vị tiên tiến, đơn vị lao động XHCN liên tục qua các năm. Năm 1985, nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tiếp tục vươn lên - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1986-2000)

Tháng 12/1986, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới, mở cửa để phát triển đất nước. Với quyết tâm kiên cố hóa trường lớp học để phát triển ổn định lâu dài, các thế hệ thầy và trò đã ra sức vừa học vừa làm, tự đắp đất, đào ao, nung gạch ngói xây dựng trường lớp; thuê, mượn ruộng đất để mở rộng diện tích trồng lúa, hoa màu và vải thiều với hàng chục héc ta; đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, ao cá để cải thiện và nâng cao đời sống.

Năm 1992, trường được đổi tên thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn. Trong công tác giáo dục, nhà trường đặc biệt coi trọng xây dựng, củng cố nền nếp kỷ luật, kỷ cương đối với thầy cô giáo và học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được duy trì ổn định và ngày một nâng lên. Hầu hết học sinh ra trường trở thành nguồn cán bộ và lực lượng lao động quan trọng cho các địa phương, các cơ sở. Không gian sư phạm nhà trường luôn được chăm sóc xanh, sạch, đẹp, trở thành mẫu hình cho các trường DTNT ở trong và ngoài tỉnh đến học tập.

 Với những kỳ tích trong thi đua lao động, xây dựng và phát triển, nhà trường liên tục vinh dự được tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phòng trào thi đua (1989 - 2000); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 1998); tiếp tục 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1995), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1998). Tháng 9/2000, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1986-1999).

Cô và trò năm 1998.

Danh hiệu Anh hùng Lao động là kết tinh thành quả tuyệt vời của sức lao động, tâm huyết, trí tuệ, sự công hiến, phấn đấu thi đua phi thường của lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh nhà trường; là khúc ca hào hùng về mái trường XHCN trên quê hương Lục Ngạn.

Tiếp nối truyền thống Anh hùng, vững vàng tốp đầu khối THPT toàn tỉnh (từ năm 2001 đến nay)

Tiếp nối truyền thống đơn vị Anh hùng, các thế hệ thầy cô giáo trong thời điểm hiện tại luôn nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong công tác giáo dục học sinh dân tộc, vượt qua khó khăn thi đua dạy tốt, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Nhiều thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và là tấm gương đạo đức, nỗ lực vươn lên cho các em học sinh noi theo. Các nền nếp truyền thống đẹp đẽ của nhà trường vẫn được các thầy cô và cán bộ, nhân viên gìn giữ, phát huy. Với sự cải thiện về cơ sở vật chất cùng với sự phát triển trong hiệu quả dạy học mà trường đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia năm 2003 và liên tục giữ vững.

Học sinh trong nhà trường ngày nay ở 2 cấp THCS và THPT, thuộc 8 dân tộc anh em trong huyện Lục Ngạn: Nùng, Tày, Dao, Sán Chí, Sán Dìu, Cao Lan, Hoa, Kinh được tuyển sinh từ các thôn, xã đặc biệt khó khăn của Huyện Lục Ngạn. Các em luôn được trau dồi tư tưởng đạo đức chính trị, nhận thức sứ mệnh của bản thân, trách nhiệm với xã hội, với gia đình và được tạo điều kiện tốt nhất phát huy  năng lực cá nhân; dám mơ ước và vượt lên hoàn cảnh khó khăn để thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, học nghề yêu thích, nỗ lực vươn lên không thua kém các trường THPT trong tỉnh. Từ năm học 2016-2017 đến nay điểm thi trung bình THPT quốc gia luôn trong top 3 trên toàn tỉnh. Nhiều học sinh thi đỗ và theo học tại các trường đại học danh tiếng như Học viện An ninh, Đại học Bách khoa, Đại học Y… Một số học sinh có điểm học tập tốt trong trường đại học được sang nước ngoài tiếp tục học tập, làm việc hứa hẹn một thế hệ học sinh sẵn sàng tham gia với vai trò công dân toàn cầu.     

Với những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ thầy cô và các em học sinh trong những năm qua nhà trường mà nhà trường đã được ghi nhận và khen thưởng nhiều thành tích: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT 2 lần tặng bằng khen (2007, 2019); Bộ trưởng - Chủ Nhiệm Ủy ban Dân tộc 2 lần tặng bằng khen (2010, 2019); Chủ tịch UBND tỉnh 3 lần tặng bằng khen (năm 2003, 2017,2019); 3 lần được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Bắc Giang (2009, 2019, 2020). Và năm 2020 nhà trường vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Đây là sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo đối với những thành tích liên tục mà thầy trò nhà trường gặt hái được trong giai đoạn này, đóng góp vào bề dày thành tích của nhà trường trong suốt 60 năm qua.

Dù thế nào cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt...

60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được hàng nghìn học sinh là con em 8 dân tộc trong huyện tốt nghiệp THCS và THPT tiếp tục trưởng thành, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho địa phương. Hiện nay, nhà trường có hàng trăm học sinh đã trưởng thành và đang đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo tại các Sở, ban, ngành địa phương và trong cả nước. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở về địa phương cũng đã rất thành công trong lập nghiệp, trong kinh doanh, sản xuất, phát triển kinh tế tại gia đình, dù ở đâu, với cương vị nào các anh chị cựu học sinh nhà trường cũng luôn phát huy tốt kỹ năng sống, kiến thức văn hóa và phẩm chất, cốt cách, đạo đức của học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn.

Cũng 60 năm ấy, nhà trường đã có hơn 400 trăm lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác tại nhà trường; nhiều đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng, được tặng danh hiệu cao quý: tiểu biểu như thầy giáo Lê Xuân Sơ, thầy giáo Thân Văn Mưu, Nhà giáo Ưu tú Ngô Thị Nguyệt, thầy giáo Trương Thanh Giảng và rất nhiều thầy cô giáo khác nữa. Khi công tác tại trường các thầy cô giáo tận tụy hết mình và đóng góp công lao to lớn trong công tác giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh, tạo dựng và phát triển nhà trường; khi chuyển đến những nơi công tác mới, các đồng chí đều phát huy năng lực, phẩm chất và truyền thống của người cán bộ, giáo viên trường  Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn.

Trong nhiều năm qua, nhà trường vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp từ Trung ương, Tỉnh và huyện về thăm: Đồng chí Nguyễn Thị Bình - Nguyễn Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Tố Hữu - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, đồng chí Phạm Minh Hạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Đồng chí Cư Hòa Vần - Chủ tịch hội đồng Dân tộc; đồng chí Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, và nhiều đồng chí Lãnh đạo tỉnh, huyện luôn quan tâm đến thầy và trò nhà trường.

Sự tồn tại và phát triển của nhà trường đã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục miền núi, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua 60 năm, từ Trường Thanh niên Dân tộc huyện Lục Ngạn, trở thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn, dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của Sở GD&ĐT Bắc Giang, các thế hệ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo cùng các thế hệ học sinh nhà trường đã nối tiếp nhau xây dựng nên một ngôi trường khang trang như ngày hôm nay, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc Lục Ngạn.

Song hành với lịch sử của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh, với hai lần chuyển địa điểm, từ Nam Dương sang Quý Sơn, rồi đến Kiên Thành, nhà trường được lãnh đạo địa phương rất quan tâm, từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp, khu sinh hoạt tập trung cho học sinh, đến nay nhà trường có cơ ngơi khang trang, đầy đủ thiết bị học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc với khu lớp học, khu ký túc, khu nhà ăn, sinh hoạt tập thể... Vượt qua vô vàn khó khăn của những năm chiến tranh, nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách vận động học sinh vượt núi, vượt đèo đến trường, thu hút học sinh bằng chính chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh tận tình của cán bộ, giáo viên. Nhà trường không những không rơi vào tình trạng giải thể như nhiều trường thanh niên dân tộc khác, mà vẫn giữ vững quy mô, chất lượng giáo dục, vươn lên trở thành điểm sáng của giáo dục dân tộc cả nước. Từ ngày đầu thành lập chỉ với 63 học sinh cơ bản của 7 dân tộc huyện Lục Ngạn, Lục Nam với 3 lớp, học theo chương trình hệ bổ túc văn hóa cấp I (từ lớp 1 đến lớp 3), đến nay nhà trường đã thu hút về đây theo học gần 450 học sinh của 8 dân tộc anh em huyện Lục Ngạn, với 14 lớp học sinh của 8 khối từ lớp 6 đến lớp 12 (cả cấp THCS và THPT). Từ ngày đầu thành lập chỉ có 3 cán bộ giáo viên và 3 nhân viên cấp dưỡng, tới nay nhà trường đã có 50 cán bộ, giáo viên vừa giảng dạy vừa tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc cho 100% học sinh ở nội trú, để người dân yên tâm gửi con em theo học. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được duy trì ổn định và ngày một nâng lên, trường luôn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của ngành học bổ túc văn hóa tập trung tỉnh Hà Bắc và của cả nước giai đoạn 1976-1980, là đơn vị tiên tiến, đơn vị Lao động xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cho đến nay đây vẫn là một trong hai ngôi trường được công nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới của ngành Giáo dục Bắc Giang.

Năm 2020 nhà trường kỉ niệm 60 năm ngày thành lập. Phấn khởi, tự hào với thành quả đã đạt được trong những năm qua, các thế hệ thầy và trò hôm nay nguyện tăng cường đoàn kết, phát huy thật tốt truyền thống Anh hùng vẻ vang của nhà trường, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt. Nhà trường xác định rõ mục tiêu phát triển và nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, củng cố nâng cao vị thế của nhà trường trong giai đoạn mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích của Ngành Giáo dục Bắc Giang, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện, tỉnh, cho đất nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của một trường dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng học sinh để các em phát triển toàn diện, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trí lực cho đất nước và cho chính quê hương mình. Cùng với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Lục Ngạn, nhà trường tích cực tìm kiếm giải pháp để tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện để giáo dục Lục Ngạn phát triển tương xứng với tiềm năng và đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lục Ngạn ngày hôm nay.

Đồng chí Lê Ô Pich - UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhà trường.
Đồng chí Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa, chúc mừng nhà trường nhân dịp kỷ niệm.

TTH, VP Sở

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17,622
Tổng số trong ngày: 19,826
Tổng số trong tuần: 19,825
Tổng số trong tháng: 228,805
Tổng số trong năm: 3,179,580
Tổng số truy cập: 16,324,712