Tự hào truyền thống vẻ vang của Nhà giáo Việt Nam để thêm vững tin trong hành trình gieo chữ

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Chúng ta đã biết sự ra đời của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới. Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (Pháp). Năm 1954 với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo” và tại Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”.

Ở Việt Nam, với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20 /11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước, sự tôn vinh của nhân dân đối với những người làm nghề dạy học. Đây cũng là dịp để nhân dân và các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình. Từ đó đến nay, ngày 20/11 đã trở thành ngày hội lớn của các Nhà giáo Việt Nam.

Song không phải đến thời đại mới chúng ta mới tôn vinh nghề dạy học. Hiếu học và tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những câu nói vô cùng quen thuộc trong nhân dân đã khẳng định vai trò to lớn của người thầy trong việc giáo dục, nâng cao tri thức, định hướng hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người: Không thầy đố mày làm nên; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư... Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có biết bao gương nhà giáo uyên thâm về tri thức, mẫu mực về nhân cách, lấy tâm đức để dạy người, để lại cho đời bài học về nhân cách, ứng xử và bản lĩnh, khí tiết thanh cao. Đó là nhà giáo Chu Văn An đời Trần - bậc túc Nho thông tuệ, nổi tiếng về khí tiết và bản lĩnh với Thất trảm sớ đòi xử chém 7 gian thần hại nước, hại dân; người được ngợi ca là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Đó là nhà giáo lỗi lạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Lê – Mạc, tính tình cương trực, không màng danh lợi, hiểu rõ lẽ “xuất xử hành tàng”, đã lui về mở trường dạy học để giữ tiết tháo của một bậc hiền nhân. Đó là cụ Đồ đất Gia Định - Đồng Nai Nguyễn Đình Chiểu, một nhà giáo mẫu mực lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ, một nhà thơ yêu nước cuối thế kỷ XIX đã nêu một tấm gương sáng ngời về nghị lực và tinh thần bất hợp tác với kẻ thù; người đã tự tìm ra cho mình con đường sáng từ trong bóng tối. Và còn biết bao tấm gương nhà giáo mẫu mực như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn đã giáo hóa nhiều lớp học trò thành đạt; nhà giáo - nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn kiến thức uyên thâm; nhà giáo Cao Bá Quát – bậc anh hùng trong tâm trí nhân dân với nhân cách thanh cao “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”... Và không thể không kể đến gương nhà giáo đầu thế kỷ XX, đồng thời là chí sĩ yêu nước, “đấng xả thân vì độc lập, niềm tôn kính của hơn 20 triệu người Việt Nam” khi ấy - Phan Bội Châu; các nhà giáo Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai... đã nêu tấm gương sáng về học vấn uyên bác, về phương pháp sư phạm xuất sắc và lòng nhân hậu đối với học sinh… Nói đến tấm gương nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử dân tộc còn phải kể đến thày giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, yêu nước, thương dân, dành trọn đời tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người là hiện thân cho sự kết tinh những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, Người đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển giáo dục với quan điểm chiến lược: Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, và “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.  

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu - Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ôn lại lịch sử nhà giáo, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo vô danh đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò. Các thế hệ nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ những lớp Bình dân học vụ diệt giặc dốt đến những lớp học ban đêm, những lớp học dưới hầm sâu, dưới tầm bom đạn Mỹ, chúng ta đã xây dựng nên một nền giáo dục thời đại mới. Hòa cùng đội ngũ giáo giới cả nước, hàng ngàn thầy giáo, cô giáo của tỉnh Hà Bắc xưa, Bắc Giang ngày nay đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường chiến đấu. Nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Năm 1968, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Công đoàn Giáo dục đã vận động nhà giáo tổ chức giảng dạy, tham gia quản lý nhà trường phù hợp với tình hình thời chiến và làm tròn nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, trên 800 giáo viên tham gia vào đội quân thường trực trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Các Đại đội mang tên Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ,... lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu. Lực lượng nhà giáo cách mạng ở vùng giải phóng và vùng tạm chiếm luôn luôn là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng, duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục; nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc; có nhà giáo đã anh dũng hy sinh. Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, các nhà giáo đã khắc phục muôn vàn khó khăn, sơ tán, phân tán trường học, đào hầm hào đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Nhiều nhà giáo đã vượt qua làn bom đạn ác liệt của kẻ thù để đến trường giảng dạy và học tập, nhiều nhà giáo đã hi sinh. Cùng với tinh thần hy sinh của biết bao nhà giáo, hàng ngàn cán bộ, giáo viên đã tình nguyện đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng đến vùng hẻo lánh, đặc biệt khó khăn từng ngày, từng giờ đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và khắp mọi miền Tổ quốc với tinh thần sẵn sàng tất cả “vì học sinh thân yêu”. Những người thầy cầm súng ấy đã góp phần viết nên pho sử vàng về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, sự hy sinh xả thân vì Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và tri ân những tấm gương nhà giáo - chiến sĩ đã góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tham gia xây dựng nền giáo dục Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đội ngũ thầy giáo, cô giáo cả nước nói chung, đội ngũ nhà giáo Bắc Giang nói riêng tiếp nối truyền thống, tiếp tục có đóng góp trong hành trình “gieo chữ”, trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo và tự học”... đóng góp to lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Có thể khẳng định rằng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi trọng và đánh giá cao những cống hiến của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ thống giáo dục Hà Bắc (nay là Bắc Giang) đã phát triển rộng khắp và thực hiện cải cách, thống nhất theo hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 1983, Ty Giáo dục Hà Bắc đổi thành Sở GD&ĐT Hà Bắc. Thời kỳ đó xuất hiện nhiều phong trào điển hình như phong trào xây dựng cơ sở vật chất trường học ở huyện Yên Dũng, phong trào áo lụa tặng bà ở huyện Việt Yên, phong trào Trần Quốc Toản ở huyện Tân Yên, phong trào xã hội hoá giáo dục ở huyện Việt Yên... Mạng lưới trường lớp không ngừng tăng lên, số học sinh đến lớp ngày càng đông. Nếu như năm 1986, Bắc Giang chỉ có 321 trường với 289.016 học sinh thì sau 10 năm đổi mới, tỉnh đã thành lập và phân tách thêm 234 trường, thu hút thêm 94.746 học sinh, nâng tổng số trường năm 1996 lên 555 trường với 383.762 học sinh. Tháng 11/1995, Bắc Giang được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chuẩn hóa về chất lượng.

Tháng 01 năm 1997, tỉnh Hà Bắc tách thành Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau gần 30 năm tách tỉnh, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Bắc Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, ngành học được củng cố và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 760 cơ sở giáo dục (tăng 174 cơ sở giáo dục so năm 1997), trong đó 251 trường mầm non (tăng 123 trường), 220 trường tiểu học (tăng 19 trường), 232 trường THCS và PTCS (tăng 14 trường), 37 trường THPT công lập (tăng 14 trường, trong đó có 03 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT) 11 trường THPT ngoài công lập, 9 trung tâm. 100% xã, phường, thị trấn đã có trung tâm học tập cộng đồng.

Ảnh minh họa. Mai Toan.

Cơ sở vật chất, trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giáo dục và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đề án kiên cố hóa trường lớp học, xây nhà công vụ cho giáo viên; tích cực tham mưu, phối hợp, xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư, lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bậc học mầm non, phát triển các trường mầm non tư thục ở các đô thị, khu đông dân cư, cụm công nghiệp. Nếu như năm 199 tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh mới đạt 17% thì đến nay đạt 93,8% (tăng 76.8%), trong đó mầm non đạt 89.8%, tiểu học đạt 93,5%, THCS đạt 97,7%, THPT công lập đạt 98,5%. Năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 13 trường học đạt chuẩn quốc gia, đến nay, sau gần 30 năm, ước tính đến hết tháng 12/2021, toàn tỉnh sẽ có 704 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, (đạt 93,7%), tăng 691 trường so với năm 1997, trong đó mầm non 238 trường, tiểu học 217 trường, THCS 215 trường, THPT công lập 34 trường. Toàn tỉnh ước sẽ có 116 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 15,4%).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản được bố trí đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là giáo viên mầm non. Từ năm 2012 đến 2014, Ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh tuyển trên 3.000 giáo viên mầm non vào biên chế; hằng năm tiếp tục tuyển dụng và hợp đồng giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ, đưa hệ thống giáo dục mầm non ổn định và phát triển ngày càng bền vững. Những năm gần đây phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố tham mưu tuyển dụng, rà soát, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đủ tỷ lệ và cân đối về cơ cấu bộ môn, đặc biệt ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đến tháng 11/2021,  toàn tỉnh có 29.648 cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên và nhân viên các cấp/bậc học (trong biên chế 28.259 người), trong đó 2.037 cán bộ quản lý, 25.341 giáo viên/chuyên viên và 2.270 nhân viên. Hiện tỷ lệ GV/lớp ở mầm non đạt 1,94; tiểu học đạt 1,39; THCS 2,0; THPT đạt 2,25. Trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn của cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học đạt cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trình độ của giáo viên đạt chuẩn theo Luật giáo dục mới, cụ thể: bậc mầm non từ cao đẳng trở lên là 90,9%; cấp tiểu học từ đại học trở lên đạt 58,78%; cấp THCS trình độ từ đại học trở lên 80,11%; bậc THPT trình độ đại học trở lên 100%, trên đại học 20,83%.

Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa, chúc mừng các nhà giáo được phong tặng Danh hiệu cao quý năm 2021.

Công tác PCGD các cấp học được quan tâm, chỉ đạo, duy trì vững chắc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nếu như tháng 5/1997 tỉnh Bắc Giang có 208/222 xã đạt đạt PCGD tiểu học – xóa mù chữ (đạt 94%), tháng 6/2003, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT); tháng 10/2003, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn về PCGD THCS thì đến tháng 12/2013, toàn tỉnh có 230/230 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD mầm non trẻ 5 tuổi; tháng 9/2015 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHĐĐT mức độ 2 (là tỉnh thứ 11 cả nước được công nhận); tháng 12/2016 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHĐĐT mức độ 3. Đến tháng 11/2021, cả 10/10 huyện, thành phố đạt PCGD mầm non trẻ  5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3 và PCGD THCS mức độ 2 (trong đó 7/10 huyện, thành phố đạt PCGD THCS mức độ 3).

Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì, ổn định và từng bước nâng lên theo hướng thực chất và bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt trên 95%. Học sinh đỗ và điểm trung bình thi vào các trường CĐ, ĐH xếp thứ hạng cao, luôn nằm trong tốp 15 toàn quốc, nhiều học sinh đạt Thủ khoa toàn quốc. Công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được đặc biệt chú trọng, chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được nâng cao. Từ năm 1997 đến 2021, đã có tổng số 1.118 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia; có 01 huy chương Đồng Olympic quốc tế Hóa học, 01 Huy chương Bạc Olympic Quốc tế môn Toán, 02 Huy chương Bạc Olympic Quốc tế môn Vật lý, 01 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Bạc Olympic Châu Á môn Vật lý, 01 Huy chương Đồng Olympic Châu Âu môn Vật lý. Năm 2013 có 01 học sinh vô địch toàn quốc cuộc thi “Đường lên đỉnh OLIMPYA”.

Hoàng Thế Anh, học sinh lớp chuyên Toán Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã xuất sắc trở thành quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm 2013.

Hằng năm, Ngành giáo dục tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn của ngành như “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với các hoạt động đổi mới giáo dục. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đó là các tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản lý. Nhiều nhà giáo không chỉ là những tấm gương tận tụy, trách nhiệm trong công việc, gương mẫu về đạo đức, tác phong, lối sống, mà còn là điển hình về tinh thần vượt khó, gắn bó, tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thắp lửa nhiệt tình, đam mê trong các thế hệ học trò. Có thể nói, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành đã nỗ lực vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hành trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Nhìn lại truyền thống vẻ vang của Ngành giáo dục hôm nay để chúng ta thêm tự hào, tự tin vững bước trên hành trình “gieo chữ”, trong sự nghiệp “trồng người”. Nhìn lại truyền thống để càng thêm trân quý và biết ơn những đóng góp của các thế hệ nhà giáo lão thành, các nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, các nhà giáo tiêu biểu, các đồng chí Lãnh đạo Sở, Công đoàn ngành qua các thời kỳ, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, cùng lớp lớp thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong toàn Ngành đã và đang viết nên bảng vàng thành tích Ngành giáo dục ngày hôm nay. Đồng thời, chúng ta cũng trân quý tình cảm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng hành cùng ngành Giáo dục qua từng thời kỳ.

Thành tựu đạt được của những năm qua đã và đang tạo đà thuận lợi, khí thế, niềm tin cho toàn Ngành tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. Phát huy truyền thống của Nhà giáo Việt Nam, của các thế hệ nhà giáo Bắc Giang, trong thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Xác định sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chúng ta luôn xác định: Các nhà giáo đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào: đào tạo con người cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, toàn ngành tiếp tục thi đua đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thích ứng an toàn, linh hoạt; nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, với phương châm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, để mỗi nhà giáo thực sự xứng đáng với danh hiệu: những “chiến sĩ” trên “mặt trận văn hóa”, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó: Hành trình gieo chữ và sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích trăm năm./.

Trần Tuấn Nam – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT

Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 18,174
Total visited in day: 12,071
Total visited in Week: 39,039
Total visited in month: 593,976
Total visited in year: 3,544,751
Total visited: 16,689,883