Tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh qua những bức thư gửi ngành Giáo dục

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh là một bộ phận hữu cơ của tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và của Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), nghiên cứu những bức thư Bác Hồ gửi cho Ngành Giáo dục, có nhiều vấn đề để chúng ta suy nghĩ, nhận thức, quán triệt và vận dụng vào công tác giáo dục.

Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh

Vấn đề phát triển năng lực của người học, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh đang được quan tâm cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta, cũng như việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết: “…từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Sau 10 năm vào ngày 1/6/1955 gửi thư cho các cháu và các cán bộ các trường Miền Nam, Bác viết: “Các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen”.

Trong bức thư Người gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niêm và nhi đồng ngày 31/10/1955,  Hồ Chủ tịch đã nhắc là phải tẩy sạch ảnh hưởng của “học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”; Người chỉ rõ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ  nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn.” “Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.”.

Bốn trụ cột của giáo dục mà UNESCO là: “Học để biết”“Học để làm”; “Học để cùng chung sống” và “Học để làm người”, và để “học thường xuyên, suốt đời” thì người học sẽ ở vị trí trung tâm của nhà trường.

Đọc những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục, nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục nước nhà, suy ngẫm về sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta thấy những lời dạy của Người đối với ngành giáo dục có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc, mãi mãi soi đường cho giáo dục.

Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang

Tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện mục tiêu, lí tưởng cách mạng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng ta mà còn phản ánh tình cảm, nguyện vọng cao cả của Hồ Chí Minh như Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm, thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm, thì phải trồng người”. Nhiệm vụ “trồng người” quan trọng thì vai trò của “người trồng” càng quan trọng. “Đại kế giáo dục, người thầy là gốc”. Đã bao đời, nhân dân ta truyền tụng câu tục ngữ: “Không thầy, đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Lịch sử từ xưa đến nay lúc nào cũng có biết bao tấm gương về những người thầy cao quý, có tài, có đức.

Trong các bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Ngành Giáo dục có nhiều bài nói tới vai trò của giáo viên, nhất là “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” vào tháng 5/1946 đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy giáo. Người viết: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩ cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang.

Bác nhắc nhở: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng.”… “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Giáo dục là con đường căn bản để chấn hưng dân tộc, nền tảng của sự tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí, thúc đẩy con người phát triển toàn diện. Vận nước hưng suy phụ thuộc vào giáo dục. Do đó thực hiện lời dạy của Bác Hồ qua những bức thư gửi ngành giáo dục, gắn liền với việc “Học tập, làm theo phong cách, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh” là cấp thiết và ý nghĩa. Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, trong đó đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lí giáo dục là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục./.

Lưu Hải An - Chánh Văn phòng Sở GDĐT

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,574
Tổng số trong ngày: 18,218
Tổng số trong tuần: 175,001
Tổng số trong tháng: 537,807
Tổng số trong năm: 2,861,258
Tổng số truy cập: 16,006,390