Vấn đề chân - thiện - mỹ trong giảng dạy và học tập ở các nhà trường hiện nay

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chân - thiện - mỹ không chỉ là mục đích hướng tới của văn chương muôn đời mà nó còn là các giá trị phổ quát của toàn nhân loại... Vấn đề chân - thiện - mỹ trong giảng dạy và học tập ở các nhà trường hiện nay

Như chúng ta đã biết, chân - thiện - mỹ không chỉ là mục đích hướng tới của văn chương muôn đời mà nó còn là các giá trị phổ quát của toàn nhân loại. Ba thuật ngữ vốn là những phạm trù của triết học, có vẻ rất quen thuộc với mọi người, song có nội dung khá phức tạp, được hiểu, được vận dụng trong nhiều lĩnh vực, tình huống khác nhau: có lúc chúng được hiểu là các giá trị của cuộc sống, có lúc được hiểu là tiêu chuẩn, thước đo phẩm chất của con người, có khi được hiểu là những giá trị hướng tới của văn chương, nghệ thuật, và cũng có khi được nói tới là nội dung, là mục tiêu của giáo dục. Hiểu theo nghĩa là ba phạm trù của triết học, thì cái chân - thuộc về phạm trù nhận thức luận, cái thiện thuộc về phạm trù đạo đức học và cái mỹ thuộc về phạm trù thẩm mỹ học. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa là đích hướng tới của văn chương, nghệ thuật thì cái chân thuộc về giá trị nhận thức, cái thiện thuộc về giá trị giáo dục và cái mỹ thuộc về giá trị thẩm mỹ. Còn nếu cắt nghĩa chúng trong lĩnh vực giáo dục thì chân - thiện - mỹ là nội dung và mục tiêu của giáo dục nhằm hướng đến giáo dục toàn diện con người. Ở đây chúng tôi bàn đến chân - thiện - mỹ với ý nghĩa đó.


 
Chân thường được hiểu là thật, là chân thật, chân thực, xác thực. Nói tới chân là để đối lập với phạm trù cái giả - cái không thật. Song, chân còn được hiểu theo nghĩa hẹp là chân lý - tức là cái đúng, là “sự phản ánh chính xác sự vật khách quan và quy luật của chúng vào ý thức con người” (Từ điển Tiếng Việt, tr. 185).
 
Thiện theo ý nghĩa từ Hán Việt là tốt, lòng tốt, lương thiện, để đối lập với cái ác. Thuật ngữ thiện được dùng trong cuộc sống khá nhiều như: cuộc đấu tranh giữa thiện - ác trong truyện cổ tích, người thiện, có tấm lòng thiện nguyện, từ thiện, thiện tâm, “thiện căn ở tại lòng ta”,... Người thiện là người tốt, sống tốt. Thiện cũng được bàn đến nhiều trong giáo lý nhà Phật (khuyên con người tu nhân, tích đức, tích thiện, có lòng từ bi). Trong tư tưởng của các nhà triết học cổ phương Đông (Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…), thiện cùng với nhân, đức, lễ, nghĩa là những phẩm chất quan trọng của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, hay “nhân chi sơ tính bản ác” chính là những quan niệm về tính thiện và ác vốn có hay không có khi con người sinh ra. Về vấn đề này, chúng tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan niệm rất khoa học: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nhật ký trong tù).
 
Mỹ là phạm trù thẩm mĩ rất phức tạp, song hiểu một cách thông dụng và dễ hiểu nhất là cái đẹp. Quan niệm về cái đẹp rất phong phú ở mỗi thời đại, mỗi người, ở bài viết này chúng tôi không có điều kiện bàn tới, mà chỉ muốn giới hạn phạm vi cách hiểu mĩ là cái đẹp: cái đẹp ở trong cuộc sống và trong con người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.
Trong văn chương, chân - thiện - mĩ là những giá trị cốt lõi của văn chương; văn chương hướng tới chân - thiện - mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời. Cũng vậy, trong đời sống, chân - thiện - mĩ là ba giá trị phổ quát mà con người hướng tới, thậm chí còn muốn hướng đến chân lý và sự toàn thiện, toàn mĩ.
 
Chân - thiện - mỹ trong giảng dạy và học tập tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay như thế nào?
 
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT là: giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Bởi vậy, chương trình giáo dục từ mầm non đến phổ thông đều chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành và phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, thực chất cũng chính là nền giáo dục hướng tới cái chân - thiện - mĩ, những giá trị phổ quát của con người.
 
Giáo dục hướng tới cái chân: Toàn bộ nội dung kiến thức các cấp, bậc học đều là những tri thức khoa học (sách giáo khoa) ở các lĩnh vực bao gồm khoa học tự nhiên (Toán, Tin, Lý, Hoá, Sinh) và khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân). Sách giáo khoa chính là tài liệu pháp lý để đảm bảo cho HS tốt nghiệp THPT có kiến thức phổ thông nền tảng để bước vào đời. Giáo dục ở các nhà trường đòi hỏi thiết kế chương trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục phải bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng. Ngoài ra, cái chân còn được giáo dục trực tiếp thông qua những môn học như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử… Ở đó HS được giáo dục, định hướng tới những giá trị như cái đúng, cái chân thực, chân thật, lẽ phải, chân lý, để biết nhận diện với những cái đối lập như cái giả, cái sai trái… từ đó góp phần hình thành nhân cách, định hướng hành vi đúng chuẩn mực. Chất lượng giáo dục của Bắc Giang ở các cấp học những năm gần đây được duy trì tốt: cấp tiểu học, 99,48% HS hoàn thành kiến thức kỹ năng các môn học, 99,64% HS đạt tất cả các năng lực. HS tốt nghiệp THCS và THPT trong 5 năm gần đây đều đạt trên 96%.
 
Giáo dục hướng tới cái thiện: Quan điểm của ngành Giáo dục: Trong giáo dục đạo đức, có nhiều phẩm chất đạo đức cần được hình thành, song giáo dục HS hướng tới cái thiện, cái tốt đẹp, có tấm lòng nhân ái, yêu thương con người, có nhân cách, có phẩm chất người được đặt lên hàng đầu. Nhằm mục tiêu giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV; kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” với rất nhiều hình thức phong phú, đa dạng: xây dựng môi trường văn hóa, Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt tập thể, giáo dục ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo để giáo dục toàn diện HSSV; triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2016-2020”; tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, các chương trình thiện nguyện, lá lành đùm lá rách, hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo, tết vì người nghèo,... Đặc biệt, giáo dục có một môn học riêng cho nội dung này: môn Giáo dục công dân (trước đây là Đạo đức) được giảng dạy từ cấp tiểu học đến THPT (giáo dục trực tiếp). Ngoài ra, việc giáo dục hướng tới cái thiện còn được tích hợp trong các môn khoa học xã hội, nhất là môn Ngữ văn (môn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật), môn học có chức năng giáo dục con người, giáo dục đạo đức và những giá trị làm người rất đặc thù: thông qua những tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật để tác động đến HS (tác động gián tiếp, qua cảm nhận, cảm hoá, tự giáo dục). Cuộc đấu tranh thiện - ác luôn là mạch chính trong diễn biến cốt truyện văn chương cổ kim đông tây, triết lý sống thiện, ở hiền gặp lành, những bài học về lẽ sống tốt đẹp,… tất cả đều giúp HS hoàn thiện nhân cách, có lối sống đẹp, lẽ sống và hành vi cao đẹp. Kết quả: những năm gần đây, chất lượng giáo dục đạo đức HS các cấp học trên địa bàn tỉnh được duy trì mức độ tốt. Năm học 2017-2018 tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm như sau: Cấp THCS: Tốt 74,23% (tăng 3,17%), khá 22,75% (giảm 2,28%), Yếu 0,07%. Cấp THPT: Tốt 68,18% (tăng 2,62%); khá 26,03% (giảm 0,73%); Yếu 0,72% (giảm 0,6%).
 
Giáo dục hướng tới cái mĩ: Trong chương trình giáo dục từ mầm non đến phổ thông, ngoài giáo dục văn hoá cung cấp tri thức khoa học, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nhằm bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện, còn có những môn học nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, năng lực thụ cảm cái đẹp cho HS như: Mĩ thuật và Âm nhạc. Ý niệm về cái đẹp, cảm xúc về cái đẹp được truyền đạt qua nội dung của các môn học này chủ yếu là lĩnh vực hội hoạ, âm nhạc. Song, dĩ nhiên, cái đẹp không chỉ ở hội hoạ, âm nhạc, và giáo dục cái đẹp không chỉ là nhiệm vụ của hai môn học đó. Mỗi môn học có thể đem lại cho HS những xúc cảm thẩm mĩ khác nhau (chúng ta nói tới vẻ đẹp của Toán học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, vẻ đẹp của sự sáng tạo khoa học kỹ thuật,…), qua đó định hướng HS tới các giá trị của cái đẹp. Trong số các môn học, cùng với Âm nhạc, Mĩ thuật, môn Ngữ văn có đặc thù trong giáo dục cái đẹp (trong cuộc sống, trong văn học, cái đẹp của đất nước, con người, cái đẹp trong ngôn từ nghệ thuật,…). Vì văn học là nghệ thuật, mà nghệ thuật là lĩnh vực của cái đẹp, nhà văn sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Gián tiếp thông qua những hình tượng nghệ thuật, văn học sẽ tạo được những xúc cảm thẩm mĩ rất sâu đậm trong lòng người. Vấn đề là người giáo viên có truyền đạt được những rung động thẩm mĩ đến với học trò hay không và ở mức độ nào mà thôi. Không chỉ biết sáng tạo cái đẹp, mà còn biết yêu, ghét, biết sống nhân ái, cảm thông, chia sẻ, biết khẳng định lẽ phải, cái đúng, cái thiện, biết căm ghét và lên án cái xấu, cái ác, cái giả dối, biết sống có lý tưởng và khát vọng cống hiến,… đó là những rung cảm thẩm mĩ, những giá trị thẩm mĩ mà chương trình giáo dục cần hướng tới để bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện HS.
 
Vấn đề đức và tài trong giảng dạy và học tập ở các nhà trường hiện nay
 
Đức: là một phạm trù của đạo đức học có ý nghĩa rộng. Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn. Ở đây chúng tôi hiểu đạo đức theo nghĩa thông thường nhất là “biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người” (Từ điển Tiếng Việt, tr. 448), là đạo đức của con người. Trong giáo dục, giáo dục đạo đức là một trong yêu cầu để bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện HS. Người có đức, cũng là người có tâm, có nhân cách.
 
Tài: là tài năng, khả năng đặc biệt của một người làm được một việc nào đó xuất sắc (người có tài); thường chỉ người thông minh, giỏi giang ở một hay một vài lĩnh vực đạt được những thành tựu vĩ đại (thiên tài). Tài thường do thiên bẩm. Ở phương Đông, người vừa có tài vừa có đức gọi là hiền tài (hiền tài là nguyên khí của quốc gia - Thân Nhân Trung). Trong giáo dục, thuật ngữ tài thường được nhắc đến trong khẩu hiệu hành động của thanh niên: “Rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp”. Tài được hiểu theo nghĩa hẹp là học giỏi, dạy giỏi, có hiểu biết về chuyên môn tốt, đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy.
 
Về mối quan hệ giữa tài và đức, hay tài và tâm đã được nhiều người bàn luận; nhưng thiết nghĩ những quan niệm đúng đắn được nhiều người thừa nhận là coi trọng chữ đức, chữ tâm hơn chữ tài. Người xưa có câu: Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ, là có ý đề cao đạo đức, nhân cách, chú trọng cái tâm của con người. Thuyết nhân chính và đức trị là cốt lõi của đạo Nho do Khổng Tử đề xướng cách đây hơn 2.000 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nguyễn Du quan niệm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Người coi đạo đức như gốc của cây, như nguồn của sông, cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, do vậy Người yêu cầu Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bởi vậy, trong giáo dục, bên cạnh nhiệm vụ dạy chữ, ngành Giáo dục còn chú trọng việc dạy người với khẩu hiệu là “tiên học lễ, hậu học văn”.
 
Đức và tài trong giảng dạy và học tập tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay như thế nào?
 
Theo định hướng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; nhiệm vụ của GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nhằm mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất đạo đức chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bởi vậy, việc chú trọng giáo dục cả tài và đức là nhiệm vụ quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV; kết hợp hài hòa “dạy chữ” với “dạy người” với rất nhiều biện pháp, hình thức.
 
Thứ nhất: Nội dung xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được triển khai thường xuyên, đi vào chiều sâu. Các hoạt động nhận và chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, Nghĩa trang liệt sỹ, Đài tưởng niệm, Mẹ Việt Nam anh hùng tiếp tục được thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Đến nay, toàn ngành nhận chăm sóc và phát huy giá trị 2237 di tích được công nhận xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật (có 116 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 480 di tích cấp tỉnh); 218 Nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. 100% các trường TH, THCS, THPT, TTGDNN-GDTX tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng (dạy học tại di tích, nói chuyện truyền thống, kết nạp Đội viên, Đoàn viên, báo công...). 100% trường trường THPT tổ chức cuộc thi “Bắc Giang hành trình lịch sử, văn hóa” năm thứ III, trong đó có 27 trường cử HS tham gia Gameshow “Bắc Giang hành trình lịch sử, văn hóa” trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Giang”.
 
Thứ hai: Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường các trường TH, THCS, THPT, TTGDNN-GDTX về tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. 100% các trường mầm non sử dụng Bộ tài liệu “Hướng dẫn tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục mầm non”. 100% các trường TH, THCS, THPT, TTGDNN-GDTX triển khai tài liệu “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh” dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.
 
Thứ ba: Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lần V - 2018. Kết quả, có 22.701 học sinh dự thi, Bắc Giang xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; có 01 học sinh tham dự vòng chung kết xếp hạng cá nhân toàn quốc, đoạt giải Khuyến khích và 02 tập thể (Sở GD&ĐT Bắc Giang, Trường THPT Việt Yên số 2) đoạt giải, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường...; tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, đất nước; tìm hiểu về chủ quyền biên giới, biển, đảo; viết thư quốc tế UPU... tổ chức đạt kết quả tốt, thu hút đông đảo Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, được Ban tổ chức các cấp khen thưởng và đánh giá cao. Toàn ngành có trên 95% số trường có từ 03 câu lạc bộ thể thao và duy trì hoạt động. Các giải thể thao cấp trường được các cơ sở giáo dục tổ chức thường xuyên nhân các ngày lễ, ngày kỉ niệm như: 20/10, 20/11, 8/3, 26/3, 27/3, 30/4... Sở GD&ĐT tổ chức các môn thi đấu thể thao (Điền kinh, Đá cầu, Bóng chuyền, Bóng bàn, Bóng rổ, Đẩy gậy, Cờ vua.... Phối hợp Sở VH, TT&DL tổ chức giải Cầu lông ,Vật tự do, Bơi...tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích; qua đó thu hút đông đảo học sinh tham gia.
 
Thứ tư: Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chủ động, tích cực trong việc tham mưu, huy động các nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, đổi mới công tác quản lý, tinh giản nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục được duy trì tốt; tỷ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi tăng, HS yếu, kém giảm. Năm học 2017-2018 xếp loại học lực ở cấp THCS: Giỏi đạt 14,9% (tăng 0,6%), Khá 44,8% (tăng 0,9%), Yếu, Kém 3,6% (giảm 1,7%). Cấp THPT: Giỏi đạt 8,6% (tăng 0,8%); Khá 55% (tăng 2,2%); Yếu, Kém 1,4% (giảm 0,6%).
 
Mặt khác, trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục quan tâm công tác giáo dục mũi nhọn, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, HS có năng khiếu, HS có tài năng. Trường THPT Chuyên và hệ thống 10 trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn 10 huyện, thành phố sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này. Trong những năm gần đây, chất lượng HS giỏi quốc gia được giữ vững và nâng lên, giữ được vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, cập được với mục tiêu các kỳ thi khu vực và quốc tế. Năm 2016 đạt 64 giải HS giỏi quốc gia, năm 2017 đạt 61 giải, năm 2018 đạt 57 giải, có 1 HS đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á, Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế. Hằng năm tổ chức tốt cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, tham gia thi cấp quốc gia với nhiều sản phẩm trí tuệ mang tính lứa tuổi, năm 2017 có 4 dự án đạt giải, năm 2018 có 2 dự án đạt giải cấp quốc gia.
 
Tuy nhiên trên thực tế, việc giáo dục hướng đến chân - thiện - mĩ, giáo dục tài và đức trong các nhà trường hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đó cũng là hạn chế chung của ngành Giáo dục. Một số cơ sở giáo dục vẫn chú trọng dạy chữ, chưa thực sự chú trọng việc dạy người. Công tác quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho HS ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao, vẫn còn HS vi phạm đạo đức, lối sống, các quy định về chuẩn mực văn hoá ứng xử. Do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, cái xấu vẫn xâm nhập vào môi trường học đường, các hành vi bạo lực trên phim ảnh và ngoài xã hội cùng “thế giới ảo”, đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, lối sống, nhân cách của một số GV và HSSV với rất nhiều biểu hiện như: bạo lực học đường vẫn tiềm ẩn và xảy ra ở một số nơi (bạo hành trẻ em, HS đánh nhau); hành vi của một số giáo viên, HSSV chưa chuẩn mực; các mối quan hệ học đường chưa đảm bảo theo chuẩn mực (mối quan hệ giáo viên - HS, HS - HS, giáo viên - phụ huynh), còn những biểu hiện giáo viên và HSSV vô cảm trong lối sống, ứng xử thiếu tình người… Hiện tượng thiếu trung thực, gian dối trong học tập và thi cử còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Năng lực nghề nghiệp một số GV còn hạn chế, phương pháp giáo dục chậm đổi mới; một số giáo viên giảm nhiệt tình, tâm huyết nghề nghiệp, chất lượng và hiệu quả giảng dạy chưa cao, chưa thực sự là tấm gương cho HS noi theo. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục HS còn chưa chặt chẽ; nhiều gia đình do điều kiện khó khăn chưa quan tâm đến con em, còn phó mặc cho nhà trường.
 
Để tiếp tục giáo dục nhà trường hướng tới chân - thiện - mỹ, kết hợp đức và tài trong giảng dạy và học tập tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, theo chúng tôi, ngành Giáo dục cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
Một là, tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV; kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và có văn hoá. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tổ chức đa dạng, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả các hoạt động hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện HSSV.
 
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững.
 
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học, xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, xứng tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo các cấp học theo Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, kiên quyết chấn chỉnh các vi phạm đạo đức nhà giáo. Thực hiện nghiêm túc việc nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý giáo viên, HSSV trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
 
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, GV chủ nhiệm, GV bộ môn; phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD&ĐT với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và gia đình trong quản lý và giáo dục HSSV (theo Quyết định sô 420/2015/QĐ-UBND ngày 16//2015 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục HS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang).
 
Năm là, khuyến khích và tạo điều kiện cho GV, HS nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy, học tập. Tổ chức tốt cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, tạo sân chơi trí tuệ bổ ích cho GV và HS; nâng cao chất lượng các dự án thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mũi nhọn trên cơ sở bảo đảm bảo giáo dục toàn diện. Quan tâm xây dựng, phát triển trường THPT Chuyên là trường trọng điểm cấp THPT làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu, bồi dưỡng GV. Tiếp tục xây dựng hệ thống trường điểm các cấp học, 10 trường THCS trọng điểm chất lượng cao ở các huyện, thành phố để trở thành những mô hình điểm, đi đầu về đổi mới giáo dục, bồi dưỡng GV, HS, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cao cho trường Chuyên. Nghiên cứu tham mưu trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Quy định cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ GV trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi quốc gia, quốc tế tỉnh Bắc Giang
 
Trần Thuý Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
20/11/2018
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,578
Tổng số trong ngày: 11,620
Tổng số trong tuần: 136,341
Tổng số trong tháng: 788,296
Tổng số trong năm: 2,269,973
Tổng số truy cập: 15,415,105