|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Tôi đứng nhìn qua cửa sổ lớp học, hình ảnh cô ngồi giữa lũ trẻ đang kể chuyện cổ tích cho chúng thật thú vị. Cô giáo thì say sưa nhập vai những nhân vật cổ tích trong câu chuyện kể, còn bọn trẻ chăm chú nghe và mắt chúng không rời khỏi cô, tôi có cảm giác như chúng đang được gặp cô Tiên  trong truyện cổ tích vậy.
Cô giáo Đỗ Thị Nhung, người mà tôi đang kể hiện đang công tác tại trường Mầm non Phương Sơn huyện Lục Nam. Năm 1999, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo tỉnh Bắc Giang và được về công tác  tại trường. Với tài năng và sức trẻ của mình, cô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không được may mắn như bao người khác, người cha sinh ra cô đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B, ông bị nhiễm chất độc màu da cam. Di chứng của chất độc da cam ở người cha đã ảnh hưởng đến việc sinh con của cô. Sau khi xây dựng gia đình, năm 1996 cô mang thai đứa con đầu lòng,  đến tháng thứ 6 thì cô không thể giữ nổi thai nhi của mình nữa. Bốn lần mang thai sau này cũng vậy, chỉ đem lại cho cô sự đau đớn tột cùng. Cô đến bác sĩ và được biết dạ con của cô bị dị dạng hai ngăn do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha của mình. Từ đó, cô phải vất vả thuốc thang chạy chữa khắp mọi nơi. Mãi đến năm 2000, cô mang thai lần thứ sáu và sinh được một cháu trai rất mạnh khoẻ và cháu cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng cô bởi vì cô không thể tiếp tục sinh thêm con được nữa. Cô nghẹn ngào trong nước mắt khi kể với tôi về chuyện này khiến lòng tôi đau thắt lại và dường như trang giấy nhoà đi từ lúc nào tôi không biết nữa...
Vượt lên chính mình, cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhung đẵ quên đi nỗi đau của mình lao vào công việc không biết mệt mỏi. Ngày nào cũng vậy, cô dậy sớm chăm lo công việc gia đình thật chu đáo rồi đạp xe hơn 3 km từ nhà đến trường để dạy học. Chưa bao giờ cô đi muộn tới 1 phút mà ngược lại, cô luôn có mặt ở trường trước 20 phút để dọn vệ sinh cho lớp học của mình. Cô nói với tôi rằng cô muốn đến sớm để chuẩn bị mọi thứ để đón các cháu cho chu đáo và có thêm chút thời gian chuyện trò vui với các cháu. Cô luôn tìm kiếm những đồ dùng sinh hoạt như vỏ bia lon, vải vụn, hộp xốp, len sợi, hộp bìa, giấy màu...để tự sáng tạo đồ dùng dạy học, tạo hình những con vật và các loại hoa quả... để dạy trẻ nhận biết. Ngoài ra, cô còn tự vẽ các loại tranh truyện để minh hoạ cho trẻ trong những giờ kể chuyện. Những cố gắng của cô đã được ghi nhận bằng 12 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô đã đạt giải nhì cấp huyện trong cuộc thi đồ dùng dạy học cá nhân năm 2008 với bộ đồ dùng về môn: “Nhận biết tập nói cho trẻ 24 đến 36 tháng tuổi ”.

Img_vuot-len-chinh-minh.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Nhung đang hòa mình vào trong câu chuyện kể cho các cháu mầm non

Năm 2003, cô được bổ nhiệm làm phó Hiệu trưởng nhà trường, công việc  ngày  một nhiều hơn, cô đã phải vật lộn biết bao khó khăn để làm trọn trọng trách của người cán bộ quản lý. Năm 2006, cô lại phát hiện trong mình mang một khối U, bệnh hiểm nghèo không làm cô nản chí. Cô vừa đi làm, vừa đi chữa bệnh.  Mỗi tháng cô phải xuống viện K tới 4 lần để kiểm tra và chiếu tia xạ ngăn ngừa khối U phát triển, mỗi lần chữa bệnh, vừa tốn sức, vừa tốn của, song tất cả không làm cô nao núng. Mỗi lần ở viện về, cô lại tiếp tục dạy học như thường. Cũng trong năm này, cô lại tiếp tục theo học lớp đại học mầm non tại chức của trường Đại học Sư phạm Hà Nội II đặt tại tỉnh Bắc Ninh. Từ nhà đến trường 45 km, cô không quản ngại, cứ 5 giờ sáng các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật là cô bắt đầu đi học, đến 6h tối cô lại có mặt ở nhà chăm lo gia đình. Tháng 1 năm 2009, sau khi kiểm tra sức khoẻ cô biết mình tiếp tục mắc bệnh U sơ cổ tử cung. Ai  đó đều nghĩ rằng những tin bệnh bất ngờ và liên tục sẽ làm cô suy sụp và khó có có thể gượng dậy, song dường như tinh thần trong cô là tinh thần thép vậy, cô lại một lần nữa lặn lội tìm thuốc nam y điều trị. Hình như bệnh tật đã chịu thua cô, đến nay, các khối U trong cơ thể cô đã ngừng phát triển. Cô vẫn tiếp tục công việc của mình một cách có hiệu quả. Tôi tình cờ gặp cô vào đúng ngày mà cô đang dự thi giáo viên dạy giỏi năm 2009, và sau tiết dạy của cô, tôi được biết ban giám khảo đánh giá chất lượng giờ dạy rất cao.
Sự gian nan vất vả trong cuộc sống như hằn in trên khuôn mặt nhỏ gầy của cô, cô đã chiến thắng bệnh tật bằng chính niềm tin và ý trí kiên cường. Cô nói với tôi: “Cô chiến thắng được bệnh tật phần lớn là nhờ vào sự  giúp đỡ động viên, chia sẻ của đồng nghiệp và gia đình”. Người bạn đời của cô -  anh Lê Quang Tuân, anh là bộ đội pháo binh thuộc trung đoàn 422, sư đoàn 306 luôn sát cánh bên cô, động viên, chia sẻ cùng cô những khi cô đau buồn nhất. Con trai cô năm nay học lớp 3, cháu biết chia sẻ và động viên mẹ mình bằng kết quả học tập tốt, cả ba năm cháu đều đạt học sinh giỏi. Sau mỗi buổi tan trường, cô lại vội vàng đi đón cháu trở về và chăm lo cho gia đình.
Chia tay cô ra về, tôi không khỏi xúc động về những nỗi đau mà người mẹ trẻ phải gánh chịu. Cô đã vượt lên chính mình bằng tinh thần thép và nghị lực phi thường của mình. Hình ảnh cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhung nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tâm huyết với nghề và đầy nghị lực cứ hiện mãi trong tôi. Có thể khẳng định một điều, cô là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.
Hương Thủy
Average (0 Votes)

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

User Online: 16,902
Total visited in day: 14,706
Total visited in Week: 142,943
Total visited in month: 542,306
Total visited in year: 3,493,081
Total visited: 16,638,213