Xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Chương trình công tác và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Văn phòng Đảng ủy trân trọng giới thiệu tới các Đảng viên và bí thư các chi bộ một số tình huống và gợi ý xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng.

TT

TÌNH HUỐNG

GỢI Ý XỬ LÝ TÌNH HUỐNG

1

Tình huống 1: Chi bộ cơ sở A tại thời điểm đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025 có 7 đảng viên, đại hội đã bầu được bí thư, phó bí thư (không bầu chi uỷ), hiện nay số lượng đảng viên của chi bộ A tăng lên có 12 đảng viên (11 đảng viên chính thức), có đảng viên đề nghị bí thư cho thành lập chi uỷ chi bộ, bổ sung chi uỷ viên. Là bí thư chi bộ, đồng chí giải quyết thế nào?

 

- Tại thời điểm đại hội, Chi bộ A có 07 đảng viên không bầu chi uỷ là đúng quy định. Hiện nay, chi bộ có 12 đảng viên, đủ điều kiện thành lập chi uỷ; để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chi bộ thảo luận, đề xuất nhân sự, báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp thành lập chi uỷ và chỉ định chi uỷ viên.

 - Căn cứ văn bản: Điểm 22.1, Khoản 22, Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định việc bầu chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) như sau: “Chi bộ có 09 đảng viên chính thức trở lên bầu chi ủy; chi bộ đông đảng viên bầu không quá 07 chi ủy viên. Chi bộ trực tiếp bầu chi ủy trước, sau đó bầu bí thư, bầu một phó bí thư trong số chi ủy viên. Chi bộ có dưới 09 đảng viên bầu bí thư, nếu cần bầu một phó bí thư”.

2

Tình huống 2: Chi ủy chi bộ A có 03 đồng chí. Nay đồng chí bí thư bộ đi học tập trung 6 tháng và đã chuyển sinh hoạt tạm thời đến nơi học. Khi bàn việc kiện toàn chi ủy có hai loại ý kiến:

Ý kiến 1: Đồng chí bí thư chi bộ đi học, chỉ chuyển sinh hoạt tạm thời nên vẫn là bí thư chi bộ, không cần bổ sung chi ủy viên để bầu đồng chí bí thư chi bộ khác.

Ý kiến 2: Đồng chí bí thư chi bộ đi học đến hết nhiệm kỳ đại hội nên cần đề nghị cấp ủy cấp trên quyết định bổ sung chi ủy viên để chi bộ bầu bí thư chi bộ mới.

Vậy ý kiến nào đúng? Nếu đến kỳ đại hội, đồng chí bí thư chi bộ chưa học xong thì có được bầu tiếp làm bí thư chi bộ không?

- Ý kiến thứ nhất là đúng, do đồng chí bí thư chi bộ đi học chỉ chuyển sinh hoạt tạm thời nên vẫn là cấp ủy viên, là bí thư chi bộ. Trong thời gian đồng chí bí thư chi bộ đi học, chi ủy có thể cử đồng chí phó bí thư điều hành công việc của chi bộ. Đến thời gian đại hội chi bộ, chi ủy triệu tập đồng chí đó về dự và thực hiện quyền đề cử, ứng cử, bầu cử của mình. Nếu đồng chí đó không về dự được, chi bộ vẫn có thể giới thiệu và bầu đồng chí đó vào chi ủy, bầu làm bí thư chi bộ nếu đồng chí đó có đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm.

 - Căn cứ văn bản: Tiết c, Điểm 6.3.2, Khoản 6, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời không tính vào đảng số của đảng bộ nơi sinh hoạt tạm thời mà tính vào đảng số của đảng bộ nơi sinh hoạt chính thức...; Cấp ủy viên khi chuyển sinh hoạt tạm thời thì vẫn là cấp ủy viên nơi sinh hoạt chính thức”.

 

2

Tình huống 3: Tại chi bộ A, có ý kiến đảng viên cho rằng: Tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần là không hợp lý vì không có nhiều nội dung để triển khai, nên đề nghị 03 tháng sinh hoạt một lần. Đồng chí xử lý tình huống này như thế nào?

-  Đảng viên đề nghị 03 tháng sinh hoạt chi bộ một lần là chưa nắm vững quy định của Đảng về sinh hoạt chi bộ.

 - Căn cứ văn bản:  Khoản 6, Điều 22, Điều lệ Đảng quy định "...Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần"; Khoản 2,  Điều 24, Điều lệ Đảng quy định "...Chi bộ, chi uỷ họp thường lệ mỗi tháng một lần".

4

Tình huống 4: Ở đại hội đại biểu, trước giờ khai mạc, 01 đại biểu chính thức báo cáo vắng mặt, ban tổ chức đại hội có được quyết định triệu tập đại biểu dự khuyết đi thay không? Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức do ai quyết định?

- Việc quyết định triệu tập đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức vắng mặt dự đại hội đại biểu là do ban thường vụ cấp ủy triệu tập đại hội quyết định, ban tổ chức đại hội không có thẩm quyền quyết định.

 - Căn cứ văn bản: Tiết 11.4.2, Điểm 11.4, Khoản 11, Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng quy định: "Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức do ban thường vụ cấp ủy triệu tập đại hội quyết định. Việc chuyển đại biểu này phải được ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội xem xét báo cáo đại hội thông qua...".

5

Tình huống 5: Chi bộ có đảng viên dự bị A đã kết nạp Đảng được 07 tháng, nay viết đơn xin ra khỏi đảng với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn; là Bí thư chi bộ, đồng chí xử lý như thế nào?

- Điều lệ Đảng hiện hành của Đảng không quy định các trường hợp xin ra khỏi Đảng là đảng viên chính thức hay đảng viên dự bị; do đó khi đảng viên dự bị làm đơn xin ra khỏi Đảng như trường hợp đảng viên A thì chi bộ vẫn xem xét, sau khi làm công tác tư tưởng nếu đảng viên A vẫn xin ra khỏi Đảng thì chi bộ báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xét, quyết định cho ra khỏi Đảng và làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên.

 - Căn cứ văn bản:

+ Khoản 3, Điều 8, Điều lệ Đảng quy định: "Đảng viên xin ra khỏi Đảng do chi bộ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền chuẩn y kết nạp quyết định";  

+ Tại tiết a, Điểm 11.2, Khoản 11, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng có nêu về đối tượng và thủ tục như sau:

"- Chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng đối với những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm về tư cách đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới cho ra khỏi Đảng.

- Đảng viên xin ra khỏi Đảng phải làm đơn, nói rõ lý do xin ra khỏi Đảng, báo cáo chi bộ.

- Chi bộ, đảng ủy bộ phận (nếu có), đảng ủy cơ sở xem xét, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xét, quyết định cho ra khỏi Đảng và làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên".

6

Tình huống 6: Khi thành lập, chi bộ cơ sở có dưới 30 đảng viên. Sau một thời gian, số lượng đảng viên tăng lên trên 30 đồng chí, chi bộ thống nhất làm tờ trình lên cấp uỷ cấp trên đề nghị cho lập đảng bộ cơ sở.

Có 2 loại ý kiến khác nhau:

- Ý kiến 1: Đã là chi bộ cơ sở rồi, khi đủ điều kiện thì nâng lên thành đảng bộ cơ sở không cần phải ra quyết định mới thành lập đảng bộ cơ sở.

- Ý kiến 2: Phải do ban thường vụ cấp uỷ cấp trên ra quyết định thành lập đảng bộ cơ sở mới đúng quy định của Điều lệ Đảng.

Vậy ý kiến nào đúng?

- Khi chi bộ cơ sở có đủ điều kiện để thành lập đảng bộ cơ sở, cấp uỷ cấp trên phải ra quyết định thành lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng uỷ. Ý kiến  2 là đúng.

 - Căn cứ văn bản:  Khoản 4, Điều 21, Điều lệ Đảng quy định "Tổ chức cơ sở đảng có từ 30 đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng uỷ"; Khoản 3, Điều 10, Điều lệ Đảng quy định: "Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc".

 

7

Tình huống 7: Ở chi bộ đồng chí có đảng viên A đề xuất: Việc đảng viên phải khai Phiếu bổ sung lý lịch hằng năm chỉ nên áp dụng với các trường hợp có thay đổi, biến động, để tránh hồ sơ đảng viên phải lưu trữ nhiều tài liệu, trong đó có nhiều trường hợp nhiều năm không có thay đổi nội dung lý lịch.

Đồng chí giải quyết tình huống này thế nào?

- Ý kiến trên là không đúng. Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên là căn cứ để cấp ủy có thẩm quyền bổ sung vào lý lịch đảng viên, danh sách đảng viên, phiếu đảng viên và cơ sở dữ liệu đảng viên; phiếu bổ sung hồ sơ phải có để lưu trữ theo hồ sơ đảng viên.

 - Căn cứ văn bản: Tiết c, Điểm 8.1, Khoản 8, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định: 

“- Định kỳ hằng năm và khi đảng viên chuyển sinh hoạt đảng chính thức, đảng viên phải ghi bổ sung những thay đổi về trình độ, đơn vị, chức vụ công tác, hoàn cảnh gia đình... để tổ chức đảng bổ sung vào hồ sơ đảng viên và đóng dấu của cấp uỷ vào chỗ đã bổ sung.

+ Chi ủy, chi bộ hướng dẫn, thu nhận, kiểm tra, xác nhận phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên, viết bổ sung những thay đổi vào danh sách đảng viên của chi bộ và chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên Đảng ủy cơ sở (nếu là Chi bộ cơ sở thì Chi ủy xác nhận vào mục của Cấp ủy cơ sở).

+ Cấp ủy cơ sở ghi bổ sung vào lý lịch đảng viên vào danh sách đảng viên của Đảng bộ, chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên cấp ủy cấp trên trực tiếp.

+ Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng bổ sung vào phiếu đảng viên, lý lịch đảng viên, danh sách đảng viên và cơ sở dữ liệu đảng viên; lưu giữ phiếu bổ sung cùng với hồ sơ đảng viên, nếu cấp uỷ cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên thì chuyển phiếu cho cấp uỷ cơ sở”.

8

Tình huống 8: Chi bộ A có 30 đảng viên, chi ủy quyết định chia làm 03 tổ đảng và giao cho các tổ đảng bầu tổ trưởng tổ đảng; tại cuộc họp chi bộ, một số đảng viên đề nghị đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp chỉ định tổ trưởng tổ đảng. Là bí thư chi bộ, đồng chí xử lý như thế nào? 

- Điều lệ Đảng hiện hành quy định các tổ đảng phải bầu tổ trưởng tổ đảng nên đồng chí Bí thư không thể trực tiếp chỉ định tổ trưởng tổ đảng mà phải chỉ đạo các tổ đảng bầu tổ trưởng như chi ủy đã quyết định.

  - Căn cứ văn bản: Tại Khoản 1, Điều 24, Điều lệ Đảng quy định: “…Chi bộ có đông đảng viên có thể chia ra nhiều tổ đảng; tổ đảng bầu tổ trưởng, nếu cần thì bầu tổ phó; tổ đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi uỷ”.

9

Tình huống 9:  Trong quá trình làm hồ sơ thủ tục kết nạp đảng đối với quần chúng A. Ở chi bộ có đảng viên B đề xuất cấp ủy giao hồ sơ cho quần chúng A tự đi xin xác minh lý lịch xin vào đảng của mình. Là bí thư chi bộ, đồng chí xử lý tình huống này như thế nào?

 

- Ý kiến đề xuất cấp ủy giao cho quần chúng tự đi thẩm tra lý lịch xin vào đảng của mình là sai quy định.

 - Căn cứ văn bản:  Nội dung Lưu ý tại Tiết 1.4.2, Điểm 1.4, Khoản 1, Mục I, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên quy định định: “Chi bộ, Cấp ủy cơ sở chưa nhận xét, chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch mà chỉ đóng dấu giáp lai vào tất cả các trang và ảnh trong lý lịch của người xin vào đảng; gửi công văn đề nghị thẩm tra hoặc cử đảng viên đi thẩm tra lý lịch. Không được cử người vào đảng hoặc người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp) của người vào đảng đi thẩm tra lý lịch".

10

Tình huống 10: Khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức đối với đảng viên A về nghỉ hưu tại nơi cư trú theo địa chỉ ghi trong Quyết định nghỉ hưu là tại 1 phường của Thành phố Bắc Giang, nhưng đảng viên A đề nghị chuyển sinh hoạt về quê (không phải nơi cư trú) ở 1 xã thuộc huyện B.

Là bí thư chi bộ, đồng chí xử lý tình huống này như thế nào?

- Việc đảng viên A đề nghị chuyển sinh hoạt đảng về quê (không phải nơi cư trú) là không đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng.

  - Căn cứ văn bản: Căn cứ nội dung dấu cộng (+) thứ nhất, Ý a,  Tiết 10.2.1 (Thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức), Điểm 10.2, Khoản 10, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng: “Ở những nơi có tổ chức đảng: Chuyển sinh hoạt đảng chính thức đến tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đến làm việc hoặc nơi cư trú lâu dài”.

 

11

Tình huống 11: Đảng viên A có đơn tố cáo đảng viên B là lãnh đạo cơ quan; qua giải quyết tố cáo UBKT xác định bản thân đồng chí A cũng có vi phạm cùng với đồng chí B. Biết được việc này nên khi đoàn kiểm tra đang thẩm tra, xác minh; đồng chí A tự rút đơn tố cáo.

Vậy UBKT sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, ký xác nhận về việc người tố cáo xin rút đơn tố cáo, báo cáo với UBKT xem xét để quyết định cho kết thúc việc giải quyết tố cáo. 

UBKT xem xét, chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cả đảng viên A và đảng viên B để xem xét, xử lý theo quy định.

 - Căn cứ văn bản:

+ Điểm 2.5, Khoản 2, Mục IV, Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22- QĐ/TW quy định: “Người tố cáo được quyền xin rút một, một số nội dung tố cáo hoặc rút toàn bộ đơn tố cáo bằng văn bản (phải lập biên bản, ký xác nhận của người tố cáo) trước khi tổ chức đảng giải quyết tố cáo ra kết luận”.

+ Điểm 2.7, Khoản 2, Mục IV, Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22-QĐ/TW quy định: “Nếu người tố cáo xin rút đơn tố cáo hoặc một số nội dung trong đơn tố cáo, nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền xác định nội dung tố cáo có cơ sở thì thực hiện nắm tình hình để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát”.

12

Tình huống 12:  Đảng viên A đang có vợ hợp pháp, nay có đơn tố cáo Đảng viên A đang sống chung với người phụ nữ khác như vợ chồng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Là bí thư chi bộ, đồng chí sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

-  Khi có đơn tố cáo đối với đảng viên, thực hiện giải quyết tố cáo theo quy định.

+ Nếu đơn tố cáo đủ điều kiện xem xét, Chi bộ tiến hành giải quyết đơn tố cáo theo thẩm quyền; trường hợp kết luận đảng viên vi phạm thì căn cứ tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, hậu quả vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xem xét, quyết định xử lý kỷ luật theo quy định.

+ Nếu đơn tố cáo không đủ điều kiện giải quyết thì chi bộ nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đảng viên đó.

 - Căn cứ văn bản:

+ Về việc giải quyết đơn tố cáo: Khoản 1, Điều 20, Quy định số 22-QĐ/TW quy định: “1. Khi nhận được tố cáo, cơ quan nhận đơn phải phân loại, giải quyết các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm hoặc phối hợp với các tổ chức đảng có thẩm quyền để giải quyết; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển đến các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các đơn tố cáo.”

+ Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Khoản 2, Điều 7, Quy định số 22-QĐ/TW quy định: “2. Giải quyết tố cáo và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên trong chi bộ về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao).”

+ Thẩm quyền thi hành kỷ luật: Điển 1.1, Khoản 1, Điều 11, Quy định số 22-QĐ/TW quy định: “1.1. Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).”

+ Hình thức kỷ luật đảng: Tùy tính chất mức độ, nguyên nhân vi phạm, hậu quả vi phạm…, xem xét hình thức xử lý kỷ luật theo quy định tại các khoản 1,2,3, Điều 51, Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”.

 

13

Tình huống 13: Đồng chí Bí thư Chi bộ B (Chi bộ không có Chi ủy, không có phó bí thư) bị xử lý kỷ luật. Chi bộ cho rằng nếu để đồng chí Bí thư Chi bộ làm báo cáo gửi cấp trên sẽ không đảm bảo tính khách quan và kịp thời. Do đó, Chi bộ phân công một đồng chí đảng viên trong chi bộ làm báo cáo, ký, gửi lên cấp trên. Vậy, việc làm của Chi bộ B là đúng hay sai?

 

- Đồng chí Bí thư Chi bộ B phải có trách nhiệm làm văn bản báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp về tình hình vi phạm để cấp ủy cấp trên trực tiếp cử đại diện chủ trì hội nghị xem xét, kỷ luật đồng chí Bí thư Chi bộ theo quy định. Do đó, việc làm như trên của Chi bộ B là chưa đúng theo quy định của Đảng.

  - Căn cứ văn bản: Điểm 7.1 (về hiệu lực quyết định kỷ luật- tại Điều 16), Mục III, Hướng dẫn 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22- QĐ/TW quy định: "Trường hợp chi bộ chỉ có bí thư chi bộ, nếu bí thư chi bộ bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của chi bộ thì bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp để cử đại diện chủ trì hội nghị xem xét, kỷ luật. Sau khi biểu quyết quyết định kỷ luật, chậm nhất 05 ngày chi bộ phải gửi báo cáo kết quả hội nghị (biên bản...) đến cấp uỷ có thẩm quyền để ban hành quyết định kỷ luật”.

14

Tình huống 14: Trong khi làm việc với Đoàn kiểm tra, đảng viên A (là đối tượng kiểm tra) dùng máy ghi âm, máy quay phim để quay hình ảnh và ghi âm. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu đảng viên A không được sử dụng các phương tiện trên thì đảng viên A nói là có quyền được sử dụng các phương tiện khi làm việc với đoàn kiểm tra. Vậy, ý kiến của đảng viên A đúng hay sai?

 

- Ý kiến của đảng viên A là sai. Vì đảng viên A khi đang được kiểm tra, giám sát ngoài việc phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát thì còn phải thực hiện các quyết định, kết luận và yêu cầu của chủ thể kiểm tra.       

 - Căn cứ văn bản: Khoản 6, Điều 3, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát: “Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát”.

 

15

Tình huống 15: Chi bộ đồng chí có đảng viên dự bị bị toà án có thẩm quyền tuyên án phạt 03 năm tù cho hưởng án treo.

Khi bản án có hiệu lực, các tổ chức đảng và đồng chí cần làm gì để thực hiện quy định của đảng về xử lý đảng viên vi phạm?

- Tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định xoá tên đảng viên trong danh sách đảng viên và thông báo đến chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên trên là thành viên để chấp hành.

 - Căn cứ văn bản:

+ Khoản 3, Điều 17, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định “Đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xoá tên đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đó là thành viên...”. 

16

Tình huống 16: Đảng viên A vi phạm kỷ luật đến mức phải khai trừ Đảng. Khi chi bộ biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật khai trừ chỉ được 07/13 phiếu, chi bộ đã báo cáo và chuyển hồ sơ lên cấp uỷ cấp trên. Sau khi tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định khai trừ đảng viên A, thì có ý kiến đảng viên đề nghị phải thực hiện việc bỏ phiếu lại ở chi bộ vì kết quả bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật không quá hai phần ba tổng số đảng viên theo quy định. Vậy, tổ chức đảng ra quyết định kỷ luật khai trừ đảng viên A như trên là đúng hay sai?

 

- Tổ chức đảng ra quyết định kỷ luật khai trừ đảng viên A như trên là đúng và đảm bảo quy trình, không yêu cầu thực hiện việc bỏ phiếu lại ở chi bộ.

 - Căn cứ văn bản:

+ Tiết 3.3, Khoản 3, Điều 15, Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định: “Trường hợp khai trừ đảng viên, giải tán tổ chức đảng phải được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và được sự đồng ý của trên một nửa số thành viên của tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định".

+ Điểm 6.5, Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22-QĐ/TW quy định: "Đảng viên vi phạm đến mức phải khai trừ hoặc tổ chức đảng vi phạm đến mức phải giải tán nhưng chưa đủ hai phần ba số đảng viên chính thức của chi bộ hoặc thành viên của tổ chức đảng bỏ phiếu đề nghị thì báo cáo và chuyển hồ sơ để tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

17

Tình huống 17: Đảng viên A sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, phát hiện có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng nào xem xét, xử lý?

 

- Tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét xử lý (hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng quản lý đảng viên hiện nay hoặc trước đây xem xét, xử lý).

 - Căn cứ văn bản:

+ Khoản 3, Điều 9, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định: "Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý theo thẩm quyền".

+ Tại Điểm 1.1.4 (về nguyên tắc thi hành kỷ luật), Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22- QĐ/TW quy định: “Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây đối với các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ do chi bộ giao, vi phạm chính sách dân số, vi phạm chế độ sinh hoạt đảng, thu nộp đảng phí,... mà chưa được xem xét, xử lý thì tùy theo nội dung vi phạm, tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét giải quyết hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng quản lý đảng viên hiện nay hoặc trước đây xem xét, xử lý”.

18

Tình huống 18:  Đảng viên A mua chứng chỉ ngoại ngữ của anh B để hoàn thiện hồ sơ cán bộ. Sau 01 năm anh B bị khởi tố về hành vi làm giả chứng chỉ ngoại ngữ. Cơ quan điều tra thông báo đảng viên A sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả. Vậy đảng viên A có bị xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng không?

 

- Vi phạm của đảng viên A bị xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng khi tổ chức đảng có thẩm quyền qua kiểm tra, kết luận đảng viên A sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả.

 - Căn cứ văn bản:

+ Tổ chức đảng có thẩm quyền phải kiểm tra, Kết luận: (kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên): Khoản 2, Điều 17, Quy định số 22-QĐ/TW quy định: “2. Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó.”

+ Hình thức kỷ luật: Căn cứ tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, hậu quả vi phạm, tình tiết tăng năng, giảm nhẹ xử lý kỷ luật bằng các hình thức được quy định tại các điểm:  Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 35, Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định:  “Khai không đúng hoặc mua, bán, sử dụng, tặng, cho văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp”; Điểm a, Khoản 2 có nêu: “ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận không hợp pháp để hợp thức hóa hồ sơ cán bộ, đảng viên”; Điểm d, Khoản 3 quy định: “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, được kết nạp vào Đảng, được đi học, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạnh, bậc, để đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ”.

 

19

Tình huống 19: Ở chi bộ đồng chí có đảng viên được cấp có thẩm quyền ra quyết định nghỉ hưu nhưng đảng viên này đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử. Theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng thì trường hợp đảng viên đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc đang xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì chưa chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Là Bí thư chi bộ, đồng chí xử lý như thế nào?

 

- Chi bộ làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời về nơi đồng chí cư trú, đồng thời có văn bản thông báo cho tổ chức đảng quản lý đảng viên nơi cư trú biết.

  - Căn cứ văn bản: Khoản 1 (1.1.1), Phần III, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định 22- QĐ/TW quy định: "Cán bộ, đảng viên... đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu, được được cấp có thẩm quyền giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho đảng viên đó về nơi cư trú, đồng thời có văn bản thông báo cho tổ chức đảng quản lý đảng viên nơi cư trú biết".

 


Nguồn tài liệu: Đảng ủy Các cơ quan tỉnh

Lưu Hải An - Bí thư Chi bộ Văn phòng, Sở GDĐT

Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Lưu Hải An Chánh Văn phòng ...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,593
Tổng số trong ngày: 15,487
Tổng số trong tuần: 35,234
Tổng số trong tháng: 573,412
Tổng số trong năm: 2,896,863
Tổng số truy cập: 16,041,995