Giao lưu trực tuyến của lãnh đạo Sở GD&ĐT về các khoản thu trong trường học và dạy thêm - học thêm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Từ 8h30 đến 11h00, sáng ngày 22/10/2013, Báo Bắc Giang điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang với bạn đọc về các khoản đóng góp đầu năm học mới và vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sau đây là toàn bộ nội dung buổi giao lưu:
Trân Bích Thảo thanhthao@gmail.com - Địa chỉ: bắc giang
 
Trường tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) thu tiền xã hội hóa của học sinh rồi nhưng lại cho giáo viên chủ nhiệm thu tiếp và lấy 50% của lớp để nhập vào quỹ nhà trường đúng hay sai?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Nếu đúng như bạn đọc phản ánh, thì việc thu tiền của Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) là sai quy định. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh làm rõ và trả lời bạn đọc sau.
 
Phan Thanh Xuan - Địa chỉ: huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang
 
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo công tác kiểm tra việc lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chương trình dạy thêm cho từng môn, giải thích cho người học và người dạy tăng tiết dạy thêm, học thêm, thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ phần trăm... như thế nào ?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Việc lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chương trình dạy thêm cho từng môn đã được quy định rõ tại điểm b khoản 2 điều 8 Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: "Người dạy thêm phải có kế hoạch giảng dạy, giáo án dạy thêm". Vì vậy, giáo viên dạy thêm phải lưu giữ giáo án, chương trình dạy thêm là đương nhiên.
 
- Mức thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm đã được quy định rõ tại điều 11 Quyết định 455 của tỉnh. Theo đó mức thu tiền học thêm là theo thỏa thuận giữa CMHS với nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; mức chi tiền dạy thêm trong nhà trường quy định cụ thể nội dung chi 75% cho giáo viên trực tiếp dạy thêm. Hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc quy định này.
 
dovan98@gmail.com
 
Dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu là dạy trước chương trình( nhất là ở cấp tiểu học). Vậy xin đồng chí Giám đốc Sở cho biết ngành có quy định nào về giáo án, bài giảng dạy thêm không hay do giáo viên tự lên chương trình dạy?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Tại điểm b khoản 2 điều 8 Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nêu rõ: "Người dạy thêm phải có kế hoạch giảng dạy, giáo án dạy thêm". Vì vậy, giáo viên không được tự ý lên chương trình dạy mà phải thống nhất nội dung dạy thêm trong tổ chuyên môn, được hiệu trưởng phê duyệt mới được tiến hành dạy. Đồng thời Sở chỉ đạo không được dạy trước chương trình.
 
 
Lãnh đạo Báo Bắc Giang và Sở GD&ĐT chủ trì buổi giao lưu.
Nguyễn Đình Toản - Địa chỉ: Thị trấn Thắng, Hiệp Hoà, Bắc Giang
 
Hiện nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu, chi. Tuy nhiên, Ban này lại trở thành "cánh tay” đắc lực của trường trong việc thu tiền cho nhà trường. Vậy, Sở có giải pháp khắc phục nào chưa?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Hiện nay trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp.
 
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường: Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; Phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh; Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương; Phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học; Hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Quyết định triệu tập các cuộc họp theo quy định sau khi đã thống nhất với Hiệu trưởng; Căn cứ ý kiến của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để kiến nghị với Hiệu trưởng về những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh; Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện theo quy định. Như vậy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục không phải là "giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu, chi”.
 
Tuy nhiên thời gian qua, một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh đã lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu một số khoản trái quy định. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn chấn chỉnh việc thu, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục không lạm dụng danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân (trong đó có Ban đại diện cha mẹ học sinh) dưới mọi hình thức để đặt ra các khoản thu ngoài quy định; đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo không để tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm túc đối với tổ chức, cá nhân thực hiện trái qui định.
 
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số trường học lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh thu một số khoản trái quy định (Trường tiểu học Cảnh Thụy huyện Yên Dũng, Trường tiểu học Việt Tiến số 1), Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị hoàn trả lại phụ huynh học sinh các khoản thu không đúng quy định và đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử lý đối với cán bộ quản lý đã để xảy ra những sai phạm trên.
 

Tiếp tục nghiên cứu câu hỏi độc giả gửi tới chương trình.
 
tuean@yahoo.com
 
Theo tôi, dạy thêm học thêm hiện nay vẫn đa phần các phụ huynh là theo tâm lý đám đông, mặc dù các em ở nhà vẫn có thể làm được bài nhưng trước sức ép của phụ huynh nên nhiều em vẫn phải đến các lớp dạy thêm? Vậy ngành chức năng đầu năm học ngoài việc quán triệt tới các giáo viên về công tác dạy thêm, học thêm thì đã phổ biến đến các bậc phụ huynh chưa?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quy định về dạy thêm, học thêm được ngành giáo dục thực hiện dưới nhiều hình thức như: phổ biến quy định DTHT trên Báo Bắc Giang, Đài PTTH Bắc Giang; đăng tải quy định DTHT trên website của ngành để các bậc phụ huynh và nhân dân hiểu và thực hiện. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng phổ biến quy định DTHT tới các bậc phụ huynh thông qua các cuộc họp CMHS đầu năm học, cuối học kỳ I và cuối mỗi năm học.
 
Nguyễn Thị Hoa uyennhibbg@gmail.com - Địa chỉ: Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang
 
Có những khoản thu không thật cần thiết như bảo hiểm thân thể học sinh, nhưng theo tôi được biết thì một số nhà trường vẫn đưa vào danh sách bắt buộc các cha mẹ phải mua cho con em mình. Vậy tôi xin hỏi đồng chí Giám đốc, Sở có quy định gì về vấn đề này. Cách xử lý vấn đề ra sao khi các trường đã thực hiện?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Hiện nay học sinh, sinh viên các cấp học, bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học và dạy nghề) đang tham gia bảo hiểm thân thể với các Công ty Bảo hiểm trên địa bàn tỉnh. Đây là loại hình bảo hiểm áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung số 61/2010/QH12 của Quốc hội. Đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện giữa người được bảo hiểm là (phụ huynh, học sinh, sinh viên) và doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức trách nhiệm được bảo hiểm.
 
Trong những năm qua, thông qua tham gia bảo hiểm không ít học sinh không may gặp rủi ro (chết do tai nạn, ốm đau bệnh tật; thương tật thân thể do tai nạn; nằm viện do ốm đau, bệnh tật; phẫu thuật do ốm đau, bệnh tật...) được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, chi trả đã góp phần giảm bớt những khó khăn cho học sinh và gia đình học sinh. Việc triển khai công tác bảo hiểm đối với cán bộ, giáo viên và học sinh đã góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
 
Hàng năm, vào đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đều chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền để phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình theo qui định của Luật Bảo hiểm y tế; giải thích rõ điều kiện, quyền lợi của các loại hình bảo hiểm thương mại để phụ huynh, học sinh lựa chọn và tự nguyện tham gia.
 
Hiện tại Sở GD&ĐT chưa phát hiện trường nào thực hiện sai quy định. Nếu đơn vị nào vi phạm thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
 

Tiếp nhận thông tin trả lời của Sở GĐ&ĐT và chuyển tải tới độc giả.
 
Nguyen Van Anh vanmy156@gmai.com
 
Xin ông trả lời về những khoản thu của hội phụ huynh trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Rất cảm ơn phản ánh kịp thời của bạn về việc thực hiện các khoản thu của Hội cha mẹ học sinh Trường tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên năm học 2013-2014.
 
Trước khi có ý kiến trả lời bạn, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang sẽ kiểm tra xác minh để làm rõ và trả lời bạn sau.
 
luuhung75@gmail.com
 
Xin đồng chí cho biết các điều kiện để cấp phép cho giáo viên dạy thêm tại nhà?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:Trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm và Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều không có quy định về việc cấp phép cho giáo viên dạy thêm tại nhà. Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện theo Điều 8, Thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và khoản 2, Điều 5 Quyết định số 455 của UBND tỉnh Bắc Giang.
 
Hồng Thanh - Địa chỉ: Huyện Lạng Giang
 
Thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay có phải do thời gian dạy trên lớp không đủ truyền tải kiến thức hay do giáo viên giữ kiến thức để còn dạy thêm?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy dạy thêm, học thêm ở tỉnh Bắc Giang không đến mức độ tràn lan như bạn nghĩ, phần lớn các tổ chức và cá nhân đã thực hiện khá đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm. Những vi phạm về dạy thêm, học thêm sẽ tiếp tục được chấn chỉnh để hoạt động này thực sự có trật tự, nề nếp. Qua kiểm tra chuyên môn cho thấy hầu hết giáo viên dạy trên lớp thực hiện truyền tải đủ kiến thức cho học sinh, chưa phát hiện được trường hợp nào giáo viên giữ lại kiến thức để dạy thêm như bạn nêu ra. Việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu là do nhu cầu của người học muốn nâng cao kiến thức, do tâm lý phụ huynh muốn con em mình học thật giỏi.
 

Lãnh đạo và cán bộ Sở GD&ĐT tiếp nhận câu hỏi và trả lời độc giả.
 
hongngoc@gmail.com
 
Xin đồng chí Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết, việc xử lý dạy thêm và học thêm như thế nào? Đến nay đã xử lý được bao nhiêu vụ?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch định kỳ và đột xuất, mọi phản ánh của dư luận về dạy thêm, học thêm trái quy định đều được các cơ quan quản lý giáo dục kiểm tra, xác minh và xử lý đúng quy định của pháp luật. Đến nay đã xử lý một số tổ chức và cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm như tổ chức dạy thêm trái phép trong hè, dạy thêm trước chương trình …vv; xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
 
caominhngoc.bbg@gmail.com
 
Ở quê tôi Hội Phụ huynh học sinh còn gọi là Hội Phụ thu, năm nay ngành Giáo dục có chỉ đạo gì mới để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng Hội Phụ huynh học sinh để lạm thu?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Khắc phục tình trạng một số cơ sở giáo dục lợi dụng danh nghĩa Hội phụ huynh học sinh để "lạm thu”, ngày 23/8/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1014/SGD&ĐT-KHTC về việc hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2013-2014; hướng dẫn cụ thể việc thu, quản lý và sử dụng từng khoản thu như: Tiền học phí; lệ phí tuyển sinh; tiền gửi xe; tiền dạy thêm, học thêm; các khoản chi phí phục vụ trực tiếp người học; các khoản thu hộ và kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; các khoản huy động từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được huy động, quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
 
Ban đại diện cha mẹ học sinh (trường, lớp) không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh; không quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Như vậy Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được huy động kinh phí đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác phục vụ hoạt động của Ban đại diện cho mẹ học sinh lớp, trường, ngoài ra không được thu bất kỳ một khoản nào khác.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục không lạm dụng danh nghĩa của các tổ chức cá nhân (trong đó có Ban đại diện cha mẹ học sinh) dưới mọi hình thức để đặt ra các khoản thu ngoài quy định; đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo không để tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm túc đối với tổ chức, cá nhân thực hiện trái qui định; chỉ đạo hoàn trả phụ huynh học sinh các khoản thu không đúng quy định.
 
 
Quang cảnh buổi giao lưu.
 
Hồng Minh - Địa chỉ: Huyện Yên Dũng
 
Có quy định nào về tổ chức và hoạt động của Hội Phụ huynh học sinh không? Nếu có thì như thế nào?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Về tổ chức và hoạt động của Hội phụ huynh học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Trong đó có quy định rõ về tổ chức và hoạt động của Ban Đại diện CMHS lớp, trường; việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí của Ban Đại diện CMHS lớp, trường; trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc phối hợp, hướng dẫn hoạt động của Ban Đại diện CMHS ...
 
beotay.mn@yahoo.com
 
Con tôi năm nay bắt đầu đi học lớp mầm non 2 tuổi, xin hỏi các khoản phí, lệ phí nào phải đóng ở trường?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH ngày 15/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động TB&XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Năm học 2013-2014, học sinh trong trường mầm non công lập phải đóng học phí theo quy định tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh, mức thu học phí theo vùng, cụ thể như sau:
 
 Thành thị Nông thôn Miền núi Ghi chú
 60 45 30 Nghìn đồng/Học sinh/tháng
 
Ngoài ra học sinh đóng góp một số khoản để nhà trường thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dưỡng như: Tiền ăn, tiền quản lý học sinh bán trú tại trường, tiền điện, tiền nước uống phục vụ học sinh. Các khoản thu này, cơ sở giáo dục xây dựng phương án thu, chi và thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
 
Tiền đồ dùng, dụng cụ học tập của học sinh, nhà trường thông báo cụ thể từng loại đồ dùng, dụng cụ cần thiết của học sinh phải chuẩn bị; phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn và quyết định hình thức thực hiện.
 
Tiền Bảo hiểm thân thể (không bắt buộc), học sinh và gia đình tự nguyện tham gia. Nhà trường thu hộ các Công ty bảo hiểm.
 
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
 
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
 
vuanh101@gmail.com
 
Sau khi có thông tư 17, hoạt động dạy thêm đã kín đáo hơn, giáo viên phần lớn chuyển sang dạy tại nhà chứ không thuê địa điểm mở lớp. Thực trạng này, ngành chức năng đã có biện pháp gì để quản lý chưa?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Việc giáo viên dạy thêm tại nhà là có, qua kiểm tra cho thấy phần lớn giáo viên dạy kèm cặp theo hình thức gia sư cho một vài học sinh là con, em của đồng nghiệp, người thân trong gia đình; một số giáo viên dạy thêm tại nhà đáp ứng đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm. Trong thời gian tới, ngành yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm như dạy thêm không có giấy phép, dạy thêm khi không được sự cho phép của hiệu trưởng ...
 
Phạm Hải Hà - Địa chỉ: Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa
 
Gia đình tôi có 2 cháu đang học THCS nhưng ngày nào cũng thấy đến trường học thêm. Học chính khóa đã vất vả, nay lại phải vùi đầu vào những kiến thức được gọi là bồi dưỡng. Tuy là không bắt buộc, nhưng dường như tất cả học sinh đều phải theo vì sợ thua kém chúng bạn, hoặc sợ bị thầy, cô trù dập, hạ điểm. Việc tổ chức dạy thêm như vậy có đúng không ? Ngành giáo dục làm gì để chấn chỉnh tình trạng này?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đồng thời chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định trên.
 
Trong Quyết định đã nêu rõ, đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông không bố trí học sinh học thêm quá 4 môn và 4 buổi/tuần, mỗi buổi học không quá 3 tiết (mỗi tiết 45 phút). Ông (bà) cần kiểm tra, đối chiếu việc học thêm của con mình với quy định trên. Nếu đúng như ông bà phản ánh, ngày nào cũng thấy con em mình đến trường học thêm là không đúng theo quy định.
 
Dương Đức Nghĩa - Địa chỉ: Xã Dĩnh Kế (TP Băc Giang)
 
Hiện nay tình trạng học sinh đến học ở tại nhà tư của giáo viên khá phổ biến, mỗi lớp giao động từ 10-20 em, và chia theo rất nhiều ca, có giáo viên thu nhập 1 triệu/ngày. Để hợp thức hóa, giáo viên yêu cầu cha mẹ học sinh viết đơn tự nguyện dưới chiêu bài bồi dưỡng kiến thức. Đây có được xếp vào nhóm dạy thêm không? Nếu không thì xếp vào nhóm gì? Hiện tượng này bao giờ mới chấm dứt?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Trường hợp bạn hỏi được xác định là dạy thêm. Nếu giáo viên hợp thức hóa bằng cách yêu cầu cha mẹ học sinh viết đơn tự nguyện dưới hình thức "bồi dưỡng kiến thức” như bạn cung cấp thông tin là không đúng quy định.
 
Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường được thực hiện theo Điều 8, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm và khoản 2, Điều 5, Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
 
Bạn cần cung cấp thông tin cụ thể với cơ quan quản lý giáo dục các cấp để xác minh, làm rõ.
 

Tiếp tục tiếp nhận và trả lời ý kiến độc giả.
 
Đào Vĩnh
 
Bộ GD-ĐT và các địa phương đã ban hành không ít các văn bản để kiểm soát tình trạng dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của các nhà quản lý khiến cho hiện tượng này biến tướng dưới nhiều hình thức. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Việc quản lý dạy thêm, học thêm trách nhiệm chính là của cơ quản quản lý giáo dục các cấp. Tuy nhiên, để kiểm soát được tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cấp xã và sự giám sát của cả cộng đồng, trong đó vai trò của nhân dân là rất quan trọng. Vì vậy, khi phát hiện hành vi dạy thêm trái quy định, người dân cần phản ánh kịp thời tới cơ quan quản lý giáo dục các cấp và chính quyền địa phương nơi xảy ra tiêu cực để kiểm tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
Vũ Ngọc Anh vananhbgo@gmail.com
 
Thông tư 17 của Bộ GD - ĐT có nói rằng giáo viên có thể dạy thêm bên ngoài nhà trường và không được dạy đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa. Như vậy theo tôi nghĩ sẽ khó có thể chấm dứt được cảnh dạy thêm, học thêm. Xin ông cho biết giải pháp khắc phục ?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Khoản 4 điều 4 Thông tư 17 quy định: Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó". Như vậy Thông tư 17 không cấm giáo viên, học sinh dạy thêm học thêm nhưng việc dạy thêm, học thêm phải thực hiện theo đúng quy định.
 
Phùng Thị Hạnh phunghanh42@yahoo.com
 
Kính thưa đồng chí Giám đốc Sở: Việc thu tiền dạy bồi dưỡng học sinh giỏi( câu lạc bộ - đội tuyển) để thi học sinh giỏi các cấp, tôi không thấy nêu trong hướng dẫn dạy thêm- học thêm. Vậy giáo viên trực tiếp dạy có được thu tiền bồi dưõng học sinh giỏi không? Nếu thu thì theo quy định nào. Tôi xin cảm ơn!
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Điều 4 của Quyết định 455/2012/QĐ-UBND ngày 25-12-2012 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh nêu rõ: "Việc phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém và bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không được thu tiền của học sinh”. Do đó, nếu nhà trường thu tiền bồi dưỡng học sinh giỏi là vi phạm Quyết định 455/2012/QĐ-UBND .
 
Mai maianh06032010@gmail.com
 
Hiện nay con tôi đang theo học ở một trường tiểu học trên địa bàn TP Bắc Giang. Tôi rất băn khoăn khi trường con tôi học kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để xây dựng phòng vi tính mà hoàn toàn không công khai cho phụ huynh biết kế hoạch chi tiết xây dựng như thế nào, cần bao nhiêu tiền, đầu tư bao nhiêu máy, nguồn tiền đó, sử dụng quản lý như thế nào. Là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, ông suy nghĩ gì về điều này?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Việc nhà trường thực hiện thu tiền đóng góp để xây dựng phòng vi tính mà không công khai cho phụ huynh, không xây dựng kế hoạch chi tiết, cần bao nhiêu tiền, đầu tư bao nhiêu máy, quản lý và sử dụng như thế nào là không đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban Công văn số 1014/SGD&ĐT-KHTC ngày 23/8/2013 hướng dẫn cụ thể việc thu, quản lý và sử dụng từng khoản thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
 
 
Tiếp tục cập nhật ý kiến trả lời của Sở GD&ĐT để chuyển tải đến bạn đọc.
 
Thanh Trung thanhtrungthtp@gmail.com
 
Có con theo học nhiều năm ở các trường, tôi nhận thấy năm nào cũng thấy các trường phát động "xã hội hóa giáo dục”, khi thì đầu tư xây dựng công trình lúc lại mua sắm trang thiết bị để kêu gọi phụ huynh đóng góp "tự nguyện” theo hình thức cào bằng, bổ đầu học sinh. Theo ông, như thế nào mới là xã hội hoá giáo dục đúng nghĩa? Ngành giáo dục có nhận thấy thực trạng này không mà sao cứ để kéo dài nhiều năm như vậy?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Đúng như phản ánh của công dân, những năm học trước nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phát động "xã hội hóa giáo dục”, khi thì đầu tư xây dựng công trình lúc lại mua sắm trang thiết bị để kêu gọi phụ huynh đóng góp "tự nguyện” theo hình thức cào bằng, bổ đầu học sinh.
 
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 23/8/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1014/SGD&ĐT-KHTC hướng dẫn cụ thể việc thu, quản lý và sử dụng từng khoản thu như: Tiền học phí; lệ phí tuyển sinh; tiền gửi xe; tiền dạy thêm, học thêm; các khoản chi phí phục vụ trực tiếp người học; các khoản thu hộ và kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; các khoản huy động từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
 
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo là cần thiết. Tuy nhiên việc huy động xã hội hóa giáo dục phải đảm bảo trình tự, thủ tục, hồ sơ theo đúng theo quy định của pháp luật.
 
Mai Nhung mainhungttv@gmail.com - Địa chỉ: Thành Phố Thanh Hóa
 
Thưa ông, bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh có nhiều gánh” lo, nhưng nỗi lo nhất lại là các khoản đóng góp ngoài quy định dưới hình thức xã hội hoá giáo dục hay còn gọi là "tự nguyện”. Ví dụ như: theo quy định thì các cơ sở giáo dục không được phép thu quỹ xây dựng trường, tuy nhiên trên thực tế rất nhiều trường đã chuyển khoản thu này sang các khoản thu "hỗ trợ” sửa chữa, xây dựng công trình theo hình thức tự nguyện. Vậy xin ông cho biết quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề này và đặc biệt là làm thế nào để các khoản thu mang hình thức tự nguyện được rõ ràng, minh bạch và đúng theo nghĩa tự nguyện thưa ông?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế một số cơ sở giáo dục huy động các khoản đóng góp, đầu tư xây dựng hay "hỗ trợ” cơ sở vật chất trường học không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định.
 
Để việc huy động sự đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, ngày 23-8-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã ban hành Công văn số 1014/SGDĐT-KHTC hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2013-2014. Theo đó, việc huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học thực hiện như sau: Căn cứ vào nhu cầu thực tế tại từng thời điểm, các trường mầm non, tiểu học, THCS báo cáo và tham mưu với UBND cấp xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; UBND cấp xã đề xuất phương án, huy động đầu tư cơ sở vật chất, trình HĐND cấp xã quyết định. Quy trình thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3, điều 27, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP: "Khi có nhu cầu huy động sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn, thị xã, thị trấn thuộc tỉnh, UBND xã lập phương án, báo cáo HĐND cùng cấp quyết định”.
 
Khi được HĐND cấp xã quyết định thì UBND xã có trách nhiệm triển khai việc thu và thực hiện quản lý sử dụng kinh phí bảo đảm công khai theo đúng mục đích.
 

Lãnh đạo Báo Bắc Giang tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Sở GD&ĐT kết thúc buổi giao lưu thành công.
 
Phan Thị Thu Huyền nguyenluong2818@gmail.com - Địa chỉ: Dinh trì -TP Bắc Giang
 
Trường Mầm non Dĩnh Trì thu tiền đầu vào 100 nghìn đồng/hs có đúng quy định không?
 
Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Do bạn không nói rõ khoản thu trên là thu vào việc gì, nên chúng tôi chưa thể trả lời bạn được. Xin bạn cho biết rõ hơn, tiền đầu vào mà bạn phản ánh cụ thể là khoản gì? Bạn có thể gửi câu hỏi trực tiếp đến Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Giang theo địa chỉ mail: vanphong@bacgiang.edu.vn
 
Nguồn: Báo Bắc Giang Điện tử
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 18,767
Tổng số trong ngày: 7,080
Tổng số trong tuần: 36,130
Tổng số trong tháng: 66,491
Tổng số trong năm: 3,929,198
Tổng số truy cập: 17,074,330