Giảng dạy thơ Đường trong trường phổ thông bằng cách tiếp cận văn hóa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thơ Đường là đỉnh cao của thi ca nhân loại, trải qua hơn 1000 năm, vẫn giữ nguyên sức lay động sâu xa trong ấn tượng của những người quan tâm và yêu thích nghệ thuật thơ ca. Những vần thơ Đường bao giờ cũng gợi một chân trời kì diệu mà đầy lôi cuốn, thách thức mà đầy quyến rũ với những lời ca nồng đượm mà thanh tao, ngọt ngào mà trang nhã, tình tứ mà phiêu du. Cảm nhận hết được cái hay của thơ Đường đã là một việc khó, làm sao để chuyển tải hết những cái hay đó đến người khác lại là một việc khó hơn.

Cho nên, giảng dạy thơ Đường trong trường phổ thông cho hay có thể nói là một thách thức với nhiều giáo viên dạy Văn. Vấn đề đặt ra là tiếp cận thơ Đường như thế nào để có thể khai thác được trọn vẹn tinh hoa của những vần thơ ấy? Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều giáo viên có tâm huyết đã đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau: theo quan điểm ngữ văn, theo chủ nghĩa ấn tượng, từ góc độ xã hội học, từ góc độ thi pháp học... Mỗi cách tiếp cận có những ưu điểm và hạn chế riêng, song, để hiểu thơ Đường một cách trọn vẹn, khoa học và chính xác hơn, chúng ta cần trả tác phẩm về với cội nguồn văn hóa cụ thể đã sản sinh ra nó, tìm hiểu cái mã văn hóa riêng biệt đã tạo lập nên nó, nói cách khác chính là cần tiếp cận thơ Đường từ góc độ văn hóa.

 
Văn hóa được hiểu là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một lịch sử dài lâu. Mỗi cộng đồng dân tộc có một nền văn hóa riêng, thể hiện diện mạo riêng của cộng đồng dân tộc ấy. Và văn học của mỗi cộng đồng dân tộc chính là sự tự ý thức nền văn hóa của họ. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ không gian văn hóa của một thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc. Tư tưởng triết học, tôn giáo, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tư duy, hội họa, điêu khắc... đều thuộc về văn hóa và đều ảnh hưởng đến văn học. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, do vậy tiếp cận văn học của dân tộc nào thì phải dựa trên mã văn hóa của dân tộc đó. Tiếp cận văn hóa đối với thơ Đường chính là giải mã văn hóa Trung Hoa trong thơ Đường, làm nổi bật những sắc thái văn hóa phong phú được thể hiện trong tác phẩm, khám phá tổng thể tác phẩm trên nhiều bình diện, nhiều góc độ, từ đó mới có thể đánh giá hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm và ý nghĩa quan trọng của nó với cuộc sống nhân loại.
 
Thơ Đường trong chương trình phổ thông từ THCS lên THPT được thiết kế theo lối xoáy trôn ốc. Ở lớp 7, học sinh được học các bài Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi Lư), Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch, Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) của Hạ Tri Chương, Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá) của Đỗ Phủ. Ở lớp 10, học sinh được học các bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ, Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu, Khuê oán (Nỗi oán của phòng khuê) của Vương Xương Linh, Điểu minh giản (Khe chim kêu) của Vương Duy. Bằng cách tiếp cận văn hóa, người giáo viên nhất thiết phải hiểu được chiều sâu 5000 năm của lớp trầm tích văn hoá Trung Hoa thể hiện trong những bài thơ ấy để lý giải, phân tích cái hay của bài thơ một cách trọn vẹn, và quan trọng hơn, từ đó khơi gợi được hứng thú, khát khao muốn tìm hiểu, khám phá của học sinh. Văn hóa Trung Hoa biểu hiện trong thơ Đường tiềm ẩn dưới muôn vàn sắc thái, để giảng dạy tốt những bài thơ Đường trong chương trình phổ thông, chúng ta cần tìm hiểu một vài cấp độ biểu hiện cơ bản như sau: mã ngôn ngữ, tôn giáo và triết học, phong tục tập quán, tâm thức văn hóa, tư duy nghệ thuật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hai cấp độ: mã ngôn ngữ và tư duy nghệ thuật.
 
Mã ngôn ngữ
 
Công việc đầu tiên vô cùng quan trọng khi tìm hiểu thơ Đường là phải giải mã ngôn ngữ thơ Đường. Ngôn ngữ chính là hình thức cảm nhận và lý giải thế giới của các thi nhân, là nơi chuyển tải, trình hiện và ngưng tụ những lớp văn hóa ẩn tàng trong
Ảnh minh họa.
Nguồn: Internet.
nội dung văn bản. Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Song, với thực trạng dạy học trong trường phổ thông của chúng ta hiện nay, việc đòi hỏi giáo viên và học sinh tiếp xúc với văn bản thơ Đường từ tiếng Trung là điều không thể. Dẫu vậy thì chí ít chúng ta cũng cần xác định, dạy học thơ Đường phải bám vào văn bản phiên âm Hán - Việt trong sách giáo khoa chứ không phải là bản dịch thơ của các dịch giả Việt Nam. Các bản dịch thơ chỉ nên đọc tham khảo, và phần nào để đối sánh với các bản tự dịch của học sinh (nếu như giáo viên có yêu cầu với đối tượng học sinh khá, giỏi). Nếu giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh bám vào câu chữ của bản dịch thơ để phân tích, bình giảng thì sẽ không tìm thấy hết cái hay của thơ Đường. Nói như vậy không phải hàm ý chê bai các bản dịch, mà chúng ta cần hiểu dịch thơ là một việc khó, dịch thơ Đường lại càng khó hơn, bởi ngôn ngữ thơ Đường hàm súc, cô đọng, tính tượng trưng cao, độ khái quát lớn. Khi dịch giả làm công việc chuyển ngữ thì đồng thời đã chuyển cả mã văn hóa theo, cho dù Trung Quốc và Việt Nam nhiều thế kỷ có sự giao lưu, tiếp biến sâu sắc về mặt văn hóa nhưng mã văn hóa Trung Hoa vẫn khác mã văn hóa Việt Nam, diện mạo thơ Đường vẫn khác diện mạo thơ Đường luật trung đại Việt Nam. Để hiểu thơ Đường, tiếp cận với văn bản phiên âm Hán - Việt không đơn thuần chỉ là việc giải nghĩa từ dựa vào chú thích trong sách giáo khoa. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh phân tích, cảm thụ, bình giá vẻ đẹp của bài thơ qua hệ thống từ ngữ, kết cấu ngữ pháp, hệ thống hình tượng... được hình thức ngôn ngữ chuyển tải. Ví dụ bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch:
Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa
Ánh trăng sáng đầu giường
Ngỡ là sương trên mặt đất
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê cũ.

Dịch thơ
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương. (Tương Như dịch)
 
Tiếp cận văn bản bài thơ này, giáo viên không chỉ đơn giản giải nghĩa từng từ Hán - Việt là xong. Cần hướng dẫn học sinh phân tích hàm ý của bài thơ trong nguyên tác khi nhà thơ viết là minh nguyệt quang, địa thượng sương, nghĩa là miêu tả một không gian yên tĩnh tuyệt đối, ánh sáng của trăng lặng lẽ đầu giường, nhân vật trữ tình như đang có tâm sự gì nên mơ hồ nửa thực nửa hư, nhìn ánh sáng mà ngỡ là sương. Bản dịch thơ thêm hai động từ rọi phủ đã làm mất đi không gian yên tĩnh đó đồng thời thêm vào hai chủ thể đang hoạt động, phần nào làm mờ đi chủ thể duy nhất của bài thơ, cũng làm nhạt đi sự chất chứa của tâm tư đang trĩu nặng nhân vật trữ tình.
 
Hoặc, khi khám phá bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, rõ ràng nhà thơ đã có dụng ý nghệ thuật khi phá cách luật thơ Đường trong bốn câu thơ đầu: Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ/Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu/Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/Bạch vân thiên tải không du du. Không giống với đặc trưng cô đọng, hàm súc của thơ Đường thông thường, đặc biệt là sự chọn lọc nghiêm khắc về ngôn từ, bốn câu thơ này có sự xuất hiện trùng lặp tới ba lần của hai chữ hoàng hạc, kèm với đó là sự trùng lặp của hai chữ không, hai chữ khứ. Và hai câu 3, 4 hoàn toàn không tuân thủ luật đối thanh, đối ý mà có cấu trúc đặc biệt một loạt thanh trắc rồi đến một loạt thanh bằng. Vậy dụng ý của thi nhân là gì? Rõ ràng những yếu tố hiển hiện về ngôn ngữ đó đã giúp người đọc nhận ra, chủ thể trữ tình đang bộc lộ nỗi niềm tiếc nuối đến nghẹn ngào về một điều gì đó tốt đẹp đã một đi không trở lại, đó là cảm nhận mang tính chủ quan của chủ thể trữ tình về nhân thế, là kết quả của những suy ngẫm giàu tính triết lý trong quan hệ đối sánh với tự nhiên. Nếu lại chỉ căn cứ vào lời dịch thơ trôi chảy Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ/Hạc vàng đi mất từ xưa/Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay thì khó mà cảm nhận trọn vẹn được ẩn ý của thi nhân.
 
Cần khẳng định rằng, giải mã được ngôn ngữ trong mỗi bài thơ là chúng ta đã nắm chắc trong tay chìa khóa mở ra một thế giới nghệ thuật phong phú của Đường thi.
 
Tư duy nghệ thuật
 
Toàn bộ nền văn hoá đặc sắc của Trung Hoa luôn chịu ảnh hưởng của truyền thống tư duy thẩm mĩ phương Đông, vốn khác biệt hoàn toàn so với truyền thống tư duy thẩm mĩ phương Tây. Chính đặc tính hoàn chỉnh của tư duy nghệ thuật phương Đông đã quy định một góc nhìn khác biệt, từ đó tạo nên đặc sắc trong nghệ thuật phối cảnh của thi nhân mà tạo thành “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”. Các họa gia Trung Quốc từ khi bắt đầu vẽ tranh phong cảnh đã biết tạo dựng những không gian đa chiều vừa cao, vừa sâu, vừa rộng mở, vừa trùng điệp nhằm thâu tóm cái toàn vẹn, hoàn chỉnh của cảnh sắc thiên nhiên. Vẫn là điểm nhìn cố định, nhưng nếu từ dưới thấp mà nhìn lên cao là “cao viễn”, từ trên cao nhìn xuống là “thâm viễn”, còn dõi nhìn về phía xa là “bình viễn”. Các hướng nhìn linh động này cho thấy khát vọng chiếm lĩnh chỉnh thể toàn vẹn của không gian vũ trụ - một biểu hiện sâu sắc của tính hoàn chỉnh trong tư duy nghệ thuật phương Đông.
 
Trong thi ca, ý cảnh nghệ thuật được xem là mục đích thẩm mĩ tối cao mà các thi nhân cần phải theo đuổi, cho nên mối quan hệ giữa tình ý chủ quan và cảnh vật khách quan thường được quan tâm sâu sắc. Song không phải dễ dàng mà tạo dựng được mối quan hệ ấy một cách tự nhiên trong thơ, cũng không phải dễ dàng mà phát hiện được mối quan hệ ấy một cách chính xác qua ngôn từ. Vì rằng bút pháp thơ Đường là bút pháp gợi. Cho nên, thẩm bình cho thấu cái hay của thơ Đường là công việc không hề đơn giản, chỉ có sự tinh tế trong cảm nhận và sự phong phú trong liên tưởng mới phát hiện được những liên kết ngầm mà nhà thơ kín đáo gửi sau cái vỏ của ngôn từ. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng cái mã chung cho mọi kiểu cấu tứ trong thơ Đường chính là sự đồng nhất hoá những hiện tượng mà giác quan cho là mâu thuẫn, như vô hạn và hữu hạn, không gian và thời gian, bất biến và thường biến, chân và ảo, thực và hư, tĩnh và động... Điều này xem ra cũng không có gì là khó hiểu nếu chúng ta đặt nó vào chiều sâu tâm thức văn hoá Trung Hoa. Bởi trong thế giới quan của người Trung Hoa, tư tưởng có tầm ảnh hưởng rộng và sâu nhất chính là tư tưởng Âm Dương. Âm Dương khẳng định và đề cao sự hài hoà thống nhất của những mặt đối lập, mâu thuẫn.

Nhận định rằng thơ Đường cốt nêu lên tính thống nhất, mà tính thống nhất chủ yếu là tính thống nhất giữa con người với thiên nhiên là một nhận định có căn cứ và khá chính xác. Song đạt đến tính thống nhất ấy không hề đơn giản. Thi nhân phải có duyên và có tài trong việc sử dụng những phương thức nghệ thuật hình thành nên sự hoà đồng từ thế đối lập, mâu thuẫn của các hình tượng trong thơ. Cách tạo dựng những cấu trúc tình cảnh hài hoà ấy chính là cách cấu tứ của thơ. Chịu ảnh hưởng của tinh thần mĩ học Trung Hoa vốn đậm màu sắc Đạo gia và tư tưởng Thiền, các thi nhân trong tạo dựng những mối liên hệ có tính thẩm mĩ hết sức đề cao tương quan giữa thực và hư, động và tĩnh. Cấu tứ chung của thơ ca, và không chỉ riêng thơ ca mà rộng ra là của các ngành nghệ thuật khác như hội hoạ, thư pháp, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo... đều dùng cái hư tĩnh để nắm bắt thần khí, phong cốt vạn vật. Có thể thấy, sự liên hệ của hư với thực, tĩnh với động trong quá trình sáng tạo và biểu hiện nghệ thuật là tự nhiên nguyên thuỷ.

Với các thi nhân nghệ sĩ, hư chính là thực, mà động chính là tĩnh, cho nên thực - hư tương sinhtĩnh - động giao hòa có thể xem là hai kiểu cấu tứ thể hiện rõ những đặc trưng nghệ thuật thơ Đường. Với kiểu cấu tứ Thực - Hư tương sinh, xét trong ý nghĩa là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng để hoàn thiện những ý cảnh nghệ thuật trong thơ, có thể thấy nó tương đối hiệu quả. Vì rằng, không gian cảnh vật dù được tạo tác sinh động đến đâu chăng nữa, vẫn phải nhờ đến thao tác liên tưởng mới hiển hiện. Cho nên, toàn bộ thế giới nghệ thuật mà con người khám phá trong thơ ca đều nhuốm màu sắc hư ảo. Nhưng thú vị là ở chỗ mọi hư ảo đó đều được bắt đầu từ những yếu tố rất thực. Đó là hệ thống ngôn ngữ với bề mặt rất hiện thực của nó. Từ chiều thực mà con người có thể chiếm lĩnh chiều hư. Từ chiều hư, liên tưởng và cảm xúc thăng hoa, tầm nhìn và những trải nghiệm của con người được mở rộng, đó lại là thực. Thực hư hư thực giao hoà tương sinh, cho nên cảm xúc mới đậm đà, liên tưởng mới diệu vợi như trong các bài Tĩnh dạ tứ, Vọng Lư Sơn bộc bố, Hoàng hạc lâu, Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Khuê oán... Cũng khởi nguồn từ tâm thức truyền thống Trung Hoa trong khám phá và chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật, và bản chất nội tại có sự tương đồng với cặp phạm trù thực - hư, song tĩnh - động có biểu hiện khá khác biệt. Trong sự tương sinh của hư và thực, các thi nhân khao khát chiếm lĩnh được chiều hư, vì cái hư ảo là bản chất của ý cảnh nghệ thuật. Cho nên mọi yếu tố thực đều được dùng để gợi cái hư. Còn trong tương quan tĩnh và động, không yếu tố nào trở thành chủ đạo, vì sức sống của ý cảnh nghệ thuật không nằm ở động hay ở tĩnh mà nảy sinh từ khoảng không giữa động và tĩnh. Nếu chúng ta hình tượng hoá động và tĩnh là hai hình tròn độc lập thì hình elip biểu hiện khoảng giao nhau giữa chúng mới chính là điều các thi nhân hướng tới.

Sức sống của ý cảnh nghệ thuật là sự giao hoà của động và tĩnh. Động và tĩnh được đặt trong tương quan đẳng lập, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. So sánh với mối tương giao thực - hư, chúng ta nhận thấy trong thực có hư, trong hư có thực, song thực là phụ mà hư mới là chính, có thể hình dung tương quan này giống như một đường xoáy ốc mà cái thực là tâm, còn cái hư là những đường vòng ngày càng rộng mở và hướng lên trên. Cho nên, thực hư tương sinh là để hướng về hư mà động tĩnh giao hoà cũng trở về hư. Vì rằng, cái khoảng giao hoà giữa động và tĩnh ấy chính là cái hư và thần thái, cốt khí của vạn vật đều nằm ở khoảng giao hoà đó. Các thi nhân luôn có hứng thú dùng động tả tĩnh, dùng tĩnh hoá động, thanh lọc cái động để lấy cái tĩnh, và từ cái tĩnh mà cảm nhận sức sống. Điểu minh giản là sự minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
 
Có thể khẳng định lại rằng văn học là sự tự ý thức của văn hoá, sinh khí mạnh mẽ của thơ Đường đã được bắt đầu từ trong sâu thẳm tiềm thức văn hoá Trung Hoa. Cho nên, để thẩm thấu hết cái hay, cái đẹp của thơ Đường, để khơi gợi được niềm hứng thú của cả giáo viên và học sinh trong dạy học thơ Đường ở trường phổ thông, chúng ta không thể bỏ qua mã văn hóa Trung Hoa.
 
Đỗ Thị Hà Giang - Chuyên viên Sở GD&ĐT
 
Sở GD&ĐT Bắc Giang
08/12/2015
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,175
Tổng số trong ngày: 5,073
Tổng số trong tuần: 34,123
Tổng số trong tháng: 64,484
Tổng số trong năm: 3,927,191
Tổng số truy cập: 17,072,323