THPT Chuyên Bắc Giang: Ngôi nhà của những tâm hồn đầy nghị lực

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khi nghe câu nói của Raxun Gamzatop "Nước mắt và nụ cười ở cùng trên khuôn mặt", tôi thấy câu nói ấy thật bình thường. Phải đến khi tiếp xúc với các em học sinh của mình, hiểu hơn về hoàn cảnh cụ thể của từng em, tôi mới thấy câu nói ấy thật thấm thía. Nước mắt và nụ cười, đau khổ và hạnh phúc...

Đằng sau những nụ cười rạng rỡ trên lớp học lại là những giọt nước mắt lăn dài, đằng sau những gương mặt hạnh phúc, tưởng chừng như yên bình lại là những cảnh đời bất hạnh.

Đó là câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ về những em học sinh chuyên Toán của tôi. Nếu nhìn bên ngoài và hỏi nhà các em ở đâu chắc mọi người đều nghĩ đó là các cô ấm, cậu ấm. Bởi cả bốn em đều ở thành phố Bắc Giang, gương mặt các em lúc nào cũng rạng ngời, trong công việc học tập và hoạt động phong trào các em đều giữ những trọng trách cao trong lớp, trong ban chấp hành đoàn trường. Mặc dù việc học tập ở trường Chuyên là cực kì vất vả nhưng các em vẫn nhiệt tình, sôi nổi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, lãnh đạo tập thể lớp mình hòa cùng không khí thi đua chung của Đoàn trường.

Đó là em Nguyễn Hoàng Giang, học sinh lớp 11 chuyên Toán K20. Mấy tháng trước khi xem clip về an toàn giao thông được giải nhất và ba do em tự dàn dựng tôi đã thắc mắc một điều: "Tại sao trong video ấy lại chỉ có mỗi em?", theo cách suy nghĩ của tôi, trong clip đó mẹ sẽ xuất hiện trước, nấu nướng và sau đó gọi em đi học... thật là một trải nghiệm, cảm giác ngọt ngào. Nhưng trong clip của Hoàng Giang quả thật có mình Giang, em tỏ ra là một người rất tự lập và nề nếp. Trong một câu chuyện bâng quơ, tôi nêu lên thắc mắc của mình và được biết rằng Giang đang ở với bà ngoại, bố mẹ bỏ nhau từ khi em mới lên 2 tuổi, mẹ em vào Nam và cũng lập gia đình riêng. Từ đó đến giờ trong ngôi nhà của em chỉ có hai bà cháu, vậy mà thành tích học tập của em thật tuyệt vời: Mười năm liền là học sinh giỏi toàn diện, thường xuyên đạt giải cao trong các kì thi Toán (giải Ba cấp thành phố lớp 7, giải Nhì cấp thành phố lớp 8, giải Nhì toán cấp tỉnh lớp 9, Huy chương đồng cuộc thi giải toán Hà nội mở rộng HOMO...). Lên cấp 3, điểm phẩy tổng kết của em cũng là một con số thật ấn tượng: 8.9 năm lớp 10 và 8.7 kì 1 lớp 11. Hiện nay em đang là Phó bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ống kính học đường - Phóng viên nhỏ của Đoàn trường THPT Chuyên Bắc Giang, Đội trưởng đội thanh niên xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông; bên cạnh đó thành tích trong phong trào Đoàn và thanh niên của em cũng thật đáng nể: Clip an toàn giao thông do em và câu lạc bộ dàn dựng đã được giải Nhất và Ba, phong trào thanh niên xung kích mà em tham gia đã trở thành một mô hình tiêu biểu đã được Ban chuyên đề Thời sự Bắc Giang chọn làm phóng sự và ghi hình hồi tháng 9/2011 nhằm ghi nhận những kết quả đã đạt được... Tôi khâm phục em! Khâm phục sự nỗ lực của em, sự tự tin của em, nụ cười của em. Bởi để có nụ cười ấy, có được sự tự tin ấy khi ở trường, chắc hẳn em đã phải tự mình vượt qua những cô đơn, những vất vả. Vậy mà khi ngỏ ý muốn viết về em, em từ chối với một lí do hết sức đáng quý: Bạn Trang lớp em hoàn cảnh hơn em, học giỏi hơn em, xứng đáng hơn em.




Hoàng Giang nhiệt tình và vui tính trong vai trò đội trưởng đội TNXK tại Lễ kỉ niệm 20 năm thành lập trường.

Tôi thử tìm hiểu về Trang, và cũng thật bất ngờ. Đúng như Giang nói, gia đình Trang thật hoàn cảnh: bố mẹ Trang li dị nhau từ khi bạn còn nhỏ. Trang ở với mẹ. Công việc của một công nhân làm nhà máy phân đạm hóa chất Hà Bắc vốn đã vất vả và hại sức khỏe, lại thường xuyên phải làm ca đêm, vì vậy mà Trang rất thương mẹ. Bạn học cách sống tự lập, tự lo cho bản thân mình để mẹ yên tâm làm việc. Thiếu hụt tình cảm người cha trong gia đình là một mất mát lớn. Tôi nghĩ vậy, và mỗi khi đi trên đường, nhìn cảnh bố con một gia đình nào chơi đùa, đi bộ... tôi đều nghĩ tới Trang. Hoàn cảnh đặc biệt và thành tích học tập của Trang cũng thật đặc biệt: Mười năm liền là học sinh giỏi toàn diện, giải Nhất Toán cấp thành phố lớp 8, Giải ba thi Toán qua mạng cấp quốc gia lớp 9, Giải Nhì thi Toán cấp thành phố, cấp tỉnh lớp 9, Huy chương bạc Toán Hùng Vương dành cho học sinh các trường chuyên khu vức Miền núi phía Bắc, Huy chương đồng HOMO. Năm lớp 10 Trang để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm: 9,2 tổng kết và con số 9.2 lại một lần nữa xuất hiện trong kết quả học tập kì 1 vừa rồi. Đặc biệt hơn hết trong những ngày gần đây một niềm vui vô bờ bến đã đến với Trang, Thầy cô, Gia đình và các bạn đó là trang đã giành giải 3 Quốc gia môn Toán năm học 2011 - 2012.




Thu Trang (lớp trưởng 11 Chuyên Toán K20) đang thu don dụng cụ khi kết thúc các trận kéo co của Đoàn trường

Nếu Trang và Giang cùng chung nỗi buồn vì gia đình tan vỡ, không hạnh phúc thì câu chuyện về hai học sinh lớp 10 Toán K21 lại cho thấy những góc khuất khác, những hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Đó là em Nguyễn Thị Hảo và Trần Thị Mai Anh.

Mẹ Hảo bị bệnh tâm thần từ khi em học lớp 3, những thành viên khác trong gia đình chỉ còn có thể trông đợi vào một người chèo lái đó là bố của Hảo. Công việc hàng ngày của bố là làm mì. Thu nhập chẳng được là bao giữa thời buổi này, đặc biệt lại phải nuôi hai con ăn học, anh trai Hảo giờ đang là sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nói ra thì chẳng ai tin: giữa lòng thành phố thì nghèo khổ gì, nhưng quả thực, cuộc đời luôn chứa đựng trong nó những nghịch lí. Ngôi nhà với những con người tảo tần, vất vả, bươn chải của gia đình Hảo dường như lọt thỏm giữa lòng thành phố nhộn nhịp,hối hả và xô bồ này. Hảo đã phải tự lập từ nhỏ, với một cô con gái khôn lớn, không gì ý nghĩa bằng sự sẻ chia và dạy dỗ của người mẹ, sự thiệt thòi ấy không làm cho Hảo nhụt chí. Hảo hăng say học tập và thành tích của em cũng thật đáng nể: giải ba Toán thành phố lớp 8, giải Khuyến khích môn Hóa thành phố lớp 8, giải Nhất toán thành phố lớp 9. Hiện nay Hảo đang giữ cương vị Bí thư chi đoàn 10 Toán.




Hảo bên trái cùng bạn trước giờ lên lớp

Luôn song hành với Hảo trong mọi hoạt động của lớp là Mai Anh, tôi không thể ngờ rằng: đằng sau dáng người nhỏ nhắn, nhí nhảnh, đôi mắt kính cận lại là một tâm hồn nghị lực như thế. Mẹ Mai Anh bị bệnh tim, đã thay van tim hai lần nhưng vẫn phải điều trị định kì tới giờ. Bố của em bị phát hiện có khối u năm em học lớp 8, dù đã được mổ nhưng khối u đó bây giờ vẫn còn. Bố và mẹ em đều mất khả năng lao động. Cũng như Hảo, Mai Anh phải sống tự lập từ bé, cả hai em, hàng ngày đều phải cùng với người thân của mình vượt qua nỗi đau bệnh tật. Có lẽ vì thế mà các em đều mong muốn sau này trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho cha mẹ, chữa bệnh cho mọi người để họ quên đi nỗi đau thể xác chính là ước muốn của Mai Anh và Hảo. Tôi tin rằng hai em sẽ làm được điều đó bằng nghị lực và thực lực của mình. Mai Anh trong học tập không hề tỏ ra kém cạnh. Nhiều năm liền đạt giải trong kì thi HSG cấp tỉnh, thành phố: giải Ba Toán cấp thành phố, giải Ba Hóa thành phố, giải Ba Toán cấp tỉnh... Mai Anh còn là vận động viên thể thao cừ khôi khi đem về giải Nhất đá cầu thành phố lớp 9, giải Nhì bóng chuyền thành phố lớp 8... Từng đảm nhiệm vị trí Liên đội phó của trường THCS Ngô Sĩ Liên từ lớp 6 đến lớp 9 và hiện nay em đang là lớp trưởng mẫu mực của 10 Toán K21.



Hảo thành viên đội TNXK trong ngày 20 - 11

Mỗi em một hoàn cảnh, mỗi em một số phận. Nhưng tôi tin sau này các em sẽ thành công. Số phận là gì? Trời đặt còn mình sáng tạo. Các em đã chủ động sáng tạo số phận mình bằng những nỗ lực cố gắng không ngừng. Các em đã vượt lên trên số phận. Những tâm hồn giàu nghị lực như các em đã giúp tôi nhận ra một điều rằng: Sự sống do mẹ cha ban phát, nhưng ý nghĩa của sự sống do bản thân ta tạo dựng. Và các em đang sống một cuộc đời tuy khó khăn, tuy vất vả, tuy đôi khi cảm thấy cô đơn nhưng thật ý nghĩa, thật đáng quý, đáng trân trọng./.

CLB. PV nhỏ - THPT Chuyên Bắc Giang
Trung bình (0 Bình chọn)

Chúng tôi trên Google Map! Chúng tôi trên Google Map!

Tin mới nhất Tin mới nhất

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 18,948
Tổng số trong ngày: 14,855
Tổng số trong tuần: 43,905
Tổng số trong tháng: 74,266
Tổng số trong năm: 3,936,973
Tổng số truy cập: 17,082,105